Công dụng thuốc Osmadol

Osmadol có hoạt chất chính là Tramadol, một thuốc giảm đau nhóm Opioid, được chỉ định để điều trị các cơn đau từ vừa đến nặng. Vậy công dụng, liều dùng và những lưu ý khi sử dụng thuốc Osmadol là gì?

1. Công dụng thuốc Osmadol

Thuốc Osmadol chứa hoạt chất chính là Tramadol, một thuốc giảm đau tổng hợp loại Opioid có tác dụng giảm đau theo cơ chế trung ương. Cơ chế tác dụng của Tramadol là gắn vào thụ thể muy của nơron thần kinh và giảm sự tái nhập Norepinephrin và Serotonin vào tế bào. Tác dụng giảm đau xuất hiện sau 1 giờ dùng thuốc và đạt tác dụng tối đa sau 2 - 3 giờ. Khác với Morphin, Tramadol không làm giải phóng histamin, không ảnh hưởng đến nhịp tim và chức năng thất trái và ít ức chế hô hấp hơn Morphin khi dùng ở liều điều trị.

Thuốc Osmadol được dùng để điều trị cơn đau vừa đến nặng. Chống chỉ định sử dụng thuốc Osmadol trong các trường hợp sau đây:

  • Bệnh nhân có tiền sử quá mẫn với Tramadol, bất cứ thành phần nào khác của chế phẩm hoặc thuốc có tính chất giống thuốc phiện khác.
  • Ngộ độc cấp tính với các chất ức chế hệ thần kinh trung ương như rượu, thuốc an thần, thuốc ngủ, thuốc giảm đau trung ương, thuốc hướng thần.
  • Bệnh nhân suy hô hấp nặng.
  • Bệnh động kinh không được kiểm soát.
  • Điều trị đồng thời hoặc sau khi ngừng điều trị với thuốc ức chế Monoamine oxidase trong vòng 15 ngày.
  • Suy thận hoặc suy gan nặng.
  • Trẻ em dưới 15 tuổi và phụ nữ mang thai.

2. Liều dùng và cách dùng của thuốc Osmadol

Liều dùng:

  • Liều Osmadol khuyến cáo là 50 – 100mg, cứ 4 – 6 giờ tiêm 1 lần, tối đa 400mg/ngày. Liều được điều chỉnh tùy thuộc vào mức độ đau và khả năng dung nạp của bệnh nhân.
  • Đối với đau sau phẫu thuật, liều ban đầu là 100mg, sau 60 phút thì cứ mỗi 10 - 20 phút tiêm 50mg đến tổng liều 250mg. Sau đó tiêm 50 – 100 mg, mỗi 4 – 6 giờ 1 lần, liều tối đa là 600mg/ngày.
  • Bệnh nhân cao tuổi (trên 75 tuổi): Dùng liều ban đầu ở mức thấp nhất của liều thường dùng và tăng khoảng cách giữa các liều, liều Osmadol tối đa không quá 300mg/ngày.
  • Suy thận: Bệnh nhân suy thận từ 17 tuổi trở lên dùng liều 50 – 100mg, cách 12 giờ 1 lần, không quá 200mg/ngày.
  • Suy gan: Bệnh nhân suy gan từ 17 tuổi trở lên nên dùng liều 50mg mỗi 12 giờ.

Cách dùng:

Thuốc Osmadol dùng bằng cách tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch chậm (trong 2 - 3 phút) hoặc truyền tĩnh mạch.

3. Tác dụng phụ của thuốc Osmadol

Bệnh nhân sử dụng thuốc Osmadol có thể gặp phải các tác dụng phụ bao gồm:

Thường gặp:

  • Toàn thân: Khó chịu;
  • Tim mạch: Hạ huyết áp;
  • Hệ thần kinh: Lo lắng, lú lẫn, bồn chồn, rối loạn phối hợp, căng thẳng thần kinh, rối loạn giấc ngủ;
  • Hệ tiêu hoá: Buồn nôn, nôn, đau bụng, chán ăn, chướng bụng, táo bón.
  • Hệ cơ xương: Tăng trương lực;
  • Da: Phát ban;
  • Hệ tiết niệu sinh dục: Triệu chứng tiền mãn kinh, tiểu dắt, bí tiểu

Ít gặp:

  • Toàn thân: Dị ứng, sốc phản vệ, có xu hướng nghiện, giảm cân.
  • Tim mạch: Hạ huyết áp tư thế đứng, tim đập nhanh, ngất xỉu.
  • Hệ thần kinh: Dáng đi bất thường, giảm trí nhớ, rối loạn nhận thức, trầm cảm, khó tập trung, dị cảm, ảo giác, co giật, run.
  • Hô hấp: Khó thở.
  • Da: Hội chứng Stevens – Johnson, viêm da biểu bì hoại tử nhiễm độc, mày đay, bóng nước.
  • Cơ quan cảm giác: Rối loạn loạn vị giác.
  • Hệ tiết niệu - sinh dục: Khó tiểu tiện, rối loạn kinh nguyệt.

Hiếm gặp:

  • Tim mạch: Rối loạn điện tim, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, phù phổi, ngoại tâm thu.
  • Hệ thần kinh: Cơn đau nửa đầu, hội chứng serotonin (sốt, kích thích, rét run), rối loạn giọng nói.
  • Tiêu hoá: Chảy máu tiêu hoá, viêm gan, viêm miệng.
  • Các chỉ số xét nghiệm: Tăng creatinin, tăng men gan, giảm hemoglobin, protein niệu.
  • Khác: Đục thuỷ tinh thể, điếc, ù tai.

4. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Osmadol

  • Điều trị lâu dài nếu ngừng thuốc đột ngột có thể gây ra hội chứng cai thuốc với các triệu chứng như hốt hoảng, ra mồ hôi, mất ngủ, buồn nôn, run, tiêu chảy, dựng lông. Trong một số trường hợp có thể xảy ra ảo giác, hoang tưởng. Do vậy, nên dùng Osmadol liều thấp nhất có tác dụng, không nên dùng thuốc thường xuyên, dài ngày và không nên ngừng đột ngột mà phải giảm liều từ từ.
  • Ở liều điều trị thuốc Osmadol có thể gây co giật, do vậy phải hết sức thận trọng ở người có tiền sử động kinh, người bị một số bệnh có nguy cơ co giật cao hoặc khi phối hợp với thuốc ức chế MAO, thuốc chống trầm cảm 3 vòng và thuốc an thần kinh.
  • Thuốc Osmadol không gây giải phóng histamin nhưng trong một số trường hợp dùng thuốc lần đầu tiên có thể gây sốc phản vệ nặng. Những bệnh nhân có tiền sử sốc phản vệ với Codein hoặc các opioid khác khi dùng Tramadol có nguy cơ sốc phản vệ cao hơn.
  • Bệnh nhân có tiền sử lệ thuộc opioid, nếu dùng Osmadol sẽ có nguy cơ lệ thuộc thuốc trở lại. Do vậy không dùng thuốc Osmadol cho đối tượng này.
  • Mặc dù Tramadol ít gây ức chế hô hấp hơn Morphin nhưng khi dùng liều cao hoặc kết hợp với các thuốc mê, rượu sẽ làm tăng nguy cơ ức chế hô hấp.
  • Những người bệnh có biểu hiện của tăng áp lực sọ não hoặc chấn thương đầu khi dùng Osmadol cần phải theo dõi trạng thái tâm thần cẩn thận.
  • Tramadol có thể gây ngầy ngật, buồn ngủ, giảm sự tỉnh táo. Do vậy bệnh nhân không dùng thuốc khi lái tàu xe, vận hành máy móc.
  • Thời kỳ mang thai: Thuốc Osmadol phải được sử dụng ở phụ nữ mang thai phải hết sức thận trọng và chỉ dùng thuốc khi lợi ích vượt trội nguy cơ gây độc cho thai nhi. Phụ nữ mang thai nếu dùng Osmadol dài ngày có nguy cơ nghiện thuốc và hội chứng cai cho trẻ sau khi sinh.
  • Thời kỳ cho con bú: Do Tramadol đi qua sữa mẹ và tính an toàn cho trẻ sau khi dùng thuốc chưa được nghiên cứu, nên không dùng thuốc Osmadol trong thời kỳ cho con bú.
  • Thuốc Osmadol cần được bảo quản trong bao bì kín, ở nhiệt độ 15 - 25°C

5. Tương tác thuốc

Tương tác thuốc có thể làm thay đổi hoạt lực và/ hoặc gia tăng tác dụng phụ của thuốc. Bệnh nhân nên báo với y, bác sĩ tất cả các loại thuốc đang sử dụng, bao gồm thuốc kê đơn và không kê đơn, thực phẩm chức năng để được tư vấn. Dưới đây là một số tương tác thuốc cần chú ý khi sử dụng thuốc Osmadol:

  • Carbamazepin làm tăng chuyển hoá Tramadol. Nếu phối hợp 2 thuốc này thì phải tăng liều Tramadol lên gấp 2 lần.
  • Quinidin có khả năng ức chế men CYP2D6, làm giảm chuyển hóa và tăng tác dụng của Tramadol.
  • Fluoxetin, Paroxetin làm giảm chuyển hóa Tramadol. Ngược lại Tramadol ức chế sự tái hấp thu Noradrenalin và Serotonin. Do vậy, không được phối hợp trong các thuốc trên trong điều trị điều trị.
  • Tramadol kéo dài thời gian prothrombin, do đó khi phối hợp với Warfarin cần phải kiểm tra thời gian prothrombin định kỳ.

Bài viết đã cung cấp các thông tin tổng quan về thuốc Osmadol. Các thông tin trên trên đây chỉ mang tính chất tham khảo và không thể thay thế sự hướng dẫn của bác sĩ/ dược sĩ. Vì vậy, để đảm bảo an toàn khi dùng Osmadol, bệnh nhân nên tư vấn với bác sĩ/ dược sĩ trước khi sử dụng.

86 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan