Công dụng thuốc Rivarus

Rivarus có thành phần chính là Ribavirin, thuộc nhóm thuốc kháng virus. Rivarus chỉ định trong trường hợp: Người bệnh viêm gan A, B, C do virus, herpes zoster, herpes simplex, các bệnh virus ở trẻ em như sởi, quai bị, thủy đậu, hợp bào hô hấp.

1. Thuốc Rivarus là thuốc gì?

Thuốc Rivarus có thành phần chính là Ribavirin, thuộc nhóm thuốc kháng virus. Rivarus là một nucleotide tổng hợp có cấu trúc giống guanosin, có tác dụng kìm hãm sự nhân lên của virus bằng cách ngăn cản quá trình tổng hợp ARN và ADN, từ đó ức chế tổng hợp protein và sự sao chép virus. Tác dụng kháng virus của thuốc Rivarus chủ yếu nằm ở tế bào nhiễm virus nhạy cảm.

2. Chỉ định của thuốc Rivarus

Chỉ định sử dụng thuốc Rivarus trong những trường hợp sau:

  • Nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV) ở đường hô hấp dưới (bao gồm cả viêm tiểu phế quản và viêm phổi) ở trẻ em có nhiều nguy cơ ( trẻ đẻ non, dị dạng bẩm sinh ở tim, phổi, suy giảm miễn dịch, suy dinh dưỡng,... phải nằm viện). Mặc dù có thể bắt đầu điều trị Rivarus trước khi người bệnh có kết quả chẩn đoán, tuy nhiên chỉ nên tiếp tục dùng Rivarus khi người bệnh chắc chắn có nhiễm RSV. Do vậy, cần phải chẩn đoán nhanh và có kết quả sớm về bệnh.
  • Sốt xuất huyết do virus bao gồm sốt Lassa, sốt xuất huyết kèm hội chứng phổi, hội chứng thận (do nhiễm Hantavirus), sốt xuất huyết vùng Crimean-Congo.
  • Nhiễm virus cúm A hoặc B.
  • Nhiễm virus viêm gan C mạn tính ở người có bệnh gan còn bù chưa điều trị với interferon hoặc tái phát sau điều trị interferon alpha-2b: Phối hợp với Interferon alpha-2b hoặc Peginterferon alpha-2b để điều trị vì dùng riêng Rivarus không có tác dụng. Phác đồ này có hiệu quả với cả các trường hợp viêm gan C có đồng nhiễm HIV.

3. Chống chỉ định của thuốc Rivarus

Chống chỉ định sử dụng thuốc Rivarus trong các trường hợp sau:

  • Người bệnh có tiền sử dị ứng hoặc quá mẫn cảm với Ribavirin hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc Rivarus.
  • Người bệnh có bệnh tim nặng, bệnh tim chưa được kiểm soát hoặc chưa ổn định trong trong vòng 6 tháng, người bệnh thiếu máu cơ tim.
  • Bệnh thận nặng, bao gồm cả những người bị suy thận mạn hoặc có độ thanh thải Creatinin (ClCr) < 50 ml/phút hoặc người bệnh đang phải lọc máu.
  • Bệnh thiếu máu Địa trung hải (Thalassemia), thiếu máu hồng cầu liềm.
  • Chống chỉ định dùng đồng thời Rivarus và Peginterferon alfa hoặc Interferon alpha cho những đối tượng bị rối loạn tâm thần, viêm gan tự miễn, xơ gan mất bù, xơ gan có nhiễm HCV mạn tính, xơ gan mất bù đồng nhiễm HIV trước và trong khi điều trị, suy gan nặng.

4. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Rivarus

4.1. Liều sử dụng thuốc Rivarus

Người lớn

Viêm gan B, C mạn tính:

  • Liều uống trung bình là 400mg/ lần x 2 lần/ ngày. Liều có thể điều chỉnh theo cân nặng, có thể tăng liều tới 1200mg/ ngày đối với người có cân nặng trên 85 kg.
  • Sử dụng phối hợp thuốc Rivarus với Interferon (3 - 5 triệu đơn vị quốc tế/ lần, tiêm 3 lần/ tuần), hoặc Peginterferon liều 1.5 microgam/ kg/ lần (tiêm 1 lần/ tuần).
  • Thời gian điều trị phụ thuộc vào kiểu gen (genotype) của virus viêm gan C và tùy thuộc trước đó người bệnh đã điều trị Interferon hay chưa. Nhiễm virus viêm gan C (mono) loại kiểu gen 1, 4 điều trị trong 48 tuần, loại 2 và 3 là 24 tuần và loại 5 và 6 thì chưa có kinh nghiệm điều trị trên lâm sàng. Riêng trường hợp đồng nhiễm HIV, điều trị trong vòng 48 tuần mà không phân biệt nhiễm virus loại di truyền nào.
  • Các trường hợp đã điều trị với Interferon bị tái phát: Điều trị tiếp phối hợp với Rivarus kéo dài trong 24 tuần, và khi đến tuần 24, người bệnh cần kiểm tra xem điều trị có đáp ứng không bằng cách đo nồng độ RNA HCV huyết thanh. Nếu không có đáp ứng điều trị thì nên ngừng thuốc vì nhiều khả năng không hiệu quả nếu điều trị thêm.

Sốt xuất huyết ( bao gồm sốt Lassa, sốt do virus):

  • Dùng đường uống thuốc Rivarus với mục đích dự phòng khi người bệnh có nguy cơ phơi nhiễm cao: Uống 500 - 600mg/ lần x 4 lần/ngày, kéo dài trong 7 - 10 ngày.

Viêm gan A: Liều uống 800mg/ ngày, chia ra nhiều lần trong ngày, kéo dài trong 10 - 14 ngày.

Herpes zoster/simplex: Liều uống 800 - 1200mg/ ngày, chia 3 - 4 lần trong ngày, điều trị kéo dài từ 7 - 10 ngày.

Dự phòng tái phát Herpes sinh dục: Liều uống 400mg/ ngày, chia 1 - 2 lần trong ngày, điều trị kéo dài trong 6 tháng.

Trẻ em:

Điều trị bằng Rivarus không được khuyến cáo sử dụng cho trẻ em và thanh thiếu niên (< 18 tuổi) do không đủ dữ liệu về tính an toàn và hiệu quả khi kết hợp với các sản phẩm thuốc khác để điều trị viêm gan C.

Viêm gan C mạn tính:

  • Dùng Rivarus dạng uống phối hợp với interferon.
  • Trẻ em trên 3 tuổi: 15 mg/ kg cân nặng/ngày, chia làm 2 lần.

Sốt xuất huyết (sốt Lassa, sốt do virus): Dùng đường uống thuốc Rivarus với mục đích dự phòng khi người bệnh có nguy cơ phơi nhiễm cao:

  • Trẻ em 6 - 9 tuổi: Uống 400mg/ lần x 4 lần/ngày, kéo dài trong 7 - 10 ngày.
  • Trẻ dưới 6 tuổi: Chưa xác định được liều Rivarus.

Đối tượng khác

Người suy thận: Nên giảm liều Rivarus đối với bệnh nhân có độ thanh thải creatinin (CrCl) ≤ 50ml/ phút.

  • ClCr 30 - 50ml/ phút: Uống liều luân phiên mỗi ngày là 200mg và 400mg.
  • ClCr < 30ml/ phút và/ hoặc đang chạy thận nhân tạo: Liều uống 200mg/ ngày.

Người cao tuổi: Cần phải đánh giá chức năng thận trước khi sử dụng Rivarus.

4.2. Cách dùng thuốc Rivarus

Rivarus được bào chế dưới dạng viên nang. Trước khi uống, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên tờ hướng dẫn sử thuốc và tham khảo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa. Khi uống nuốt cả viên thuốc với 1 ly nước đầy. Nên uống vào thời điểm cố định trong ngày để tránh quên liều thuốc.

5. Tác dụng không mong muốn của Rivarus

Người bệnh sử dụng thuốc Rivarus có thể gặp tác dụng phụ không mong muốn như sau:

Tác dụng không mong muốn thường gặp như sau:

  • Hệ thần kinh: Nhức đầu, mệt mỏi, run, sốt, triệu chứng giả cúm, nhược cơ, giảm cân, loạn cảm, cơn bốc hỏa, lú lẫn, tăng cảm giác, chóng mặt, trầm cảm, dễ bị kích thích, mất ngủ, lo âu, giảm tập trung, dễ xúc cảm.
  • Máu và hệ bạch huyết: Giảm hemoglobin, thiếu máu, giảm bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu, sưng hạch.
  • Hệ tiêu hóa: Buồn nôn, chán ăn, tiêu chảy, đau bụng, nôn, khô miệng, táo bón, chướng bụng, chảy máu lợi, viêm loét miệng, viêm tụy.
  • Hệ tim mạch: Nhịp tim nhanh, tăng hoặc hạ huyết áp.
  • Hệ cơ xương khớp: Đau cơ, đau khớp, đau cơ vân.
  • Trên da: Rụng tóc, ngứa, da khô, nổi mẩn, nổi ban, tăng tiết mồ hôi.
  • Hệ hô hấp: Viêm họng, viêm mũi, xoang, ho, khó thở, đau ngực.
  • Ngũ quan: Rối loạn vị giác và thị giác, ù tai, giảm thính lực.
  • Hệ nội tiết - sinh dục: Rối loạn kinh nguyệt, thiểu năng hoặc cường năng tuyến giáp, giảm ham muốn tình dục.
  • Khác: Tăng nguy cơ bội nhiễm, người bệnh nhiễm nấm, nhiễm virus khác.

Tác dụng không mong muốn ít gặp như sau: Trầm cảm, ý muốn tự sát.

Tác dụng không mong muốn hiếm gặp như sau:

  • Máu và hệ bạch huyết: Thiếu máu tán huyết.
  • Hệ hô hấp: Co thắt phế quản (ở người có tiền sử hen, bị hội chứng thông khí tắc nghẽn), viêm phổi kẽ tiến triển nặng.

6. Thận trọng khi sử dụng thuốc Rivarus

Người bệnh sử dụng thuốc Rivarus cần lưu ý những thông tin dưới đây:

  • Thận trọng khi dùng thuốc cho người dưới 18 tuổi, nhất là khi phối hợp với Interferon alpha-2b vì chưa rõ tác dụng và an toàn của thuốc ở lứa tuổi này.
  • Một số triệu chứng rối loạn tâm thần đã gặp ở những bệnh nhân dùng Rivarus phối hợp với Interferon alpha-2b như mất ngủ, kích thích, trầm cảm, muốn tự tử, không kể ở người có tiền sử hay không có tiền sử bệnh tâm thần. Do vậy, cần theo dõi và thận trọng khi dùng Rivarus uống phối hợp với Interferon alpha-2b, đặc biệt ở người có bệnh sử rối loạn tâm thần, trầm cảm.
  • Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ: Phải chắc chắn không mang thai hoặc không có ý định mang thai trong thời gian điều trị và nhiều tháng sau thời gian điều trị, vì thuốc có tiềm năng gây quái thai.
  • Không nên dùng thuốc Rivarus cho người đang dùng ma túy theo đường tiêm (nguy cơ bị tái nhiễm cao) và người nghiện rượu nặng (nguy cơ làm tăng tổn thương ở gan).
  • Rivarus gây những rối loạn về máu, cho nên người bệnh phải xét nghiệm máu (hồng cầu, bạch cầu, công thức bạch cầu, tiểu cầu, thời gian máu đông) trước khi dùng thuốc Rivarus. Đồng thời, theo dõi và xét nghiệm máu vào các tuần điều trị thứ 2, thứ 4 và định kỳ sau đó tùy theo tình trạng lâm sàng để có thể kịp thời phát hiện tình trạng thiếu máu.
  • Lưu ý với phụ nữ có thai: Rivarus độc với thai và gây quái thai. Không được dùng cho phụ nữ mang thai. Trước khi cho phụ nữ dùng thuốc Rivarus cần phải làm xét nghiệm để khẳng định chắc chắn không mang thai. Phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ cần phải dùng các biện pháp tránh thai có hiệu quả trong thời gian điều trị và trong 6 tháng sau khi đã ngừng thuốc. Nếu có thai trong thời gian này thì thầy thuốc cần phải thông báo cho người bệnh biết về nguy cơ gây quái thai của Rivarus.
  • Nam giới được điều trị bằng Rivarus cũng cần phải áp dụng các biện pháp tránh thai trong thời gian điều trị và ít nhất trong 6 - 7 tháng sau khi ngừng thuốc.
  • Lưu ý với phụ nữ cho con bú: Chưa rõ thuốc Rivarus có được bài tiết vào sữa mẹ hay không. Để tránh tác dụng phụ của thuốc lên trẻ đang bú, không dùng cho phụ nữ cho con bú hoặc ngừng cho con bú trước khi bắt đầu dùng thuốc.
  • Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc: Rivarus không có hoặc ảnh hưởng không đáng kể đến khả năng lái xe và sử dụng máy móc. Tuy nhiên, các thuốc khác khi phối hợp với Rivarus có thể bị ảnh hưởng. Do đó, bệnh nhân mệt mỏi, buồn ngủ hoặc lú lẫn trong khi điều trị nên phải thận trọng để tránh lái xe hoặc vận hành máy móc.

Trên đây là những thông tin về thuốc Rivarus để người bệnh có thể tham khảo. Tuy nhiên thuốc Rivarus chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ, người bệnh cần lưu ý khi dùng để đạt hiệu quả tốt nhất và hạn chế tác dụng phụ không mong muốn.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

52 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan