Công dụng thuốc Triamicin

Thuốc Triamicin thường được sử dụng trong điều trị cảm cúm, đau đầu, sổ mũi, viêm mũi dị ứng.... Để dùng thuốc đúng cách, việc tìm hiểu về công dụng, chỉ định và chống chỉ định là yếu tố quan trọng hàng đầu.

1. Thuốc Triamicin là thuốc gì? Công dụng ra sao?

Thuốc Triamicin là sản phẩm phổ biến trên thị trường hiện nay. Thuốc được tạo nên với 3 thành phần chính gồm:

  • Acetaminophen: Đây là thành phần có khả năng giảm đau hiệu quả, phát huy tốt công dụng trong việc điều trị các cơn đau đầu, đau bụng do kỳ kinh nguyệt, đau răng, đau lưng, viêm xương khớp hoặc những trường hợp bị đau nhức do cảm lạnh, cảm cúm và hạ sốt.
  • Chlorpheniramine: Thành phần này có trong các loại thuốc chống dị ứng thuộc nhóm kháng histamin, giúp giảm các triệu chứng như dị ứng và cảm lạnh thông thường. Các thuốc chứa Chlorpheniramine cũng có hiệu quả trong điều trị một số vấn đề gồm phát ban, chảy nước mắt, chảy nước mũi, ngứa mắt, mũi, họng hoặc da, ho hay hắt hơi.
  • Phenylpropanolamine:Các loại thuốc có chứa Phenylpropanolamin thường được sử dụng trong việc điều trị các tắc nghẽn do dị ứng, sốt mùa hè và cảm lạnh thông thường. Ngoài ra, nhờ khả năng giảm cảm giác thèm ăn, Phenylpropanolamin được sử dụng trong một số sản phẩm hỗ trợ giảm cân không kê toa.

Vậy với những thành phần trên, thuốc Triamicin có tác dụng gì? Công dụng chính của thuốc là giảm đau, giảm các triệu chứng dị ứng và các vấn đề do dị ứng gây ra.

2. Chỉ định và chống chỉ định

2.1. Chỉ định

Thuốc Triamicin thường được bác sĩ chỉ định trong điều trị các vấn đề như cảm cúm, sốt, nhức đầu, sổ mũi, nghẹt mũi. Ngoài ra, người mắc viêm mũi dị ứng, ho, đau nhức cơ khớp cũng có thể sử dụng loại thuốc này.

2.2. Chống chỉ định

Tương tự như nhiều loại thuốc khác, Triamicin chống chỉ định với những người quá mẫn với thành phần thuốc. Ngoài ra là các đối tượng như mắc suy gan nặng, cường giáp, tăng huyết áp, bệnh mạch vành. Đặc biệt, thuốc Triamicin không phù hợp với người có nguy cơ bí tiểu do rối loạn niệu quản tiền liệt tuyến.

Ngoài những đối tượng không nên dùng thuốc, một số trường hợp sau cần cẩn trọng khi có ý định sử dụng Triamicin gồm:

  • Người già, phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú và nhất là trẻ nhỏ dưới 15 tuổi.
  • Bệnh nhân mắc nhược cơ, hôn mê gan, viêm loét dạ dày cũng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng thuốc Triamicin.

3. Liều lượng và cách dùng thuốc Triamicin phù hợp

Triamicin được bào chế dưới dạng viên vô cùng tiện lợi. Bạn nên sử dụng thuốc sau khi ăn, uống thuốc bằng nước lọc thay vì sữa, nước trái cây hay bia, rượu. Liều dùng mà bạn có thể tham khảo gồm:

  • Người lớn: Sử dụng với liều lượng từ 1 - 2 viên/lần, uống từ 2 - 3 lần/ngày.
  • Trẻ em: Sử dụng với liều lượng nửa viên/lần, uống từ 2 - 3 lần/ngày.

4. Tác dụng phụ thường gặp khi dùng Triamicin

Trong một số trường hợp, Triamicin có thể gây tác dụng phụ như buồn ngủ, chóng mặt, khô miệng, khô họng, phát ban. Tuy nhiên, bạn đừng quá lo lắng bởi những triệu chứng trên sẽ mất đi khi ngưng dùng thuốc. Nếu nhận thấy cơ thể xuất hiện những tác dụng phụ hiếm gặp, lúc này bạn cần thông báo ngay cho bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời.

5. Một số lưu ý khi dùng Triamicin

  • Triamicin có khả năng tương tác với thuốc trị tăng huyết áp, thuốc chống đông máu. Do đó bạn tuyệt đối không dùng những loại thuốc trên khi đang dùng Triamicin hoặc sử dụng cách xa nhau vài tiếng.
  • Tuyệt đối không sử dụng rượu, bia khi đang uống thuốc Triamicin.
  • Không dùng thuốc khi đang lái xe hoặc điều khiển máy móc.
  • Bảo quản thuốc ở nơi thoáng mát, khô ráo, xa tầm tay trẻ nhỏ và thú nuôi trong nhà. Không dùng thuốc hết hạn hoặc có màu sắc, mùi hương bất thường.

Trên đây là một số thông tin giúp các bạn tìm hiểu về thuốc Triamicin. Tốt nhất bạn hãy sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để nhận được hiệu quả trị bệnh tốt nhất, tránh tác dụng phụ hay biến chứng đối với sức khỏe.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan