Công dụng thuốc Yupelri

Thuốc Yupelri có tác dụng giãn cơ trơn phế quản, thường được dùng để giúp giãn phế quản trong các trường hợp bệnh gây ra co thắt phế quản. Để hiểu rõ hơn về thuốc Yupelri bạn hãy tham khảo những thông tin về thuốc qua bài viết dưới đây.

1. Thuốc Yupelri là thuốc gì?

Thuốc Yupelri là thuốc gì? Thuốc Yupelri có thành phần chính là Revefenacin, được bào chế dưới dạng dung dịch.

Thuốc Revefenacin là một loại thuốc thuốc giãn phế quản kháng cholinergic. Các loại thuốc kháng cholinergic giúp các cơ xung quanh đường dẫn khí trong phổi được giãn ra. Yupelri có tác dụng làm thư giãn các cơ trong đường hô hấp để giúp ngăn ngừa tình trạng thở khò khè, ho, tức ngực và khó thở.

Yupelri là một loại thuốc được kê đơn và được chỉ định để sử dụng trong việc điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), bao gồm cả tình trạng khí phế thũng và viêm phế quản mãn tính.

2. Cách sử dụng thuốc Yupelri

Liều lượng và cách dùng: Liều dùng cho người lớn thông thường cho bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là một lọ 175 mcg mỗi ngày một lần, dùng thông qua máy khí dung có ống ngậm.

Bạn cần sử dụng thuốc Yupelri chính xác theo quy định của bác sĩ. Không được trộn thuốc này với các loại thuốc khác trong cốc đựng thuốc của máy khí dung.

Không nên ngừng sử dụng thuốc Yupelri đột ngột, nếu như chưa có chỉ định của bác sĩ. Dừng đột ngột thuốc kháng cholinergic có thể khiến tình trạng bệnh biến chứng nặng nề hơn.

Quá liều: Các triệu chứng của tình trạng quá liều có thể bao gồm biểu hiện buồn nôn, nôn mửa, các vấn đề về thị lực, khó đi tiểu hoặc cảm thấy choáng váng. Người bệnh cần tới cơ sở y tế gần nhất để được điều trị nếu như bạn gặp phải tình trạng quá liều hay có biểu hiện quá liều.

3. Những tác dụng phụ của thuốc Yupelri

Khi dùng thuốc Yupelri có thể gây ra các tác dụng phụ từ nhẹ tới nặng bao gồm:

  • Nhận trợ giúp y tế khẩn cấp nếu như bạn có bất kỳ dấu hiệu của phản ứng dị ứng với thuốc Yupelri như: Phát ban; khó thở; sưng mặt, sưng môi, sưng lưỡi hoặc cổ họng; đau bụng dữ dội; có thể ngất.
  • Thông báo ngay với bác sĩ nếu bạn có tác dụng phụ như: Tình trạng thở khò khè, nghẹt thở hoặc gặp phải các vấn đề về hô hấp khác sau khi sử dụng thuốc này; mờ mắt, tầm nhìn đường hầm, đau mắt hoặc đỏ mắt, hoặc nhìn thấy quầng sáng xung quanh đèn; tiểu đau hoặc tiểu khó khăn; hoặc khó đi tiểu.
  • Những tác dụng phụ khác thường gặp hơn có thể bao gồm: nhức đầu; đau lưng hoặc các triệu chứng giống như cảm lạnh như sổ mũi, hắt hơi, ho, đau họng.

Trên đây không phải là danh sách đầy đủ các tác dụng phụ của thuốc Yupelri. Nếu trong quá trình dùng thuốc gặp phải các tác dụng phụ khác, người bệnh cần báo với bác sĩ để được tư vấn.

4. Những điều cần lưu ý khi dùng thuốc Yupelri

Thuốc này không được chỉ định dùng nếu như bạn bị dị ứng với Revefenacin và không dùng thuốc cho người dưới 18 tuổi.

Trước khi dùng thuốc, để đảm bảo Yupelri an toàn, hãy nói với bác sĩ nếu bạn đã từng: Bị bệnh tăng nhãn áp; gặp các vấn đề về tiểu tiện; phì đại tuyến tiền liệt; hoặc mắc bệnh gan. Bạn cũng cần cho bác sĩ biết nếu bạn đang mang thai hoặc đang cho con bú.

Thuốc Yupelri không phải là thuốc được dùng để cấp cứu cho các cơn co thắt phế quản. Người bệnh chỉ sử dụng thuốc hít có tác dụng nhanh khi lên cơn và cần nhận sự chăm sóc y tế nếu các vấn đề về hô hấp trở nên nặng hơn nhanh chóng.

Tương tác các loại thuốc với thuốc Yupelri: Bạn nên nói với bác sĩ về tất cả các loại thuốc khác của bạn, đặc biệt là các thuốc để điều trị trầm cảm, chống lo lắng, rối loạn tâm trạng hoặc bệnh tâm thần; thuốc cảm hoặc dị ứng (Benadryl và những loại khác); thuốc điều trị bệnh Parkinson; các thuốc điều trị các vấn đề về dạ dày, say tàu xe hoặc hội chứng ruột kích thích; thuốc để điều trị tình trạng bàng quang hoạt động quá mức; hoặc thuốc điều hen suyễn, thuốc giãn phế quản khác.

Bảo quản thuốc Yupelri trong túi giấy bạc ở nhiệt độ phòng. Sử dụng thuốc này ngay sau khi mở. Vứt bỏ túi thuốc không được sử dụng trước ngày hết hạn trên nhãn. Không sử dụng thuốc nếu như nhận thấy đã thay đổi màu sắc hoặc trông có màu đục.

Thuốc Yupelri là thuốc kê đơn được chỉ định dùng kéo dài để ngăn ngừa tình trạng co thắt phế quản. Bạn cần dùng đúng theo chỉ định và nếu có bất thường cần báo ngay với bác sĩ để được tư vấn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: drugs.com, webmd.com, yupelri.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

148 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan