Công dụng thuốc Hadupara

Thuốc Hadupara có thành phần chính là Paracetamol được bào chế dưới dạng viên nén bao phim. Thuốc được chỉ định điều trị giảm các cơn đau như đau đầu, đau họng, đau răng,... Cùng nắm rõ công dụng của thuốc Hadupara và những lưu ý quan trọng khi dùng thuốc trong bài viết dưới đây.

1. Thuốc Hadupara là thuốc gì?

Thuốc Hadupara có thành phần chính là Paracetamol hàm lượng 650mg cùng các tá dược khác vừa đủ 1 viên nén.

  • Quy cách đóng gói: Hộp 10 vỉ x 12 viên; Hộp 1 lọ 100 viên; 200 viên; 500 viên
  • Dạng bào chế: Viên nén bao phim
  • Số đăng ký: VD-33205-19

Paracetamol là thuốc giảm đau hạ sốt không steroid hữu hiệu có thể thay thế aspirin. Tuy nhiên, paracetamol không có hiệu quả trong điều trị viêm. Paracetamol tác động lên vùng dưới đồi gây hạ nhiệt, tăng lưu lượng máu ngoại biên và tăng tỏa nhiệt do giãn mạch. Qua đó làm giảm thân nhiệt ở người bị sốt, nhưng hiếm khi làm giảm thân nhiệt ở người bình thường.

Liều điều trị paracetamol ít tác động đến hệ tim mạch và hô hấp, không gây kích ứng, không làm thay đổi cân bằng acid - base, không gây xước hoặc chảy máu dạ dày như khi dùng salicylat. Nguyên nhân là do paracetamol không tác dụng trên cyclooxygenase toàn thân, chỉ tác động đến cyclooxygenase/prostaglandin của hệ thần kinh trung ương.

2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Hadupara

Thuốc Hadupara được chỉ định sử dụng điều trị:

  • Giảm đau từ mức nhẹ đến vừa, bao gồm: Đau đầu, đau nửa đầu, đau cơ bắp, đau họng, đau răng, đau bụng kinh, đau nhức do cảm lạnh hay cảm cúm, đau sốt sau khi tiêm vắc xin, đau sau nhổ răng hoặc sau khi thực hiện các thủ thuật nha khoa,...
  • Hạ sốt

Chống chỉ định sử dụng Hadupara đối với các trường hợp:

  • Mẫn cảm với paracetamol hoặc với bất cứ thành phần nào của thuốc Hadupara
  • Người bị bệnh gan hoặc thận nặng.
  • Người bị thiếu hụt glucose-6-phosphat dehydrogenasse.

3. Liều dùng và cách xử trí

3.1. Liều dùng

Cách dùng: Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén bao phim nên người bệnh sử dụng bằng đường uống. Có thể uống Hadupara cùng hoặc cách xa bữa ăn.

Liều dùng:

  • Đối với người lớn (kể cả người già) và trẻ em từ 12 tuổi trở lên: liều dùng là 1 - 2 viên/lần. Trong trường hợp cần thiết có thể uống nhắc lại sau 4 - 6 giờ. Liều thuốc tối đa là 8 viên chia 4 lần trong ngày.
  • Đối với trẻ em từ 7 đến 12 tuổi: liều dùng là 1 viên/lần. Trong trường hợp cần thiết có thể uống nhắc lại sau 4 - 6 giờ. Liều tối đa là 4 viên/ngày.
  • Đối với người bị suy thận nặng (độ thanh thải creatinin < 10 ml/ phút): Khoảng cách giữa các liều thuốc ít nhất là 8 giờ hoặc tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ điều trị.

Lưu ý: Không dùng thuốc Hadupara để tự điều trị sốt cao trên 39,5 độ C quá 3 và giảm đau quá 10 ngày ở người lớn, quá 5 ngày ở trẻ em trừ khi người bệnh có chỉ định của bác sĩ.

3.2. Xử trí khi quên liều, quá liều

Quá liều:

Trường hợp quá liều thuốc chỉ xảy ra khi dùng liều độc nhất (trên 30 viên thuốc) hoặc dùng liều cao trong nhiều ngày liên tiếp. Các triệu chứng thường xuất hiện trong 2 - 3 giờ đầu khi quá liều thuốc là đau bụng, buồn nôn, nôn,... Nặng hơn có thể gây xanh tím da, niêm mạc, suy giảm chức năng gan dẫn đến vàng da, rối loạn ý thức nếu không được xử trí kịp thời.

Xử trí quá liều: Cần gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến cơ sở y tế gần nhất, thậm chí ngay cả khi các triệu chứng quá liều thuốc chưa xuất hiện. Có thể sử dụng methionin hoặc acetylcystein làm chất giải độc. Nếu xử trí muộn (quá 36 giờ sau khi uống thuốc), gan đã bị tổn thương sẽ khó hồi phục.

Quên liều:

Trong quá trình sử dụng thuốc Hadupara, người bệnh cần tuân thủ liệu trình điều trị của bác sĩ, tránh xảy ra tình trạng quên liều làm giảm hiệu quả điều trị. Nếu trường hợp quên liều thuốc Hadupara, hãy sử dụng liều quên khi nhớ ra vào lúc sớm nhất (có thể uống thuốc cách 1-2 giờ so với giờ bác sĩ chỉ định). Nhưng nếu thời gian đã quá gần liều tiếp, người bệnh hãy bỏ qua liều thuốc đã quên và uống liều tiếp theo đúng như quy định. Người bệnh lưu ý không nên sử dụng gấp đôi liều thuốc Hadupara.

4. Tác dụng phụ của thuốc Hadupara

Paracetamol được dung nạp tốt và hiếm khi gây tác dụng phụ hoặc các tác dụng phụ thường nhẹ và thoáng qua gồm phát ban da, rối loạn tiêu hóa và phản ứng dị ứng. Trong một số trường hợp còn có thể giảm bạch cầu trung tính, tiểu cầu và toàn thể huyết cầu.

Paracetamol có ưu điểm không gây kích ứng dạ dày nên thường được sử dụng rộng rãi trên lâm sàng.

5. Lưu ý khi dùng thuốc Hadupara

Trong quá trình sử dụng thuốc Hadupara, người bệnh cần lưu ý đến một số vấn đề sau đây:

  • Thận trọng sử dụng thuốc với những trường hợp thiếu máu mạn tính, có bệnh lý gan, thận; nghiện rượu...
  • Phối hợp thuốc với các chế phẩm khác cũng chứa paracetamol dễ gây quá liều hoặc ngộ độc thuốc
  • Bác sĩ cần cảnh báo về những phản ứng trên da nghiêm trọng (tuy ít xảy ra): hội chứng hoại tử da nhiễm độc, hội chứng Steven-Johnson, hội chứng lyell, hội chứng ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính. Khi phát hiện những dấu hiệu phát ban trên da đầu tiên, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc ngay lập tức. Trường hợp người bệnh đã từng bị phản ứng trên da nghiêm trọng do paracetamol gây ra thì không được dùng thuốc trở lại và cần báo cho bác sĩ điều trị biết.
  • Đối với phụ nữ mang thai và đang cho con bú: Chỉ sử dụng thuốc Hadupara khi thực sự cần thiết. Người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng thuốc.

6. Tương tác thuốc

Tương tác thuốc có thể xảy ra khi dùng thuốc Hadupara:

  • Sử dụng thuốc chống đông máu như coumarin và các dẫn chất indandion với paracetamol liều cao và dài ngày có thể làm tăng nhẹ tác dụng của thuốc chống đông.
  • Khi dùng Paracetamol đồng thời với phenothiazin hoặc liệu pháp hạ nhiệt, có thể gây hạ sốt mạnh ở người bệnh.
  • Khi dùng paracetamol với các thuốc sau đây có thể làm tăng nguy cơ gây độc cho gan: thuốc chống lao isoniazid, các thuốc chống co giật (barbiturat, phenytoin, carbamazepin) và thuốc chống lao isoniazid. Vì vậy, người bệnh cần hạn chế sử dụng paracetamol khi đang dùng các thuốc trên.

Trong quá trình sử dụng thuốc Hadupara, người bệnh cần chú ý làm đúng theo những chỉ dẫn của bác sĩ, đọc kỹ các lưu ý trước khi dùng để có thể mang lại hiệu quả điều trị cao nhất, hạn chế tối đa tác dụng phụ có thể xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan