Thuốc Bactrim DS: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng

Thuốc Bactrim DS là một kháng sinh phối hợp được sử dụng phổ biến đề điều trị nhiều bệnh nhiễm khuẩn. Để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất người bệnh nên tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý ngưng thuốc, phối hợp thuốc, thay đổi liều lượng khi chưa được chấp thuận của bác sĩ.

1. Thuốc bactrim ds có công dụng như thế nào?

Thuốc Bactrim DS là sự phối hợp của hai kháng sinh sulfamethoxazole và trimethoprim. Bactrim được sử dụng phổ biến để điều trị nhiều bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn như viêm tai giữa, nhiễm trùng đường tiểu, nhiễm trùng đường ruột, nhiễm trùng đường hô hấp. Bactrim cũng được sử dụng để ngăn ngừa và điều trị một số bệnh viêm phổi.

Lưu ý không được sử dụng thuốc Bactrim DS cho trẻ em dưới 2 tháng tuổi vì nguy cơ xuất hiện các tác dụng phụ nghiêm trọng. Một lưu ý quan trọng khác là Bactrim chỉ dùng để điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, không có tác dụng đối với các bệnh nhiễm trùng do virus (như trong bệnh cúm). Người bệnh không được lạm dụng, tự ý sử dụng kháng sinh vì sẽ không đạt được hiệu quả điều trị như mong muốn, đồng thời nguy cơ gặp các tác dụng phụ.

Bactrim thuốc biệt dược được sử dụng như sau: người bệnh uống thuốc với liều lượng theo kê đơn của bác sĩ với một cốc nước đầy (khoảng 240ml). Uống nhiều nước sẽ giúp giảm nguy cơ hình thành sỏi thận, trừ khi bác sĩ có hướng dẫn khác. Nếu người bệnh bị đau dạ dày, hãy uống thuốc trong hoặc ngay sau bữa ăn để giảm kích thích của thuốc lên đường tiêu hóa.

Để dễ nhớ lịch uống thuốc, người bệnh hãy dùng thuốc Bactrim DS vào cùng các thời điểm trong ngày. Chú ý sử dụng thuốc cho đến khi hết số lượng thuốc bác sĩ đã kê đơn. Không được ngừng thuốc kể cả khi triệu chứng biến mất. Việc dừng thuốc quá sớm có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn tiếp tục phát triển, dẫn đến nhiễm trùng tái phát. Hãy báo cho bác sĩ nếu bạn cảm thấy thuốc không có hiệu quả, tình trạng nhiễm trùng không được cải thiện hoặc trở nên tệ hơn.


Bactrim được sử dụng phổ biến để điều trị nhiều bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn
Bactrim được sử dụng phổ biến để điều trị nhiều bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn

2. Các tác dụng phụ của thuốc Bactrim DS

Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng thuốc Bactrim DS như sau:

  • Buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, chán ăn
  • Yếu cơ, buồn ngủ
  • Thay đổi trạng thái tâm thần
  • Các dấu hiệu của tổn thương thận như thay đổi lượng nước tiểu, có máu trong nước tiểu
  • Dấu hiệu hạ đường huyết như đổ mồ hôi đột ngột, run rẩy, tim đập nhanh, đói, mờ mắt, chóng mặt, ngứa ran bàn tay/ bàn chân
  • Đau đầu dai dẳng, co giật, cứng cổ, nhịp tim chậm.
  • Tuy hiếm gặp nhưng Bactrim thuốc có thể gây các phản ứng dị ứng nghiêm trọng như Hội chứng Steven-Johnson, chứng rối loạn máu ( như gây mất bạch cầu hạt, thiếu máu bất sản), tổn thương gan, tổn thương phổi. Bactrim cũng có thể gây nhiễm trùng đường ruột nặng do vi khuẩn kháng thuốc (tiêu chảy do Clostridium difficile).

Khi kê đơn cho người bệnh, bác sĩ đã cân nhắc cẩn thận giữa lợi ích và nguy cơ. Nhìn chung Bactrim thuốc biệt dược là loại thuốc an toàn, đã được sử dụng trong thời gian rất dài, các tác dụng phụ rất ít khi xảy ra. Tuy nhiên, người bệnh cần luôn thận trọng. Khi sử dụng thuốc, nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào như đã nêu trên, người bệnh cần liên hệ với thầy thuốc để được hướng dẫn hoặc đến các cơ sở y tế để được điều trị, can thiệp kịp thời.

3. Các biện pháp thận trọng trước khi sử dụng thuốc Bactrim DS

Khi được kê đơn thuốc Bactrim DS, hãy thông báo với bác sĩ hoặc dược sĩ nếu bạn gặp các vấn đề sau đây:

  • Bạn dị ứng với sulfamethoxazole hoặc trimethoprim; hoặc có bất kỳ dị ứng với thuốc hoặc thức ăn nào khác.
  • Bạn có tiền sử bệnh gan, thận, rối loạn về máu (như rối loạn chuyển hóa porphyrin, thiếu máu), tiền sử rối loạn máu do dùng thuốc trimethoprim hoặc sulfa, thiếu vitamin folate hoặc acid folic, hen suyễn, giảm chức năng tủy xương, rối loạn chuyển hóa (thiếu G6PD), tuyến giáp kém hoạt động, mất cân bằng khoáng chất,...

Thuốc Bactrim DS cần được chỉ định đúng đối tượng
Thuốc Bactrim DS cần được chỉ định đúng đối tượng

Dựa vào tình trạng cụ thể của người bệnh thầy thuốc sẽ có điều chỉnh thích hợp như đổi Bactrim sang loại kháng sinh khác hoặc điều chỉnh liều lượng,...

Thuốc Bactrim DS có thể khiến vắc-xin vi khuẩn sống (như vắc-xin thương hàn) không hoạt động. Do đó không nên tiêm chủng trong trong thời gian sử dụng thuốc trừ khi bác sĩ bác sĩ yêu cầu. Bactrim cũng có thể khiến bạn nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời, do đó trong thời gian dùng thuốc, hãy hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Sử dụng kem chống nắng và mặc quần áo dài tay khi ra ngoài trời. Nếu da bị cháy nắng, mẩn đỏ, phồng rộp,... hãy liên hệ bác sĩ để được tư vấn, điều trị.

4. Các tương tác thuốc

Các tương tác thuốc có thể làm thay đổi tác dụng của thuốc hoặc tăng nguy cơ gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng. Một số thuốc có thể tương tác với thuốc Bactrim DS như warfarin, dofetilide, methenamine, methotrexate,...

Hãy thông báo với bác sĩ và dược sĩ tất cả các thuốc bạn đang sử dụng, bao gồm thuốc kê đơn, không kê đơn, các thuốc nguồn gốc thảo dược, thực phẩm chức năng,... Thầy thuốc sẽ kiểm tra xem các thuốc đang dùng có tương tác với thuốc Bactrim hay không. Người bệnh không tự ý sử dụng, ngừng hoặc thay đổi liều lượng của bất kỳ loại thuốc nào mà không có sự chấp thuận của bác sĩ.

5. Xử lý khi sử dụng thuốc Bactrim DS quá liều


Khi sử dụng Bactrim thuốc quá liều, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như buồn nôn, nôn, tiêu chảy nghiêm trọng, chóng mặt, buồn ngủ, thay đổi tâm trạng,... Một số ít trường hợp người bệnh có thể bị ngất đi hoặc khó thở. Khi gặp các triệu chứng nêu trên, hãy đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.


Người bệnh cần được tư vấn sử dụng thuốc an toàn
Người bệnh cần được tư vấn sử dụng thuốc an toàn

Thuốc bactrim DS chỉ sử dụng khi được bác sĩ kê đơn, bạn không được tự ý dùng cho những bệnh nhiễm trùng sau này. Khi bạn quên uống một liều thuốc Bactrim DS, hãy uống thuốc ngay khi bạn nhớ ra. Nếu lúc bạn nhớ ra đã gần thời điểm uống liều tiếp theo, hãy bỏ qua liều đã quên và uống thuốc với liều bình thường theo lịch. Không được uống thuốc với liều gấp đôi để bù lại liều đã quên.

Nếu dùng thuốc biệt dược Bactrim trong thời gian dài, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh thực hiện các xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm theo dõi chức năng thận, nồng độ kali trong máu, nuôi cấy,... để kiểm tra sự đáp ứng của thuốc và phát hiện sớm các tác dụng phụ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe