Công dụng thuốc Tracrium

Thuốc Tracrium được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm hoặc truyền với thành phần chính là Atracurium. Thuốc được sử dụng trong gây mê ở một số loại phẫu thuật.

1. Thuốc Tracrium công dụng là gì?

Trong mỗi ống thuốc 2,5ml Tracrium có chứa thành phần chính là Atracurium, tá dược là dung dịch Benzene Sulphonic Acid 32% để điều chỉnh độ pH và nước pha tiêm. Trong dung dịch vô khuẩn có chứa Atracurium besylate 10mg/ml, không chứa chất bảo quản kháng khuẩn và được đóng gói trong ống tiêm.

Atracurium là một chất chẹn thần kinh cơ không khử cực, có tính chọn lọc và tính cạnh tranh cao. Tracrium không có tác động trực tiếp đến áp lực nội nhãn, phù hợp để sử dụng cho phẫu thuật mắt.

Chỉ định:

  • Sử dụng như một chất phụ trợ trong gây mê để có thể đặt nội khí quản và tác dụng làm giãn cơ xương trong phẫu thuật hoặc thông khí có kiểm soát ở nhiều thủ thuật y khoa;
  • Dùng để hỗ trợ cho việc thở máy đối với những người bệnh ở khoa hồi sức tích cực (ICU).

Chống chỉ định: Không sử dụng thuốc Tracrium ở những người bệnh được biết là quá mẫn với atracurium, acid benzenesulfonic hoặc cisatracurium.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Tracrium

Cách dùng: Đường tiêm hoặc truyền tĩnh mạch.

Liều dùng:

  • Sử dụng bằng cách tiêm ở người lớn:
    • Tracrium được sử dụng theo đường tiêm tĩnh mạch. Khoảng liều dùng cho người lớn là 0,3 - 0,6mg/kg cân nặng (phụ thuộc vào thời gian cần thiết để chẹn thần kinh cơ hoàn toàn) và có tác dụng giãn cơ tương ứng từ 15 - 35 phút;
    • Thông thường, có thể thực hiện đặt nội khí quản trong vòng 90 giây kể từ khi tiêm tĩnh mạch với liều lượng 0,5 - 0,6mg/kg cân nặng;
    • Nếu cần thiết, chẹn thần kinh cơ hoàn toàn có thể được kéo dài với liều dùng bổ sung 0,1 - 0,2mg/kg. Liều bổ sung tiếp theo sẽ không làm tích lũy tác dụng chẹn thần kinh cơ;
    • Hồi phục tự phát xảy ra ở khoảng 35 phút kể từ cuối thời kỳ chẹn thần kinh cơ hoàn toàn, được xác định bởi sự hồi phục của đáp ứng co cứng đạt đến mức 95% của chức năng thần kinh cơ bình thường;
    • Có thể nhanh chóng hóa giải tác dụng chẹn thần kinh cơ của thuốc Tracrium bằng những liều dùng chuẩn các chất kháng cholinesterase (như edrophonium và neostigmin, được tiêm cùng lúc hoặc sau khi tiêm atropin) mà không thấy bằng chứng về sự chẹn thần kinh cơ quay lại;
  • Sử dụng để truyền tĩnh mạch ở người lớn:
    • Sau liều dùng tiêm tĩnh mạch nhanh (bolus) khởi đầu 0,3 - 0,6mg/kg, thuốc Tracrium có thể được sử dụng để duy trì tác dụng chẹn thần kinh cơ trong các phẫu thuật ngoại khoa kéo dài bằng cách truyền liên tục với tốc độ 0,3 - 0,6mg/kg/giờ;
    • Có thể truyền tĩnh mạch thuốc Tracrium trong phẫu thuật bắc cầu tim phổi ở tốc độ truyền được khuyến cáo. Hạ thân nhiệt chủ động xuống đến mức 25 độ C - 26 độ C sẽ làm giảm tốc độ bất hoạt của Tracrium. Do vậy, ở mức nhiệt độ thấp này, có thể duy trì tác dụng chẹn thần kinh cơ hoàn toàn bằng cách truyền với tốc độ bằng khoảng 1/2 tốc độ ban đầu;
  • Sử dụng ở trẻ em: Liều sử dụng thuốc Tracrium ở đối tượng trẻ em trên 1 tháng tuổi giống như liều dùng cho người lớn trên cơ sở cân nặng cơ thể;
  • Sử dụng ở đối tượng người cao tuổi: Thuốc Tracrium có thể được sử dụng ở liều chuẩn cho người bệnh cao tuổi. Tuy nhiên, nên sử dụng liều khởi đầu ở giới hạn thấp nhất của khoảng liều và thực hiện tiêm chậm;
  • Sử dụng cho người bệnh bị suy giảm chức năng thận và/hoặc suy chức năng gan: Thuốc Tracrium có thể sử dụng với liều chuẩn cho mọi mức độ của chức năng thận hoặc gan kể cả suy chức năng ở giai đoạn cuối;
  • Sử dụng cho người bệnh tim mạch: Người bệnh bị tim mạch với biểu hiện lâm sàng rõ ràng, liều ban đầu của thuốc Tracrium nên được tiêm trong khoảng thời gian là 60 giây;
  • Sử dụng cho những người bệnh tại khoa hồi sức tích cực (ICU) (chỉ dùng Tracrium tiêm tĩnh mạch):
    • Sau khi sử dụng liều tiêm tĩnh mạch nhanh khởi đầu tùy ý từ 0,3 - 0,6mg/kg, thuốc Tracrium có thể được dùng để duy trì tác dụng chẹn thần kinh cơ bằng cách truyền liên tục ở tốc độ từ 11 - 13mcg/kg/phút (0,65 - 0,78 mg/kg/giờ). Tuy nhiên, có sự khác biệt tương đối lớn về liều cần dùng giữa các người bệnh. Liều cần dùng thuốc có thể thay đổi theo thời gian. Ở một số người bệnh, cần truyền với tốc độ chậm 4,5mcg/kg/phút (0,27mg/kg/giờ) hoặc với tốc độ cao 29,5cmg/kg/phút (1,77mg/kg/giờ);
    • Tốc độ tự phục hồi sau khi truyền Tracrium ở những người bệnh tại khoa hồi sức tích cực không phụ thuộc vào thời gian truyền.

Quá liều:

  • Liệt cơ kéo dài và hậu quả của nó là các dấu hiệu chủ yếu của tình trạng quá liều Tracrium;
  • Điều thiết yếu là cần phải duy trì đường thở thông thoáng cho người bệnh cùng với hỗ trợ không khí áp lực dương cho đến khi bệnh nhân có thể tự hô hấp được;
  • Cần cho người bệnh an thần hoàn toàn vì họ vẫn còn ý thức;
  • Người bệnh có thể được phục hồi nhanh chóng khi cho sử dụng các loại thuốc kháng cholinesterase cùng với glycopyrrolate hay atropin ngay khi có bằng chứng về sự phục hồi tự phát.

3. Tác dụng phụ của thuốc Tracrium

Trong quá trình sử dụng thuốc Tracrium, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ như:

  • Rối loạn mạch: Phổ biến là tụt huyết áp thương nhẹ và thoáng qua, có hiện tượng đỏ da;
  • Rối loạn hô hấp, trung thất và ngực: Ít gặp hiện tượng co thắt phế quản;
  • Rối loạn miễn dịch: Rất hiếm xảy ra các phản ứng phản vệ và phản ứng dạng phản vệ. Các phản ứng phản vệ hoặc phản vệ nặng rất hiếm được báo cáo ở những người bệnh sử dụng kết hợp atracurium với một hay nhiều loại thuốc gây mê;
  • Rối loạn thần kinh: Không rõ tần suất gặp cơn động kinh ở những người bệnh ICU dùng Atracurium đồng thời với một vài loại thuốc khác. Những người bệnh này thường có một hoặc nhiều tình trạng bệnh lý dễ đưa đến cơn động kinh (như phù não, chấn thương sọ não, bệnh não thiếu oxy, viêm não do virus, tăng ure máu);
  • Rối loạn da và mô dưới da: Hiếm khi xảy ra mày đay;
  • Rối loạn cơ xương và mô liên kết: Đã có một vài báo cáo về tình trạng yếu cơ và/hoặc bệnh cơ sau khi sử dụng kéo dài thuốc giãn cơ ở những người bệnh ốm nặng tại khoa hồi sức tích cực;

Hãy thông báo cho các bác sĩ chuyên môn được biết về tác dụng phụ gặp phải khi sử dụng thuốc Tracrium để được hướng dẫn xử lý đúng cách, hiệu quả.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Tracrium

Một số điều bệnh nhân cần lưu ý trước và trong khi sử dụng thuốc Tracrium:

  • Cũng như đối với tất cả những loại thuốc chẹn thần kinh cơ khác, thuốc Tracrium làm liệt các cơ hô hấp cũng như những cơ xương khác nhưng lại không có ảnh hưởng gì đối với ý thức. Chỉ nên dùng Tracrium với trường hợp gây mê thích hợp, dưới sự giám sát chặt chẽ của một bác sĩ gây mê có chuyên môn, kinh nghiệm với những thiết bị phù hợp cho việc đặt nội khí quản và thông khí nhân tạo;
  • Có khả năng có sự phóng thích histamin ở những người bệnh nhạy cảm trong quá trình sử dụng Tracrium. Nên thận trọng khi sử dụng Tracrium cho những người bệnh có tiền sử tăng mẫn cảm dưới tác dụng của histamin;
  • Nên thận trọng khi sử dụng thuốc Tracrium cho những người bệnh được biết là quá mẫn với các loại chất chẹn thần kinh cơ khác do nguy cơ cao có sự nhạy cảm chéo giữa các chất thần kinh cơ;
  • Tracrium không có tác dụng chẹn thần kinh phế vị hay hạch thần kinh đáng kể ở khoảng liều đề nghị. Do đó, Tracrium không có tác dụng lâm sàng đáng kể trên nhịp tim ở khoảng liều đề nghị và nó sẽ không làm mất tác dụng gây chậm nhịp của nhiều thuốc gây mê khác hoặc bởi kích thích thần kinh phế vị trong quá trình phẫu thuật;
  • Giống như các loại thuốc chẹn thần kinh cơ không khử cực khác, có thể xảy ra tăng mẫn cảm với Tracrium ở những người bệnh nhược cơ nặng, bị những bệnh thần kinh cơ khác và rối loạn điện giải nặng;
  • Tracrium nên tiêm trong khoảng 60 giây ở những người bệnh có thể có sự nhạy cảm không thường xuyên gây tụt huyết áp động mạch;
  • Tracrium bị bất hoạt bởi độ pH cao nên không được hòa trộn trong cùng một ống tiên với thiopenton hay bất cứ chất kiềm nào khác;
  • Khi chọn lựa tĩnh mạch nhỏ để tiêm, thuốc Tracrium nên được đẩy trôi sạch vào tĩnh mạch cùng với nước muối sinh lý sau khi kim tiêm đã đưa vào tĩnh mạch. Khi sử dụng chung một kim tiêm lưu nội mạch hoặc kim luồn cho Tracrium cùng với các loại thuốc gây mê khác, cần đặc biệt chú ý để mỗi thuốc được tiêm vào tĩnh mạch sẽ được đẩy trôi sạch với một lượng nước muối sinh lý đầy đủ;
  • Tracrium là một loại chất nhược trương nên không được sử dụng cùng đường truyền với truyền máu;
  • Có thể xuất hiện kháng thuốc Tracrium ở người bệnh bị hỏng. Những người bệnh này có thể cần phải tăng liều dùng tùy thuộc vào khoảng thời gian kể từ khi bị bỏng và mức độ bỏng;
  • Đã gặp cơn động kinh ở một số người bệnh ở ICU khi sử dụng Tracrium;
  • Hiện không có các nghiên cứu về thuốc Tracrium trên khả năng sinh sản. Những nghiên cứu trên động vật cho thấy atracurium không có ảnh hưởng đáng kể nào tới sự phát triển của thai. Tuy vậy, giống như tất cả các loại thuốc chẹn thần kinh cơ khác, chỉ nên dùng Tracrium trong thai kỳ nếu lợi ích đối với người mẹ vượt trội hơn bất kỳ nguy cơ nào có thể đối với thai nhi. Tracrium phù hợp để duy trì giãn cơ trong phẫu thuật mổ lấy thai vì thuốc không đi qua nhau thai ở nồng độ có ý nghĩa lâm sàng sau khi sử dụng thuốc ở các liều đề nghị;
  • Vẫn chưa rõ liệu atracurium có được bài tiết vào sữa mẹ hay không nên cần lưu ý tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị;
  • Tracrium luôn được dùng phối hợp với một loại thuốc gây mê nên cần thận trọng khi vận hành máy móc và lái xe.

5. Tương tác thuốc Tracrium

Một số tương tác thuốc Tracrium mà người dùng cần lưu ý là:

  • Tác dụng chẹn thần kinh cơ của Tracrium có thể tăng lên khi sử dụng đồng thời với một số loại thuốc gây mê dạng hít như enfluran, halothan và isofluran;
  • Giống như tất cả các loại thuốc chẹn thần kinh cơ không khử cực, cường độ, thời gian của chẹn thần kinh cơ không khử cực có thể tăng lên như là kết quả của sự tương tác với:
    • Kháng sinh: Bao gồm nhóm polymyxin, aminoglycosid, tetracyclin, spectinomycin, clindamycin và lincomycin;
    • Thuốc chống loạn nhịp tim: Propranolol, những loại thuốc chẹn kênh calcium, procainamid, lignocain và quinidin;
    • Thuốc lợi tiểu: Furosemid, có thể là mannitol, acetazolamid và nhóm thiazid;
    • Magnesium sulfat;
    • Ketamin;
    • Muối lithium;
    • Thuốc chẹn hạch thần kinh: Hexamethonium, trimethaphan;
  • Một số loại thuốc có thể làm tăng thêm hoặc làm lộ rõ bệnh nhược cơ tiềm ẩn hay thực sự gây một hội chứng nhược cơ; tăng nhạy cảm với Tracrium. Những loại thuốc này bao gồm một vài kháng sinh, thuốc chẹn beta (oxprenolol, propranolol), thuốc chữa thấp khớp (D-penicillamin, chloroquin), thuốc chống loạn nhịp tim (quinidin, procainamid), chlorpromazin, trimethaphan, steroids, lithium và phenytoin;
  • Thời gian khởi phát tác dụng của thuốc chẹn thần kinh cơ không khử cực có khả năng bị kéo dài thêm và thời gian tác dụng chẹn thần kinh cơ ngắn lại ở những người bệnh đang được điều trị chống co giật mạn tính;
  • Sử dụng kết hợp 1 loại thuốc chẹn thần kinh cơ không khử cực với Tracrium có thể gây ra mức độ chẹn thần kinh cơ vượt quá mức độ có được khi sử dụng liều tương đương với tổng liều Tracrium. Bất cứ tác dụng hiệp đồng nào cũng có thể thay đổi tùy theo những cách phối hợp thuốc khác nhau;
  • Không được dùng thuốc giãn cơ khử cực như suxamethonium chloride để kéo dài tác dụng chẹn thần kinh cơ của thuốc giãn cơ không khử cực như Tracrium, do việc kết hợp này có thể dẫn đến tác dụng chẹn phức tạp và kéo dài, đồng thời khó phục hồi bằng các loại thuốc kháng cholinesterase;
  • Điều trị với thuốc kháng cholinesterase thường được dùng trong điều trị bệnh Alzheimer (ví dụ donepezil) có thể làm ngắn thời gian tác dụng và làm giảm cường độ chẹn thần kinh cơ của atracurium.

Trong quá trình sử dụng thuốc Tracrium, bệnh nhân cần đặc biệt lắng nghe và làm theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên môn để đạt được hiệu quả gây mê tốt nhất, hạn chế đáng kể khả năng xảy ra những phản ứng bất lợi. Đồng thời, để tránh tương tác thuốc, người bệnh cần chia sẻ chi tiết với bác sĩ về các loại thuốc mình đã/đang/mới dùng. Từ đó, bác sĩ sẽ có những sự điều chỉnh phù hợp nhất.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan