Công dụng thuốc Sanuzo

Thuốc Sanuzo có thành phần chính là Itraconazole hàm lượng 100mg, được sử dụng phổ biến trong điều trị các trường hợp nhiễm nấm âm hộ âm đạo, nấm da, nấm móng, lang ben... Cùng tìm hiểu công dụng của thuốc Sanuzo qua bài viết dưới đây.

1. Thuốc Sanuzo là thuốc gì?

Thuốc Sanuzo được bào chế dưới dạng viên nang gelatin cứng, với thành phần chính bao gồm:

  • Hoạt chất: Itraconazole hàm lượng 100mg.
  • Tá dược: Hạt trơ vừa đủ 1 viên nang.

Dược lực học:

Itraconazole là một thuốc kháng nấm phổ rộng tổng hợp có tác dụng ức chế sự tổng hợp Ergosterol phụ thuộc vào Cytochrome P-450, một thành phần của màng tế bào nấm. Sự suy giảm tổng hợp chất Ergosterol cuối cùng dẫn đến một tác dụng kháng nấm của Itraconazole.

Hoạt chất Itraconazole có tác dụng lên các loại nấm như Blastomyces dermatitidis, Histoplasma duboisii, Histoplasma capsulatum, Aspergillus flavus, Aspergillus fumigatus, Cryptococcus neoformans, Coccidioides immitis, Cryptococcus neoformans, Sporothrix schenckii, Trichophyton rubrum,... Itraconazole cũng có tác dụng trên các loại khác nhau đối với các loài Trichophyton, Sporothrix schenckii, Candida albicans và các loài Candida.

2. Thuốc Sanuzo có tác dụng gì?

Thuốc Sanuzo được chỉ định điều trị nhiễm khuẩn mức độ từ nhẹ đến trung bình cho các trường hợp sau:

  • Nhiễm Candida âm hộ hay âm đạo.
  • Nhiễm nấm ngoài da, lang ben, bệnh nấm giác mạc mắt, nhiễm Candida ở miệng, nấm móng.
  • Nhiễm nấm nội tạng do Aspergillus và Candida hoặc nấm nhiệt đới hiếm gặp.
  • Bệnh nấm Cryptococcus, bệnh nấm do Sporotrichum, Histoplasma, Paracoccidioides, Blastomyces.

3. Chống chỉ định của thuốc Sanuzo

  • Dị ứng quá mẫn với bất cứ thành phần của thuốc Sanuzo.
  • Tiền sử dị ứng quá mẫn với các loại thuốc khác có chứa Itraconazole.
  • Tiền sử dị ứng quá mẫn với các loại thuốc kháng nấm khác.
  • Bệnh nhân mang thai hoặc có ý định có thai.
  • Bệnh nhân đang điều trị bằng các thuốc như Astemizole, Cisapride, Terfenadine, Midazolam uống hoặc Triazolam uống.

4. Liều dùng của thuốc Sanuzo

  • Nhiễm nấm Candida âm hộ âm đạo: Uống 1 viên (100mg)/ lần x 2 lần/ ngày trong vòng 3 ngày. Hoặc 2 viên (200mg)/ lần x 2 lần/ ngày trong 1 ngày.
  • Bệnh nấm da, lang ben: Uống 2 viên (200mg)/ lần x 1 lần/ ngày trong 7 ngày. Hoặc uống 1 viên (100mg)/ lần x 1 lần/ngày trong 15 ngày.
  • Bệnh nấm da ở bàn chân hoặc lòng bàn tay: Uống 2 viên (200mg)/ lần x 2 lần/ ngày trong 7 ngày. Hoặc uống 1 viên (100mg)/ lần x 1 lần/ ngày trong 30 ngày.
  • Nhiễm nấm Candida ở miệng: Uống 1 viên (100mg)/ lần x 1 lần/ ngày trong 15 ngày.
  • Bệnh nấm giác mạc mắt: Uống 2 viên (200mg)/ lần x 1 lần/ ngày trong 21 ngày.
  • Bệnh nấm móng:
  • Nấm móng chân có hoặc không nấm móng tay : Uống 2 viên (200mg)/ lần x 2 lần/ ngày trong 1 tuần, sau đó ngưng thuốc ở 3 tuần tiếp theo. Áp dụng đến đợt hết đợt điều trị thứ 3.
  • Nấm móng tay đơn thuần: Sử dụng liều và thời gian điều trị như trên, tuy nhiên chỉ áp dụng tối đa 2 đợt điều trị.
  • Nấm nội tạng: Liều thuốc dựa vào từng loại nấm khác nhau
  • Aspergillus: Uống 2 viên (200mg)/ lần x 1 lần/ ngày trong 2 - 5 tháng. Tăng liều lên 2 viên (200mg)/ lần x 2 lần/ ngày nếu có xâm nhiễm hoặc lan tỏa.
  • Candida: Uống 1 - 2 viên (100 - 200mg)/lần x 1 lần/ngày trong 3 tuần -7 tháng. Tăng liều lên 2 viên (200mg)/ lần x 2 lần/ ngày nếu có xâm nhiễm hoặc lan tỏa.
  • Cryptococcus ngoài màng não: Uống 2 viên (200mg)/ lần x 1 lần/ ngày trong 2 tháng - 1 năm.
  • Viêm màng não do Cryptococcus: Uống 2 viên (200mg)/ lần x 2 lần/ ngày trong 2 tháng - 1 năm. Điều trị duy trì với liều 2 viên (200mg)/ lần x 1 lần/ ngày.
  • Histoplasma: Uống 2 viên (200mg)/ lần x 1 - 2 lần/ ngày trong 8 tháng.
  • Sporotrichum: Uống 1 viên (100mg)/ lần x 1 lần/ ngày trong 3 tháng.
  • Paracoccidioides: Uống 1 viên (100mg)/ lần x 1 lần/ ngày trong 6 tháng.
  • Blastomyces: Uống 1 viên (100mg)/ lần x 1 lần/ ngày hoặc nâng liều uống 2 viên (200mg)/ lần x 2 lần/ ngày trong 6 tháng.

5. Lưu ý khi sử dụng Sanuzo

Điều trị bằng thuốc Sanuzo với liều cao hoặc kéo dài, có thể gây ra các tác dụng phụ như:

  • Thường gặp: Rối loạn tiêu hóa như khó tiêu, buồn nôn, nôn, đau bụng hoặc táo bón
  • Hiếm gặp: Triệu chứng trên thần kinh như đau đầu, hoa mắt, chóng mặt. Các phản ứng quá mẫn như ngứa, mày đay, phù mạch, ban đỏ, nặng có thể dẫn đến sốc phản vệ. Hội chứng Stevens - Johnson. Các triệu chứng khác như phù, viêm gan, tăng men gan có hồi phục, rối loạn kinh nguyệt, hạ Kali máu, rụng tóc.

Nên ngừng thuốc khi phát hiện những triệu chứng trên hoặc bất kỳ các bất thường khác sau khi uống thuốc Sanuzo. Bệnh nhân và người thân cần nhanh chóng thông báo với bác sĩ điều trị về việc sử dụng thuốc Sanuzo đồng thời đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được điều trị hỗ trợ.

Lưu ý sử dụng thuốc Sanuzo ở các đối tượng sau:

  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Sanuzo ở bệnh nhân lớn tuổi, người bị suy giảm chức năng gan thận nặng.
  • Hạn chế sử dụng thuốc Sanuzo ở trẻ em vì các giữ liệu về tính an toàn vẫn còn giới hạn.
  • Phụ nữ có thai: Theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) hoạt chất Itraconazole có trong thuốc Sanuzo được phân loại an toàn nhóm C, nhóm có bằng chứng về nguy cơ có hại trên phụ nữ mang thai. Vì thế, chống chỉ định sử dụng thuốc Sanuzo trên phụ nữ đang mang thai hoặc có ý định mang thai.
  • Phụ nữ đang cho con bú: Hiện nay có một số nghiên cứu chỉ ra rằng hoạt chất Itraconazole có trong Sanuzo có thể bài tiết qua sữa mẹ, nhưng với nồng độ thấp. Vì thế, cần cân nhắc giữa lợi ích và tác hại của thuốc Sanuzo trước khi quyết định sử dụng.
  • Người làm nghề lái xe hay công nhân vận hành máy móc thường không bị ảnh hưởng nhiều sau khi sử dụng Sanuzo.

6. Tương tác thuốc Sanuzo

Tương tác với các thuốc khác:

  • Thuốc Sanuzo làm giảm hấp thu thuốc trung hòa acid dạ dày. Vì thế, nên dùng các thuốc trung hòa acid dạ dày như Hydroxid nhôm ít nhất 2 giờ sau khi sử dụng thuốc Sanuzo.
  • Chống chỉ định dùng phối hợp Sanuzo với các thuốc như Astemizole, Cisapride, Terfenadine, Midazolam uống hoặc Triazolam uống.
  • Thuốc Sanuzo làm tăng nồng độ của các thuốc như Rifabutin, RifampicinPhenytoin trong máu, từ đó làm làm tăng hoặc kéo dài hiệu quả điều trị và tác dụng của thuốc.
  • Các thuốc như Phenytoin, Isoniazid, Rifampin và thuốc đối kháng Histamin H2 làm giảm nồng độ thuốc Sanuzo trong máu.
  • Thuốc Sanuzo làm tăng tác dụng chống đông của thuốc dạng Coumarin.
  • Dùng thuốc Sanuzo với các thuốc hạ đường huyết dạng uống có thể gây tác dụng phụ như hạ đường huyết nghiêm trọng.
  • Dùng thuốc Sanuzo với thuốc Quinidin có thể gây tác dụng phụ như ù tai, giảm khả năng nghe.
  • Dùng thuốc Sanuzo với thuốc ức chế kênh Canxi Dihydropyridine có thể gây phù.

Trên đây là thông tin khái quát và những lưu ý khi sử dụng thuốc Sanuzo. Nhằm mang lại kết quả điều trị tốt nhất cho bản thân và gia đình, người bệnh nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng có trên hộp sản phẩm thuốc Sanuzo và tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ hoặc dược sĩ.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

176 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan