Công dụng thuốc Hoanidol

Thuốc Hoanidol được bào chế dưới dạng viên nang mềm với thành phần chính là Alfacalcidol. Thuốc Hoanidol được sử dụng trong điều trị một số bệnh liên quan đến rối loạn chuyển hóa calci.

1. Tác dụng của thuốc Hoanidol

Mỗi viên thuốc Hoanidol có chứa 0,5mcg Alfacalcidol. Alfacalcidol là một chất tương tự với vitamin D, có tác động như một chất điều hòa chuyển hóa canxi và photphat. Chất chuyển hóa 1,25-dihydroxyvitamin D3 của nó gắn kết với thụ thể phân bố ở các mô đích, xương và ruột - nơi diễn ra các hoạt động vật lý bao gồm hoạt động hấp thụ calci từ ruột, hòa tan chất khoáng có ở xương và hoạt động tạo xương.

Chỉ định: Thuốc Hoanidol được sử dụng trong điều trị các bệnh có nguyên nhân là rối loạn chuyển hóa calci dẫn đến sự giảm tổng hợp nội sinh 1,25 - dihydroxy vitamin D3, bao gồm:

  • Loạn dưỡng xương do thận;
  • Cường cận giáp thứ phát (có liên quan đến các bệnh về xương);
  • Giả suy cận giáp hoặc suy cận giáp;
  • Nhuyễn xương hoặc còi xương do suy dinh dưỡng;
  • Còi xương hoặc giảm calci huyết ở trẻ sơ sinh;
  • Bệnh loãng xương hoặc còi xương phụ thuộc vitamin D;
  • Chứng kém hấp thu calci;
  • Chứng loãng xương sau khi mãn kinh;
  • Giảm photphat huyết gia đình (nhuyễn xương hoặc còi xương kháng vitamin D).

Chống chỉ định: Không được sử dụng thuốc Hoanidol cho người bị tăng calci huyết hoặc quá mẫn với bất cứ thành phần nào có trong thuốc Hoanidol.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Hoanidol

Cách dùng: Thuốc Hoanidol được uống trực tiếp với một cốc nước. Người bệnh nên dùng thuốc ngay khi mở ra, không nên để thuốc Hoanidol quá lâu trong không khí.

Liều dùng: Liều khởi đầu thuốc Hoanidol cho tất cả các chỉ định:

  • Người lớn: Sử dụng 1 mcg/ngày;
  • Người cao tuổi: Sử dụng 0,5 mcg/ngày;
  • Trẻ sơ sinh và trẻ sơ sinh thiếu tháng: Sử dụng 0,05 - 0,1 mcg/kg/ngày;
  • Trẻ em có cân nặng dưới 20kg: Sử dụng 0,05 mcg/kg/ngày;
  • Trẻ em có cân nặng trên 20kg: Sử dụng 0,1 mcg/kg/ngày.

Sau đó liều Alfacalcidol cần được điều chỉnh phù hợp theo các chỉ số sinh hóa để tránh tình trạng tăng calci huyết. Các chỉ số sinh hóa cần chú ý quan tâm như nồng độ photphat kiềm, nồng độ calci huyết, nồng độ hormone cận giáp cũng như kết quả chụp X-quang và mô học.

Liều sử dụng hàng ngày của Alfacalcidol có thể tăng thêm từ 0,25 - 0,50 mcg/ngày. Khi liều dùng thuốc Hoanidol đã được thiết lập ổn định, cần tiến hành kiểm tra nồng độ calci huyết, nồng độ creatinin, nồng độ photpho mỗi 2 - 4 tuần.

Hầu hết người lớn đều đáp ứng với liều sử dụng alfacalcidol từ 1 - 3 mcg/ngày. Khi đạt được hiệu quả điều trị có thể giảm liều và sử dụng liều duy trì trong khoảng 0,25 - 1 mcg/ngày.

Lưu ý đối với bệnh loãng xương do thận: Những người bệnh có nồng độ calci huyết ban đầu ở mức tương đối cao có thể có cường cận giáp thứ phát thường không đáp ứng đối với alfacalcidol. Cần lưu ý kiểm soát nồng độ photphat trong huyết tương để có thể ngăn chặn tình trạng tăng photphat huyết vì nó có tác động đến việc xác định nồng độ calci huyết ở những người bệnh suy thận mạn tính. Khi tăng calci máu kéo dài có thể khiến trầm trọng thêm tình trạng suy giảm chức năng thận.

Lưu ý đối với bệnh cường cận giáp: Hãy hỏi ý kiến bác sĩ về liều dùng thuốc Hoanidol.

Quá liều: Khi dùng thuốc Hoanidol quá liều, người bệnh thường được điều trị triệu chứng bằng cách cho uống nhiều nước và truyền dịch. Nếu cần thiết, có thể sử dụng corticosteroid và các thuốc khác (đặc biệt là thuốc lợi tiểu tăng thải calci như furosemid, axit ethacrynic) để làm giảm nồng độ calci trong huyết thanh. Bệnh nhân có thể trải qua lọc máu nhân tạo, thẩm tách màng bụng để thải trừ calci tự do khỏi cơ thể.

Quên liều: Người bệnh cần phải chú ý sử dụng đúng liều lượng thuốc Hoanidol với thời gian chuẩn. Nếu quên một liều Hoanidol thì có thể uống bù ngay khi nhớ ra. Hãy bỏ qua liều quên và dùng liều kế tiếp như bình thường nếu đã gần tới thời điểm uống liều tiếp theo.

3. Tác dụng phụ của thuốc Hoanidol

Trong quá trình sử dụng thuốc Hoanidol, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Hiếm gặp về chuyển hóa là: Tăng photphat huyết và tăng calci huyết;
  • Rất hiếm gặp:
    • Ở da và mô dưới da: Mề đay, ngứa, phát ban;
    • Thận và tiết niệu: Calci thận, suy thận.

Khi gặp tác dụng phụ của thuốc Hoanidol, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn và hỗ trợ xử lý nhanh chóng.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Hoanidol

Một số điều bệnh nhân cần thận trọng khi sử dụng thuốc Hoanidol là:

  • Thận trọng khi dùng thuốc ở người bệnh đang sử dụng glycosid trợ tim vì tình trạng tăng calci huyết gây loạn nhịp tim ở đối tượng này;
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc ở người bị sỏi thận;
  • Trong thời gian điều trị với thuốc Hoanidol, nồng độ photphat huyết và calci huyết cần được theo dõi thường xuyên, đặc biệt là ở đối tượng trẻ em, người bệnh suy thận và người bệnh sử dụng liều cao alfacalcidol. Liều dùng thuốc cần được điều chỉnh phù hợp để có thể duy trì nồng độ photphat huyết ở mức chấp nhận trên những người bệnh loãng xương do thận;
  • Tăng calci huyết có thể xuất hiện ở những người bệnh được điều trị bằng thuốc Hoanidol với các triệu chứng ban đầu như khát nhiều, tiểu nhiều, khô miệng, suy nhược, đau cơ và xương, buồn nôn, táo bón, đau đầu;
  • Nếu thấy tăng calci huyết thì cần phải ngừng thuốc cho đến khi nồng độ calci huyết trở lại mức bình thường (khoảng 1 tuần). Sau đó sử dụng lại với liều bằng một nửa so với liều trước đó;
  • Tăng photphat huyết kết hợp với tăng calci huyết làm tăng nguy cơ vôi hóa di căn. Tăng photphat huyết có thể xảy ra trên những người bệnh suy giảm chức năng thận. Ở trường hợp này, chất liên kết với photphat có thể được sử dụng;
  • Thuốc Hoanidol có chứa sorbitol. Do vậy, người bệnh có vấn đề về di truyền hiếm gặp không dung nạp fructose không nên sử dụng thuốc này;
  • Thuốc Hoanidol có chứa paraben và tá dược màu yellow. Người bệnh đã ghi nhận báo cáo dị ứng với paraben và tá dược màu yellow nên cần thận trọng khi dùng thuốc này;
  • Thuốc Hoanidol có tác dụng phụ gây đau đầu nên cần cẩn thận trong quá trình vận hành máy móc, thiết bị, lái tàu xe.

5. Tương tác thuốc Hoanidol

Một số tương tác thuốc Hoanidol mà người bệnh cần chú ý là:

  • Glycosid digitalis: Ở những người bệnh tăng calci huyết, việc sử dụng digitalis có thể gây ra hiện tượng loạn nhịp tim. Do vậy, người bệnh cần cẩn trọng khi dùng đồng thời thuốc Hoanidol với digitalis;
  • Barbiturat, thuốc chống co giật và gây cảm ứng men: Những người bệnh dùng barbiturat hay các thuốc chống co giật gây cảm ứng men cần tăng liều thuốc Hoanidol để có thể đạt được hiệu quả mong muốn;
  • Thuốc ảnh hưởng đến sự hấp thụ của ruột: Độ hấp thụ của thuốc Hoanidol có thể bị suy giảm khi sử dụng đồng thời với dầu khoáng (dùng trong thời gian dài), colestipol, cholestyramine, sucralfat hoặc một lượng lớn thuốc kháng acid trong thành phần có chứa nhôm;
  • Magnesi: Cẩn cẩn trọng khi sử dụng thuốc kháng acid có chứa magnesium hoặc thuốc nhuận tràng ở những người bệnh thẩm phân máu kéo dài đang điều trị với thuốc Hoanidol vì có thể gây tăng magnesium;
  • Thiazid/Calci: Nguy cơ xảy ra tăng calci huyết thường cao ở những người bệnh sử dụng kết hợp thuốc Hoanidol với những chế phẩm có thành phần thiazid hay calci;
  • Vitamin D và các dẫn xuất: Alfacalcidol là một dẫn xuất chính của vitamin D. Do đó không nên kết hợp sử dụng thuốc Hoanidol với vitamin D hoặc các dẫn xuất của nó vì có khả năng gây tăng tác dụng của thuốc dẫn đến nguy cơ calci huyết tăng.

Trong quá trình điều trị bệnh bằng thuốc Hoanidol, người bệnh hãy thực hiện đúng, đầy đủ theo các hướng dẫn từ phía bác sĩ chuyên môn để mang lại hiệu quả cao nhất. Bệnh nhân cần thông báo chi tiết cho bác sĩ về các loại thuốc mình đang sử dụng để tránh nguy cơ gặp tương tác thuốc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

139 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan