Công dụng thuốc Pharmox IMP 1g

Thuốc Pharmox IMP 1g thuốc kê đơn chứa thành phần kháng sinh - dùng để kìm hãm hoặc tiêu diệt sự phát triển của vi khuẩn, nhờ đó đáp ứng viêm với vi khuẩn cũng giảm đi. Tuy nhiên, không phải loại kháng sinh nào cũng được sử dụng cho những loại nhiễm khuẩn giống nhau.

1. Pharmox IMP 1g là thuốc gì?

Pharmox IMP 1g chứa hoạt chất chính là kháng sinh Amoxicillin dưới dạng Amoxicilin trihydrat hàm lượng 1000mg/ viên. Ngoài ra, thuốc còn chứa một số thành phần khác làm tá dược như: Aspartam, bột mùi dâu, bột mùi tutti frutti, magie stearate, Crospovidone, Colloidal anhydrous silica.

Thuốc Pharmox IMP 1g là một sản phẩm của công ty cổ phần dược phẩm Imexpharm được đóng gói theo quy cách mỗi hộp 2 vỉ, mỗi vỉ 7 viên nén phân tán, các viên nén thuốc có dạng viên nén dài, hai mặt trơn, cạnh và thành viên nguyên vẹn.

2. Pharmox IMP 1g công dụng thuốc

Với thành phần là Amoxicillin trong thuốc Pharmox IMP 1g có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn nhờ vào khả năng ức chế sự sinh tổng hợp của một thành phần trên thành tế bào vi khuẩn khiến chúng tự phân hủy và chết đi.

Chỉ định sử thuốc Pharmox IMP 1g cho những trường hợp nhiễm khuẩn ở người lớn và trẻ em do vi khuẩn nhạy cảm gây ra như:

  • Viêm xoang cấp tính do vi khuẩn.
  • Viêm tai giữa cấp tính.
  • Viêm amidan, viêm họng cấp do khuẩn liên cầu.
  • Đợt cấp COPD.
  • Viêm phổi mắc phải cộng đồng.
  • Viêm bàng quang cấp tính.
  • Nhiễm khuẩn đường tiểu không biến chứng trong thời kỳ mang thai.
  • Viêm bể thận cấp tính.
  • Sốt phó thương hàn, sốt thương hàn.
  • Áp xe răng miệng kèm viêm mô tế bào lan rộng.
  • Nhiễm khuẩn khớp giả.
  • Điều trị Helicobacter pylori.
  • Bệnh Lyme.
  • Dự phòng viêm nội tâm mạc.

Chống chỉ định dùng Pharmox IMP 1g trong các trường hợp:

  • Quá mẫn với bất kỳ Penicillin nào hay bất kỳ thành phần nào khác của thuốc này.
  • Từng bị phản ứng quá mẫn tức thời, nghiêm trọng (ví dụ: Phản vệ) với một thuốc beta-lactam khác.

3. Sử dụng thuốc Pharmox IMP 1g như thế nào?

Viên nén phân tán Pharmox IMP 1g dùng bằng đường uống, có thể hòa tan thuốc trước với một ít nước hoặc uống trực tiếp, có thể bẻ đôi thuốc để dễ nuốt. Thuốc này không bị ảnh hưởng bởi thức ăn.

Liều lượng kháng sinh Amoxicillin được sử dụng tùy thuộc vào loại vi khuẩn và độ nhạy cảm với kháng sinh của chúng; vị trí, mức độ nhiễm khuẩn; cân nặng tuổi tác và chức năng thận của người bệnh.

Thời gian sử dụng thuốc phụ thuốc vào đáp ứng của người bệnh và loại nhiễm khuẩn.

Sử dụng thuốc ở người lớn và trẻ em từ 40kg trở lên:

  • Viêm xoang cấp tính do vi khuẩn, áp xe nha khoa kèm viêm tế bào lan rộng, nhiễm khuẩn đường tiết niệu không biến chứng trong thai kỳ, viêm bể thận cấp tính, viêm bàng quang cấp tính uống 1 viên Pharmox IMP 1g mỗi 12 giờ, nếu nhiễm khuẩn nặng uống 1 viên mỗi 8 giờ. Điều trị viêm bàng quang cấp tính với 3 viên/ lần, ngày 2 lần.
  • Viêm tai giữa cấp tính, viêm amidan và viêm họng cấp do liên cầu khuẩn, đợt cấp tính của viêm phế quản mạn tính uống 1 viên mỗi 12 giờ, nếu nhiễm khuẩn nặng uống 1 viên mỗi 8 giờ, trong 10 ngày.
  • Viêm phổi mắc phải cộng đồng uống 1 viên mỗi 8 giờ.
  • Sốt thương hàn và sốt phó thương hàn uống 2 viên mỗi 8 giờ.
  • Nhiễm khuẩn khớp giả uống 1 viên mỗi 8 giờ.
  • Dự phòng viêm nội tâm mạc uống 2 viên thuốc Pharmox IMP 1g, liều duy nhất trước khi phẫu thuật từ 30 đến 60 phút.
  • Điều trị Helicobacter pylori uống 1 viên mỗi lần, ngày 2 lần, kết hợp với thuốc ức chế bơm proton PPI và các kháng sinh khác trong 7 ngày.
  • Bệnh Lyme giai đoạn sớm uống 1 viên mỗi 8 giờ, có thể dùng tối đa đến tối đa 4 viên thuốc mỗi ngày, chia thành các liều bằng nhau, uống trong 14 ngày (10 đến 21 ngày).
  • Bệnh Lyme giai đoạn muộn (có biểu hiện toàn thân) uống 1 viên mỗi 8 giờ, dùng tối đa đến 6 viên thuốc trên ngày, chia thành các liều uống trong 10 đến 30 ngày.

Với trẻ em có cân nặng nhỏ hơn 40kg liều dùng ghi trên hướng dẫn sử dụng thuốc như sau:

  • Viêm xoang cấp do vi khuẩn, viêm tai giữa cấp tính, viêm phổi mắc phải cộng đồng, viêm bàng quang cấp tính, viêm bể thận cấp tính, áp xe nha khoa kèm viêm tế bào lan rộng dùng từ 20 đến 90mg cho một kg thể trọng mỗi ngày, chia thành 2 lần uống.
  • Viêm amidan và viêm họng cấp tính do liên cầu khuẩn dùng từ 40 đến 90mg cho mồi kg thể trọng trên ngày, chia thành 2 lần.
  • Sốt thương hàn và sốt phó thương hàn dùng 100mg cho một kg thể trọng trên ngày, chia thành 3 lần.
  • Dự phòng viêm nội tâm mạc dùng 50mg cho một kg thể trọng, uống liều duy nhất trước khi phẫu thuật từ 30 đến 60 phút
  • Bệnh Lyme giai đoạn sớm uống từ 25 đến 50mg cho một kg thể trọng trên ngày, chia thành 3 lần, dùng 10 đến 21 ngày. Giai đoạn muộn uống 100mg cho một kg thể trọng trên ngày, chia thành 3 lần, dùng 10 đến 30 ngày.

Điều chỉnh liều phù hợp trong trường hợp như: suy thận, thẩm phân máu, thẩm phân màng bụng hay suy gan.

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Pharmox IMP 1g:

  • Cho bác sĩ biết về những loại thuốc kê đơn ETC và không kê đơn OTC, vitamin, thực phẩm chức năng và các sản phẩm thảo dược bạn đang dùng, đặc biệt là: Allopurinol, các kháng sinh khác, thuốc chống đông máu, thuốc tránh thai và Probenecid.
  • Cho bác sĩ biết nếu bạn bị tăng bạch cầu mono hay đã từng mắc bệnh thận, hen suyễn, dị ứng, sốt cỏ khô hoặc nổi mề đay.
  • Các đối tượng đặc biệt như mẹ bầu hoặc người đang cho con bú nên thận trọng khi sử dụng thuốc này, cân nhắc giữa lợi ích và tác dụng gây hại có thể xảy ra.

4. Tác dụng phụ của thuốc Pharmox IMP 1g

Thuốc Pharmox IMP 1g có thể gây ra tác dụng phụ một số tác dụng không mong muốn như:

  • Buồn nôn.
  • Nôn mửa.
  • Tiêu chảy.
  • Thay đổi khẩu vị.
  • Đau đầu.

Một số tác dụng không mong muốn của Pharmox IMP 1g có thể nghiêm trọng, ngưng sử dụng thuốc và gọi cho bác sĩ ngay lập tức hay đến cấp cứu nếu có bất kỳ biểu hiện nào sau đây:

  • Phát ban.
  • Da bị phồng rộp hoặc bong tróc.
  • Ngứa.
  • Nổi mề đay.
  • Thở khò khè.
  • Khó nuốt/ khó thở.
  • Sưng mắt, mặt, họng, lưỡi, môi.
  • Tiêu chảy nặng, phân có thể có máu kèm theo sốt và đau dạ dày co thắt.

Tóm lại, sử dụng kháng sinh phù hợp, đúng cách đúng theo hướng dẫn của người có chuyên môn sẽ giúp tình trạng nhiễm trùng của bạn hồi phục tốt hơn.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan