Công dụng thuốc meyerpanzol

Thuốc Meyerpanzol là thuốc ức chế bơm proton, được sử dụng trong điều trị viêm trào ngược thực quản, loét dạ dày tá tràng, hội chứng Zollinger – Ellison.

1. Công dụng thuốc Meyerpanzol

Thuốc Meyerpanzol có hoạt chất chính là Pantoprazol, thuốc được bào chế dưới dạng viên nén bam phim tan trong ruột với hàm lượng 40mg.

Pantoprazol là thuốc ức chế bơm proton có cấu trúc và tác dụng tương tự như omeprazole. Pantoprazol là một benzimidazole đã gắn nhóm thế. Pantoprazol được proton hóa thành dạng hoạt động trong các ống tiết axit của tế bào thành dạ dày, Pantoprazol ức chế giai đoạn cuối trong quá trình tạo thành axit ở dạ dày bằng cách ức chế enzym H+/K+ATPase hay còn được gọi là bơm proton. Cơ chế này ức chế tiết acid dạ dày thông thường và do tác nhân kích thích.

Pantoprazol có thể kìm hãm được vi khuẩn Helicobacter pylori ở bệnh nhân viêm trào ngược thực quản, loét dạ dày tá tràng bị nhiễm vi khuẩn này. Pantoprazol phối hợp với thuốc kháng sinh trong điều trị diệt trừ H.pylori, làm liền ổ loét và thuyên giảm triệu chứng lâu dài.

2. Chỉ định và chống chỉ định thuốc Meyerpanzol

Thuốc Meyerpanzol được chỉ định dùng cho người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên trong trường hợp viêm thực quản trào ngược.

  • Phối hợp với liệu pháp kháng sinh thích hợp để diệt helicobacter pylori ở bệnh nhân loét dạ dày tá tràng.
  • Loét dạ dày và tá tràng.
  • Hội chứng zollinger – ellison và tình trạng bệnh lý tăng kích thích bài tiết khác.

Thuốc được chống chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Dị ứng hoặc mẫn cảm với Pantoprazol hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc Meyerpanzol
  • Bệnh nhân quá mẫn với dẫn xuất benzimidazol.

3. Liều dùng thuốc Meyerpanzol

Thuốc Meyerpanzol dùng đường uống, nên uống trước bữa ăn 1 giờ. Không nên nhai hay nghiền nhỏ viên thuốc để uống. Dưới đây là liều dùng khuyến cáo của Meyerpanzol

3.1. Viêm trào ngược thực quản

  • Liều dùng 1 viên/ngày.
  • Tuỳ từng trường hợp, liều dùng thuốc có thể tăng gấp đôi: 2 viên/ngày, đặc biệt khi bệnh nhân không có đáp ứng đối với điều trị khác.
  • Thời gian điều trị là 4 tuần, nếu bệnh chưa thuyên giảm có thể kéo dài dùng thuốc Meyerpanzol thêm 4 tuần nữa.

3.2. Thuốc Meyerpanzol phối hợp với kháng sinh thích hợp để diệt trừ H. pylori

Tuỳ thuộc vào sự đề kháng của H.pylori, một số phác đồ sau đây có thể được áp dụng

Phác đồ 1:

  • Pantoprazol 40mg x 2 lần/ngày.
  • Amoxicillin 1000mg x 2 lần/ngày.
  • Clarithromycin 500mg x 2 lần/ngày.

Phác đồ 2

  • Pantoprazol 40mg x 2 lần/ ngày.
  • Metronidazol 400 – 500mg (hoặc 500mg tinidazol) x 2 lần/ngày.
  • Clarithromycin 250 – 500mg x 2 lần/ngày.

Phác đồ 3

  • Pantoprazol 40mg x 2 lần/ ngày.
  • Amoxicillin 1000mg x 2 lần/ngày.
  • Metronidazol 400 – 500mg (hoặc 500mg Tinidazol) x 2 lần/ngày.

Viên Pantoprazol uống lần thứ hai trong ngày nên được uống trước bữa ăn tối 1 giờ. Thời gian điều trị 7 ngày và có thể kéo dài thêm 7 ngày, tổng thời gian hai tuần. Pantoprazol có thể được chỉ định thêm giúp điều trị vết loét dạ dày tá tráng.

  • Điều trị loét dạ dày:

Liều dùng 1 viên/ngày. Tuỳ từng trường hợp, liều thuốc có thể tăng: 2 viên/ngày. Thời gian dùng thuốc Meyerpanzol trong điều trị loét dạ dày thường là 4 tuần. Nếu bệnh không thuyên giảm, có thể kéo dài điều trị thêm 4 tuần nữa.

3.3. Điều trị loét tá tràng

Liều dùng 1 viên/ngày. Tuỳ từng trường hợp, liều thuốc có thể tăng: 2 viên/ngày. Thời gian điều trị loét tá tràng thường kéo dài 2 tuần. Nếu bệnh không thuyên giảm, có thể kéo dài điều trị thêm 2 tuần nữa.

3.4. Hội chứng zollinger – ellison và các tình trạng bệnh lý tăng kích thích bài tiết khác

Liều khởi đầu 80mg/ngày. Nếu dùng liều > 80mg/ngày, chia liều thành 2 lần/ngày. Thời gian điều trị không giới hạn, điều chỉnh liều theo lâm sàng của bệnh nhân.

3.5. Suy gan

Không nên dùng liều thuốc Meyerpanzol vượt quá 20mg/ngày ở bệnh nhân bị suy gan nặng. Không dùng pantoprazol trong điều trị loại trừ H. pylori ở bệnh nhân suy gan từ trung bình đến nặng vì hiện nay chưa có dữ liệu về hiệu quả và độ an toàn khi sử dụng pantoprazol trong điều trị kết hợp ở những bệnh nhân này.

3.6. Suy thận

Không cần điều chỉnh liều Meyerpanzol ở bệnh nhân suy thận. Không dùng pantoprazol trong điều trị loại trừ H. pylori ở bệnh nhân suy thận vì hiện nay chưa có dữ liệu về hiệu quả và độ an toàn khi sử dụng pantoprazol trong điều trị kết hợp ở những bệnh nhân này.

3.7. Trẻ em

Khuyến cáo không sử dụng thuốc Meyerpanzol ở trẻ dưới 12 tuổi do dữ liệu về tính an toàn và hiệu quả ở đối tượng này còn hạn chế.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Meyerpanzol

Suy gan: Theo dõi men gan trong quá trình điều trị với thuốc Meyerpanzol ở bệnh nhân suy gan nặng, đặc biệt dùng thuốc trong thời gian dài. Ngưng dùng thuốc khi xuất hiện tăng men gan.

Ảnh hưởng đến sự hấp thu vitamin B12: Hội chứng Zollinger – Ellison và các tình trạng tăng kích thích bài tiết khác cần điều trị lâu dài, Pantoprazol có thể làm giảm hấp thu vitamin B12. Theo dõi bệnh nhân nếu thời gian dùng thuốc Meyerpanzol kéo dài hơn 1 năm.

Không dùng đồng thời thuốc Meyerpanzol với các chất ức chế protease HIV có sự hấp thu phụ thuộc vào độ pH môi trường axit như Atazanavir, do làm giảm sinh khả dụng của thuốc.

Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa: sử dụng thuốc Meyerpanzol làm gia tăng nhẹ nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiêu hóa so salmonella và campylobacter hoặc c.difficile.

Hạ magnesi máu trầm trọng đã được báo cáo ở một số bệnh nhân sử dụng thuốc ức chế bơm proton như pantoprazol trong ít nhất ba tháng và trong hầu hết trường hợp sau một năm điều trị. Triệu chứng hạ magnesi máu thường được cải thiện sau khi bổ sung magnesi và ngưng sử dụng thuốc ức chế bơm proton.

Bệnh nhân đang dùng Digoxin hoặc các thuốc có thể gây hạ magnsesi máu(như thuốc lợi tiểu): xem xét theo dõi nồng độ magnesi trước khi bắt đầu điều trị thuốc ức chế bơm proton và định kỳ trong quá trình điều trị.

Gãy xương: dùng liều cao thuốc ức chế bơm proton trong thời gian dài >1 năm có thể làm tăng vừa phải nguy cơ gãy xương chậu, cổ tay và cột sống, ở người lớn tuổi hoặc bệnh nhân có yếu tố nguy cơ khác. Nghiên cứu cho thấy thuốc ức chế bơm proton có thể làm tăng nguy cơ gãy xương lên 10 – 40%. Bệnh nhân có nguy cơ bị loãng xương nên được cung cấp đầy đủ vitamin D và canxi.

Bệnh lupus ban đỏ bán cấp: trường hợp bệnh lupus ban đỏ xuất hiện liên quan đên thuốc ức chế bơm proton rất hiếm gặp. Nếu tổn thương da xuất hiện, đặc biệt là ở vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời kèm theo đau khớp, ngưng dùng thuốc Meyerpanzol và đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Thành phần thuốc Meyerpanzol có chứa lactose. Bệnh nhân mắc một số bênh lý như không dung nạp galactose, rối loạn hấp thu glucose – galactose không nên dùng thuốc Meyerpanzol.

Tá dược của thuốc Meyerpanzol: tartrazin yellow có thể gây phản ứng dị ứng, propylen glycol gây kích ứng da.

Lái xe và vận hành máy móc: thuốc Meyerpanzol ảnh hưởng không đáng kể đến khả năng lái xe và sử dụng máy móc. Nếu xuất hiện các phản ứng bất lợi như chóng mặt, rối loạn thị giác: bệnh nhân không nên lái xe hoặc vận hành máy móc.

Phụ nữ mang thai: nghiên cứu trên động vật cho thấy Pantoprazol có khả năng gây độc tính trên sinh sản. Tránh sử dụng Pantoprazol ở phụ nữ mang thai.

Phụ nữ đang cho con bú: nghiên cứu trên động vật cho thấy Pantoprazol có bài tiết trong sữa mẹ. Nguy cơ của thuốc đối với trẻ sơ sinh không thể loại trừ. Do đó quyết định việc ngừng cho trẻ bú hoặc ngưng điều trị bằng thuốc Meyerpanzol nên cân nhắc đến lợi ích của việc cho trẻ bú với sử dụng thuốc Meyerpanzol ở bà mẹ.

5. Tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc Meyerpanzol

  • Tâm thần: Rối loạn giấc ngủ, trầm cảm. Ảo giác, lẫn lộn.
  • Hệ thần kinh: đau đầu, chóng mặt.
  • Tiêu hóa: polyp tuyến ở đáy vị (lành tính), tiêu chảy, buồn nôn, nôn, đầy hơi, táo bón, khô miệng, đau bụng và khó chịu.
  • Da và mô dưới da: phát ban, ngứa. Mày đay, phù nề. Hội chứng lyell, Hội chứng stevens – johnson, nhạy cảm ánh sáng, hồng ban đa dạng, lupus ban đỏ bán cấp.
  • Cơ xương và mô liên kết: gãy xương khung chậu, cột sống hoặc cổ tay. Đau khớp, đau cơ.
  • Hệ miễn dịch: dị ứng, quá mẫn, phản ứng phản vệ và sốc phản vệ.
  • Rối loạn chuyển hóa và dinh dưỡng: hạ natri máu, hạ magnesi máu, hạ calci kết hợp với hạ magnsie máu. Tăng lipid, triglycerid, cholesterol.
  • Suy nhược, mệt mỏi và khó chịu. Rối loạn vị giác. Rối loạn thị lực/nhìn mờ. Vú to ở nam.

6. Tương tác thuốc

  • Các thuốc có sự hấp thu dược động học phụ thuộc vào pH: do thuốc Meyerpanzol ức chế tiết acid trong dạ dày kéo dài và hoàn toàn, thuốc có thể gây ảnh hưởng sự hấp thu của các thuốc có pH dạ dày là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc khi dùng đường uống như itraconazol, ketoconazol, posaconazol và erlotinib.
  • Chất ức chế protease HIV: không dùng đồng thời thuốc Meyerpanzol do làm giảm đáng kể sinh khả dụng của thuốc. Trường hợp cần thiết kết hợp chất ức chế protease HIV với thuốc ức chế bơm proton, nên theo dõi lâm sàng chặt chẽ. Không dùng vượt quá liều Meyerpanzol 20mg mỗi ngày và liều của thuốc ức chế protease HIV có thể cần được điểu chỉnh.
  • Thuốc chống đông máu coumarin(phenprocoumon hoặc warfarin): đã có báo cáo về trường hợp gia tăng INR và thời gian prothrombin ở bệnh nhân dùng đồng thời thuốc ức chế bơm proton với Warfarin hoặc phenprocoumon.
  • Methotrexat: dùng liều cao đồng thời với thuốc ức chế bơm proton đã được báo cáo làm gia tăng nồng độ methotrexat ở một số bệnh nhân. Do đó có thể cân nhắc tạm ngừng Pantoprazol ở bệnh nhân sử dụng Methotrexat liều cao.
  • Fluvoxamin có thể làm gia tăng sự tiếp xúc toàn thân của Pantoprazol. Có thể được xem xét giảm liều đối với bệnh nhân điều trị lâu dài với pantoprazol liều cao hoặc suy gan.
  • Rifampicin: có thể làm giảm nồng độ thuốc ức chế bơm proton trong huyết tương.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan