Công dụng thuốc Sefonramid

Sefonramid có thành phần chính là một loại thuốc kháng sinh nhóm cephalosporin dùng để điều trị một số bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn như bệnh viêm màng não, nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng khớp, viêm phổi, nhiễm trùng huyết...

1. Thuốc sefonramid chữa bệnh gì?

Thuốc sefonramid chữa bệnh gì? Sefonramid có thành phần chính là Ceftazidim (dưới dạng Ceftazidim pentahydrat) 1,0 g. Thuốc được bác sĩ chỉ định sử dụng để điều trị các bệnh như:

  • Điều trị bệnh nhiễm trùng vùng da
  • Nhiễm trùng xương và khớp
  • Nhiễm trùng ổ bụng
  • Bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu khi người bệnh đã có hoặc chưa có biến chứng
  • Điều trị bệnh nhiễm trùng nặng ở người bệnh bị suy giảm chức năng miễn dịch
  • Nhiễm trùng phụ khoa
  • Nhiễm trùng hệ thống thần kinh trung ương như bệnh viêm màng não

2. Liều lượng và cách dùng thuốc Sefonramid

Cách dùng: Thuốc không hấp thu qua đường tiêu hoá mà thường dùng để tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp. Thuốc thường tiêm vào góc phần tư phía trên của mông hoặc phần bên của bắp đùi.

  • Dung dịch tiêm bắp: Pha thuốc Ceftazidime 1g trong 3ml nước cất pha tiêm, có thể sử dụng dung dịch lilocain hydroclorid 0,5 % hoặc 1%.
  • Dung dịch tiêm truyền: Pha Ceftazidime trong các dung dịch dung dịch natri clorid 0,9% hoặc dextrose 5% nhưng với nồng độ 10-20 mg/ml.
  • Dung dịch tiêm tĩnh mạch: Dùng lượng Ceftazidime 1g pha trong 10ml nước cất pha tiêm có thể dùng dung dịch natri clorid 0,9% hoặc dextrose 5%.

Liều lượng:

Liều áp dụng thông thường ở người lớn là 1g mỗi 8 giờ một lần hoặc 2g mỗi 12 giờ một lần, tiêm truyền tĩnh mạch hoặc bắp sâu.

Với trường hợp người bệnh bị mắc bệnh gan: Không cần điều chỉnh liều lượng thuốc.

Với người bị suy thận: Cần điều chỉnh theo nồng độ thanh thải creatinin, cụ thể như sau:

  • Độ thanh thải creatinin (ml/phút) từ 50-31 sử dụng liều 1 gam với tần suất 12 giờ một lần
  • Độ thanh thải creatinin (ml/phút) từ 30-16 sử dụng liều 1 gam với tần suất 24 giờ một lần
  • Độ thanh thải creatinin (ml/phút) từ 15-6 sử dụng liều 1 gam 500mg với tần suất 24 giờ một lần
  • Độ thanh thải creatinin (ml/phút) <5 sử dụng liều 500mg với tần suất 48 giờ một lần.

Với bệnh nhân là trẻ em:

  • Trẻ từ 0 đến 4 tuần tuổi sử dụng 30mg/kg tiêm tĩnh mạch cứ 12 giờ một lần
  • Trẻ từ 1 tháng đến 12 tuổi sử dụng 30-50 mg/kg tiêm tĩnh mạch tối đa 6g/ngày cứ 8 giờ một lần.

Với người cao tuổi: Liều thông thường không nên vượt quá liều 3g mỗi ngày, đặc biệt người bệnh trên 70 tuổi.

Chống chỉ định:

  • Không sử dụng thuốc Sefonramid với người bệnh có tiền sử bị sốc khi dùng thuốc.
  • Khuyến cáo không dùng Sefonramid với bệnh nhân bị dị ứng với các thuốc thuộc nhóm kháng sinh cephalosporin.

Quá liều và cách xử lý:

  • Quá liều: Khi dùng quá liều lượng thuốc Sefonramid có thể dẫn đến các di chứng về thần kinh bao gồm co giật, bệnh não và hôn mê.
  • Biện pháp xử lý: Nếu là các phản ứng nhẹ, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị theo triệu chứng. Với các trường hợp nặng hơn có thể làm giảm nồng độ ceftazidime huyết thanh bằng cách thẩm phân máu.

3. Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Sefonramid

Sau đây là một số phản ứng không muốn mà người bệnh có thể gặp trong quá trình điều trị bằng thuốc như:

  • Ảnh hưởng đến dạ dày và ruột: Gây bệnh viêm kết tràng nặng kèm với tình trạng đi ngoài phân có máu, táo bón, tiêu chảy, thường xuyên khát nước. Nếu tiêu chảy thường xuyên xảy ra người bệnh cần ngừng sử dụng thuốc.
  • Ảnh hưởng đến hô hấp: Khi sử dụng các kháng sinh thuộc nhóm cephalosporin, tỷ lệ mắc bệnh viêm phổi kẽ kèm theo chứng khó thở, ho, rối loạn X-quang ngực, tăng bạch cầu ưa eosin và hội chứng PIE - phản ứng này rất hiếm gặp. Tuy nhiên, người bệnh cũng không nên chủ quan và cần theo dõi sức khỏe cần thận, nếu có gặp phản ứng này thì nên ngừng sử dụng thuốc và hỏi ý kiến của bác sĩ.
  • Phản ứng trên da: Tỷ lệ xuất hiện phản ứng này không nhiều với các triệu chứng gồm ban đỏ, hội chứng Lyell (hoại tử biểu bì nhiễm độc), hội chứng Stevens-Johnson.
  • Phản ứng trên hệ thần kinh trung ương gồm: Nhức đầu, chóng mặt, giảm vị giác, gặp chứng dị cảm, chứng run, giật rung cơ, co giật và đặc biệt ở người suy thận sử dụng ceftazidime mà không giảm liều cho thích hợp có nguy cơ mắc phải bệnh não.
  • Phản ứng sốc: Phản ứng này rất ít khi xảy ra, tuy nhiên người bệnh vẫn cần thận trọng, khi gặp phản ứng này người bệnh nên ngừng dùng thuốc và thay đổi bằng cách điều trị khác. Các triệu chứng bao gồm có vị giác bất thường, chóng mặt, ù tai, loạn xúc giác, thở rít, toát mồ hôi.
  • Phản ứng mẫn cảm: Phát ban, nổi mề đay, ban đỏ, ngứa, chứng đỏ bừng, ban đỏ dạng sần, phù mạch, phản ứng phản vệ với biểu hiện rõ nhất là co thắt phế quản hoặc hạ huyết áp. Người bệnh cần phải ngừng thuốc và thay đổi cách điều trị phù hợp hơn.
  • Phản ứng trên thận: Suy giảm chức năng thận nặng, bao gồm suy thận cấp, do đó cần giám sát người bệnh thường xuyên. Nếu có bất kỳ triệu chứng gì xảy ra, cần phải ngừng thuốc và hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn.
  • Phản ứng trên hệ huyết học: Gây giảm huyết cầu, thiếu máu tan máu, giảm bạch cầu, giảm bạch cầu hạt, chứng mất bạch cầu hạt, giảm bạch cầu trung tính, tăng lympho bào, tăng tiểu cầu, thiếu máu và tăng bạch cầu ưa eosin, giảm tiểu cầu.
  • Thiếu vitamin: Phản ứng có thể gặp là gây thiếu vitamin K, chẳng hạn như giảm prothrombin huyết, dễ chảy máu và thiếu vitamin nhóm B dẫn đến các bệnh khác như viêm lưỡi, viêm miệng, chán ăn, viêm dây thần kinh.
  • Các phản ứng khác như: Gây đau và viêm tại vùng tiêm, gây viêm tĩnh mạch hay viêm tĩnh mạch huyết khối sau khi sử dụng bằng đường tiêm tĩnh mạch.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Sefonramid

  • Thận trọng dùng thuốc với các trường hợp người bệnh có tiền sử quá mẫn với Ceftazidime, các thuốc nhóm cephalosporin và penicillin.
  • Với bệnh nhân suy thận: Cần lưu ý nên giảm tổng liều hàng ngày ở những bệnh nhân này.
  • Dùng thuốc với nồng độ cao có thể gây ra trạng thái kích thích thần kinh cơ, phản ứng co giật, bệnh não, mất thăng bằng.
  • Với người bệnh bị suy thận và suy gan hoặc người bệnh đang bị suy dinh dưỡng trong khi điều trị với Ceftazidime có thể làm giảm hoạt tính prothrombin.
  • Thận trọng sử dụng thuốc ở những bệnh nhân có tiền sử bệnh đường tiêu hóa, đặc biệt là bệnh lỵ.
  • Đối với phụ nữ có thai: Cephalosporin được đánh giá là khá an toàn khi sử dụng trong thai kỳ. Tuy nhiên, vẫn chưa đủ nghiên cứu lâm sàng để khẳng định chắc chắn thuốc được sử dụng cho trường hợp này. Do vậy, người bệnh chỉ nên dùng thuốc khi cần thiết.
  • Với phụ nữ đang cho con bú: Thành phần Ceftazidime có khả năng bài tiết vào trong sữa mẹ. Do đó, cần thận trọng sử dụng thuốc với các trường hợp này.

5. Tương tác thuốc

Tương tác thuốc có thể xảy ra trong quá trình sử dụng như sau:

  • Abacavir: Ceftazidime có thể làm giảm tốc độ bài tiết của Abacavir, điều này có thể dẫn đến nồng độ huyết thanh cao hơn
  • Abciximab: Hiệu quả điều trị của Abciximab có thể bị giảm khi dùng kết hợp với Ceftazidime.
  • Aceclofenac, Acemetacin, Acyclovir: Nguy cơ hoặc mức độ nghiêm trọng gây độc tính trên thận có thể tăng lên khi Ceftazidime được kết hợp với các loại thuốc trên.
  • Acenocoumarol: Làm tăng nguy cơ phản ứng chảy máu
  • Acetaminophen: Ceftazidime có thể làm giảm tốc độ bài tiết của Acetaminophen, dẫn đến nồng độ thuốc trong huyết thanh cao hơn
  • Acetazolamide: Acetazolamide có thể làm tăng tốc độ bài tiết của Ceftazidime, điều này có thể làm giảm nồng độ thuốc trong huyết thanh và có khả năng làm giảm hiệu quả của thuốc.
  • Aldesleukin: Ceftazidime có thể làm giảm tốc độ bài tiết của Aldesleukin, điều này có thể dẫn đến nồng độ huyết thanh cao hơn
  • Axit alendronic: Nguy cơ hoặc mức độ nghiêm trọng của độc tính trên thận và hạ calci huyết có thể tăng lên khi Ceftazidime được kết hợp với axit Alendronic
  • Alteplase: Hiệu quả điều trị của Alteplase có thể giảm khi dùng kết hợp với Ceftazidime
  • Amiloride: Amiloride có thể làm tăng tốc độ bài tiết của Ceftazidime, điều này có thể làm giảm nồng độ thuốc trong huyết thanh và có khả năng làm giảm hiệu quả
  • Ampicillin: Ceftazidime có thể làm giảm tốc độ bài tiết của Ampicillin, điều này có thể dẫn đến nồng độ trong huyết thanh cao hơn
  • Ancrod: Hiệu quả điều trị của Ancrod có thể giảm khi dùng kết hợp với Ceftazidime

Thuốc Sefonramid có thành phần chính là một loại thuốc kháng sinh nhóm cephalosporin dùng để điều trị một số bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế thực hiện tiêm truyền.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

276 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan