Công dụng thuốc Mafoxa 20mg

Thuốc Mafoxa 20mg được bào chế dưới dạng viên nang cứng, có thành phần chính là hoạt chất ziprasidone. Thuốc được sử dụng trong điều trị tâm thần phân liệt và rối loạn lưỡng cực.

1. Công dụng của thuốc Mafoxa 20mg

1 viên thuốc Mafoxa 20mg có thành phần chính là 20mg ziprasidone (dưới dạng ziprasidone hydrochloride monohydrate) và các tá dược khác.

Ziprasidone có khả năng ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine. Như các thuốc điều trị tâm thần phân liệt và rối loạn lưỡng cực khác, hiện cơ chế tác động của ziprasidone chưa được biết rõ. Tuy nhiên, hiệu quả của thuốc ziprasidone trong điều trị tâm thần phân liệt chủ yếu là gián tiếp thông qua sự đối kháng tại các thụ thể dopamin type 2 và serotonin type 2.

Chỉ định sử dụng thuốc Mafoxa 20mg:

  • Điều trị tâm thần phân liệt;
  • Điều trị đợt hưng cảm hoặc đợt hỗn hợp cấp của bệnh rối loạn lưỡng cực (có/không có biểu hiện tâm thần).

Chống chỉ định sử dụng thuốc Mafoxa 20mg:

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Mafoxa 20mg

Cách dùng: Đường uống.

Liều dùng:

Tâm thần phân liệt:

  • Điều trị ban đầu: Dùng liều 20mg/lần x 2 lần/ngày, uống thuốc ngay sau khi ăn. Tùy tình trạng của bệnh nhân mà liều dùng hằng ngày có thể điều chỉnh lên tới 80mg/lần x 2 lần/ngày. Lưu ý, chỉ điều chỉnh liều dùng sau ít nhất 2 ngày. Đồng thời, cần theo dõi bệnh nhân trong vài tuần trước khi tăng liều nhằm đảm bảo sử dụng liều thấp nhất có hiệu quả điều trị bệnh;
  • Điều trị duy trì: Hiệu quả của thuốc Mafoxa 20mg có thể duy trì tới 52 tuần trong khoảng liều 20 - 80mg. Tuy nhiên, thời gian điều trị tối ưu hiện vẫn chưa rõ. Người bệnh cần được định kỳ đánh giá lại sự cần thiết của việc dùng thuốc duy trì.

Rối loạn lưỡng cực:

  • Điều trị ban đầu: Dùng liều 40mg/lần x 2 lần/ngày, uống thuốc ngay sau khi ăn. Có thể tăng liều tới 60mg/lần x 2 lần/ngày hoặc 80mg/lần x 2 lần/ngày vào ngày điều trị thứ 2. Có thể điều chỉnh liều tiếp theo trong khoảng liều 40 - 80mg/lần x 2 lần/ngày dựa trên hiệu quả của thuốc, khả năng dung nạp của bệnh nhân;
  • Điều trị duy trì: Hiệu quả khi sử dụng thuốc Mafoxa 20mg lâu dài (ví dụ trên 3 tuần) hiện chưa được đánh giá chi tiết. Người bệnh cần được định kỳ đánh giá lại sự cần thiết của việc dùng thuốc duy trì.

Đối tượng đặc biệt:

Không cần điều chỉnh liều dùng thuốc Mafoxa 20mg đường uống theo tuổi tác, giới tính, chủng tộc hoặc ở người bệnh suy gan, suy thận.

Quá liều: Khi sử dụng thuốc Mafoxa 20mg quá liều, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng ngoại tháp, buồn ngủ, run và lo lắng. Trong trường hợp dùng thuốc quá liều cấp, cần thiết lập, duy trì đường thở, đảm bảo đủ oxy và thông khí cho bệnh nhân. Đồng thời, nên can thiệp tĩnh mạch và rửa dạ dày (sau khi đặt nội khí quản, nếu người bệnh bất tỉnh), dùng đồng thời than hoạt tính và thuốc nhuận tràng nếu cần thiết. Nguy cơ vô tri giác, động kinh, phản ứng loạn trương lực của đầu và cổ sau khi dùng thuốc Mafoxa 20mg quá liều có thể dẫn tới nguy cơ hít phải thức ăn khi nôn.

Cần theo dõi tim mạch ngay, giám sát điện tâm đồ liên tục nhằm phát hiện tình trạng loạn nhịp tim. Nếu bác sĩ chỉ định điều trị chống loạn nhịp thì các thuốc disopyramid, quinidin, procainamid có thể làm tăng thêm tác dụng phụ kéo dài QT ở người bệnh sử dụng thuốc Mafoxa 20mg.

Tình trạng hạ huyết áp và trụy tuần hoàn nên được điều trị bằng phương pháp truyền dịch tĩnh mạch. Nếu dùng các thuốc cường giao cảm để hỗ trợ mạch máu thì không nên sử dụng epinephrin và dopamin vì sự kích thích beta kết hợp với sự đối kháng alpha 1 của ziprasidone có thể làm trầm trọng thêm tình trạng hạ huyết áp. Bên cạnh đó, đặc tính chẹn thụ thể alpha-adrenergic của bretylium cũng có thể gây hạ huyết áp nặng hơn ở những bệnh nhân dùng ziprasidone.

Trong trường hợp có triệu chứng ngoại tháp nặng, cần dùng thuốc kháng cholinergic. Hiện không có thuốc giải độc đặc hiệu và không thể thẩm tách ziprasidone. Nên cân nhắc tới khả năng sử dụng nhiều loại thuốc cần thiết và giám sát y tế chặt chẽ cho tới khi bệnh nhân hồi phục.

3. Tác dụng phụ của thuốc Mafoxa 20mg

Khi sử dụng thuốc Mafoxa 20mg, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn. Cụ thể:

Thường gặp:

  • Toàn thân: Đau bụng, sốt, choáng váng, hội chứng cúm, phù mặt, ớn lạnh, đau hông, hạ thân nhiệt, nhạy cảm với ánh sáng;
  • Tim mạch: Tăng huyết áp, nhịp tim nhanh, hạ huyết áp tư thế;
  • Tiêu hóa: Chán ăn, nôn mửa;
  • Cơ - xương - khớp: Đau cơ;
  • Thần kinh: Run, kích động, hội chứng ngoại tháp, rối loạn vận động, loạn trương lực cơ, tăng trương lực cơ, co giật, lú lẫn, chóng mặt, dị cảm, tăng vận động, giảm vận động, dáng đi thất điều, tăng cảm giác, cơn trợn ngược mắt, mất trí nhớ, mất điều hòa, giảm trương lực cơ, mê sảng, hội chứng cai nghiện, rối loạn vận ngôn, mất vận động, nhìn đôi, chứng múa vờn, mất phối hợp;
  • Hô hấp: Khó thở;
  • Da: Viêm da do nấm.

Ít gặp:

  • Tim mạch: Đau thắt ngực, chậm nhịp tim, rung nhĩ;
  • Tiêu hóa: Khó nuốt, lưỡi phù nề, xuất huyết trực tràng;
  • Máu và hệ bạch huyết: Bầm máu, thiếu máu, giảm bạch cầu, tăng bạch cầu, tăng bạch cầu ái toan, nổi hạch;
  • Rối loạn chuyển hóa và dinh dưỡng: Phù ngoại vi, khát, tăng transaminase, tăng đường huyết, tăng phosphatase kiềm, tăng creatine phosphokinase, tăng cholesterol máu, tăng lactic dehydrogenase, mất nước, albumin niệu, hạ kali huyết;
  • Cơ - xương - khớp: Viêm bao gân;
  • Thần kinh: Tê liệt;
  • Da: Ban đỏ, chàm, mày đay, rụng tóc, viêm da tiếp xúc, viêm da bong vảy, phát ban vesiculobullous;
  • Hô hấp: Chảy máu cam, viêm phổi;
  • Tiết niệu - sinh dục: Xuất tinh bất thường, liệt dương, vô kinh, rong kinh, rong huyết, tiểu máu, tiết sữa ở phụ nữ, glucoza niệu, rối loạn chức năng tình dục nam, bí tiểu, đa niệu;
  • Các giác quan: Mắt khô, viêm kết mạc, viêm mí mắt, đục thủy tinh thể, ù tai, sợ ánh sáng.

Hiếm gặp:

  • Tim mạch: Block nhĩ thất độ I, block nhánh, thuyên tắc phổi, tim to, viêm tĩnh mạch, nhồi máu não, viêm tắc tĩnh mạch sâu, tai biến mạch máu não, viêm tắc tĩnh mạch, viêm cơ tim;
  • Tiêu hóa: Vàng da, xuất huyết nướu, phân đóng khối, nôn ra máu, tăng GGT, vàng da ứ mật, gan to, viêm gan, phân đen, bạch sản miệng;
  • Nội tiết: Cường giáp, suy giáp, viêm tuyến giáp;
  • Máu và hệ bạch huyết: Thiếu máu nhược sắc, giảm tiểu cầu, tăng bạch cầu đơn nhân, tăng lympho bào, tăng bạch cầu ái kiềm, tăng hồng cầu, tăng tiểu cầu, phù bạch huyết;
  • Rối loạn chuyển hóa và dinh dưỡng: Tăng creatinin, tăng BUN, giảm cholesterol máu, tăng lipid máu, tăng kali huyết, giảm clo huyết, giảm natri huyết, giảm đường huyết, giảm protein huyết, tăng clo huyết, giảm dung nạp glucose, giảm canxi huyết, tăng acid uric huyết, giảm magie huyết, nhiễm kiềm hô hấp;
  • Cơ - xương - khớp: Bệnh cơ;
  • Hô hấp: Ngạt thanh quản, ho ra máu;
  • Thần kinh: Rung giật nhãn cầu, giật rung cơ, vẹo cổ, tăng phản xạ, cứng hàm, tư thế người ưỡn cong;
  • Tiết niệu - sinh dục: Xuất huyết âm đạo, giảm niệu, tiểu đêm, chứng vú to ở đàn ông, xuất huyết tử cung, rối loạn chức năng tình dục nữ;
  • Các giác quan: Viêm kết - giác mạc, viêm giác mạc, chảy máu mắt.

Khi nghi ngờ gặp các tác dụng phụ do dùng thuốc Mafoxa 20mg, người bệnh nên báo cho bác sĩ để được thăm khám kiểm tra toàn trạng, xem xét hồ sơ bệnh án phản ánh toàn bộ quá trình điều trị. Bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, thăm dò chức năng tim mạch, tiêu hóa, máu, thận - tiết niệu,... Cần cân nhắc tới việc giảm liều hoặc ngừng thuốc ngay (hội chẩn với các chuyên khoa liên quan).

Bệnh nhân cũng cần được nghỉ ngơi nhiều hơn, bù đủ nước, sử dụng thức ăn giàu dinh dưỡng, tránh ra nắng, được theo dõi huyết áp, mạch và thân nhiệt hằng ngày. Nên đề phòng nguy cơ bệnh nhân bị vấp ngã do rối loạn vận động, hạ huyết áp tư thế, rối loạn tri giác. Ngoài ra, khi có chỉ định điều trị bằng 1 loại thuốc mới, nên thận trọng thăm dò liều lượng, theo dõi người bệnh trong suốt quá trình dùng thuốc.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Mafoxa 20mg

Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi dùng thuốc Mafoxa 20mg:

  • Người bệnh có tiền sử chỉ số WBC thấp hoặc bị giảm bạch cầu, giảm bạch cầu trung tính do dùng thuốc cần được theo dõi chỉ số máu thường xuyên trong vài tháng đầu dùng thuốc Mafoxa 20mg. Nên ngừng dùng thuốc Mafoxa 20mg khi xảy ra các dấu hiệu đầu tiên của tình trạng suy giảm đáng kể WBC khi không có nguyên nhân khác. Người bệnh bị giảm bạch cầu trung tính nghiêm trọng (số lượng bạch cầu trung tính dưới 1000/mm3) cần ngưng thuốc, theo dõi chỉ số WBC cho tới khi hồi phục;
  • Sử dụng thuốc Mafoxa 20mg có thể liên quan tới tình trạng phát ban da hoặc nổi mề đay. Hầu hết các trường hợp sẽ cải thiện nhanh chóng sau khi điều trị bổ trợ bằng thuốc kháng histamin, steroid hoặc ngưng thuốc ziprasidone và phục hồi hoàn toàn sau đó. Khi xuất hiện phát ban da mà không do nguyên nhân nào khác, người bệnh nên ngưng dùng thuốc ziprasidone;
  • Hạ huyết áp tư thế có thể xảy ra ở bệnh nhân dùng thuốc ziprasidone, đặc biệt là trong giai đoạn dò liều ban đầu. Vì vậy, cần thận trọng khi dùng thuốc Mafoxa 20mg ở bệnh nhân có bệnh tim mạch (tiền sử bệnh tim thiếu máu, nhồi máu cơ tim, suy tim hoặc bất thường dẫn truyền), bệnh mạch máu não hoặc người bệnh có nguy cơ hạ huyết áp (giảm thể tích tuần hoàn, mất nước, đang dùng thuốc hạ huyết áp);
  • Sử dụng thuốc ziprasidone thận trọng ở người bệnh động kinh, có yếu tố nguy cơ dễ bị động kinh như mắc bệnh mất trí nhớ Alzheimer hoặc người bệnh trên 65 tuổi;
  • Bệnh nhân tâm thần hoặc rối loạn lưỡng cực thường có nguy cơ tự sát. Cần giám sát chặt chẽ người bệnh có nguy cơ cao, đi kèm với liệu pháp điều trị bằng thuốc. Nên kê toa liều thấp nhất có hiệu quả của thuốc ziprasidone để tránh nguy cơ quá liều;
  • Nguy cơ tử vong tăng lên khi người bệnh cao tuổi bị tâm thần liên quan sa sút trí tuệ được chỉ định sử dụng thuốc chống loạn thần. Do vậy, không sử dụng ziprasidone cho nhóm bệnh nhân này;
  • Có nguy cơ kéo dài QT, làm tăng khả năng tử vong đột ngột khi sử dụng ziprasidone. Do vậy, cần cân nhắc khi lựa chọn loại thuốc điều trị phù hợp cho người bệnh. Nên tránh kết hợp thuốc ziprasidone với các thuốc kéo dài khoảng QT khác. Đồng thời, cần tránh sử dụng thuốc ziprasidone ở người mắc hội chứng QT kéo dài bẩm sinh, bệnh nhân có tiền sử rối loạn nhịp tim;
  • Sử dụng thuốc chống loạn thần có liên quan tới hội chứng ác tính do thuốc an thần - có thể gây tử vong. Biểu hiện của hội chứng này là co cứng cơ, tăng thân nhiệt, thay đổi trạng thái tâm thần, rối loạn thần kinh tự chủ. Các dấu hiệu khác gồm tiêu cơ vân, tăng creatinin phosphokinase, suy thận cấp. Cách kiểm soát tình trạng này gồm ngưng thuốc chống loạn thần, điều trị triệu chứng;
  • Nguy cơ rối loạn vận động muộn có thể xảy ra ở người bệnh đang dùng thuốc chống loạn thần. Nếu bệnh nhân đang sử dụng thuốc ziprasidone có dấu hiệu rối loạn vận động muộn thì nên cân nhắc tới việc ngưng thuốc;
  • Bệnh nhân sử dụng thuốc chống loạn thần có thể bị tăng đường huyết nặng, đôi khi kết hợp với nhiễm toan ceton acid, hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu, tử vong. Nên theo dõi chặt chẽ những người bệnh mắc tiểu đường từ trước, thực hiện xét nghiệm đường huyết lúc đói khi bắt đầu dùng thuốc ziprasidone, kiểm tra đường huyết định kỳ cho người bệnh có yếu tố nguy cơ mắc bệnh tiểu đường (ví dụ như người béo phì, tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường);
  • Hiện chưa có nghiên cứu đầy đủ về việc sử dụng thuốc ziprasidone ở phụ nữ mang thai. Do đó, chỉ dùng thuốc này trong thai kỳ khi lợi ích lớn hơn so với nguy cơ tiềm ẩn đối với thai nhi, đã được bác sĩ cho phép sử dụng thuốc;
  • Hiện chưa rõ ziprasidone có đi vào sữa mẹ hay không. Do đó, phụ nữ đang dùng thuốc ziprasidone không nên cho con bú;
  • Vì thuốc ziprasidone có thể làm giảm khả năng nhận thức và vận động nên người bệnh dùng thuốc không được lái xe, vận hành máy móc cho tới khi chắc chắn rằng thuốc này không gây ảnh hưởng bất lợi.

5. Tương tác thuốc Mafoxa 20mg

Một số tương tác thuốc của Mafoxa 20mg gồm:

  • Không phối hợp ziprasidone với các thuốc gây kéo dài khoảng QT;
  • Thận trọng khi phối hợp thuốc ziprasidone với các loại thuốc tác động lên hệ thần kinh trung ương khác;
  • Vì có khả năng gây hạ huyết áp nên thuốc ziprasidone có thể làm tăng tác dụng của một số loại thuốc trị cao huyết áp;
  • Thuốc ziprasidone có thể gây mất tác dụng đối với các chất chủ vận của dopamine và levodopa;
  • Carbamazepin có thể làm giảm AUC của ziprasidone;
  • Ketoconazole làm tăng AUC và Cmax của ziprasidone. Các chất ức chế CYP3A4 khác cũng có thể gây ra tác động tương tự.

Để tránh tương tác thuốc, bệnh nhân cần thông báo chi tiết cho bác sĩ về tiền sử bệnh lý của bản thân, các loại thuốc mình đã/đang dùng. Đồng thời, bệnh nhân không được tự ý bắt đầu, thay đổi liều dùng, ngừng thuốc,... mà chưa nhận được sự cho phép của bác sĩ.

Khi được chỉ định sử dụng thuốc Mafoxa 20mg, người bệnh nên phối hợp với mọi hướng dẫn của bác sĩ. Việc này đảm bảo hiệu quả trị bệnh cao và hạn chế đáng kể nguy cơ phát sinh những sự cố khó lường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan