Công dụng thuốc Ventizam 37,5

Thuốc Ventizam 37,5 được bào chế dưới dạng viên nén, có thành phần chính là Venlafaxin. Thuốc được sử dụng trong điều trị trầm cảm và rối loạn lo âu.

1. Thuốc Ventizam 37,5 công dụng là gì?

1 viên thuốc Ventizam 37,5 có chứa Venlafaxin hydroclorid, tương đương 37,5mg Venlafaxin và các tá dược khác. Venlafaxin là 1 thuốc chống trầm cảm, dẫn xuất từ phenylethylamin, thuộc loại ức chế tái hấp thu noradrenalin và serotonin. Cơ chế tác dụng chính xác của thuốc hiện chưa được đánh giá đầy đủ.

Tuy nhiên, Venlafaxin và chất chuyển hóa có hoạt tính là O-desmethyl venlafaxine (ODV) có khả năng ức chế tái hấp thu serotonin mạnh, yếu hơn 1 chút đối với noradrenalin. Thuốc này ít ức chế tái hấp thu dopamin. Venlafaxin không có tác dụng gây ngủ và kháng muscarin của các loại thuốc chống trầm cảm 3 vòng.

Chỉ định sử dụng thuốc Ventizam 37,5:

  • Điều trị trầm cảm kèm lo âu;
  • Ngăn ngừa giai đoạn trầm cảm tái phát hoặc khởi phát giai đoạn trầm cảm mới;
  • Điều trị lo âu hoặc rối loạn lo âu lan tỏa, kể cả điều trị dài hạn.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Ventizam 37,5:

  • Bệnh nhân mẫn cảm với thuốc hoặc thành phần bất kỳ của thuốc;
  • Người có nguy cơ cao về loạn nhịp tim hoặc tăng huyết áp không kiểm soát được;
  • Sử dụng đồng thời với thuốc ức chế MAO hoặc thuốc ức chế MAO không hồi phục;
  • Trẻ em dưới 18 tuổi;
  • Phụ nữ có thai.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Ventizam 37,5

Cách dùng: Đường uống. Bệnh nhân nên uống thuốc cùng thức ăn, dùng cùng vào 1 thời điểm giữa các ngày điều trị.

Liều dùng:

Người lớn:

  • Liều khởi đầu khuyến cáo là 75mg/ngày, chia thành 2 lần. Người bệnh không đáp ứng với liều khởi đầu 75mg/ngày có thể tăng liều phù hợp, tối đa là 375mg/ngày. Có thể tăng liều sau mỗi 2 tuần trở lên. Nếu triệu chứng trở nên nặng hơn, có thể tăng liều thường xuyên hơn nhưng khoảng cách giữa các lần tăng liều tối thiểu là 4 ngày;
  • Do nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ do liều thuốc, chỉ tăng liều sau khi đánh giá hiệu quả lâm sàng. Chỉ nên dùng liều tối thiểu có hiệu quả;
  • Người bệnh nên được điều trị trong một thời gian dài, khoảng vài tháng hoặc dài hơn. Nên tái đánh giá hiệu quả điều trị đối với từng bệnh nhân cụ thể. Việc điều trị dài ngày có thể thích hợp để dự phòng nguy cơ tái phát trầm cảm nặng. Trong hầu hết trường hợp, liều phòng ngừa tái phát là liều điều trị. Các thuốc chống trầm cảm cần dùng liên tục tối thiểu 6 tháng sau khi bệnh thuyên giảm.

Các đối tượng khác:

  • Bệnh nhân cao tuổi: Không cần thiết phải điều chỉnh liều dùng thuốc Ventizam 37,5 cho người bệnh cao tuổi. Tuy nhiên, cần thận trọng khi dùng thuốc vì bệnh nhân có thể bị suy thận, thay đổi độ nhạy dẫn truyền thần kinh liên quan đến lão hóa. Nên dùng liều thấp nhất có hiệu quả, theo dõi người bệnh cẩn thận khi tăng liều;
  • Trẻ em dưới 18 tuổi: Không khuyến cáo sử dụng Venlafaxin cho trẻ em dưới 18 tuổi. Các nghiên cứu trên trẻ em bị trầm cảm nặng không chứng minh được hiệu quả của thuốc, không ủng hộ việc dùng thuốc ở nhóm đối tượng bệnh nhân này. Hiệu quả và tính an toàn của thuốc ở trẻ chưa được xác định;
  • Bệnh nhân suy gan: Người bệnh suy gan nhẹ và trung bình nên được giảm 50% liều Venlafaxin. Tuy nhiên, do sự khác biệt về độ thanh thải, nên điều chỉnh liều dùng thuốc theo từng bệnh nhân. Cần thận trọng, cân nhắc giảm liều 50% cho người bệnh suy gan nặng. Nên cân nhắc hiệu quả điều trị và nguy cơ ở nhóm đối tượng bệnh nhân này;
  • Bệnh nhân suy thận: Nên hiệu chỉnh liều dùng thuốc ở người bệnh có mức lọc cầu thận 30 - 70ml/phút (cần thực sự thận trọng). Ở bệnh nhân suy thận nặng và thẩm tách máu với mức lọc cầu thận dưới 30ml/phút thì nên giảm liều 50%. Do sự khác nhau về độ thanh thải, nên hiệu chỉnh liều dùng phù hợp với từng người bệnh;
  • Triệu chứng ngừng thuốc khi ngưng sử dụng Venlafaxin: Không được ngừng dùng thuốc đột ngột. Khi có nhu cầu ngưng điều trị với Venlafaxin thì cần giảm liều từ từ trong ít nhất 1 - 2 tháng nhằm tránh phản ứng ngừng thuốc. Nếu triệu chứng không dung nạp xảy ra sau khi giảm liều hoặc sau khi ngưng điều trị thì nên cân nhắc sử dụng lại liều thuốc đã được kê đơn trước đó. Sau đó, bác sĩ có thể tiếp tục giảm liều cho bệnh nhân với tốc độ chậm hơn.

Quá liều: Triệu chứng quá liều thuốc Ventizam 37,5 bao gồm: Ngủ lịm, hôn mê, thay đổi điện tâm đồ, ngủ gà, xuất huyết nặng và loạn nhịp tim. Hiện chưa có thuốc giải độc đặc hiệu. Biện pháp xử trí quá liều chủ yếu là rửa dạ dày, dùng than hoạt nếu phát hiện sớm, điều trị triệu chứng và hỗ trợ hô hấp.

3. Tác dụng phụ của thuốc Ventizam 37,5

Khi sử dụng thuốc Ventizam 37,5, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

Rất thường gặp:

  • Hệ thần kinh: Khô miệng, đau đầu;
  • Hệ tiêu hóa: Buồn nôn;
  • Da: Toát mồ hôi (gồm ra mồ hôi vào ban đêm).

Thường gặp:

  • Chuyển hóa và dinh dưỡng: Giảm cân, tăng cholesterol huyết tương;
  • Hệ thần kinh: Giảm ham muốn tình dục, chóng mặt, giấc mơ bất thường, mất ngủ, tăng trương lực cơ, dị cảm, an thần, căng thẳng thần kinh, lú lẫn, run, giải thể nhân cách;
  • Giác quan: Giãn đồng tử, rối loạn tầm nhìn, bất thường sự điều tiết các giác quan;
  • Tim mạch: Tăng huyết áp, đánh trống ngực, giãn mạch;
  • Hô hấp: Ngáp;
  • Tiêu hóa: Nôn, chán ăn, táo bón;
  • Tiết niệu - sinh dục: Bất thường xuất tinh hoặc khoái cảm ở nam giới, rối loạn cương dương (liệt dương), thiếu cực khoái, giảm khả năng tiểu, rối loạn kinh nguyệt liên quan tới chảy máu hoặc tăng bất thường chảy máu (băng huyết, rong kinh), tiểu rắt;
  • Toàn thân: Mệt mỏi, suy nhược, ớn lạnh.

Ít gặp:

  • Máu và hệ lympho: Xuất huyết tiêu hóa, vết bầm máu;
  • Chuyển hóa và dinh dưỡng: Tăng cân;
  • Giác quan: Ù tai, thay đổi vị giác;
  • Hệ thần kinh: Ảo giác, run giật cơ, lãnh đạm, kích động, giảm khả năng phối hợp các động tác và giữ thăng bằng;
  • Tim mạch: Bất tỉnh, nhịp tim nhanh, hạ huyết áp tư thế đứng;
  • Tiêu hóa: Chứng nghiến răng, tiêu chảy;
  • Da: Hói, ban da;
  • Tiết niệu - sinh dục: Bí tiểu, rối loạn cực khoái ở nữ giới;
  • Toàn thân: Phù, nhạy cảm với ánh sáng.

Hiếm gặp:

  • Hệ thần kinh: Cảm giác bất an, co giật, chứng không ngồi yên, buồn vui thất thường;
  • Tiết niệu - sinh dục: Tiểu không tự chủ.

Không rõ tần suất:

  • Máu và hệ lympho: Kéo dài thời gian chảy máu, xuất huyết niêm mạc, rối loạn tạo máu (gồm thiếu máu bất sản, mất bạch cầu hạt, giảm bạch cầu, giảm cả 3 dòng tế bào máu ngoại vi);
  • Chuyển hóa và dinh dưỡng: Hạ natri máu, xét nghiệm chức năng gan bất thường, hội chứng bài tiết thiếu hormone chống bài niệu, viêm gan, tăng tiết prolactin;
  • Hệ thần kinh: Hội chứng serotonin, hội chứng ác tính do thuốc an thần, mê sảng, phản ứng ngoại tháp (gồm rối loạn trương lực và rối loạn vận động), có ý nghĩ và hành vi tự sát, rối loạn vận động muộn, kích động, chóng mặt;
  • Giác quan: Glaucoma góc đóng;
  • Tim mạch: Kéo dài khoảng QT, hạ huyết áp, nhịp nhanh thất (gồm xoắn đỉnh);
  • Hô hấp: Bệnh phổi tăng bạch cầu ái toan;
  • Tiêu hóa: Viêm tụy;
  • Da: Hoại tử nội bì nhiễm độc, hồng ban đa dạng, ngứa da, nổi mày đay, hội chứng Stevens - Johnson;
  • Hệ cơ - xương: Tiêu cơ vân;
  • Tiết niệu - sinh dục: Bệnh ở đường tiết niệu - sinh dục;
  • Toàn thân: Sốc phản vệ;
  • Khi ngừng thuốc Venlafaxin (đặc biệt khi ngừng thuốc đột ngột: Có các triệu chứng ngừng thuốc như chóng mặt, rối loạn cảm giác (gồm dị cảm), rối loạn giấc ngủ (gồm giấc mơ dữ dội, mất ngủ), lo lắng, buồn nôn, ói mửa, run rẩy, đau đầu, cúm, co giật,... Thông thường, các triệu chứng này ở mức độ nhẹ đến trung bình, sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, ở một số bệnh nhân, triệu chứng có thể nặng hoặc kéo dài. Do đó, khi cần ngừng dùng thuốc thì nên giảm liều từ từ.

Cách xử trí các tác dụng phụ:

  • Đa số các tác dụng phụ là do liên quan tới serotonin như buồn nôn, ói mửa, nhức đầu, buồn ngủ hoặc mất ngủ. Do thức ăn không làm giảm hấp thu thuốc qua đường tiêu hóa nên để giảm tác dụng phụ như buồn nôn thì bệnh nhân nên uống thuốc cùng với thức ăn;
  • Venlafaxin thường gây tăng huyết áp ở một số bệnh nhân khi dùng liều trên 200mg/ngày. Do đó, nếu người bệnh đã có tăng huyết áp thì cần điều trị tình trạng này trước khi bắt đầu sử dụng Venlafaxin, đồng thời nên kiểm tra huyết áp trong suốt quá trình dùng thuốc. Với một số bệnh nhân trong quá trình dùng thuốc bị tăng huyết áp thì cần giảm liều hoặc ngừng thuốc;
  • Nếu trong quá trình sử dụng thuốc Venlafaxin, người bệnh bị co giật thì nên ngừng thuốc ngay (vì đây là dấu hiệu của quá liều);
  • Giảm natri huyết khi sử dụng thuốc Venlafaxin thường xảy ra ở người cao tuổi, có thể do hội chứng bài tiết hormone kháng niệu không thích hợp khi sử dụng các thuốc chống trầm cảm. Nếu bệnh nhân là người cao tuổi bị buồn ngủ, co giật hoặc lú lẫn khi dùng thuốc này thì nên chú ý tới nguy cơ giảm natri huyết để điều trị.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Ventizam 37,5

Trước và trong khi sử dụng thuốc Ventizam 37,5, người bệnh cần lưu ý:

  • Thận trọng khi sử dụng Venlafaxin ở bệnh nhân suy gan, suy thận mức độ trung bình và nặng. Nên giảm liều dùng thuốc;
  • Thận trọng khi dùng thuốc Venlafaxin ở người mắc bệnh tim như: Mới mắc nhồi máu cơ tim, bệnh tim không ổn định hoặc bệnh có thể nặng lên do tăng nhịp tim;
  • Do nguy cơ tăng huyết áp phụ thuộc vào liều dùng thuốc Venlafaxin nên cần theo dõi huyết áp ở bệnh nhân khi dùng liều trên 200mg/ngày. Đồng thời, cần định lượng nồng độ cholesterol huyết nếu người bệnh dùng thuốc trong thời gian dài;
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Venlafaxin với bệnh nhân có tiền sử động kinh, tăng áp lực nội nhãn, glaucoma góc đóng, rối loạn xuất huyết hoặc có hưng cảm;
  • Người bệnh bị phát ban, mày đay hay dị ứng khi dùng thuốc Venlafaxin thì nên đi khám để có hướng xử trí;
  • Vì bệnh nhân trầm cảm có nguy cơ tự sát cao nên cần phải giám sát chặt chẽ người bệnh trong suốt quá trình sử dụng thuốc, đặc biệt là trong giai đoạn đầu điều trị tới khi cải thiện bệnh tình;
  • Venlafaxin có thể gây chóng mặt, hạ huyết áp tư thế đứng, đặc biệt ở người cao tuổi. Do đó, không nên lái xe hoặc vận hành máy móc trong thời gian dùng thuốc;
  • Khi đang điều trị bằng thuốc Venlafaxin mà ngừng hoặc giảm liều đột ngột thì có thể gây ra các triệu chứng ngủ gà, nhức đầu, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, khô miệng, tiêu chảy, lo âu, lú lẫn, kích động, hưng cảm nhẹ, tăng tiết mồ hôi, cảm giác bất thường và chóng mặt. Do đó, cần giảm liều dần dần thuốc Venlafaxin nếu muốn ngừng thuốc. Đồng thời, giám sát chặt chẽ bệnh nhân để làm giảm phản ứng ngừng thuốc;
  • Khi sử dụng thuốc Venlafaxin, người bệnh có thể gặp phải hội chứng serotonin với những biểu hiện như lú lẫn, kích động, co giật cơ, nhịp tim nhanh, sốt, cứng khớp, hôn mê, mất ý thức,... Việc chẩn đoán sớm hội chứng serotonin là rất quan trọng vì chẩn đoán muộn có thể dẫn đến tử vong. Nếu sử dụng đồng thời Venlafaxin với các thuốc có tác động tới dẫn truyền thần kinh serotonin hoặc dopaminergic thì người bệnh cần được giám sát thận trọng về mặt lâm sàng, đặc biệt là khi bắt đầu điều trị và khi tăng liều. Nếu xảy ra hội chứng serotonin, nên ngưng dùng thuốc Venlafaxin và điều trị triệu chứng;
  • Không khuyến cáo sử dụng đồng thời Venlafaxin với tiền chất serotonin như tryptophan;
  • Việc điều trị trầm cảm với 1 thuốc chống trầm cảm có thể làm tăng nguy cơ gây ra giai đoạn hưng cảm hoặc hỗn hợp ở những bệnh nhân có nguy cơ rối loạn lưỡng cực. Do đó, người bệnh cần được sàng lọc rối loạn lưỡng cực trước khi dùng thuốc. Không sử dụng Venlafaxin trong điều trị trầm cảm lưỡng cực;
  • Nguy cơ hạ natri máu hoặc hội chứng tăng tiết bất thường hormone chống bài niệu có thể xảy ra ở người sử dụng Venlafaxin có khối lượng thể tích dịch đã suy kiệt, mất nước, người bệnh cao tuổi, người đang dùng thuốc lợi tiểu,... Nên thận trọng khi dùng thuốc Venlafaxin ở những bệnh nhân có khả năng ảnh hưởng tới phản ứng huyết động hoặc trao đổi chất;
  • Tăng nguy cơ kéo dài QTc hoặc nhịp nhanh thất nếu sử dụng đồng thời Venlafaxin với các thuốc làm kéo dài QT. Do đó, cần thận trọng khi sử dụng Venlafaxin ở người bệnh có yếu tố nguy cơ kéo dài QT;
  • Độ an toàn và hiệu quả của việc kết hợp Venlafaxin với các thuốc giảm cân, bao gồm cả phentermin chưa được xác định. Do đó, không sử dụng Venlafaxin như liệu pháp giảm cân hoặc kết hợp với 1 thuốc giảm cân khác;
  • Hiện tượng khô miệng có thể gặp ở một số bệnh nhân sử dụng thuốc Venlafaxin. Điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về răng miệng. Do đó, người bệnh cần chú ý vệ sinh răng miệng sạch sẽ;
  • Ở những bệnh nhân tiểu đường, điều trị bằng Venlafaxin có thể làm thay đổi mức đường huyết. Do vậy, nên điều chỉnh liều insulin hoặc thuốc điều trị tiểu đường;
  • Trong vài tuần đầu dùng thuốc Venlafaxin, người bệnh có thể cảm thấy khó chịu, bồn chồn, bứt rứt, không thể ngồi hoặc đứng yên. Việc tăng liều có thể làm gia tăng nguy cơ gây ra các triệu chứng này;
  • Bệnh nhân sử dụng Venlafaxin có thể gặp phản ứng giả trong xét nghiệm miễn dịch sàng lọc với phencylidin và amphetamin trong nước tiểu;
  • Thuốc Ventizam 37,5 có chứa lactose. Do đó, không sử dụng thuốc ở người có chứng thiếu hụt lactase Lapp hay rối loạn hấp thu glucose - galactose;
  • Tá dược màu Sunset yellow trong thuốc Ventizam 37,5 có thể gây dị ứng;
  • Các bà mẹ mang thai sử dụng thuốc Venlafaxin gần ngày sinh có thể gặp phản ứng cai thuốc ở trẻ sơ sinh sau khi sinh. Bên cạnh đó, thuốc có thể liên quan tới nguy cơ sảy thai, thai dị dạng ở bà mẹ mang thai khi dùng thuốc. Do vậy, khuyến cáo không nên dùng Venlafaxin cho phụ nữ mang thai, trừ khi thực sự cần thiết;
  • Venlafaxin và chất chuyển hóa O-desmethyl venlafaxine có thể tiết vào sữa mẹ. Do đó, không dùng thuốc Venlafaxin ở phụ nữ cho con bú.

5. Tương tác thuốc Ventizam 37,5

Một số tương tác thuốc của Ventizam 37,5 gồm:

  • Một số loại thuốc khi dùng đồng thời với Venlafaxin có thể gây hội chứng serotonin là: Thuốc cường serotonin, thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và noradrenalin, thuốc ức chế chọn lọc tái hấp thu serotonin, serotonin, thuốc làm giảm chuyển hóa serotonin. Khi bắt buộc phải sử dụng đồng thời các thuốc này với Venlafaxin, nên giám sát chặt chẽ bệnh nhân, đặc biệt là trong giai đoạn đầu điều trị;
  • Không được dùng đồng thời Venlafaxin với chất ức chế MAO vì có thể gây một số tương tác nguy hiểm tới tính mạng bệnh nhân. Nên ngừng thuốc ức chế MAO ít nhất 14 ngày rồi mới bắt đầu sử dụng Venlafaxin. Nên ngừng dùng Venlafaxin ít nhất 7 ngày rồi mới bắt đầu sử dụng các thuốc chống trầm cảm khác;
  • Tác dụng chống đông máu của thuốc warfarin có thể tăng lên khi sử dụng đồng thời với Venlafaxin;
  • Tránh sử dụng artemether cùng lumefantrin phối hợp với Venlafaxin;
  • Nồng độ của clozapin trong huyết tương tăng lên khi dùng đồng thời thuốc này với Venlafaxin;
  • Nên thận trọng khi sử dụng phối hợp entacapon với Venlafaxin;
  • Sử dụng đồng thời Venlafaxin với Sibutramin làm tăng nguy cơ gây độc cho hệ thần kinh. Do đó, tránh dùng kết hợp các thuốc này;
  • Tránh dùng phối hợp Venlafaxin với Moclobemid. Nên cách khoảng 3 - 7 ngày nghỉ thuốc này trước khi muốn dùng thuốc kia;
  • Tăng nguy cơ gây ra hội chứng serotonin khi phối hợp 1 thuốc serotonergic với Venlafaxin. Hội chứng serotonin xảy ra trong vài giờ hoặc vài ngày với những triệu chứng như mất phối hợp, vật vã, tiêu chảy, vã mồ hôi, sốt, thay đổi trạng thái tâm thần (hưng cảm nhẹ, lú lẫn), tăng phản xạ gân xương, rét run hoặc run, rung giật cơ, hôn mê, loạn nhịp tim, đông máu rải rác nội mạch, giảm huyết áp, tăng huyết áp, suy hô hấp, suy thận, co giật, sốt cao;
  • Sử dụng đồng thời Venlafaxin với cimetidin gây ức chế enzyme chuyển hóa Venlafaxin ở gan nhưng không gây ảnh hưởng tới ODV. Do đó, khi dùng đồng thời Venlafaxin với cimetidin, nên theo dõi triệu chứng lâm sàng ở bệnh nhân cao tuổi, bị suy chức năng gan hay trước đó từng bị tăng huyết áp;
  • Cần thận trọng khi sử dụng đồng thời Venlafaxin với các thuốc có tác động đến hệ thần kinh trung ương;
  • Sử dụng đồng thời Venlafaxin với các loại thuốc có chứa dịch chiết cây Hypericum perforatum không được khuyến cáo;
  • Venlafaxin không làm tăng nguy cơ suy giảm tâm thần, khả năng vận động do ethanol. Tuy nhiên, nên tránh dùng rượu khi đang điều trị với Venlafaxin;
  • Hội chứng serotonin có thể xảy ra khi dùng đồng thời Venlafaxin với lithi;
  • Thận trọng khi dùng đồng thời Venlafaxin với Metoprolol;
  • Thận trọng khi sử dụng đồng thời Venlafaxin với imipramin;
  • Sử dụng đồng thời Venlafaxin với các chất ức chế CYP2D6 có thể làm giảm sự chuyển hóa của Venlafaxin, dẫn đến tăng nồng độ của Venlafaxin trong huyết tương và làm giảm nồng độ của ODV. Không cần điều chỉnh liều dùng Venlafaxin khi phối hợp với các thuốc ức chế CYP2D6;
  • Sử dụng đồng thời Venlafaxin với các chất ức chế CYP3A4 như clarithromycin, atazanavir, indinavir, posaconazol, itraconazol, voriconazol, nelfinavir, saquinavir, ritonavir, telithromycin,... có thể làm tăng nồng độ của Venlafaxin và ODV. Do đó, cần thận trọng trước sự kết hợp này;
  • Cần thận trọng khi sử dụng kết hợp Venlafaxin với bất kỳ thuốc nào có khả năng ức chế đồng thời 2 hệ enzyme CYP2D6 và CYP3A4.

Khi sử dụng thuốc Ventizam 37,5, người bệnh cần tuân thủ đúng theo chỉ định chi tiết của bác sĩ. Đây là việc làm cần thiết để đảm bảo hiệu quả trị bệnh trầm cảm, hạn chế tác dụng phụ khó lường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

168 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan