Hướng dẫn sử dụng thuốc nhỏ mắt Oflovid

Thuốc nhỏ mắt Oflovid được bào chế dưới dạng dung dịch nhỏ mắt với thành phần chính là Ofloxacin. Thuốc Oflovid được sử dụng trong điều trị một số bệnh ở mắt như viêm kết mạc, viêm túi lệ, viêm bờ mi,...

1. Thuốc nhỏ mắt Oflovid 0.3 có công dụng gì?

Mỗi lọ 5ml Oflovid thuốc nhỏ mắt có thành phần chính là 0,3% Ofloxacin.

Ofloxacin có tác dụng ức chế tổng hợp ADN của vi khuẩn một cách chuyên biệt. Thuốc Oflovid có công dụng diệt khuẩn ở mức nồng độ ức chế tối thiểu (MIC).

Hoạt tính kháng khuẩn: Ofloxacin có hoạt tính kháng khuẩn với hiệu lực mạnh, phổ rộng chống lại các vi khuẩn gây nhiễm khuẩn mắt bao gồm:

  • Vi khuẩn gram dương: Streptococcus sp. (kể cả S. pneumoniae), Staphylococcus sp., Corynebacterium sp., Micrococcus sp.,...;
  • Vi khuẩn gram âm: Haemophilus influenzae, Haemophilus aegyptius (trực khuẩn Koch - Weeks), Pseudomonas sp. (kể cả P. aeruginosa), Moraxella sp., Klebsiella sp., Serratia sp., Proteus sp., Acinetobacter Sp.,...
  • Vi khuẩn kỵ khí: Propionibacterium acnes,...

Chỉ định: Oflovid thuốc nhỏ mắt được chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Điều trị viêm túi lệ, viêm bờ mi, chắp (lẹo), viêm sụn mi, viêm kết mạc, viêm giác mạc (kể cả loét giác mạc) do nhiễm phải các chủng vi khuẩn nhạy cảm kể trên;
  • Sử dụng làm kháng sinh dự phòng dùng trước và sau phẫu thuật mắt.

Chống chỉ định: Thuốc nhỏ mắt đỏ Oflovid không được sử dụng trong các trường hợp người bệnh có tiền sử quá mẫn với các thành phần có trong thuốc hay với bất cứ kháng sinh quinolon nào.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc nhỏ mắt Oflovid 0.3

Cách dùng: Sử dụng thuốc Oflovid bằng cách nhỏ trực tiếp vào mắt.

Liều dùng: Thông thường, liều dùng thuốc Oflovid áp dụng cho cả trẻ em và người lớn là mỗi lần nhỏ vào mắt 1 giọt, tần suất 3 lần/ngày. Liều lượng thuốc có thể được điều chỉnh theo triệu chứng của người bệnh. Thời gian điều trị tùy theo loại nhiễm khuẩn cũng như sự đáp ứng của bệnh nhân.

Chú ý: Liều dùng thuốc nhỏ mắt Oflovid 0.3 như trên chỉ có tính chất tham khảo. Tốt nhất người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn.

Quá liều: Hiện không có dữ liệu về tình trạng quá liều thuốc nhỏ mắt Oflovid nhưng người dùng vẫn cần cẩn thận nếu có triệu chứng nghi ngờ dùng thuốc quá liều.

Quên liều: Nếu quên 1 liều Oflovid, bệnh nhân cần bổ sung ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, cần chú ý giãn cách với liều kế tiếp. Người bệnh có thể bỏ qua liều đã quên nếu đã gần tới thời điểm dùng liều tiếp theo.

3. Tác dụng phụ của thuốc nhỏ mắt Oflovid 0.3

Trong quá trình sử dụng thuốc nhỏ mắt Oflovid, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Ít gặp: Ngứa mí mắt, kích ứng mắt, viêm bờ mi, xung huyết kết mạc, sưng mí mắt, đau mắt;
  • Không rõ tần suất:
    • Phản ứng dị ứng: Phản ứng phản vệ, sốc, ban, mề đay;
    • Mắt: Viêm kết mạc (phù kết mạc/sung huyết kết mạc).

Cách xử trí khi gặp tác dụng phụ: Nếu gặp tác dụng phụ của thuốc nhỏ mắt Oflovid, bệnh nhân cần dừng thuốc và thông báo cho các bác sĩ được biết hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ xử lý kịp thời. Nếu có bất kỳ triệu chứng nào xuất hiện như nổi ban, hạ huyết áp, khó thở, phù mí mắt,... người bệnh cần được đưa tới bệnh viện ngay. Ngoài ra, bệnh nhân nên mua thuốc nhỏ mắt Oflovid tại cơ sở uy tín để tránh mua nhầm hàng giả, gây tác dụng phụ không mong muốn.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Oflovid 0.3

Trước và trong quá trình sử dụng thuốc Oflovid, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Thuốc nhỏ mắt Oflovid 0.3 chỉ được sử dụng theo đơn của bác sĩ;
  • Thuốc Oflovid chỉ được dùng theo đường nhỏ mắt;
  • Khi sử dụng thuốc, không nên để đầu lọ thuốc chạm trực tiếp vào mắt để tránh làm nhiễm bẩn thuốc. Đồng thời, không để đầu lọ thuốc tiếp xúc với các bề mặt khác;
  • Khi dùng thuốc Oflovid với 1 loại thuốc nhỏ mắt khác, nên nhỏ cách nhau tối thiểu 5 phút;
  • Để tránh sự xuất hiện của các loại vi khuẩn kháng thuốc, cần khẳng định tính nhạy cảm của các vi khuẩn, điều trị với thuốc Oflovid 0.3 nên giới hạn trong thời gian tối thiểu cần tiêu diệt vi khuẩn;
  • Tránh sử dụng thuốc nhỏ mắt Oflovid kéo dài hơn so với chỉ định;
  • Hiện chưa được biết về ảnh hưởng của thuốc đến khả năng lái xe và vận hành máy móc nên cần cẩn thận;
  • Chỉ dùng thuốc nhỏ mắt đỏ Oflovid cho phụ nữ có thai và trong thời kỳ cho con bú nếu lợi ích điều trị dự tính hơn hẳn nguy cơ có thể xảy ra đối với con bú mẹ.

5. Tương tác thuốc Oflovid 0.3

Hiện vẫn chưa có nghiên cứu về tương tác thuốc của thuốc nhỏ mắt Oflovid 0.3. Tuy nhiên, do có khả năng xảy ra hấp thụ toàn thân sau khi sử dụng Ofloxacin tại mắt nên có khả năng xảy ra các tương tác thuốc như với kháng sinh nhóm quinolon sử dụng đường toàn thân. Cụ thể, thuốc có thể với cafein, theophylin, cyclosporin, các thuốc chống đông máu đường uống,...

Trong quá trình sử dụng thuốc nhỏ mắt Oflovid 0.3, người bệnh cần làm theo chỉ dẫn của bác sĩ để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất cho các bệnh viêm nhiễm ở mắt. Đồng thời, bệnh nhân nên thông báo cho bác sĩ nếu đang sử dụng bất kỳ 1 loại thuốc nào khác để được tư vấn phù hợp, tránh nguy cơ xảy ra tương tác thuốc nguy hiểm.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

275.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan