Công dụng thuốc Spirastad Plus

Spirastad Plus là thuốc kháng sinh kết hợp giữa Metronidazole và Spiramycin. Thuốc Spirastad Plus được sử dụng trong điều trị nhiễm khuẩn răng - miệng và dự phòng nhiễm khuẩn tại chỗ sau hậu phẫu răng miệng. Bài viết dưới đây cung cấp cho bạn đọc thông tin về công dụng và lưu ý khi sử dụng thuốc Spirastad Plus.

1. Công dụng thuốc Spirastad Plus

Thuốc Spirastad Plus là thuốc kháng sinh kết hợp giữa Metronidazole hàm lượng 125mg và Spiramycin hàm lượng 750.000IU, thuốc được bào chế dưới dạng viên nén.

Spiramycin là kháng sinh thuộc nhóm Macrolid, thuốc có phổ kháng khuẩn tương tự Erythromycin. Spiramycin có tác dụng kìm khuẩn trên vi khuẩn đang phân chia tế bào. Cơ chế tác dụng của Spiramycin là tác dụng trên tiểu đơn vị 50S của ribosom vi khuẩn và ngăn cản tổng hợp protein. Ở nồng độ trong huyết thanh Spiramycin có tác dụng chủ yếu kìm khuẩn, tuy nhiên khi đạt nồng độ cao Spiramycin có thể diệt khuẩn chậm đối với vi khuẩn nhạy cảm nhiều. Ở những nơi có mức kháng thuốc rất thấp, Spiramycin có tác dụng kháng các chủng vi khuẩn Gram dương, các chủng Coccus như Pneumococcus, phần lớn chủng Gonococcus, Meningococcus, Staphylococcus, 75% chunge Streptococcus và Enterococcus. Các chủng Bordetella pertussis, Chlamydia, Actinomyces, Corynebacteria, một số chủng Mycoplasma và Toxoplasma cũng nhạy cảm với kháng sinh Spiramycin.

Kháng sinh Spiramycin không có tác dụng với vi khuẩn đường ruột Gram âm. Đã có báo cáo về sự đề kháng của vi khuẩn đối với thuốc, bao gồm cả sự kháng chéo Erythromycin, Spiramycin và Oleandomycin. Tuy nhiên một số chủng kháng Erythromcin đôi lúc vẫn nhạy cảm với Spiramycin.

Metronidazole là dẫn chất 5-nitro imidazol, có phổ hoạt tính rộng trên động vật nguyên sinh như Trichomonas vaginalis, Giardia lamblia và Balantidium coli. Invitro, Metronidazol có tác dụng với nhiều loại vi khuẩn kỵ khí Gram âm như Bacteroides fragilis, B. thetaiotaomicron, B. distasonnis, B. ovatus, B. oreolyticus, B. vulgaris, Porphyromonas asaccharolytic, P. gingivalis, Prevotella bivia, P. intermedia, P. disiens, Veilonella, Fusobacterium, một số chủng Mobiluncus. Thuốc có tác dụng trên một vài chủng vi khuẩn kỵ khí Gram dương như Clostridium, C. perfringens, Eubacterium, Peptococcus, Peptostreptococcus. Metronidazol không có tác dụng với nấm, virus, hầu hết vi khuẩn hiếu khí và vi khuẩn kỵ khí không bắt buộc.

2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Spirastad Plus

Thuốc Spirastad Plus được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Ðiều trị nhiễm khuẩn răng - miệng (áp xe răng, viêm tấy và nhiễm khuẩn tuyến nước bọt).
  • Điều trị dự phòng nhiễm khuẩn tại chỗ sau hậu phẫu răng miệng.

Thuốc Spirastad Plus có chống chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Mẫn cảm với Spiramycin, các kháng sinh khác thuộc nhóm macrolid, Metronidazol, các dẫn chất nitro – imimdazol khác hoặc bất kỳ thành phần nào khác trong thuốc Spirastad Plus.

3. Cách dùng thuốc Spirastad Plus

Thuốc Spirastad Plus được dùng đường uống.

Liều dùng thuốc:

  • Người lớn: 4 - 6 viên/ ngày, chia làm 2 - 3 lần/ngày, uống trong bữa ăn.
  • Trẻ em: 6 - 10 tuổi: 2 viên/ ngày, chia 2 lần, uống trong bữa ăn.
  • Trẻ em 10 -15 tuổi: 3 viên/ ngày, chia 3 lần, uống trong bữa ăn.

Quá liều thuốc Spirastad Plus và xử trí:

  • Spiramycin: Chưa biết liều Spiramycin gây độc. Khi sử dụng Spiramycin với liều cao, có thể gặp các triệu chứng rối loạn tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy. Có thể gặp khoảng QT kéo dài, thuyên giảm khi ngừng điều trị. Trong trường hợp quá liều thuốc Spiramycin cần làm điện tâm đồ để xác định khoảng QT, nhất là khi bệnh nhân có kèm theo các yếu tố nguy cơ khác (giảm Kali máu, khoảng QT kéo dài bẩm sinh, kết hợp các thuốc kéo dài khoảng QT và/ hoặc gây xoắn đỉnh). Hiện nay không có thuốc giải độc đặc hiệu cho Spiramycin.
  • Metronidazol: Uống 1 liều duy nhất tới 15g đã được báo cáo. Triệu chứng quá liều Metronidazol bao gồm mất điều hòa, nôn, buồn nôn, bệnh thần kinh ngoại viên và động kinh. Ảnh hưởng độc trên thần kinh gồm co giật, bệnh dây thần kinh ngoại biên đã được báo cáo sau 5 - 7 ngày dùng liều 6 - 10,4g mỗi 2 ngày/lần. Không có thuốc giải độc đặc hiệu cho Metronidazole, chủ yếu áp dụng điều trị triệu chứng và hỗ trợ.

Quên một liều thuốc Spirastad Plus và xử trí:

Nếu bạn quên dùng một liều thuốc Spirastad Plus, hãy dùng ngay nếu có thể. Trường hợp nếu gần đến thời gian sử dụng liều thuốc Spirastad Plus kế tiếp, có thể bỏ qua liều thuốc đã quên và uống liều tiếp theo như kế hoạch điều trị. Ngoài ra không dùng gấp đôi liều thuốc Spirastad Plus để bù cho liều đã quên.

4. Tác dụng không mong muốn của thuốc Spirastad Plus

Spiramycin: Sử dụng hiếm khi gây các tác dụng không mong muốn nghiêm trọng.

Thường gặp:

  • Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, khó tiêu.
  • Thần kinh: Chóng mặt và đau đầu.

Ít gặp:

  • Toàn thân: Mệt mỏi, chảy máu cam, đổ mồ hôi, cảm giác đè ép ngực. Dị cảm tạm thời, loạn cảm, đau, cứng cơ và khớp và lảo đảo.
  • Tiêu hóa: Viêm đại tràng cấp.

Hiếm gặp:

  • Toàn thân:Phản ứng phản vệ, bội nhiễm do dùng dài ngày thuốc uống Spiramycin.
  • Tim: Kéo dài khoảng QT.

Metronidazol: Tác dụng không mong muốn thường phụ thuộc liều dùng. Sử dụng Metronidazol với liều cao và trong thời gian dài sẽ làm tăng các tác dụng bất lợi.

Thường gặp: Đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, chán ăn, có vị kim loại khó chịu.

Ít gặp: Giảm bạch cầu.

Hiếm gặp:

  • Máu: Mất bạch cầu hạt.
  • Thần kinh trung ương: Cơn động kinh, bệnh đa dây thần kinh ngoại vi, đau đầu.
  • Da: Phồng rộp da, ban da, ngứa.
  • Tiết niêu: Nước tiểu sẫm màu.

Trong trường hợp tác dụng phụ nghiêm trọng, bệnh nhân cần ngưng sử dụng thuốc Spirastad Plus và đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

5. Lưu ý khi dùng thuốc Spirastad Plus

Spiramycin:

  • Thận trọng khi sử dụng Spiramycin cho bệnh nhân có rối loạn chức năng gan, vì thuốc có thể gây độc gan.
  • Thận trọng cho bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch, rối loạn nhịp tim (bao gồm bệnh nhân có khuynh hướng khoảng QT kéo dài). Khi bắt đầu điều trị Spiramycin nếu bệnh nhân có phát hồng ban toàn thân kèm sốt, phải ngừng thuốc do nghi ngờ bị bệnh mụn mủ ngoại ban cấp. Trường hợp này chống chỉ định sử dụng lại Spiramycin.

Metronidazol:

  • Metronidazol có tác dụng ức chế alcol dehydrogenase và các enzym oxy hóa alcol khác. Thuốc có phản ứng nhẹ kiểu disulfiram như đau đầu, nóng bừng mặt, co cứng bụng, buồn nôn, nôn và đổ mồ hôi.
  • Sử dụng liều cao Metronidazol điều trị các nhiễm khuẩn kỵ khí, do amip và do Giardia có thể gây rối loạn máu và các bệnh thần kinh thể hoạt động.
  • Thận trọng khi dùng thuốc Metronidazol cho người lớn tuổi vì chức năng gan có thể bị suy giảm.
  • Uống metronidazol có thể bị nhiễm nấm Candida ở miệng, ruột, âm đạo. Trường hợp bệnh nhân có bội nhiễm cần phải điều trị thích hợp.
  • Thông báo cho bệnh nhân về khả năng bị chóng mặt, buồn ngủ, ảo giác, lú lẫn, co giật hoặc rối loạn thị giác thoáng qua. Nếu các triệu chứng xảy ra này, người dùng không nên lái xe hoặc vận hành máy móc.

Phụ nữ mang thai:

  • Spiramycin đi qua được nhau thai, tuy nhiên nồng độ thuốc trong máu thai nhi thấp hơn so với trong máu người mẹ. Mặc dù không có các bằng chứng nào về gây ngộ độc cho thai nhi và khả năng quái thai, vì chưa có nghiên cứu thỏa đáng và được kiểm tra chặt chẽ về sử dụng Spiramycin cho phụ nữ mang thai do đó không nên dùng Spiramycin cho phụ nữ mang thai, trừ khi không còn liệu pháp nào thay thế và cần theo dõi cẩn thận.
  • Metronidazol qua hàng rào nhau thai khá nhanh và thuốc đạt được một tỷ lệ nồng độ giữa cuống nhau thai tương tự như ở huyết tương mẹ. Mặc dù hàng nghìn phụ nữ mang thai đã dùng thuốc Metronidazol, nhưng chưa thấy có thông báo về việc gây quái thai. Một số nghiên cứu đã thông báo nguy cơ sinh quái thai tăng khi dùng thuốc vào 3 tháng đầu của thai kỳ. Do đó không nên dùng Metronidazol trong thời gian đầu khi mang thai, trừ trường hợp cần thiết.
  • Nên tránh dùng Metronidazole + Spiramycin cho phụ nữ mang thai. Trường hợp phát hiện mang thai trong khi đang dùng thuốc, nên tham khảo ý kiến bác sĩ có nên tiếp tục dùng thuốc không.

Phụ nữ đang cho con bú:

  • Spiramycin được bài tiết qua sữa mẹ với nồng độ cao. Dùng thuốc Spiramycin thận trọng cho phụ nữ đang cho con bú.
  • Metronidazol được bài tiết vào sữa mẹ khá nhanh, trẻ bú mẹ có thể có nồng độ Metronidazol trong huyết tương bằng khoảng 15% nồng độ ở mẹ. Trong thời gian điều trị bằng Metronidazol nên ngừng cho trẻ bú.
  • Tránh dùng Metronidazole kết hợp với Spiramycin cho phụ nữ đang trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ.

6. Tương tác thuốc

Spiramycin:

  • Thuốc uống tránh thai: khi dùng đồng thời với Spiramycin sẽ làm mất tác dụng phòng ngừa thụ thai.
  • Levodopa: Spiramycin làm giảm nồng độ của levodopa trong máu nếu dùng đồng thời.

Metronidazol

  • Thuốc uống chống đông máu: Metronidazol khi dùng đồng thời làm tăng tác dụng chống đông.
  • Rượu và các thuốc chứa alcol: Metronidazol làm ức chế enzym oxy hóa rượu và enzym alcol dehydrogenase gây phản ứng kiểu disulfiram. Do đó khi điều trị với Metronidazol không nên uống rượu hoặc dùng các thuốc chứa cồn, không dùng đồng thời với disulfiram hoặc phải dùng thuốc ở thời điểm cách khoảng xa.
  • Phenobarbital: thuốc làm tăng chuyển hóa metronidazol nên thải trừ nhanh hơn.
  • Lithi: khi dùng đồng thời với Metronidazol làm tăng nồng độ lithi trong huyết thanh gây độc.
  • Astemisol và Terfenadin: Metronidazol có thể làm tăng phản ứng bất lợi nghiêm trọng trên tim mạch của các thuốc này như: loạn nhịp, nhịp tim nhanh, kéo dài khoảng QT.
  • Cimetidin: Ức chế sự chuyển hóa tại gan và làm tăng thời gian bán thải của metronidazol, dẫn đến tăng nguy cơ xảy ra các tác dụng không mong muốn.
  • Disulfiram: đã có báo cáo về phản ứng loạn tâm thần ở bệnh nhân dùng đồng thời Metronidazol và Disulfiram.
  • Fluorouracil: Metronidazol làm giảm độ thanh thải của 5 - fluorouracil và có thể tăng độc tính của 5 - fluorouracil.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Spirastad Plus, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng. Lưu ý, Spirastad Plus là thuốc kê đơn, bạn tuyệt đối không được tự ý mua thuốc và điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan