Công dụng thuốc Harbitaxime

Thuốc Harbitaxime là kháng sinh được chỉ định trong các trường hợp nhiễm khuẩn gây ra bởi vi khuẩn nhạy cảm như nhiễm khuẩn xương khớp, nhiễm khuẩn máu, viêm màng tim do cầu khuẩn gram dương và gram âm, viêm màng não... Việc nắm rõ thông tin về thuốc giúp quá trình sử dụng có được hiệu quả tốt hơn.

1. Thuốc Harbitaxime là thuốc gì?

“Thuốc Harbitaxime là thuốc gì?”. Thuốc Harbitaxime chứa hoạt chất Cefotaxime 1g được bào chế dưới dạng bột pha tiêm. Thuốc được sản xuất bởi công ty dược phẩm Harbin Pharmacetical.

Hoạt chất Cefotaxime là kháng sinh nhóm Cephalosporin thế hệ 3 phổ kháng khuẩn rộng. So với các kháng sinh thế hệ 1 và 2, Cefotaxime tác dụng lên vi khuẩn gram âm mạnh hơn, bền hơn đối với các tác dụng thủy phân của enzyme Beta – lactamase. Tuy nhiên tác dụng trên vi khuẩn gram dương lại yếu hơn so với các kháng sinh thế hệ 1 và 2.

Các loại vi khuẩn nhạy cảm cảm với Cefotaxime bao gồm: E.Coli, Enterobacter, Salmonella, P. mirabilis, Shingella, các chủng Streptococcus, Haemophilus spp, Haemophilus influenza, Neisseria, Peptostreptococcus, Borrellia Burgdorferi...

2. Chỉ định của thuốc Harbitaxime

“Thuốc Harbitaxime có tác dụng gì?”. Theo đó, thuốc Harbitaxime được chỉ định để điều trị nhiễm khuẩn trong các trường hợp sau:

  • Áp xe não;
  • Nhiễm khuẩn huyết;
  • Viêm màng trong tim;
  • Viêm màng não;
  • Bệnh lậu;
  • Viêm phổi;
  • Bệnh thương hàn;
  • Nhiễm khuẩn nặng trong ổ bụng;
  • Dự phòng nhiễm khuẩn sau phẫu thuật tuyến tiền liệt, bao gồm cả mổ nội soi hay mổ lấy thai.

3. Liều dùng của thuốc Harbitaxime

Người trưởng thành:

  • Điều trị nhiễm khuẩn không biến chứng: Liều thuốc Harbitaxime khuyến cáo là 1g cách mỗi 12 giờ, tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch;
  • Điều trị viêm màng não, nhiễm khuẩn nặng: Liều thuốc khuyến cáo là 2g cách mỗi 6 – 8 giờ, tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch;
  • Điều trị lậu không biến chứng dùng liều duy nhất 1g đường tiêm bắp;
  • Dự phòng nhiễm khuẩn khi phẫu thuật: Dùng liều duy nhất 1g tiêm trước khi phẫu thuật 30 phút.

Trẻ em:

  • Trẻ em dưới 12 tuổi dùng liều 50 – 150mg/kg/ngày chia làm 3 – 4 lần, tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch;
  • Trẻ sơ sinh trên 7 ngày dùng liều 75 – 150mg/kg/ngày chia làm 3 lần tiêm tĩnh mạch;
  • Trẻ sinh non và trẻ sơ sinh dưới 7 ngày dùng liều 50mg/kg/ngày chia làm 2 lần tiêm tĩnh mạch.

Người bệnh suy thận có độ thanh thải creatinin dưới 10m cần giảm nửa liều.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Harbitaxime

  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Harbitaxime ở người bệnh cao tuổi, người bệnh suy giảm chức năng thận;
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc ở người bệnh có tiền sử dị ứng với các kháng sinh thuộc nhóm Penicillin;
  • Kiểm tra độ trong, màu sắc của dung dịch thuốc sau khi pha tiêm;
  • Harbitaxime được dùng bằng đường tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch, vì vậy quá trình dùng thuốc cần được thực hiện bởi nhân viên y tế có chuyên môn;
  • Đối với phụ nữ đang mang thai, phụ nữ đang cho con bú: Hiện chưa có báo cáo an toàn khi điều trị bằng thuốc Harbitaxime trên các đối tượng này. Vì vậy việc sử dụng thuốc Harbitaxime ở phụ nữ đang mang thai, phụ nữ đang cho con bú cần được chỉ định bởi bác sĩ dựa trên lợi ích và nguy cơ điều trị;

5. Tác dụng phụ của thuốc Harbitaxime

Các tác dụng phụ:

  • Thường gặp: Tiêu chảy, Viêm tĩnh mạch tại vị trí tiêm, đau, phản ứng viêm tại chỗ tiêm bắp;
  • Ít gặp: Giảm bạch cầu ưa eosin, giảm bạch cầu trung tính, thay đổi hệ vi sinh vật tại ruột, bội nhiễm do vi khuẩn kháng thuốc như Enterobacter spp.., Pseudomonas Aeruginosa;
  • Hiếm gặp: Phản ứng quá mẫn cảm, thiếu máu tan máu, giảm bạch cầu hạt, giảm tiểu cầu, viêm đại tràng giả mạc do Clostridium Difficile, tăng Bilirubin và enzym gan trong huyết tương.

Hướng dẫn xử trí khi gặp tác dụng phụ:

  • Người bệnh phải ngưng điều trị bằng thuốc Harbitaxime ngay khi có triệu chứng nặng của phản ứng không mong muốn như viêm đại tràng giả mạc, đáp ứng quá mẫn...
  • Phòng ngừa nguy cơ viêm tắc tĩnh mạch khi tiêm thuốc bằng cách tiêm hoặc truyền với tốc độ chậm;
  • Phòng ngừa giảm đau do tiêm bắp bằng cách pha thêm thuốc tê Lidocain với Harbitaxime ngay trước khi tiêm.

6. Quá liều và cách xử trí

  • Người bệnh có triệu chứng ngộ độc cần ngưng sử dụng thuốc Harbitaxime ngay và đưa đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Thẩm tách màng bụng hoặc lọc máu có thể được áp dụng để giúp giảm nồng độ Cefotaxim trong máu;
  • Trong quá trình điều trị bằng thuốc Harbitaxime nếu có triệu chứng tiêu chảy nặng hoặc kéo dài cần nghĩ đến nguy cơ bị viêm đại tràng giả mạc, đây là rối loạn tiêu hóa nặng cần ngưng điều trị bằng Cefotaxim ngay và thay thế bằng một kháng sinh có tác dụng điều trị viêm đại tràng giả mạc do Clostridium Difficile (ví dụ như Vancomycin, Metronidazol).

7. Tương tác và tương kỵ thuốc

Tương tác thuốc:

  • Colistin: Dùng phối hợp Colistin với Cefotaxime nói riêng hay kháng sinh nhóm Cephalosporin nói chung có thể làm tăng nguy cơ tổn thương thận;
  • Penicillin: Nguy cơ mắc bệnh não và cơn động kinh tăng lên khi dùng phối hợp Cefotaxime với Penicillin ở người bệnh bị suy thận;
  • Các Ureido – Penicillin (Mezlocillin hay Azolocillin): Sử dụng đồng thời Cefotaxime với các thuốc này sẽ làm giảm độ thanh thải của Cefotaxim;
  • Cefotaxime làm tăng độc tính trên thận của Cyclosporin.

Tương kỵ thuốc:

  • Không tiêm thuốc Harbitaxime đồng thời với Metronidazol hoặc Aminoglycosid;
  • Cefotaxime không tương hợp với dung dịch kiềm như Natri Bicarbonat. Vì vậy để pha dung dịch Harbitaxime truyềnt tĩnh mạch cần dùng các dung dịch như Dextrose 5%, Natri Clorid 0,9%, Ringer lactat hoặc một dung dịch truyền tĩnh mạch có pH từ 5 – 7;
  • Không trộn lẫn thuốc Cefotaxime với các kháng sinh khác trong cùng một bơm tiêm hoặc một bộ dụng cụ truyền tĩnh mạch.

8. Bảo quản thuốc

  • Thuốc bột Harbitaxime cần được bảo quản ở nhiệt độ dưới 30oC và tránh ánh sáng trực tiếp;
  • Dung dịch Harbitaxime đã được pha tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch vẫn duy trì được tác dụng trong vòng 24 giờ khi bảo quản ở nhiệt độ dưới 22oC, duy trì được tác dụng trong 10 ngày nếu bảo quản trong tủ lạnh (dưới 5oC) và duy trì được tác dụng trong 12 – 13 tuần nếu bảo quản đông lạnh;
  • Dung dịch Harbitaxime đã pha để truyền tĩnh mạch vẫn giữ được tác dụng trong 24 giờ nếu bảo quản ở nhiệt độ dưới 22oC và 5 ngày nếu bảo quản trong tủ lạnh.

Trên đây là những thông tin cần lưu ý về liều dùng, công dụng và các lưu ý khi sử dụng thuốc Harbitaxime. Lưu ý, Harbitaxime là thuốc kê đơn, người bệnh tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ điều trị.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

31 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan