Công dụng thuốc Masak

Với thành phần chính là Calcitriol, thuốc Masak được dùng để điều trị và phòng ngừa các bệnh loãng xương, còi xương, nhuyễn xương và loạn dưỡng xương ở một số nhóm đối tượng đặc biệt.

1. Masak là thuốc gì?

Masak thuộc nhóm vitamin và khoáng chất, có thành phần chính là Calcitriol hàm lượng 0,25mcg. Calcitriol tạo môi trường để hấp thu canxi ở ruột và điều tiết khoáng hóa xương. Calcitriol cũng có tác dụng điều hòa nội môi của canxi và kích thích tạo xương.

Thuốc Masak được bào chế dưới dạng viên nang mềm và được chỉ định dùng trong những trường hợp sau:

  • Điều trị và phòng ngừa loãng xương ở phụ nữ sau giai đoạn mãn kinh.
  • Điều trị bệnh còi xương và nhuyễn xương (còi xương đáp ứng hoặc kháng với vitamin D, còi xương kèm theo giảm nồng độ phosphat trong máu).
  • Điều trị nhược giáp (nguyên phát, sau phẫu thuật hoặc giả nhược giáp).
  • Điều trị loạn dưỡng xương ở bệnh nhân suy thận mãn tính (nhất là người bệnh đang lọc thận nhân tạo).

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Masak

Thuốc Masak được dùng theo đường uống. Người bệnh nên uống nguyên viên thuốc với nước. Tùy vào khả năng đáp ứng của người bệnh, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều dùng phù hợp để tránh hiện tượng tăng canxi huyết. Vì vậy, người bệnh cần thăm khám bác sĩ để được chỉ định liều dùng sao cho đạt hiệu quả điều trị. Đồng thời, người bệnh cần uống thuốc Masak đầy đủ và đều đặn mỗi ngày, đồng thời cần thay đổi chế độ ăn uống và tăng cường bổ sung chế phẩm trong trường hợp cần thiết.

Liều dùng được xác định thận trọng tùy vào nồng độ canxi trong huyết thanh của người bệnh. Trong quá trình dùng thuốc Masak, người bệnh cần được kiểm tra nồng độ canxi trong huyết thanh tối thiểu 2 lần/ tuần. Ngưng dùng thuốc nếu thấy canxi huyết tăng và chờ cho đến khi giá trị này về mức bình thường.

Liều dùng thuốc Masak đối với từng mục đích điều trị cụ thể như sau:

  • Loãng xương: 1 viên/ lần, uống 2 lần/ ngày. Tăng liều lên 2 viên/ lần và uống 2 lần/ngày trong vòng 1 tháng nếu liều trước đó không đạt hiệu quả.
  • Còi xương, nhuyễn xương, nhược giáp: Liều ban đầu là 1 viên/ lần/ ngày vào buổi sáng. Sau đó, nếu người bệnh xét nghiệm không có kết quả dương tính và trên lâm sàng không có triệu chứng thì có thể tăng liều và dùng trong 2 - 4 tuần.
  • Loạn dưỡng xương ở người bị bệnh thận: Liều Masak ban đầu được khuyến cáo là 1 viên/ lần/ ngày. Người bệnh có nồng độ canxi giảm nhẹ hoặc bình thường dùng liều 1 viên/ 2 ngày. Sau đó, nếu người bệnh xét nghiệm không có kết quả dương tính và trên lâm sàng không có triệu chứng thì có thể tăng liều và dùng trong 2 - 4 tuần.

Quá liều thuốc Masak gây ra các triệu chứng tương tự như quá liều vitamin D vì Calcitriol là một chất chuyển hóa của vitamin D. Hoặc dùng đồng thời thuốc với các chế phẩm có chứa canxi và phốt phát cũng có thể gây triệu chứng quá liều tương tự.

Biểu hiện của quá liều thuốc Masak cấp tính là nhức đầu, chán ăn, táo bón, buồn nôn và mãn tính là rối loạn các giác quan, loạn dưỡng, kèm theo sốt, mất nước, khát nước, đa niệu, nhiễm trùng đường tiểu, vô cảm. Ngộ độc mãn tính Calcitriol có thể gây tăng canxi huyết thứ phát, làm vôi hóa vỏ thận, phổi, cơ tim và tụy tạng.

Khi bị quá liều thuốc Masak, người bệnh cần được gây nôn hoặc rửa dạ dày ngay để thuốc không hấp thu vào trong máu. Có thể sử dụng dầu parafin để tăng đào thải thuốc theo đường phân. Đồng thời, người bệnh cũng cần được kiểm tra nồng độ canxi máu nhiều lần, nếu còn cao có thể dùng corticoid, phosphat hoặc các biện pháp bài niệu khác phù hợp.

3. Tác dụng phụ của thuốc Masak

Thuốc Masak có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn với tần suất xuất hiện như sau:

  • Thường gặp: Đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt, yếu người, ngủ gà; khô miệng, miệng có vị kim loại, chán ăn, buồn nôn, nôn, táo bón, tiêu chảy, chuột rút ở bụng; đau xương, đau cơ, giảm trương lực cơ, mất điều hòa, ù tai, dễ bị kích thích và ngoại ban.
  • Ít gặp: Thuốc Masak ít khi gây tác dụng phụ là rối loạn chức năng thận, nhiễm canxi thận, suy giảm tình dục, ngứa, chảy nước mũi, ngứa, trẻ em kém phát triển, người lớn bị loãng xương, thiếu máu, sụt cân, viêm tụy, co giật, sợ ánh sáng, vôi hóa kết mạc và vôi hóa mạch.
  • Hiếm gặp: Thuốc Masak hiếm khi gây tác dụng phụ là rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp; tăng canxi, niệu, albumin đường niệu, tăng nitơ urê trong máu, tăng cholesterol trong huyết thanh, tăng AST và ALT, giảm nồng độ men phosphatase kiềm trong huyết thanh, rối loạn điện giải trong huyết thanh, nhiễm toan nhẹ và loạn tâm thần.

Nếu thấy có bất kỳ biểu hiện lạ nào sau khi dùng thuốc Masak, người bệnh cần báo ngay với bác sĩ hoặc sớm đến cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe.

4. Một số lưu ý khi dùng Masak

  • Không dùng Masak ở người bị quá mẫn với thành phần của thuốc, người bị các rối loạn có liên quan đến tăng nồng độ canxi huyết thanh, người có biểu hiện ngộ độc vitamin D.
  • Phụ nữ đang mang thai, trẻ nhỏ dưới 3 tuổi hoặc bệnh nhi đang điều trị lọc thận nhân tạo cần thận trọng khi dùng thuốc Masak vì thông tin về độ an toàn của thuốc trên nhóm đối tượng này còn hạn chế. Phụ nữ đang nuôi con cho bú nếu dùng thuốc phải ngừng cho con bú thì thuốc có bài tiết vào sữa mẹ.
  • Dùng đồng thời thuốc Masak với colestipol hydroclorid hoặc cholestyramin có thể làm giảm hấp thu thuốc ở ruột, vì vậy, không dùng chung các loại thuốc này với nhau.
  • Dùng đồng thời Masak với dầu khoáng liều cao có thể cản trở hấp thu thuốc ở ruột. Vì vậy cần giảm liều hoặc ngừng dùng Masak.
  • Dùng đồng thời thuốc Masak với phenobarbital hoặc phenytoin có thể làm giảm nồng độ của hai loại thuốc này trong huyết tương và tăng chuyển hóa thành phần Calcitriol. Vì vậy, không dùng chung các loại thuốc này với nhau.
  • Dùng đồng thời Masak với corticosteroid có thể làm giảm tác dụng Masak; với glycosid trợ tim có thể gây loạn nhịp tim.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Masak, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc Masak điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan