Công dụng thuốc Rovahadin

Thuốc Rovahadin là kháng sinh được chỉ định trong các trường hợp nhiễm khuẩn đường hô hấp trên và dưới, da, sinh dục mà nguyên nhân do vi khuẩn nhạy cảm... Cùng tìm hiểu về công dụng và các lưu ý khi sử dụng thuốc Rovahadin qua bài viết dưới đây.

1. Rovahadin là thuốc gì?

Thuốc Rovahadin được bào chế dưới dạng viên nén bao phim, chứa hoạt chất Spiramycin 3.000.000IU tương đương với Spiramycin 1g.

Hoạt chất Spiramycin là kháng sinh thuộc nhóm Macrolid phổ kháng khuẩn rộng. Spiramycin có tác dụng kìm khuẩn ở vi khuẩn đang phân chia tế bào. Tại nồng độ trong huyết thanh thuốc có tác dụng kìm khuẩn nhưng khi đạt nồng độ trong mô tế bào thuốc có tác dụng diệt khuẩn. Cơ chế tác dụng của Spiramycin là tác dụng trên các tiểu đơn vị 50S của ribosom vi khuẩn và ngăn cản quá trình tổng hợp protein. Phổ tác dụng của Spiramycin bao gồm các vi khuẩn Gram dương, Pneumococcus, Staphylococcus, Gonococcus, Streptococcus, Meningococcus, Enterococcus... Tuy nhiên phổ tác dụng ban đầu này đã bị suy giảm do việc sử dụng lan tràn kháng sinh Erythromycin. Spiramycin không có tác dụng trên vi khuẩn đường ruột Gram âm.

Thuốc Rovahadin được chỉ định trong những trường hợp sau:

  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên: Viêm xoang cấp, viêm tai, viêm amidan, viêm họng;
  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới: Đợt cấp viêm phế quản mãn, viêm phế quản cấp, viêm phổi;
  • Nhiễm khuẩn da, mô mềm;
  • Nhiễm khuẩn sinh dục.

2. Liều dùng của thuốc Rovahadin

Thuốc Rovahadin được dùng bằng đường uống, liều thuốc sử dụng được chỉ định bởi bác sĩ điều trị dựa vào mức độ nhiễm khuẩn và khả năng dung nạp của người bệnh. Một số khuyến cáo về liều dùng Rovahadin như sau:

  • Người trưởng thành: Uống 1 viên/lần x 2 – 3 lần/ngày;
  • Trẻ sơ sinh và trẻ em: Uống 150.000 – 300.000UI/kg/ngày chia làm 2 – 3 lần uống;
  • Phòng ngừa viêm màng não do não cầu khuẩn: Người trưởng thành uống 1 viên/lần lặp lại liều mỗi 12 giờ trong vòng 5 ngày. Trẻ em dùng liều 75.000UI/kg/lần lặp lại liều mỗi 12 giờ trong vòng 5 ngày.

Thức ăn làm giảm hấp thu Spiramycin nên người bệnh cần uống thuốc trước ăn 2 giờ hoặc sau ăn 3 giờ, thời gian điều trị bằng thuốc phải tuân theo chỉ định của bác sĩ điều trị. Người bệnh tuyệt đối không tự ý ngưng thuốc khi cảm thấy triệu chứng bệnh đã được cải thiện vì sẽ làm tăng nguy cơ đề kháng thuốc.

3. Tác dụng phụ của thuốc Rovahadin

Thuốc Rovahadin có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như sau:

  • Thường gặp: Khó tiêu, buồn nôn, nôn, tiêu chảy;
  • Ít gặp: Chảy máu cam, mệt mỏi, đổ mồ hôi, dị cảm tạm thời, cảm giác đè ép ngực, loạn cảm, cứng cơ và khớp gối, đau cơ, cảm giác nóng rát, nóng đỏ bừng, viêm kết tràng cấp, ngoại ban, ban da, mày đay;
  • Hiếm gặp: Bội nhiễm do dùng thuốc dài ngày, phản ứng phản vệ.

Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ điều trị trong trường hợp gặp phải tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc Rovahadin.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Rovahadin

Chống chỉ định sử dụng Rovahadin ở người bệnh mẫn cảm với Spiramycin, kháng sinh nhóm Macrolid hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Một số lưu ý khi dùng thuốc Rovahadin:

  • Thận trọng khi điều trị bằng Rovahadin ở người bệnh rối loạn chức năng gan vì thuốc có khả năng gây độc cho gan;
  • Phụ nữ đang mang thai: Spiramycin qua được hàng rào nhau thai nhưng nồng độ thuốc trong máu thai nhi thấp hơn so với người mẹ. Thuốc không gây tai biến khi điều trị ở phụ nữ đang mang thai. Tuy vậy việc sử dụng thuốc ở đối tượng này cần được chỉ định và giám sát bởi bác sĩ;
  • Phụ nữ đang cho con bú: Hoạt chất Spiramycin bài tiết qua được sữa mẹ với nồng độ cao nên khuyến cáo không sử dụng Rovahadin khi đang cho con bú hoặc ngưng cho con bú khi đang điều trị bằng thuốc.

5. Tương tác thuốc

Sử dụng đồng thời Rovahadin và thuốc tránh thai đường uống sẽ làm giảm khả năng phòng ngừa thụ thai. Vì vậy người bệnh cần tránh thai nên sử dụng thêm một biện pháp tránh thai ngoài đường uống khác khi dùng đồng thời Rovahadin và thuốc tránh thai đường uống.

Tương tác thuốc xảy ra làm tăng nguy cơ gặp tác dụng và giảm tác dụng điều trị của Rovahadin. Vì vậy để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong điều trị người bệnh cần thông báo cho bác sĩ các loại thuốc, thực phẩm đang sử dụng trước khi dùng Rovahadin.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

21 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan