Công dụng thuốc Rhutazil

Rhutazil có chứa các thành phần là Acetaminophen 500mg, Loratadin 5mg, Dextromethorphan HBr 7.5 mg dưới dạng viên nén, có tác dụng làm giảm các triệu chứng của cảm cúm như ho, sốt, nhức đầu, đau nhức bắp thịt, nghẹt mũi, chảy nước mũi, chảy nước mắt, ngứa mắt, đau nhức xương khớp, viêm xoang, sổ mũi theo mùa, mẩn ngứa, viêm mũi dị ứng,...

1. Rhutazil là thuốc gì

Rhutazil có chứa các thành phần và công dụng như sau:

  • Acetaminophen 500mg, là chất chuyển hóa có hoạt tính của phenacetin, còn có tên gọi khác là paracetamol. Đây là một loại thuốc rất phổ biến và quen thuộc, có tác dụng hạ sốt, giảm đau; được dùng rộng rãi trong điều trị các chứng đau và sốt từ nhẹ đến vừa,...
  • Loratadin 5mg, thuộc nhóm đối kháng chọn lọc thụ thể Histamin H1 ở ngoại vi tác dụng kéo dài, thuộc thế hệ 2, thuốc có tác dụng làm giảm các triệu chứng như ngứa mũi, hắt hơi, chảy nước mũi, chảy nước mắt,... Bên cạnh đó, loratadin còn được sử dụng để điều trị ngứa do phát ban.
  • Dextromethorphan HBr 7.5mg có công dụng giảm ho do tác dụng lên trung tâm hô hấp ở hành não. Mặc dù cấu trúc hóa học của Dextromethorphan HBr có liên quan đến morphine, nhưng lại không có tác dụng giảm đau và rất ít tác dụng an thần. Dextromethorphan được sử dụng để giảm ho do kích thích nhẹ ở họng và phế quản như cảm lạnh thông thường hoặc khi hít phải các chất kích thích. Dextromethorphan có hiệu quả trong điều trị triệu chứng ho mãn tính không có đờm vì Dextromethorphan không có tác dụng long đờm.

Chỉ định sử dụng thuốc Rhutazil trong trường hợp: Điều trị làm giảm triệu chứng của cảm cúm: Ho, sốt, nhức đầu, nghẹt mũi, chảy nước mũi, chảy nước mắt, ngứa mắt, đau nhức bắp thịt, đau nhức xương khớp, viêm xoang, viêm mũi dị ứng, sổ mũi theo mùa, mẩn ngứa.

2. Chống chỉ định của thuốc Rhutazil

Không sử dụng thuốc Rhutazil trong các trường hợp sau:

  • Trẻ < 6 tuổi.
  • Người bệnh có tiền sử dị ứng hoặc quá mẫn với bất kì thành phần nào của thuốc Rhutazil.
  • Bệnh nhân hen phế quản, đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, suy hô hấp.
  • Bệnh Glaucoma (hay còn gọi là thiên đầu thống hay chứng tăng nhãn áp).
  • Người bệnh phì đại tiền liệt tuyến, hoặc bít cổ bàng quang.
  • Người có bệnh tim mạch trầm trọng.
  • Người suy gan, suy thận nặng.
  • Bệnh nhân đang dùng IMAO.

3. Liều dùng và cách sử dụng thuốc Rhutazil

3.1. Liều dùng của thuốc Rhutazil

  • Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: Liều dùng uống 1 viên/ lần x 2 lần/ ngày.
  • Trẻ 6 - 12 tuổi: Uống 1/2 viên/ lần x 2 lần/ ngày.
  • Bệnh nhân suy gan hoặc suy thận nhẹ và vừa: 1 viên/ lần, uống cách ngày.

3.2. Cách sử dụng thuốc Rhutazil

Thuốc Rhutazil được sản xuất dưới dạng viên nén, dùng đường uống. Trước khi sử dụng Rhutazil, người bệnh cần phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc trên tờ hướng dẫn sử dụng. Khi uống, nuốt cả viên thuốc với nước, có thể kèm hoặc không kèm thức ăn.

Nếu người bệnh quên uống một liều thuốc Rhutazil, hãy uống lại càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu liều thuốc này đã quá gần với liều thuốc kế tiếp thì hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời gian đã được chỉ định. Người bệnh không được uống gấp đôi liều đã chỉ định trong cùng một thời điểm.

4. Tác dụng không mong muốn của thuốc

Khi sử dụng thuốc Rhutazil, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ như sau:

  • Toàn thân và trên da: Nổi mày đay, phản ứng phản vệ.
  • Hệ thần kinh: Mệt, nhức đầu, chóng mặt, mất ngủ.
  • Hệ tiêu hóa: Khô miệng, rối loạn tiêu hóa, viêm dạ dày, táo bón, viêm tụy
  • Hệ tim mạch: Nhịp tim nhanh.
  • Hệ tiết niệu: Bí tiểu.

5. Thận trọng khi sử dụng thuốc Rhutazil

Người bệnh sử dụng thuốc Rhutazil cần lưu ý những thông tin dưới đây:

  • Người bệnh sử dụng thuốc Rhutazil sau 7 ngày không cải thiện triệu chứng cần ngừng thuốc và tái khám bác sĩ chuyên khoa để có hướng điều trị tiếp. Người bệnh không được tự ý dùng thuốc quá 7 ngày.
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Rhutazil trên người bệnh đang bị ho mà có quá nhiều đờm, hoặc ho mạn tính ở người hút thuốc, người bệnh có hen phế quản hoặc giãn phế nang, người bệnh có nguy cơ hoặc đang suy hô hấp.
  • Nếu người bệnh xuất hiện các triệu chứng quá mẫn như mẩn ngứa, phát ban, nặng tụt huyết áp, khó thở, suy hô hấp, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và xử lý một cách kịp thời.
  • Vì thuốc có thể gây khởi phát hội chứng serotonin, có khả năng đe dọa tính mạng đối với thuốc Rhutazil khi dùng đồng thời với các thuốc serotonergic, chẳng hạn như chất ức chế tái thu hồi lại serotonin một cách có chọn lọc (SSRI) hay thuốc làm suy giảm chuyển hóa của serotonin (bao gồm cả chất ức chế monoamine oxidase (MAOIs)) và chất ức chế CYP2D6. Nếu nghi ngờ hội chứng serotonin ở người bệnh, nên ngừng điều trị Rhutazil.
  • Người bệnh trước khi sử dụng thuốc cần báo với bác sĩ về tiền sử bệnh và các thuốc bản thân đang sử dụng để có chỉ định dùng thuốc phù hợp, tránh xảy ra các tương tác thuốc và tác dụng phụ không mong muốn.
  • Lưu ý thời kỳ mang thai: Vì có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn, vì vậy Các bà mẹ đang mang thai cần hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng thuốc.
  • Lưu ý với phụ nữ cho con bú: Người bệnh đang cho con bú tránh sử dụng thuốc Rhutazil, hoặc ngừng cho con bú khi sử dụng thuốc để tránh tác dụng phụ cho trẻ.
  • Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc: Do tác dụng phụ có thể gây buồn ngủ của Rhutazil ảnh hưởng đến sự tỉnh táo của người bệnh, khuyến cáo khi dùng Rhutazil không được lái xe hoặc điều khiển máy móc hoặc khi làm các công việc cần sự tỉnh táo.

6. Bảo quản thuốc

Để bảo quản được thuốc Rhutazil, người bệnh cần lưu ý những thông tin sau:

  • Người bệnh nên để thuốc ở những vị trí khô thoáng và tránh ánh nắng mặt trời, tránh nơi độ ẩm cao.
  • Thuốc Rhutazil không nên được lưu trữ ở trong ngăn đá tủ lạnh hoặc trong phòng tắm, nơi có độ ẩm cao.
  • Thuốc cần để xa tầm tay trẻ em và vật nuôi trong nhà.
  • Khi thuốc hết hạn hoặc không cần dùng đến nữa thì phải tiêu hủy thuốc đúng cách.

Hy vọng bài viết trên đây sẽ giúp người đọc hiểu rõ hơn về thuốc Rhutazil. Chỉ sử dụng thuốc Rhutazil khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa và trong quá trình dùng thuốc người bệnh cần trao đổi thường xuyên với bác sĩ điều trị để quá trình dùng thuốc đạt hiệu quả tốt nhất và tránh các tác dụng phụ không mong muốn.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

142 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan