Công dụng thuốc Indapen

Indapen là thuốc thuộc nhóm thuốc tim mạch, có tác dụng trong điều trị các bệnh lý như tăng huyết áp, các chứng phù,... Bài viết dưới đây cung cấp thông tin chi tiết về thuốc Indapen, mời bạn đọc cùng tham khảo.

1. Thuốc Indapen là thuốc gì?

  • Indapen là thuốc thuộc nhóm thuốc tim mạch, thường được dùng trong điều trị các bệnh lý như tăng huyết áp, phù,... Thuốc Indapen có thành phần chính là Indapamide 2.5mg, được bào chế dưới dạng viên nén bao phim, hàm lượng 2.5mg mỗi viên, hộp có 2 vỉ x 10 viên.
  • Indapamide là chất thuộc nhóm sulfonamide lợi tiểu, không thuộc nhóm thiazid, Indapamide có tác dụng chống tăng huyết áp và lợi niệu nhờ vào cơ chế hoạt động chống tái hấp thu muối natri và nước tại ống lượn xa ở vỏ thận, đồng thời làm giãn cơ trơn của các động mạch nhỏ ngoại vi từ đó có tác dụng làm tăng bài niệu, giảm khối lượng tuần hoàn, giảm sức cản ngoại biên nên chống tăng huyết áp.
  • Thuốc Indapen hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa, thuốc đạt nồng độ tối đa trong máu sau khoảng 2 đến 2.5 giờ uống thuốc. Thuốc Indapen phân bố rộng khắp các tổ chức trong cơ thể, khoảng 71 - 79% lượng thuốc trong máu liên kết với protein huyết tương.
  • Thuốc Indapen chuyển hóa qua gan, thải trừ qua nước tiểu khoảng 60%, 13 đến 16% thải trừ qua phân và mật.

2. Thuốc Indapen có tác dụng gì?

Thuốc Indapen có tác dụng điều trị trong các trường hợp bệnh lý như:

  • Bệnh lý tăng huyết áp vô căn.
  • Điều trị đơn độc trong các trường hợp tăng huyết áp mức độ vừa và nhẹ. Để biết tình trạng tăng huyết áp của bạn ở mức độ nào, bạn cần được thăm khám bởi các bác sĩ có chuyên môn, vì thế trước khi quyết định sử dụng thuốc bạn nên tham vấn ý kiến của bác sĩ.
  • Điều trị các triệu chứng phù hoặc giữ muối do bệnh lý suy tim hay do các nguyên nhân khác. Trong trường hợp bị suy tim trái mức độ nặng và cấp tính, cần phải điều trị bằng các thuốc lợi tiểu mạnh hơn như Furosemid hoặc Bumetanid,...

3. Liều dùng - cách dùng thuốc Indapen

  • Cách dùng: Thuốc được dùng dưới dạng uống, bạn nên uống nguyên viên thuốc với 1 cốc nước đầy vào buổi sáng, có thể uống thuốc trước hoặc sau ăn tùy ý vì sự hấp thu của thuốc không bị ảnh hưởng bởi thức ăn. Bạn nên uống thuốc Indapen vào cùng thời điểm trong mỗi ngày để tránh việc quên uống thuốc. Tốt nhất nên uống vào buổi sáng.
  • Liều dùng: Thuốc Indapen được dùng theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên bạn có thể tham khảo thêm liều khuyến cáo đối với người lớn: Uống 1 viên/ lần/ ngày.

4. Chống chỉ định sử dụng thuốc Indapen

Không được dùng thuốc Indapen cho các trường hợp dưới đây:

  • Người có tiền sử dị ứng hoặc mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc Indapen.
  • Người mới bị bệnh lý tai biến mạch máu não.
  • Không được dùng thuốc Indapen cho người bị vô niệu, thiểu niệu đang tiến triển hoặc trầm trọng. Để biết bạn có bị bệnh lý vô niệu hoặc thiểu niệu không, bạn cần được theo dõi lượng nước tiểu trong vòng 24 giờ và cần được theo dõi bởi các nhân viên y tế.
  • Không dùng thuốc Indapen cho người bị bệnh lý hôn mê gan.

5. Tác dụng không mong muốn khi sử dụng Indapen

Khi sử dụng Indapen, người bệnh có thể gặp các triệu chứng bất lợi như:

  • Rối loạn, mất cân bằng điện giải. Nếu thấy các triệu chứng như khát nước, khô miệng, buồn ngủ, ngủ lịm đi,... bạn cần đến các cơ sở y tế để kiểm tra, vì đó là các dấu hiệu báo hiệu bạn đang bị rối loạn điện giải. Để biết chính bạn có bị rối loạn điện giải hay không, bạn cần làm các xét nghiệm máu, do đó bạn nên kiểm tra định kì các chỉ số điện giải của mình trong quá trình sử dụng thuốc để phát hiện sớm các bất thường và báo với bác sĩ kịp thời.
  • Các tác dụng phụ có thể gặp trên hệ thần kinh như: Suy nhược, mệt mỏi, mất ngủ, đau đầu, choáng váng, chóng mặt,... Các triệu chứng có thể xuất hiện trong giai đoạn đầu dùng thuốc, nếu dai dẳng không dứt bạn hãy báo với bác sĩ để có hướng xử lý phù hợp dành cho bạn.
  • Các triệu chứng trên hệ tiêu hóa có thể gặp như chán ăn, buồn nôn, khô miệng,...
  • Ngoài ra có thể gặp các triệu chứng trên tim mạch như: Nhịp tim nhanh, hạ huyết áp tư thế đứng. Mặc dù tần suất rất hiếm gặp, chỉ khoảng 1% nhưng lại rất nguy hiểm, nếu sau khi uống thuốc bạn thấy trống ngực đập liên tục, thay đổi tư thế từ nằm ngồi sang đứng bị choáng váng, chao đảo bạn cần báo ngay cho bác sĩ để được cấp cứu điều trị sớm cho bạn.

Nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào trong quá trình sử dụng thuốc Indapen, bạn cần báo ngay với bác sĩ hoặc các nhân viên y tế ở gần bạn, để được hướng dẫn và giải quyết các triệu chứng bất lợi sớm nhất.

6. Lưu ý khi sử dụng thuốc Indapen

Trong quá trình sử dụng thuốc Indapen, bạn cần lưu ý một số điểm sau:

  • Thuốc Indapen là thuốc độc bảng B, do đó bạn không được tự ý sử dụng, tất cả đều phải được chỉ định bởi bác sĩ và bạn cần tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ.
  • Báo với bác sĩ các bệnh lý mà bạn đang mắc phải, cùng với các loại thuốc mà bạn đang sử dụng vì thuốc Indapen có thể tương tác không tốt đối với bệnh lý hoặc với loại thuốc đó. Đặc biệt là các thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc co mạch, bệnh lý suy gan nặng,...
  • Thuốc hay gây rối loạn điện giải, do đó bạn cần chú ý kiểm tra định kỳ các chỉ số điện giải của mình trong quá trình sử dụng thuốc.
  • Chưa có nghiên cứu rõ ràng về mức độ an toàn của thuốc Indapen đối với phụ nữ có thai hoặc cho con bú, do đó nếu bạn trong trường hợp này, bạn cần báo với bác sĩ để có cân nhắc kỹ lưỡng trước khi sử dụng thuốc.
  • Chưa có nghiên cứu về mức độ ảnh hưởng của thuốc đối với những người làm công việc lái xe hoặc vận hành máy móc, do đó nếu bạn làm những công việc này, bạn cần báo với bác sĩ để được lựa chọn thuốc phù hợp.

Trên đây là thông tin chi tiết về thuốc Indapen, nếu có thêm bất cứ câu hỏi nào về thuốc, bạn hãy liên hệ với dược sĩ hoặc bác sĩ của mình để được tư vấn, giải đáp cho các thắc mắc của bạn.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

988 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan