Công dụng thuốc Rvpara

Thuốc Rvpara là thuốc kê đơn thuộc nhóm kháng viêm, giảm đau không Steroid. Với thành phần chính là Paracetamol được chỉ định dùng điều trị giảm đau, chống viêm mức độ nhẹ đến vừa. Sản phẩm được sử dụng bằng cách truyền trực tiếp vào tĩnh mạch nên người bệnh cần thận trọng, không tự ý dùng thuốc tại nhà hoặc nhờ người không có chuyên môn thực hiện.

1. Thuốc Rvpara có tác dụng gì?

Thuốc Rvpara là thuốc kháng viêm, giảm đau hạ sốt không Steroid với thành phần chính chứa Paracetamol. Paracetamol là chất chuyển hoá có hoạt tính của phenacetin nên có tác dụng giảm đau, hạ sốt rất tốt và trong một số trường hợp Paracetamol có thể thay thế Aspirin.

Paracetamol khi vào cơ thể sẽ tác động lên vùng dưới đồi để hạ thân nhiệt bằng cách tỏa giãn mạch tỏa nhiệt và kích thích tăng lưu lượng máu ngoại biên. Đặc biệt, vì paracetamol không tác dụng trên cyclooxygenase toàn thân, chỉ tác động đến cyclooxygenase/prostaglandin của hệ thần kinh trung ương nên nếu dùng Paracetamol với liều lượng thấp không làm thay đổi cân bằng acid - base, không kích ứng với hệ tim mạch và hô hấp, đặc biệt không xước hoặc chảy máu dạ dày như khi dùng salicylat. Hơn nữa Paracetamol không có tác dụng trên tiểu cầu. Tuy nhiên người bệnh cần lưu ý nếu điều trị viêm thì không sử dụng Paracetamol mà phải dùng Aspirin vì Paracetamol điều trị viêm không có hiệu quả.

Rvpara được điều trị trong trường hợp:

  • Giảm đau tạm thời trong điều trị chứng đau nhẹ và vừa như đau đầu, đau răng, đau bụng kinh, gút, bệnh xương khớp,...
  • Hạ sốt, giảm thân nhiệt khi cơ thể sốt trên 38.5 độ C, không hạ thân nhiệt khi có thể bình thường.

Thuốc chống chỉ định dùng trong các trường hợp:

  • Người mẫn cảm với thành phần Paracetamol và tá dược khác trong công thức thuốc.
  • Người bị bệnh gan nặng.
  • Phụ nữ mang thai trong tháng tam cá nguyệt thứ nhất
  • Người mắc bệnh thiếu máu.
  • Trẻ sinh non
  • Không chỉ định với người bệnh bị thiếu hụt glucose - 6 - phosphat dehydrogenase.

2. Cách dùng và liều dùng của thuốc Rvpara

Thuốc Rvpara được bào chế dạng dung dịch và dùng bằng đường truyền trực tiếp qua tĩnh mạch. Với cách dùng này thì yêu cầu người thực hiện phải là cán bộ y tế có chuyên môn.

Dựa vào độ tuổi, tình trạng bệnh bác sĩ sẽ kê liều lượng phù hợp. Tuy nhiên, nếu vẫn còn băn khoăn người bệnh có thể tham khảo thêm liều dùng bên dưới:

  • Người lớn và trẻ vị thành niên trên 50kg: 1 chai 100ml/lần x 4 lần/ngày, dùng tối đa không quá 400ml. Thời gian dùng giữa các liều cách nhau ít nhất 4 giờ.
  • Trẻ em trên 11 tuổi và người lớn nặng dưới 50kg: 1,5ml/kg cân nặng x 4 lần/ngày, liều dùng tối đa 6mg/kg cân nặng. Thời gian dùng giữa các liều cách nhau ít nhất 4 giờ.
  • Trẻ em trên 1 tuổi - dưới 13 tuổi: 1,5 ml/kg cân nặng x 4 lần/ngày, tổng liều thuốc tối đa mỗi ngày không vượt quá 6ml/kg cân nặng. Thời gian dùng giữa các liều cách nhau ít nhất 4 giờ.
  • Trẻ sơ sinh đủ tháng- dưới 1 tuổi: 0,75ml dung dịch/kg, tối đa 4 lần/ngày. Tổng liều tối đa người bệnh có thể dùng mỗi ngày không vượt quá 3ml/kg cân nặng. Thời gian dùng giữa các liều cách nhau ít nhất 4 giờ.
  • Bệnh nhân suy thận nặng: Với những người có độ thanh thải nhỏ hơn 30ml/phút, liều dùng vẫn như bình thường nhưng chú ý thời gian dùng liều sau tăng lên 6 giờ.
  • Bệnh nhân suy gan, nghiện rượu, suy nhược, suy dinh dưỡng, mất nước: Không dùng quá 3ml/ngày.

3. Tác dụng phụ của thuốc Rvpara

Trong quá trình dùng thuốc, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ như:

  • Hiếm gặp: Phát ban, hạ huyết áp, men gan tăng, khó chịu, chóng mặt, khó ở, đau tại vị trí tiêm truyền.
  • Rất hiếm gặp: Dị ứng, giảm tiểu cầu, bạch cầu.

Cũng như tất cả các loại thuốc chứa Paracetamol khác, tác dụng phụ của thuốc Rvpara gần như rất hiếm gặp và không quá nguy hiểm sẽ tự hết sau một vài ngày. Tuy nhiên, nếu nghi ngờ triệu chứng bất thường của tác dụng phụ, người bệnh hãy thông tin ngay cho bác sĩ để được tư vấn thêm.

4. Tương tác thuốc Rvpara

Nếu dùng Rvpara đồng thời với thuốc chữa bệnh khác có thể xảy ra phản ứng tương tác. Dưới đây là tổng hợp một số có thể xảy ra tương tác nếu dùng đồng thời với Rvpara cụ thể là:

  • Probenecid: Làm giảm gần 2 lần độ thanh thải của paracetamol bởi vì Probenecid sẽ ngăn cản sự liên hợp của paracetamol với acid glucuronic. Do đó, nếu phải dùng thì phải giảm liều paracetamol khi dùng chung với probenecid.
  • Salicylamide: có thể kéo dài thời gian bán thải paracetamol.
  • Thuốc chống đông: Dùng liên tục thuốc Rvpara với liều lượng cao có thể tăng nhẹ tác dụng của coumarin và dẫn chất indandion.
  • Rượu: Gây độc cho gan và thận.
  • Thuốc chống giật như carbamazepin, phenytoin, barbiturat: có thể làm tăng tính độc hại cho gan.

Trước khi dùng thuốc Rvpara chữa bệnh, người bệnh cần tìm hiểu kỹ về khả năng tương tác thuốc, để phòng tránh những rủi ro không đáng có.

5. Lưu ý khi dùng thuốc Rvpara

Rvpara gần như không độc khi điều trị ở liều cao. Tuy nhiên, người dùng cần lưu ý một số điều sau:

  • Trong quá trình dùng thuốc có thể xảy ra tình trạng ngứa ban da, nổi mề đay, phù mạch, phù thanh quản, phản ứng kiểu phản vệ.
  • Trên thị trường hiện nay có rất nhiều thuốc có chứa thành phần paracetamol, vậy nên bạn cần thận trọng phân biệt sản phẩm thật giả. Hết sức thận trọng khi dùng thuốc Rvpara cho các bệnh nhân thận, thiếu máu,...
  • Thành phần thuốc đào thải qua sữa mẹ tương đối ít nên đang cho con bú hoàn toàn có thể dùng.
  • Thuốc có thể ảnh hưởng đến khả năng lái xe hoặc vận hành, thế nên cần cân nhắc thời gian uống phù hợp.

6. Xử trí quên liều và quá liều

Nếu dùng quá liều sẽ dẫn đến ngộ độc Paracetamol. Ngộ độc Paracetamol rất nguy hiểm, với trẻ nếu dùng quá 140 mg/kg cân nặng và người lớn là 7,5 g paracetamol có thể dẫn tới suy tế bào gan. Thế nên khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, nhợt nhạt, chán ăn, xanh xao, đau bụng hãy ngay lập tức đưa người bệnh đi cấp cứu. Xét nghiệm máu để biết mức độ ngộ độc, sau đó tiến hành giải độc. Thông thường để giải độc thì sẽ dùng N-acetylcystein (NAC) tiêm tĩnh mạch hoặc uống trực tiếp trước 10 giờ tính từ lúc ngộ độc. Trong một số trường hợp tiên lượng nặng ảnh hưởng đến gan thì cần tiến hành cấy ghép gan. Các triệu chứng sẽ xuất hiện sau 3 - 5 ngày dùng thuốc quá liều.

Nếu quên liều, cần dùng bổ sung càng sớm càng tốt, nhưng nếu thời gian nhớ ra quá gần với thời gian dùng liều sau thì có thể bỏ qua liều quên và dùng liều kế tiếp như chỉ định. Tuyệt đối không dùng chồng liều trong mọi trường hợp, để tránh ngộ độc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

21 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan