Công dụng thuốc Pauzin 500

Thuốc Pauzin 500 giúp phòng và điều trị các trường hợp chảy máu ở người bệnh ưa chảy máu hoặc rong kinh. Thuốc có thành phần chính là Tranexamic acid. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng Pauzin 500, người dùng cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ, đồng thời tham khảo thêm nội dung thông tin về những công dụng thuốc Pauzin 500 trong bài viết dưới đây.

1. Công dụng thuốc Pauzin 500 là gì?

1.1. Pauzin 500 là thuốc gì?

Pauzin 500 thuộc nhóm thuốc cầm máu, có số đăng ký VN-4423-07, do Công ty Dược Emcure Pharmaceuticals Limited - Ấn Độ sản xuất, với thành phần chính Tranexamic acid hàm lượng 500mg.

Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén bao phim hình tròn màu trắng, vỉ 10 viên, hộp 3 vỉ.

Thuốc Pauzin 500 khuyến cáo sử dụng cho cả người lớn và trẻ em.

1.2. Thuốc Pauzin 500 có tác dụng gì?

Thuốc Pauzin-500 được kê đơn chỉ định để sử dụng trong các trường hợp sau đây:

  • Phòng ngừa và điều trị chảy máu đồng thời có tiêu Fibrin quá mức: Dùng ngắn hạn (từ 2 đến 8 ngày) trong và sau khi nhổ răng ở người bệnh mắc chứng ưa chảy máu, phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt, cắt bỏ cổ tử cung, phẫu thuật bàng quang.
  • Phòng ngừa chảy máu đường tiêu hóa, chảy máu mũi tái phát, chảy máu sau chấn thương mắt.
  • Chảy máu vùng miệng do dùng thuốc tiêu huyết khối hoặc rối loạn đông máu.
  • Trường hợp rong kinh nguyên phát.
  • Giảm nguy cơ mất máu trong phẫu thuật (đặc biệt ở các phẫu thuật lớn như thay khớp, ghép gan, phẫu thuật tim).
  • Bệnh nhân mắc chứng phù mạch di truyền.

Chống chỉ định dùng thuốc Pauzin 500 trong trường hợp:

  • Bệnh nhân bị dị ứng với thành phần hoạt chất chính Tranexamic acid hay bất cứ thành phần tá dược nào của thuốc.
  • Bệnh nhân bị suy thận nặng do nguy cơ tích lũy thuốc trong cơ thể.
  • Bệnh nhân mắc bệnh huyết khối, hay có tiền sử huyết khối tĩnh mạch hoặc động mạch.
  • Rối loạn thị giác mắc phải kiểu loạn màu sắc.
  • Người bệnh có tiền sử co giật.

2. Cách sử dụng của Pauzin 500

2.1. Cách dùng thuốc Pauzin 500

  • Thuốc Pauzin 500 dùng đường uống, có thể trước ăn hay sau ăn đều được.
  • Người bệnh nên uống nguyên viên Pauzin 500 với nước lọc, không nghiền nát, không bẻ đôi hay trộn thuốc với bất cứ hỗn hợp nào khác để uống.

2.2. Liều dùng của thuốc Pauzin 500

Người lớn:

  • Điều trị trong thời gian ngắn tình trạng chảy máu do tiêu Fibrin quá mức: 2 đến 3 viên/ lần (hoặc 15-25mg/ kg cân nặng), ngày 2 đến 4 lần.
  • Hỗ trợ cầm máu cho người phẫu thuật răng mắc chứng ưa chảy máu: 25mg/ kg cân nặng, ngày 3 đến 4 lần, dùng trước ngày phẫu thuật 1 ngày.
  • Điều trị rong kinh: 2-3 viên/ lần, 3-4 lần/ ngày, trong 4 ngày liên tục kể từ khi ngày bắt đầu hành kinh. Liều tối đa 8 viên/ ngày.
  • Bệnh nhân mắc chứng phù mạch di truyền: 2-3 viên/ lần, ngày 2 đến 3 lần.
  • Cầm máu trong chảy máu mũi: 2 viên x 3 lần mỗi ngày trong 7 ngày.

Trẻ em:

  • Điều trị trong thời gian ngắn tình trạng chảy máu do tiêu Fibrin quá mức, phù mạch di truyền: 15-25mg/ kg cân nặng tối đa 3 viên với trẻ em từ 6 đến 18 tuổi.
  • Dự phòng nguy cơ chảy máu quá nhiều sau phẫu thuật răng với trẻ em 6 đến 18 tuổi: Trước phẫu thuật: 15-25mg/ kg cân nặng/ lần, tối đa 3 viên/ lần. Sau phẫu thuật: 15-25mg/ kg cân nặng/lần, tối đa 3 viên mỗi lần trong 8 ngày.
  • Rong kinh: 2 viên x 3 lần một ngày trong 4 ngày, tối đa 8 viên một ngày với trẻ em 12 đến 18 tuổi, uống từ ngày đầu tiên có kinh nguyệt.
  • Dưới 6 tuổi hoặc các đối tượng bị chứng khó nuốt: Nên dùng các dạng bào chế khác như thuốc bột, viên nhai, tiêm...

Bệnh nhân suy thận:

  • Điều chỉnh liều uống theo độ thanh thải Creatinin trong huyết thanh.

Xử lý khi quên liều:

  • Uống ngay liều Pauzin 500 khi nhớ ra. Với mọi loại thuốc không có khuyến cáo quy định nghiêm ngặt về thời gian đều có thể uống chậm hơn trong khoảng 1 đến 2 giờ so với thời điểm cần phải dùng thuốc trên tờ hướng dẫn sử dụng hoặc theo chỉ định của bác sĩ.
  • Tuy nhiên, nếu thời gian hiện tại đã quá xa thời điểm cần uống thuốc thì bỏ qua liều cầm máu bạn đã quên và tuyệt đối không gấp đôi liều để bù lại có thể gây nguy hiểm cho sức khoẻ của chính bạn.

Xử trí khi quá liều:

  • Chưa có báo cáo về các trường hợp quá liều. Các triệu chứng có thể xảy ra: Buồn nôn, nôn và/hoặc hạ huyết áp tư thế đứng.
  • Không có biện pháp đặc hiệu để điều trị. Trường hợp nhiễm độc do uống quá liều hoặc tiêm truyền, nên bổ sung dịch để thúc đẩy bài thuốc qua thận và các biện pháp điều trị hỗ trợ khác.

3. Lưu ý khi dùng thuốc Pauzin 500

Thận trọng sử dụng thuốc Pauzin 500 ở các trường hợp sau:

  • Nguy cơ trầm cảm: Thuốc Pauzin 500 có thể làm giảm khả năng cả về thể chất hoặc tinh thần.
  • Phản ứng quá mẫn mức độ nghiêm trọng bao gồm sốc phản vệ có thể xảy ra. Cần ngừng sử dụng thuốc dùng nếu xảy ra phản ứng nghiêm trọng.
  • Tác dụng trên mắt: Các khiếm khuyết về thị giác như mất thị giác, thay đổi cảm nhận màu, tắc nghẽn tĩnh mạch của võng mạc và động mạch võng mạc.
  • Biến cố huyết khối rất được giá cần đề phòng: Huyết khối tĩnh mạch và động mạch hoặc huyết khối tắc mạch, bao gồm tắc nghẽn động mạch/ tĩnh mạch trung tâm.
  • Tắc nghẽn niệu quản: Do thuốc Pauzin 500 kích thích hình thành cục máu đông nên cần sử dụng thận trọng ở bệnh nhân chảy máu đường tiết niệu trên hay tắc nghẽn niệu quản.
  • Xuất huyết dưới nhện: Sử dụng thận trọng ở bệnh nhân phù não, xuất huyết dưới nhện (SAH) và nhồi máu có thể xảy ra.
  • Bệnh mạch máu: Sử dụng thận trọng ở những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch hoặc mạch máu não không được điều trị do các biến chứng của huyết khối.
  • Thường xuyên xét nghiệm chức năng gan và thị giác khi uống thuốc dài ngày.
  • Thận trọng khi dùng cho phụ nữ kinh nguyệt không đều, người mắc bệnh mạch máu não, bệnh tim mạch, bệnh thận hoặc phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt qua niệu đạo.
  • Tranexamic Acid ngăn cản sự phân giải các cục máu đông tồn tại ngoài mạch.
  • Không dùng kết hợp với chất làm đông máu hoặc phức hợp yếu tố IX.
  • Dùng thuốc Pauzin 500 sau khi chảy máu dưới nhện có thể làm tăng tỉ lệ biến chứng thiếu máu cục bộ ở não.
  • Thuốc Pauzin 500 qua được hàng rào nhau thai, tuy nhiên, chưa có bằng chứng về tác dụng gây quái thai trên động vật thí nghiệm. Chỉ dùng thuốc Pauzin 500 trong thời kỳ mang thai khi lợi ích cho mẹ vượt trội nguy cơ có thể xảy ra cho bé.
  • Thuốc thải trừ qua sữa mẹ, tuy nhiên nồng độ chỉ bằng 1% trong máu mẹ. Thận trọng khi dùng thuốc Pauzin 500 ở phụ nữ cho con bú.
  • Thuốc Pauzin 500 có thể gây chóng mặt, ảnh hưởng tới khả năng tập trung, tỉnh táo khi làm việc. Thận trọng khi dùng cho người lái xe và vận hành máy móc.

4. Tác dụng phụ của thuốc Pauzin 500

Ở liều điều trị, thuốc Pauzin 500 được dung nạp tốt. Tuy nhiên, quá trình sử dụng Pauzin 500, người bệnh vẫn có thể gặp phải các tác dụng phụ như:

Thường gặp:

  • Đau bụng, đau lưng, đau cơ và đau khớp.
  • Nghẹt mũi và chuột rút.
  • Buồn nôn, nôn và bệnh tiêu chảy.
  • Các tác dụng không mong muốn khác có thể gặp của thuốc:
  • Các cục máu đông gây tê hoặc yếu ở một bên cơ thể, đau, đỏ, hoặc sưng ở cánh tay hoặc chân.
  • Thay đổi màu sắc của một cánh tay hoặc chân, đau ngực, hụt hơi, tim đập nhanh hoặc ho ra máu.
  • Nhức đầu dữ dội, đau mắt và kích ứng mắt nghiêm trọng.
  • Yếu sức, co giật, chóng mặt nghiêm trọng.
  • Biểu hiện của một phản ứng khác như thở khò khè, tức ngực, sốt, ngứa, ho nặng, da xanh, co giật, hoặc sưng mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng.

Nếu gặp phải các triệu chứng này, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc Pauzin 500 và thông báo cho bác sĩ để có hướng xử trí phù hợp.

5. Tương tác thuốc Pauzin 500

  • Kết hợp Pauzin 500 với Estrogen có thể gây huyết khối nhiều hơn.
  • Thận trọng khi dùng Pauzin 500 với các thuốc cầm máu khác.
  • Phối hợp Pauzin 500 với Tretinoin đường uống có thể gây huyết khối trong các vi mạch.

Để tránh tình trạng tương tác, trước khi được kê đơn Pauzin 500 thì người bệnh nên thông báo với bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng, kể cả thực phẩm chức năng. Bác sĩ sẽ căn cứ vào đó để kê đơn Pauzin 500 phù hợp.

6. Cách bảo quản thuốc Pauzin 500

  • Bảo quản Pauzin 500 trong khoảng nhiệt độ từ 15°C đến 30°C.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Pauzin 500, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Pauzin 500 là thuốc kê đơn nên người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua thuốc điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

200 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan