Công dụng thuốc Zengesic

Thuốc Zengesic 500mg được sử dụng chủ yếu để hạ sốt và giảm đau mức độ nhẹ đến trung bình. Trong suốt quá trình điều trị bằng Zengesic, bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ các khuyến cáo của bác sĩ về liều lượng cũng như cách dùng sao cho đúng đắn và hiệu quả nhất.

1. Thuốc Zengesic là thuốc gì?

Zengesic thuộc nhóm thuốc giảm đau hạ sốt, được sản xuất bởi Công ty TNHH Liên doanh Stada Việt Nam. Thuốc Zengesic 500mg được bào chế dưới dạng viên nén bao phim, với quy cách đóng gói hộp 10 vỉ x 10 viên hoặc một chai gồm 100 viên. Trong mỗi viên nén Zengesic có chứa các thành phần sau:

  • Hoạt chất chính: Paracetamol với hàm lượng 500mg và Diclofenac hàm lượng 50mg.
  • Tá dược khác vừa đủ cho một viên nén.

2. Chỉ định và công dụng của thuốc Zengesic

2.1 Chỉ định dùng thuốc Zengesic

Thuốc Zengesic 500mg được chỉ định sử dụng trong các trường hợp dưới đây:

  • Giảm cơn đau nhẹ cho đến trung bình ở những bệnh nhân mắc các bệnh lý xương khớp, ví dụ như viêm cột sống dính khớp hoặc viêm khớp dạng thấp.
  • Giảm đau bụng kinh cho phụ nữ
  • Giảm đau răng hoặc đau sau tiểu phẫu nha khoa.
  • Kháng viêm và giảm đau do viêm khớp mãn tính hoặc đau nhức do trật khớp.
  • Điều trị các chứng rối loạn cơ xương (bong gân / viêm gân), đau hậu phẫu, bệnh gout cấp hoặc giảm đau cơn quặn thận.
  • Giảm các triệu chứng đau nửa đầu / cả đầu.
  • Giảm cơn sốt do vi khuẩn, nhức nhức đầu do cảm cúm.

2.2 Tác dụng của các thành phần chính trong thuốc Zengesic 500mg

Tác dụng của Paracetamol

Thành phần Paracetamol hay còn được biết đến là Acetaminophen, thuộc nhóm thuốc NSAID, mang hoạt tính của Phenacetin. Paracetamol có công dụng hạ sốt và giảm đau giống với Aspirin.

Tác dụng hạ nhiệt nhanh của Paracetamol dựa trên cơ chế tác động lên vùng dưới đồi, tăng lưu lượng máu ngoại vi và tỏa nhiệt do giãn mạch. Ngoài ra, Paracetamol không có khả năng gây kích ứng, ít tác động đến tim mạch và hệ hô hấp, đồng thời không gây loét / chảy máu dạ dày như Salicylat.

Tác dụng của Diclofenac

Diclofenac cũng thuộc nhóm thuốc NSAID, là một dẫn xuất của Phenylacetic, có khả năng chống viêm, giảm đau và hạ sốt nhanh chóng. Diclofenac có khả năng ức chế hoạt tính của Cyclooxygenase, thromboxane, giảm tạo PG. Ngoài ra, hoạt chất này cũng có khả năng ức chế COX 1, dẫn đến tác dụng phụ ở niêm mạc dạ dày và chống kết tập tiểu cầu. Cơ chế này có thể mang lại công dụng hạ sốt, giảm đau và chống viêm nhanh chóng cho thuốc.

3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Zengesic 500mg

3.1 Liều lượng sử dụng thuốc Zengesic 500mg

Thuốc Zengesic được khuyến cáo sử dụng cho trẻ em trên 12 tuổi và người lớn với liều lượng cụ thể là 1 viên / lần, ngày uống 2 – 3 lần. Mỗi liều uống tốt nhất nên cách nhau tối thiểu 4 tiếng.

3.2 Hướng dẫn sử dụng đúng cách thuốc Zengesic 500mg

Thuốc Zengesic được bào chế dưới dạng viên nén, do đó thuốc nên được sử dụng bằng đường uống. Thời điểm thích hợp nhất để uống Zengesic 500mg là sau bữa ăn chính để tránh gây kích ứng dạ dày.

Nhằm tránh khiến thuốc dính vào thực quản hoặc dạ dày, bệnh nhân nên uống thuốc cùng một cốc nước lớn. Tuy nhiên, bạn chỉ nên uống thuốc với nước lọc, không sử dụng cùng với nước có gas, chất kích thích hoặc đồ uống có cồn,...

3.3 Xử trí quá liều thuốc Zengesic 500mg

Khi uống quá liều thuốc Zengesic, bệnh nhân có thể gặp phải những triệu chứng quá liều sau:

  • Buồn nôn, nhức đầu, nôn mửa.
  • Đau bụng, tiêu chảy, xuất huyết tiêu hoá.
  • Kích thích, mất phương hướng, ngủ lơ mơ, gây mê,
  • Ngất.
  • Co giật.
  • Suy thận cấp do gan bị tổn thương.

Khi gặp phải bất kỳ triệu chứng nào ở trên, bệnh nhân nên báo ngay cho bác sĩ để được xử trí.

4. Các tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng thuốc Zengesic

Khi dùng thuốc Zengesic 500mg để giảm đau hạ sốt, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ dưới đây:

  • Tác dụng phụ thường gặp: Đau thượng vị, nhức đầu hoặc cảm giác bồn chồn.
  • Tác dụng phụ ít gặp: Buồn nôn, phát ban, độc tính trên thận khi dùng dài ngày, rối loạn tạo máu (giảm bạch cầu trung tính), chảy máu đường tiêu hoá, đau bụng, phù, dị ứng, tụt huyết áp, choáng phản vệ, mề đay, viêm mũi, nôn máu, tiểu ra máu, trầm cảm, đau thắt phế quản hoặc lo âu khó chịu.
  • Tác dụng phụ hiếm gặp: Phù, viêm màng não vô khuẩn, rụng tóc, hội chứng Steven-Johnson, viêm bàng quang, rối loạn co bóp túi mật, suy thận cấp, đái ra máu, hội chứng thận hư.

Khi nhận thấy xảy ra bất kỳ tác dụng phụ nào được đề cập ở trên, bệnh nhân cần thông báo sớm cho bác sĩ để có biện pháp khắc phục.

5. Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Zengesic 500mg

5.1 Chống chỉ định sử dụng Zengesic 500mg

Thuốc Zengesic không nên sử dụng cho các trường hợp dưới đây:

  • Người bị mẫn cảm với Aspirin, Paracetamol, các loại thuốc chống viêm không steroid hoặc bất kỳ dược chất nào có trong thuốc.
  • Mắc bệnh loét dạ dày mãn tĩnh cần tránh dùng Zengesic.
  • Người bị co thắt phế quản, hen, chảy máu, suy thận nặng, suy gan nặng hoặc mắc bệnh tim không nên sử dụng thuốc Zengesic 500mg.
  • Tránh dùng Zengesic cho người đang sử dụng thuốc chống đông máu (Coumarin).
  • Người mắc bệnh chất tạo keo.
  • Người bị giảm thể tích tuần hoàn do thuốc lợi niệu hoặc suy tim ứ máu cần tránh dùng Zengesic.
  • Không dùng Zengesic khi cơ thể thiếu men Glucose- 6- phosphate dehydrogenase.

5.2 Cần thận trọng gì khi sử dụng thuốc Zengesic 500mg?

Cần thận trọng khi sử dụng Zengesic cho các trường hợp sau:

  • Bệnh nhân suy tim, người cao tuổi và người đang sử dụng các thuốc kháng viêm không steroid cần thận trọng khi điều trị bằng thuốc Zengesic.
  • Sử dụng kéo dài Paracetamol liều cao có thể gây tổn thương tế bào gan.
  • Cẩn trọng dùng Zengesic cho bệnh nhân có tiền sử loét, thủng hoặc chảy máu đường tiêu hoá, thiếu máu, bị phenylceton niệu hoặc nghiện rượu.
  • Bệnh nhân bị nhiễm khuẩn cần thận trọng dùng Zengesic theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Người có tiền sử rối loạn chảy máu hoặc đông máu nên tham khảo kỹ ý kiến của bác sĩ trước khi dùng Zengesic.
  • Phụ nữ mang thai cần cẩn trọng khi dùng Zengesic, nhất là 3 tháng cuối thai kỳ vì thuốc có thể gây khó sinh.
  • Phụ nữ nuôi trẻ bú cũng cần trao đổi với bác sĩ về lợi ích và rủi ro của việc dùng thuốc Zengesic bởi thuốc có thể gây hại cho trẻ sơ sinh.

5.3 Tương tác của thuốc Zengesic 500mg với thuốc khác

Dưới đây là thông tin về các chất và loại thuốc có thể xảy ra tương tác khi dùng kết hợp với Zengesic, bao gồm:

  • Đồ uống chứa cồn (rượu, bia) có nguy cơ làm tăng độc tính trên gan khi dùng chung với thuốc Zengesic.
  • Làm tăng tác dụng đông máu của Warfarin và một số loại Coumarin khác.
  • Kết hợp sử dụng giữa Zengesic và một số thuốc chống co giật như Barbiturat, Carbamazepin và Phenytoin có thể làm tăng độc tính trên gan.
  • Làm giảm hấp thu của Paracetamol khi dùng cùng với Cholestyramin.
  • Làm giác tác dụng của thuốc chống nôn (Domperidon) khi dùng kèm với thuốc Zengesic 500mg.
  • Làm giảm tác dụng của thuốc Zengesic khi dùng chung với thuốc điều trị dạ dày thực quản (Metoclopramide).
  • Làm tăng nguy cơ tiến triển cơn co giật khi dùng chung với kháng sinh nhóm Quinolon.
  • Làm tăng tác dụng bất lợi trên hệ tiêu hoá khi dùng cùng Glucocorticoid và các thuốc chống viêm nhóm NSAID.
  • Giảm tác dụng lợi tiểu khi kết hợp sử dụng Zengesic với thuốc lợi tiểu (Thiazid, Furosemid).
  • Làm giảm tác dụng dược lý của thuốc Zengesic khi dùng đồng thời với các thuốc chống tăng huyết áp.

Nhằm ngăn ngừa nguy cơ gặp phải các triệu chứng tương tác thuốc không mong muốn, bệnh nhân cần báo cho bác sĩ danh sách các dược phẩm mà mình đang sử dụng, bao gồm cả thực phẩm bảo vệ sức khỏe hay viên uống bổ sung vitamin.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan