Công dụng thuốc Mildotac

Thuốc Mildotac thường được sử dụng để giảm đau cho các trường hợp đau sau phẫu thuật. Đôi khi, Mildotac cũng được kê đơn nhằm đẩy lùi các triệu chứng của viêm mũi dị ứng theo mùa. Trong suốt quá trình điều trị bằng thuốc Mildotac, bệnh nhân cần thực hiện theo đúng kế hoạch của bác sĩ để tránh nguy cơ gặp phải các phản ứng bất lợi ngoại ý.

1. Mildotac là thuốc gì?

Mildotac thuộc nhóm thuốc chống viêm không steroid, được sử dụng để giảm đau cho các trường hợp đau cấp tính hoặc đau nặng sau phẫu thuật. Thuốc Mildotac có nguồn gốc xuất xứ từ Băng – La – Đét và được bào chế dưới dạng viên nén bao phim, mỗi hộp gồm 5 vỉ x 10 viên.

Trong mỗi viên nén Mildotac có chứa hoạt chất chính là Ketorolac tromethamine hàm lượng 10mg. Bên cạnh đó, nhà sản xuất còn bổ sung thêm một số thành phần tá dược khác vào công thức thuốc nhằm làm tăng thêm độ hiệu quả điều trị của hoạt chất Ketorolac.

2. Thuốc Mildotac có tác dụng gì?

2.1 Công dụng của hoạt chất Ketorolac

Thành phần chính Ketorolac trong thuốc Mildotac được biết đến là thuốc kháng viêm không steroid. Cấu trúc hóa học của Ketorolac tương tự như Tolmetin và Indomethacin. Theo nghiên cứu cho thấy, Ketorolac có khả năng ức chế quá trình sinh tổng hợp chất gây đau và viêm Prostaglandin trong cơ thể. Nhìn chung, tác dụng giảm đau và hạ nhiệt của hoạt chất Ketorolac lớn hơn so với công dụng chống viêm.

Không giống như những dòng thuốc Opioid, hoạt chất Ketorolac hiếm khi gây ức chế hệ hô hấp hoặc dẫn đến nghiện. Mặt khác, Ketorolac cũng góp phần hỗ trợ chống viêm nhiễm khi được sử dụng tại chỗ ở mắt. Tuy nhiên, khi sử dụng Ketorolac, bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng chảy máu do tác dụng chống kết tập tiểu cầu của hoạt chất này, đồng thời có nguy cơ cao bị viêm loét dạ dày nếu dùng kéo dài hoặc liều cao.

Do tác dụng ngăn ngừa sự tổng hợp Prostaglandin ở thận nên việc sử dụng Ketorolac có thể làm giảm dòng máu vận chuyển tới thận. Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với những bệnh nhân đang bị suy giảm chức năng thận. Một đặc điểm khác của Ketorolac cần lưu ý là có tác dụng giảm đau mạnh mẽ và kháng viêm mức vừa phải, thường được sử dụng để làm giảm cơn đau từ vừa đến nặng cho bệnh nhân sau phẫu thuật, hoặc áp dụng cho các tình trạng đau cơ xương cấp tính hay viêm mắt. Ketorolac được bào chế dưới dạng muối Tromethamin và có thể dùng theo 4 con đường chính, bao gồm đường uống, tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp hoặc tra mắt.

Sau khi dùng bằng đường uống hoặc tiêm bắp, hoạt chất Ketorolac nhanh chóng được hấp thu hoàn toàn trong cơ thể. Tuy nhiên, tốc độ hấp thu của Ketorolac có thể bị suy giảm khi dùng chung với các thức ăn giàu chất béo. Ước tính, thể tích phân bố trong máu của Ketorolac khoảng 0,15 – 0,33 L/ kg. Mặt khác, tính liên kết với protein huyết tương của Ketorolac trong thuốc Mildotac cũng rất cao, đạt tới 99%, gần như tuyệt đối.

Sau khi uống vào cơ thể, chỉ khoảng chưa đến 50% liều Ketorolac được chuyển hóa. Nửa đời thải trừ của Ketorolac đối với người có chức năng thận bình thường là khoảng hơn 5 giờ. Ngoài ra, thuốc Ketorolac có thể phân bố một lượng nhỏ vào đường sữa mẹ.

2.2 Chỉ định và chống chỉ định sử dụng thuốc Mildotac

Hiện nay, thuốc Mildotac được bác sĩ kê đơn sử dụng để điều trị cho các tình trạng sau:

  • Điều trị ngắn hạn cho các trường hợp có cơn đau mức vừa – nặng hậu phẫu thuật, có thể sử dụng để thay thế cho những chế phẩm Opioid.
  • Điều trị tại chỗ cho các triệu chứng của tình trạng viêm kết mạc dị ứng theo mùa.

Tuy nhiên, thuốc Mildotac cũng được chống chỉ định cho các đối tượng bệnh nhân sau:

  • Người có tiền sử quá mẫn hoặc dị ứng với Ketorolac, các loại thuốc ức chế tổng hợp Prostaglandin, Aspirin hoặc các loại thuốc chống viêm không steroid khác.
  • Không sử dụng Mildotac cho người có tiền sử chảy máu đường tiêu hoá hoặc viêm loét dạ dày.
  • Bệnh nhân nghi ngờ hoặc bị xuất huyết não không được khuyến cáo sử dụng Mildotac.
  • Tránh dùng Mildotac cho người bị rối loạn đông máu hoặc có cơ địa dễ chảy máu.
  • Chống chỉ định sử dụng Mildotac cho bệnh nhân cần phẫu thuật, có nguy cơ cao bị chảy máu hoặc khó cầm máu.
  • Không dùng Mildotac cho bệnh nhân đang uống thuốc chống đông máu.
  • Bệnh nhân bị phù mạch, mắc hội chứng Polyp mũi hoặc co thắt phế quản không nên sử dụng Mildotac.
  • Tuyệt đối không dùng Mildotac cho bệnh nhân bị giảm thể tích tuần hoàn máu do mất nước hay bất kỳ lý do nào khác.
  • Người bị suy giảm chức năng thận mức độ vừa cho tới nặng không nên dùng Mildotac.
  • Không kê đơn Mildotac cho bệnh nhi dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai, chuẩn bị sinh đẻ hoặc bà mẹ đang nuôi con bú.

3. Hướng dẫn sử dụng thuốc Mildotac đúng cách

Thuốc Mildotac được bào chế dưới dạng viên nén, dùng bằng đường uống. Bệnh nhân nên uống thuốc sau bữa ăn chính hoặc ăn nhẹ nhằm tránh nguy cơ kích ứng dạ dày. Bệnh nhân có thể uống Mildotac cùng với thuốc kháng acid và dùng 2 liều đầu vào lúc đói bụng để nhanh chóng đạt tác dụng. Khi uống Mildotac, người bệnh nên uống nguyên viên thuốc cùng ly nước đầy và ở trong tư thế đứng thẳng khoảng 15 – 30 phút nhằm giảm nguy cơ kích ứng thực quản.

Liều giảm đau đường uống bằng Mildotac thường được áp dụng sau liệu pháp tiêm ban đầu. Dưới đây là liều dùng thuốc Mildotac theo khuyến cáo chung của bác sĩ dành cho bệnh nhân từ 16 đến 64 tuổi:

  • Bệnh nhân có trọng lượng 50kg và chức năng thận khỏe mạnh: Uống 20mg liều ban đầu, sau đó uống 10mg x 4 lần/ ngày, mỗi liều cách nhau từ 4 – 6 giờ.
  • Bệnh nhân có trọng lượng dưới 50kg và/ hoặc chức năng thận suy giảm: Uống 10mg x 4 lần/ ngày, mỗi liều cách nhau từ 4 – 6 giờ.

Đối với bệnh nhân cao tuổi không nên uống vượt quá 40mg/ ngày nhằm tránh gặp phải các tác dụng phụ ngoại ý. Đối với những người sử dụng Mildotac để giảm đau sau khi đã tiêm có thể uống 10mg x 4 lần/ ngày, mỗi liều cách nhau khoảng 4 – 6 giờ để đạt hiệu quả tối ưu nhất.

Trong quá trình sử dụng thuốc Mildotac, bệnh nhân cần tuân thủ theo đúng liều lượng đã được chỉ định bởi bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý điều chỉnh liều hoặc kéo dài thời gian dùng thuốc Mildotac khi chưa trao đổi với bác sĩ.

4. Các tác dụng phụ có nguy cơ xảy ra khi dùng thuốc Mildotac

Đa phần các tác dụng phụ ngoại ý của thuốc Mildotac đều liên quan đến những triệu chứng trên hệ thần kinh trung ương, chẳng hạn như buồn ngủ, đau nhức đầu hoặc chóng mặt.

Trong một số trường hợp, người bệnh cũng có thể gặp phải các phản ứng bất lợi trên đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn ói, khó tiêu, kích ứng hoặc đau dạ dày. Bệnh nhân cũng cần lưu ý rằng, khi điều trị bằng thuốc chống viêm không steroid Mildotac có thể xảy ra tình trạng tăng kali huyết hoặc suy thận. Điều này đặc biệt nghiêm trọng ở những bệnh nhân đã được chẩn đoán suy thận từ trước.

Các tác dụng phụ của thuốc Mildotac thường được phân chia theo các cấp độ từ phổ biến cho đến hiếm gặp, bao gồm:

  • Phản ứng thường gặp: Chóng mặt, đau đầu, phù, buồn nôn, đổ nhiều mồ hôi, đau bụng, khó tiêu, mệt mỏi hoặc tiêu chảy.
  • Phản ứng ít gặp: Ban xuất huyết, da xanh xao, suy nhược cơ thể, phấn khích, trầm cảm, mất ngủ, giảm độ tập trung, dị cảm, kích động, viêm miệng, phân đen, táo bón kéo dài, loét dạ dày, chảy máu trực tràng, đầy hơi, nổi mày đay, ngứa da, nổi ban đỏ, khó thở, hen, đi tiểu nhiều, đau cơ, bí tiểu, thiểu niệu hoặc rối loạn thị giác.
  • Phản ứng hiếm gặp: Co thắt phế quản, phản vệ, phù thanh quản, nổi ban da, hạ huyết áp, ảo giác, phù phổi, chảy máu sau phẫu thuật, mê sảng, hội chứng Stevens – Johnson, nổi ban sần, viêm da tróc vảy, hội chứng Lyell, tăng vận động, co giật, tiểu ra máu, suy thận cấp, thính lực giảm hoặc tăng ure niệu.

Khi gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào trong số trên, bệnh nhân cần ngừng sử dụng thuốc Mildotac và báo cho bác sĩ điều trị sớm để có cách khắc phục.

5. Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Mildotac

Trong quá trình điều trị với thuốc Mildotac, bệnh nhân cần thận trọng một số điều sau đây:

  • Tránh kết hợp chung thuốc Mildotac với những loại thuốc chống viêm không steroid khác, Corticosteroid hoặc Aspirin.
  • Thận trọng khi sử dụng Mildotac trong lúc lái xe hay làm công việc cần độ tỉnh táo nếu có triệu chứng buồn ngủ hoặc chóng mặt.
  • Cần xem xét kỹ lượng các nguy cơ như suy giảm nghiêm trọng chức năng thận hoặc giữ nước trước khi sử dụng Mildotac cho những bệnh nhân bị suy tim, suy thận hoặc suy giảm chức năng gan. Đối với những người có cân nặng không quá 50kg cần cân nhắc giảm liều thuốc.
  • Thận trọng khi quyết định sử dụng Mildotac cho bệnh nhân cao tuổi do tốc độ thải trừ của hoạt chất Ketorolac ở đối tượng này có xu hướng chậm hơn so với những người khác và thường gây tăng độc tính lên thận hay đường tiêu hóa.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Mildotac, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc Mildotac điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.

67 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan