Công dụng thuốc Seared

Thuốc Seared được bào chế dưới dạng viên nén, có thành phần chính là Chymotrypsin. Thuốc được sử dụng để chống viêm, điều trị phù nề trong các trường hợp chấn thương, áp xe, vết loét,...

1. Công dụng của thuốc Seared

Thuốc Seared là thuốc gì? Thuốc Seared có thành phần hoạt chất chính là Chymotrypsin 4200UI (Alphachymotrypsin 4200UI). Alpha chymotrypsin là enzyme được điều chế bằng cách hoạt hóa chymotrypsinogen (chiết xuất từ tụy bò). Hoạt chất này có tác dụng làm giảm viêm, chống phù nề sau chấn thương, sau phẫu thuật hoặc các vết loét, vết áp xe,... Đồng thời, thuốc cũng được sử dụng ở bệnh nhân viêm mũi họng, hen suyễn, viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi,... nhờ khả năng làm lỏng các dịch tiết ở đường hô hấp.

Chỉ định sử dụng thuốc Seared:

  • Điều trị phù nề sau phẫu thuật, chấn thương như: Bầm tím, tụ máu, bong gân, tổn thương mô mềm, phù nề mi mắt, chuột rút, nhiễm trùng;
  • Điều trị các bệnh về đường hô hấp: Viêm mũi, viêm phế quản, viêm xoang,...

Chống chỉ định sử dụng thuốc Seared:

  • Người bị dị ứng, quá mẫn với thành phần của thuốc;
  • Bệnh nhân có nguy cơ giảm alpha-1 antitrypsin như: Tắc nghẽn phổi mạn tính, khí phế thũng, hội chứng thận hư;
  • Bà bầu và bà mẹ đang cho con bú.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Seared

Cách dùng: Đường uống.

Liều dùng: Dùng liều 2 viên/lần x 3 - 4 lần/ngày. Thuốc cũng có thể dùng để ngậm dưới lưỡi 4 - 6 viên/ngày, chia thành nhiều lần sử dụng cho tới khi thuốc tan hết.

Quá liều: Khi dùng thuốc Seared liều cao, có thể xảy ra phản ứng dị ứng nhẹ như đỏ da. Lúc này, người bệnh nên ngưng dùng thuốc và được điều trị triệu chứng.

3. Tác dụng phụ của thuốc Seared

Nhìn chung, thuốc Seared được dung nạp tốt khi sử dụng ở liều điều trị. Tuy nhien, khi sử dụng thuốc Seared, người bệnh vẫn có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Tăng nhãn áp nhất thời. Nếu sử dụng thuốc Seared để điều trị trong nhãn khoa thì có thể gây phù giác mạc, viêm màng bồ đào;
  • Rối loạn tiêu hóa: Đầy hơi, nặng bụng, táo bón, tiêu chảy hoặc buồn nôn;
  • Thuốc Seared có thể gây dị ứng (phản ứng nhẹ như đỏ da) nếu dùng với liều cao.

Khi gặp các tác dụng phụ của thuốc Seared, người bệnh nên báo ngay cho bác sĩ để nhận được lời khuyên thích hợp về việc nên tiếp tục dùng thuốc hoặc điều trị tác dụng phụ, thay đổi thuốc,...

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Seared

Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi dùng thuốc Seared:

  • Nên kiểm tra tình trạng sức khỏe và hỏi rõ ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc;
  • Không dùng thuốc Seared ở bệnh nhân tăng áp suất dịch kính hoặc người bệnh có vết thương hở;
  • Không dùng thuốc Seared cho bệnh nhân bị đục nhân mắt bẩm sinh;
  • Thận trọng khi dùng thuốc Seared ở người bị rối loạn đông máu di truyền, người đang dùng thuốc kháng đông, bệnh nhân sắp trải qua phẫu thuật, người bị dị ứng với protein, bệnh nhân loét dạ dày;
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Seared ở người lái xe và vận hành máy móc nặng do thuốc có thể gây chóng mặt, mất điều hòa,...

5. Tương tác thuốc Seared

Một số tương tác thuốc của Seared gồm:

  • Alphachymotrypsin (thành phần chính của thuốc Seared) thường được dùng phối hợp với các thuốc dạng enzyme khác để làm tăng hiệu quả điều trị. Thêm vào đó, nên có chế độ ăn uống cân đối hoặc sử dụng vitamin, bổ sung khoáng chất để gia tăng hoạt tính của Alphachymotrypsin;
  • Một số loại hạt như hạt đậu jojoba (ở Mỹ) hoặc hạt đậu nành dại có nhiều loại protein ức chế hoạt tính của Alphachymotrypsin. Các loại protein này có thể bị bất hoạt nếu được đun sôi;
  • Không dùng Alphachymotrypsin cùng với acetylcystein (thuốc dùng để làm tan đờm ở phổi);
  • Không nên phối hợp Alphachymotrypsin với thuốc chống đông vì sẽ làm gia tăng hiệu quả của thuốc chống đông máu.

Trong quá trình sử dụng thuốc Seared, người bệnh nên làm theo mọi chỉ dẫn của bác sĩ về cách dùng, liều dùng thuốc. Điều này đảm bảo thuốc có thể phát huy hiệu quả điều trị bệnh tốt nhất và giảm được nguy cơ phát sinh những sự cố khó lường.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan