Công dụng thuốc Stugon Pharimex là gì?

Thuốc Stugon Pharimex chứa hoạt chất Cinnarizin được chỉ định trong điều trị các triệu chứng chóng mặt, hoa mắt, rối loạn mê đạo, ù tai, rung giật nhãn cầu, nôn và buồn nôn, đau nửa đầu migrane... Cùng tìm hiểu về công dụng, liều dùng và các lưu ý khi sử dụng thuốc Stugon Pharimex qua bài viết dưới đây.

1. Công dụng của thuốc Stugon Pharimex

1.1. Chỉ định

“Thuốc Stugon Pharimex là gì?”. Thuốc Stugon Pharimex chứa hoạt chất Cinnarizin 25mg, được chỉ định trong điều trị các tình trạng bệnh lý sau đây:

  • Điều trị duy trì đối với các triệu chứng của rối loạn mê đạo gồm ù tai, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn và nôn, rung giật nhãn cầu;
  • Phòng ngừa các triệu chứng của say tàu xe;
  • Phòng ngừa tình trạng đau nửa đầu migrane;
  • Điều trị duy trì các triệu chứng nguồn gốc mạch máu não như ù tai, choáng váng, đau đầu vận mạch, các rối loạn dễ bị kích thích và khó gần, thiếu tập trung và mất trí nhớ;
  • Điều trị duy trì các triệu chứng rối loạn tuần hoàn ngoại biên gồm chứng xanh tím đầu chi, hội chứng Raynaud, đi khập khễnh cách hồi, vết loét do thiếu dưỡng chất, rối loạn dinh dưỡng, dị cảm, chứng chuột rút về đêm, lạnh đầu chi.

1.2. Dược lực học

Hoạt chất Cinnarizin được nghiên cứu trên ống nghiệm và trên cơ thể sống cho thấy tác dụng giảm co bóp cơ trơn gây ra bởi các tác nhân hoạt mạch (bao gồm angiotensine, histamine, nicotine, bradykinine, noradrenaline, adrenaline, BaCl2) hoặc gây ra bởi sự khử cực KCl. Hoạt tính chống co cơ đặc hiệu của Cinnarizin được tìm thấy trên cơ trơn mạch máu, tác động trên đáp ứng co cơ của sợi cơ trơn khử cực thông qua việc ức chế chọn lọc luồng ion calci vào tế bào khử cực, nhờ đó giảm thiểu sự hiện diện của ion calci cần cho quá trình cảm ứng và duy trì sự co cơ. Cinnarizine không gây độc hại cũng như không cản trở các chức năng sinh lý quan trọng (chức năng tuần hoàn, hệ thần kinh trung ương, chức năng hô hấp).

1.3. Dược động học

Nghiên cứu trên chuột thí nghiệm cho thấy, cinnarizine được đánh dấu đồng vị phóng xạ sau hấp thu nhanh và hệ tiêu hóa và đạt nồng độ đỉnh sau 1 giờ dùng (tập trung chủ yếu ở thận, gan, lách, tim, phổi và não). Quá trình chuyển hóa của thuốc xảy ra mạnh mẽ trong vòng 30 phút sau khi uống và sau 32 giờ uống nồng độ của thuốc trong mô là không đáng kể. Cinnarizine được chuyển hóa thông qua quá trình khử N – alkyl hóa, khoảng 2/3 chất chuyển hóa được thải qua phân và khoảng 1/3 được thải qua nước tiểu. Cinnarizine được thải trừ hầu như hoàn toàn ra khỏi cơ thể trong vòng 5 ngày sau khi dùng thuốc.

stugon pharimex
Thuốc Stugon Pharimex cần được dùng theo chỉ định của bác sĩ

2. Liều dùng của thuốc Stugon Pharimex

Thuốc Stugon – Pharimex được dùng bằng đường uống và nên được uống sau bữa ăn. Liều dùng thuốc phụ thuộc vào tình trạng bệnh và độ tuổi của người bệnh. Cụ thể như sau:

Chóng mặt, rối loạn tuần hoàn não: Dùng 1 viên/lần x 3 lần/ngày.

Rối loạn tuần hoàn ngoại biên: Dùng 2 – 3 viên/lần x 3 lần/ngày.

Say tàu xe:

  • Người trưởng thành: Uống 1 viên/lần trước khi lên tàu xe 30 phút và lặp lại liều thuốc sau mỗi 6 giờ;
  • Liều thuốc tối đa không quá 225mg/ngày (9 viên/ngày). Bởi tác dụng của thuốc đối với người bệnh phụ thuộc vào liều lượng nên cần tăng liều thuốc một cách từ từ;
  • Trẻ em dưới 12 tuổi: Không khuyến cáo sử dụng thuốc cho trẻ em dưới 12 tuổi.

Các triệu chứng khi dùng quá liều thuốc Stugon Pharimex đã được báo cáo (liều dùng từ 90 – 2250mg/ngày) bao gồm buồn ngủ đến hôn mê, sững sờ, giảm trương lực cơ, các triệu chứng ngoại tháp, co giật ở trẻ nhỏ. Trong trường hợp dùng quá liều thuốc, người bệnh cần được đưa đến các cơ sở y tế để được xử trí một cách phù hợp.

3. Tác dụng phụ của thuốc Stugon Pharimex

Thuốc Stugon Pharimex có thể gây ra một số tác dụng phụ như sau:

  • Tác dụng phụ thường gặp: Buồn ngủ, buồn nôn, tăng cân, rối loạn tiêu hóa, tăng tiết mồ hôi, mệt mỏi, chứng dày sừng dạng liken.
  • Tác dụng phụ không xác định được tần suất: Quá mẫn, rối loạn vận động, rối loạn ngoại tháp, hội chứng parkinson, run không kiểm soát, vàng da do giảm lưu lượng mật, co cứng cơ.
stugon pharimex
stugon pharimex

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Stugon Pharimex

4.1. Chống chỉ định

Chống chỉ định sử dụng thuốc Stugon Pharimex đối với các trường hợp người bệnh mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

4.2. Lưu ý khi sử dụng

Cinnarizine nói riêng và các thuốc kháng histamin nói chung có thể gây đau vùng thượng vị. Vì vậy, uống thuốc Stugon Pharimex sau ăn có thể làm giảm sự kích ứng dạ dày.

Chỉ sử dụng thuốc ở người bệnh mắc Parkinson khi lợi ích lớn hơn nguy cơ.

Trong trường hợp làm xét nghiệm dị ứng da, người bệnh cần ngưng sử dụng Stugon Pharimex trước 4 ngày để tránh nguy cơ âm tính giả.

Tránh sử dụng thuốc ở người bệnh bị rối loạn chuyển hóa Porphyrin.

Hiện vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể về tác dụng gây rối loạn chứng năng gan hoặc thận của thuốc Stugon Pharimex. Tuy vậy vẫn cần thận trọng khi sử dụng thuốc ở người bệnh suy thận hoặc suy gan.

Thuốc có thể gây buồn ngủ, đặc biệt là ở giai đoạn bắt đầu điều trị. Vì vậy cần thận trọng khi dùng thuốc đồng thời với rượu, thuốc chống trầm cảm 3 vòng và thuốc ức chế thần kinh trung ương.

Stugon Pharimex có chứa hàm lượng lactose, vì vậy người bệnh gặp các vấn đề di truyền hiếm gặp như kém hấp thu glucose – galactose, không dung nạp galactose, thiếu enzym lactase thì không điều trị bằng thuốc.

Thuốc Stugon Pharimex có chứa một hàm lượng nhỏ tinh bột mì và gluten, vì vậy người bệnh dị ứng hoặc không dung nạp gluten không nên dùng.

Phụ nữ đang mang thai và phụ nữ đang cho con bú: Mặc dù chưa có bằng chứng về độc tính của thuốc trên thai nhi, tuy nhiên cần cân nhắc lợi ích và nguy cơ khi sử dụng thuốc ở phụ nữ đang mang thai và phụ nữ đang cho con bú.

5. Tương tác thuốc Stugon Pharimex

Sử dụng đồng thời Stugon Pharimex với các chất ức chế thần kinh trung ương (bia, rượu...), thuốc chống trầm cảm ba vòng có thể làm tăng tác dụng an thần của các loại thuốc trên hoặc tăng tác dụng của cinnarizine.

Thuốc Stugon Pharimex chứa hoạt chất Cinnarizin được chỉ định trong điều trị các triệu chứng chóng mặt, hoa mắt, rối loạn mê đạo, ù tai, rung giật nhãn cầu, nôn và buồn nôn, đau nửa đầu migrane.. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn và tham khảo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ tư vấn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan