Công dụng thuốc Zokora-20

Thuốc Zokora 20 có hoạt chất chính là Olmesartan medoxomil, được chỉ định trong điều trị tăng huyết áp. Tuân thủ chỉ định dùng thuốc Zokora 20 sẽ giúp người bệnh tránh được các tác dụng không mong muốn.

1. Zokora 20 là thuốc gì?

Thuốc Zokoro 20 có hoạt chất chính là Olmesartan medoxomil 20 mg, 1 thuốc đối kháng thụ thể angiotensin II. Angiotensin II được hình thành từ angiotensin I nhờ sự xúc tác của enzym chuyển angiotensin (ACE). Angiotensin II có tác dụng co mạch, kích thích tổng hợp và giải phóng aldosterone, kích thích tái hấp thu natri và nước ở thận. Hoạt chất Olmesartan sẽ ngăn chặn tác dụng co mạch của angiotensin II bằng cách ngăn chặn sự gắn kết của angiotensin II với thụ thể, từ đó giúp hạ huyết áp.

2. Công dụng của thuốc Zokora 20

Thuốc Zokora 20 được chỉ định trong điều trị tăng huyết áp.

Thuốc chống chỉ định ở các bệnh nhân sau đây:

  • Quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Tam cá nguyệt thứ 2, 3 của thai kỳ.
  • Tắc mật.
  • Chống chỉ định sử dụng chung Olmesartan và aliskiren ở bệnh nhân đái tháo đường hoặc suy thận (GFR <60 ml/phút/1,73 m2).

3. Liều lượng và cách dùng của thuốc Zokora 20

  • Người lớn: Liều thuốc Zokora 20 khởi đầu được khuyến cáo là 10mg x 1 lần/ ngày. Nếu huyết áp chưa được kiểm soát, tăng đến liều 20mg x 1 lần/ ngày, tối đa 40 mg mỗi ngày hoặc có thể phối hợp thêm hydrochlorothiazide.
  • Trẻ em: Trẻ em 6 - 18 tuổi có cân nặng từ 20 đến < 35 kg, liều Zokora 20 khởi đầu là 10 mg x 1 lần/ ngày, có thể tăng lên tối đa 20 mg x 1 lần/ngày sau 2 tuần.
  • Trẻ em 6–18 tuổi nặng ≥ 35kg: Liều Zokora 20 khởi đầu là 20 mg x 1 lần/ ngày, có thể tăng lên tối đa 40 mg x 1 lần/ ngày sau 2 tuần.
  • Người cao tuổi: Nhìn chung không cần điều chỉnh liều lượngthuốc Zokoro ở người lớn tuổi. Liều tối đa là 40mg mỗi ngày và cần theo dõi chặt chẽ huyết áp khi sử dụng liều cao
  • Suy thận: Liều Zokora 20 tối đa ở bệnh nhân suy thận nhẹ đến trung bình (độ thanh thải creatinin 20-60 ml/phút) là 20 mg x 1 lần/ngày.
  • Suy gan: Không cần điều chỉnh liều thuốc Zokora 20 cho bệnh nhân suy gan nhẹ. Ở những bệnh nhân suy gan trung bình, liều Zokora 20 khởi đầu là 10 mg x 1 lần/ ngày và liều tối đa không được vượt quá 20mg x 1 lần/ ngày.

4. Tác dụng phụ của thuốc Zokora 20

Bệnh nhân sử dụng thuốc Zokora có thể gặp phải các tác dụng không mong muốn bao gồm:

  • Thường gặp: Tăng Triglyceride máu, tăng acid uric máu, đau đầu, ho, viêm họng, viêm mũi, viêm phế quản, triệu chứng giống cúm, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, viêm dạ dày ruột, rối loạn tiêu hóa, viêm khớp, đau lưng, tiểu ra máu, nhiễm trùng đường tiết niệu, mệt mỏi, phù ngoại biên, tăng men gan và tăng ure huyết.
  • Ít gặp: Giảm tiểu cầu, chóng mặt, nôn, mày đay, phát ban, ngứa, viêm da dị ứng, cơn đau thắt ngực và đau cơ.
  • Hiếm gặp: Tăng creatinin huyết thanh, hôn mê, suy thận cấp, co thắt cơ, phù mạch, tăng kali máu và hạ huyết áp.

5. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Zokora 20

  • Hạ huyết áp có triệu chứng, đặc biệt sau liều đầu tiên của Zokora, có thể xảy ra ở những bệnh nhân giảm thể tích và/ hoặc natri do điều trị lợi tiểu mạnh. Người bệnh nên hạn chế muối trong chế độ ăn.
  • Ở những bệnh nhân có trương lực mạch và chức năng thận phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động của hệ thống renin-angiotensin-aldosterone (ví dụ bệnh nhân bị suy tim sung huyết nặng hoặc bệnh thận tiềm ẩn, bao gồm cả hẹp động mạch thận), điều trị bằng các loại thuốc ảnh hưởng đến hệ thống này có liên quan đến hạ huyết áp cấp, thiếu máu, thiểu niệu hoặc hiếm hơn là suy thận cấp.
  • Tăng nguy cơ hạ huyết áp nghiêm trọng và suy thận khi bệnh nhân bị hẹp động mạch thận hai bên được điều trị bằng các sản phẩm thuốc ảnh hưởng đến hệ thống renin-angiotensin-aldosterone.
  • Khi sử dụng thuốc Zokora cho bệnh nhân suy giảm chức năng thận, nên theo dõi định kỳ nồng độ kali và creatinin huyết thanh. Không khuyến cáo sử dụng Zokora ở bệnh nhân suy thận nặng (độ thanh thải creatinin <20 mL / phút). Chưa có kinh nghiệm về việc sử dụng thuốc ở bệnh nhân mới ghép thận hoặc bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối.
  • Tăng kali máu: Sử dụng các sản phẩm thuốc Zokora có thể gây tăng kali huyết. Nguy cơ có thể tăng lên ở người lớn tuổi, ở bệnh nhân suy thận và bệnh nhân đái tháo đường, bệnh nhân được điều trị đồng thời với các sản phẩm thuốc khác có thể làm tăng nồng độ kali.
  • Bệnh nhân mắc chứng cường aldosteron nguyên phát nhìn chung sẽ không đáp ứng với các thuốc hạ huyết áp có tác dụng ức chế hệ thống renin-angiotensin. Do đó, việc sử dụng thuốc Zokora 20 không được khuyến cáo ở những bệnh nhân như vậy.
  • Trong một số trường hợp rất hiếm, bệnh nhân dùng thuốc có thể gặp tình trạng tiêu chảy mãn tính nặng kèm theo sụt cân đáng kể sau vài tháng đến vài năm kể từ khi bắt đầu dùng thuốc, có thể là do phản ứng quá mẫn muộn cục bộ gây ra. Nếu bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng này trong quá trình điều trị bằng Zokora và không có các nguyên nhân rõ ràng khác, thì nên ngừng điều trị bằng ngay lập tức và không nên bắt đầu lại.
  • Phụ nữ mang thai: Thuốc đối kháng Angiotensin II không nên dùng trong thời kỳ mang thai. Trừ khi việc tiếp tục điều trị bằng thuốc được coi là cần thiết, bệnh nhân đang có kế hoạch mang thai nên được chuyển sang thuốc điều trị tăng huyết áp thay thế. Nếu được chẩn đoán có thai trong khi dùng thuốc, nên ngừng điều trị ngay lập tức và bắt đầu liệu pháp thay thế.
  • Phụ nữ cho con bú: Hiện không rõ Olmesartan có bài tiết qua sữa mẹ hay không, nhưng thí nghiệm trên động vật cho thấy Olmesartan được bài tiết ở nồng độ thấp trong sữa của chuột. Do nguy cơ gây ra các tác động bất lợi đến trẻ bú mẹ, nên ngừng cho con bú hoặc ngừng thuốc Zokora 20 tùy vào lợi ích điều trị đối với mẹ.

6. Tương tác thuốc

Sử dụng đồng thời Zokora 20 với một số thuốc khác có thể dẫn tới tương tác, ảnh hưởng tới kết quả điều trị và/ hoặc gia tăng các tác dụng ngoại ý. Sau đây là một số tương tác cần lưu ý khi sử dụng thuốc Zokora 20:

  • Tác dụng hạ huyết áp của Zokora 20 có thể được tăng lên khi sử dụng đồng thời với các thuốc hạ huyết áp khác.
  • Sử dụng đồng thời NSAID và thuốc đối kháng thụ thể Angiotensin-II có thể làm giảm mức lọc cầu thận, tăng nguy cơ xuất hiện suy thận cấp.
  • Dùng đồng thời các thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn thụ thể Angiotensin II hoặc aliskiren có thể làm tăng nguy cơ hạ huyết áp, tăng kali huyết và giảm chức năng thận.
  • Sử dụng Zokora 20 với Colesevelam hydrochloride sẽ làm giảm nồng độ đỉnh trong huyết tương và thời gian bán thải của Zokora 20.
  • Sự gia tăng nồng độ và độc tính của lithi đã được báo cáo khi dùng đồng thời lithi với thuốc đối kháng angiotensin II. Do đó không khuyến cáo sử dụng phối hợp thuốc Zokora 20 và lithi.

Bài viết đã cung cấp thông tin Zokora 20 có tác dụng gì, liều dùng và lưu ý khi sử dụng. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và phát huy tối đa hiệu quả điều trị, người bệnh cần dùng thuốc Zokora 20 theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Lưu ý, Zokora 20 là thuốc kê đơn, cần sử dụng theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh không nên tự ý dùng vì có thể gặp phải tác dụng không mong muốn.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

935 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan