Công dụng thuốc Residron

Risedronate là một Pyridinyl bisphosphonate có ái lực với các tinh thể Hydroxyapatite trong xương và ức chế huỷ cốt bào, từ đó làm giảm hoạt động hủy xương và giúp sự khoáng hóa xương được duy trì. Đây là hoạt chất chính của thuốc Residron, vậy thuốc Residron có tác dụng gì?

1. Thuốc Residron là thuốc gì?

Thuốc Residron chứa hoạt chất Risedronate, đây là thuốc ức chế tiêu xương, điều trị loãng xương thuộc nhóm Bisphosphonates. Thuốc Residron chỉ sử dụng theo đơn thuốc của bác sĩ hay còn gọi là thuốc bán theo đơn.

Thuốc Residron được bào chế dưới dạng viên nén với 2 hàm lượng Risedronate khác nhau là 35 mg, 150 mg.

Risedronate là thuốc thuộc nhóm thuốc không steroid Bisphosphonate, thuốc được dùng để điều trị các bệnh xương do tác động trực tiếp trên bộ xương, giúp xương ít khả năng bị gãy. Risedronat khi kết hợp với hydroxyapatite trong xương sẽ cho tác động như một tác nhân chống hủy xương. Ở cấp độ tế bào, Risedronate có tác dụng ức chế các hủy cốt bào, bình thường các hủy cốt bào này vẫn dính vào bề mặt xương nhưng bị giảm hoạt động hủy xương.

Trong xét nghiệm hình thái mô học trên chuột, chó và chuột lang cho thấy việc điều trị bằng thuốc Risedronate có tác dụng làm giảm chu chuyển xương (giảm tần suất hoạt động tức tỷ lệ các vị trí tái cấu trúc xương được kích hoạt) và giảm sự hủy xương ở các vị trí tái cấu trúc.

Trong các nghiên cứu dược lực học và nghiên cứu trên lâm sàng cho thấy tình trạng giảm các dấu ấn sinh hóa của chu chuyển xương trong vòng 1 tháng và kết quả đạt mức tối đa trong 3 - 6 tháng.

2. Thuốc Residron có tác dụng gì?

Thuốc Residron có tác dụng điều trị một số bệnh lý sau đây:

  • Thuốc Residron được chỉ định trong điều trị và ngăn ngừa bệnh loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh;
  • Chỉ định sử dụng thuốc Residron để đề phòng gãy xương ở phụ nữ sau mãn kinh đã bị loãng xương;
  • Thuốc Residron điều trị loãng xương ở nam giới.

3. Đặc điểm hấp thu - phân bố - chuyển hóa - thải trừ của thuốc Residron

  • Hấp thu: Sau khi uống, thuốc Residron được hấp thu tương đối nhanh, khoảng 1 giờ và độc lập với liều dùng. Sinh khả dụng trung bình khi uống thuốc Residron là 0.63% và giảm đi khi thuốc Residron được uống cùng với thức ăn. Sinh khả dụng của thuốc Residron ở nam giới và nữ giới là tương tự nhau.
  • Phân bố: Thể tích phân bố của thuốc Residron ở trạng thái ổn định nồng độ trên người là 6,3 lít/kg và có khoảng 24% lượng thuốc gắn với protein huyết tương.
  • Chuyển hóa: Không có bằng chứng cho thấy quá trình chuyển hóa toàn thân đối với hoạt chất Risedronat natri.
  • Thải trừ: Khoảng một nửa liều thuốc Residron đã hấp thu được bài tiết trong nước tiểu trong vòng 24 giờ, thuốc không hấp thu sẽ được thải trừ dưới dạng không thay đổi trong phân.

Đặc điểm dược động học của thuốc Residron trên nhóm bệnh nhân đặc biệt:

  • Người cao tuổi: Không cần điều chỉnh liều thuốc Residron do khả dụng sinh học, phân phối và thải trừ ở người cao tuổi (độ tuổi > 60 tuổi) tương tự so với người trẻ tuổi.
  • Người suy thận: So với những người có chức năng thận bình thường, độ thanh thải hoạt chất Risedronat natri ở thận đã giảm đi 70% ở bệnh nhân có độ thanh thải creatinin khoảng 30ml/phút. Tuy nhiên, việc điều chỉnh liều lượng thuốc Residron là không cần thiết ở những bệnh nhân suy thận nhẹ đến vừa (Clcr ≥ 30ml/phút). Chỉ không khuyến cáo sử dụng Risedronate hay thuốc Residron ở những bệnh nhân bị suy thận nặng (Clcr < 30ml/phút).
  • Trẻ em: Không khuyến cáo dùng thuốc Residron cho trẻ em dưới 18 tuổi do không đủ dữ liệu về độ an toàn và hiệu quả của thuốc ở nhóm đối tượng này.

4. Liều lượng thuốc Residron và hướng dẫn cách dùng

Liều dùng thuốc Residron được khuyến nghị đối với người lớn là: mỗi tuần uống 1 viên 35 mg (uống vào 1 ngày nhất định trong tuần). Nếu quên uống 1 liều thuốc Residron thì nên uống ngay vào ngày hôm sau khi nhớ ra, sau đó vẫn uống mỗi tuần 1 viên thuốc Residron vào ngày đã chọn, không được uống 2 viên thuốc Residron 35mg trong cùng 1 ngày.

Cách dùng thuốc Residron:

  • Nên uống thuốc Residron lúc bụng đói, trước bữa ăn sáng ít nhất 30 phút hoặc cách bữa ăn khác ít nhất 2 giờ hoặc uống thuốc Residron ít nhất 30 phút trước khi đi ngủ. Nuốt trọn viên thuốc Residron (không bẻ, ngậm hoặc nhai thuốc) với 1 ly nước lọc khoảng 120 ml. Sau khi nuốt viên thuốc Residron, người bệnh cần giữ tư thế thẳng đứng ít nhất 30 phút sau khi uống để giúp thuốc Residron dễ đến dạ dày (không nằm trong vòng 30 phút sau khi uống viên thuốc Residron);
  • Tránh uống thuốc Residron cùng lúc với vitamin D, calci;
  • Chế độ ăn của bệnh nhân nên có những sản phẩm chứa Calci và vitamin D (ví dụ các chế phẩm từ sữa). Vì vậy cần bổ sung calci và vitamin D nếu chế độ ăn không được đầy đủ.

Uống Risedronate quá liều trầm trọng có thể dẫn đến tình trạng giảm calci và phospho huyết thanh ở một số bệnh nhân. Ngoài ra, ở một số trường hợp còn xuất hiện dấu hiệu hạ calci huyết. Xử trí quá liều: bệnh nhân nên uống sữa hoặc các thuốc kháng acid có chứa magnesi, calci hoặc nhôm để gắn kết với Risedronat natri góp phần làm giảm sự hấp thu thuốc. Trong trường hợp quá liều thuốc Residron trầm trọng, người nhà nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay để xử trí rửa dạ dày hoặc có thể tiêm calci tĩnh mạch để phục hồi lượng calci bị ion hóa, giúp bệnh nhân giảm bớt các dấu hiệu và triệu chứng hạ calci huyết.

5. Chống chỉ định của thuốc Residron

Chống chỉ định sử dụng thuốc Residron trong những trường hợp sau đây:

  • Người quá mẫn với Risedronate hoặc với bất cứ thành phần nào của thuốc Residron;
  • Hạ calci máu;
  • Suy thận nặng với độ thanh thải creatinin < 30ml/phút;
  • Bất thường thực quản (chít hẹp, mất khả năng giãn nở);
  • Không có khả năng đứng hay ngồi trong thời gian tối thiểu 30 phút;
  • Phụ nữ có thai;
  • Phụ nữ cho con bú;
  • Trẻ em, thanh thiếu niên dưới 18 tuổi.

6. Tương tác thuốc của thuốc Residron

Uống thuốc Residron đồng thời với thuốc chứa các cation đa hóa trị (như calci, magnesi, sắt và nhôm) có thể cản trở sự hấp thu của hoạt chất Risedronate. Những thuốc này nên uống vào một thời điểm khác trong ngày, không trùng với lúc uống thuốc Residron;

Người bệnh có thể dùng thuốc Residron đồng thời với chế phẩm bổ sung estrogen nếu bác sĩ đã cân nhắc kỹ;

Thuốc Residron không được chuyển hóa trong cơ thể, thuốc này không gây cảm ứng enzym P450 và ít gắn kết với protein.

7. Tác dụng phụ của thuốc Residron

Đa số các tác dụng không mong muốn của thuốc Residron đều từ mức độ nhẹ đến trung bình, thường không phải ngưng điều trị.

Tác dụng phụ thường gặp của thuốc Residron:

  • Rối loạn thần kinh: Nhức đầu;
  • Rối loạn tiêu hóa: Đau bụng, khó tiêu, buồn nôn/nôn, tiêu chảy/táo bón;
  • Rối loạn xương khớp: Đau xương, đau cơ, đau khớp.

Tác dụng phụ ít gặp của thuốc Residron:

  • Rối loạn tiêu hóa: Viêm dạ dày, thực quản, viêm tá tràng, khó khăn khi nuốt;
  • Rối loạn ở mắt: Viêm mống mắt;
  • Rối loạn chất điện giải trong huyết thanh như: giảm calci máu, giảm phosphat máu.

Tác dụng phụ hiếm gặp của thuốc Residron:

  • Rối loạn hệ miễn dịch: Phản ứng quá mẫn phù mạch, nổi mẩn ngứa;
  • Rối loạn tiêu hóa: Viêm lưỡi, chít hẹp thực quản;
  • Giảm bạch cầu, rối loạn men gan.

8. Thận trọng khi sử dụng thuốc Residron

Hiệu quả của các Bisphosphonate trong điều trị loãng xương có liên quan đến mật độ khoáng trong xương thấp và/hoặc gãy xương. Tuy nhiên người lớn tuổi hoặc người có những yếu tố nguy cơ trên lâm sàng dẫn đến gãy xương vẫn chưa phải là cơ sở để tiến hành điều trị loãng xương với Bisphosphonate. Không có nhiều bằng chứng về hiệu quả hỗ trợ của thuốc Bisphosphonate kể cả Risedronate ở người lớn tuổi (trên 80 tuổi);

Bisphosphonate có thể gây viêm thực quản, viêm dạ dày, loét thực quản, loét dạ dày - tá tràng. Vì vậy cần thận trọng khi dùng thuốc Residron cho những bệnh nhân có rối loạn vận chuyển thực quản, không giữ tư thế thẳng đứng được ít nhất 30 phút...;

Bác sĩ kê toa cần nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc tuân thủ hướng dẫn dùng thuốc Residron và cảnh báo các dấu hiệu hoặc triệu chứng của kích ứng thực quản. Bệnh nhân nên được hướng dẫn về các triệu chứng kích ứng thực quản trầm trọng như: khó nuốt, đau khi nuốt, đau ở vị trí phía sau xương ức, ợ nóng;

  • Nên điều trị hạ canxi máu đạt ổn định trước khi bắt đầu điều trị với thuốc Residron.
  • Các rối loạn khác về chuyển hóa xương và chất khoáng cần được điều trị đồng thời với thuốc Residron.

Thuốc Residron chứa hoạt chất Risedronate, đây là thuốc ức chế tiêu xương, điều trị loãng xương thuộc nhóm Bisphosphonates. Thuốc Residron chỉ sử dụng theo đơn thuốc của bác sĩ hay còn gọi là thuốc bán theo đơn. Vì thế, để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được tác dụng phụ, người dùng cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ chỉ định.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan