Công dụng thuốc Getsitalip

Thuốc Getsitalip được bào chế dưới dạng viên nén, có thành phần chính là Sitagliptin. Thuốc được sử dụng trong hỗ trợ chế độ ăn kiêng và tập thể dục ở người bệnh tiểu đường tuýp 2. Tham khảo ngay bài viết dưới đây để có thêm những thông tin hữu ích về loại thuốc này.

1. Getsitalip là thuốc gì?

Mỗi viên thuốc Getsitalip 100mg có chứa Sitagliptin hàm lượng 100mg. Sitagliptin là chất có hoạt tính ức chế DPP-4 ở người bệnh tiểu đường tuýp 2, tham gia điều hòa sự ổn định nội mô glucose trong cơ thể. Sitagliptin làm tăng tiết insulin, làm giảm nồng độ glucagon phụ thuộc vào glucose trong tuần hoàn. Từ đó, thuốc giúp kiểm soát lượng đường trong máu hiệu quả hơn.

Chỉ định sử dụng thuốc Getsitalip tablets 100mg: Điều trị bổ trợ trong chế độ ăn kiêng và tập thể dục ở người bệnh tiểu đường tuýp 2, giúp kiểm soát đường huyết dưới các dạng sau:

  • Đơn trị liệu;
  • Phối hợp 2 loại thuốc: Phối hợp với Metcarrin, sulfonylurea hoặc thuốc đồng vận PPARY (Thiazolidinediones) khi điều trị bằng đơn trị liệu, ăn kiêng và tập thể dục không thể kiểm soát đường huyết phù hợp;
  • Phối hợp 3 loại thuốc: Phối hợp với Metformin và 1 sulfonylurea hoặc phối hợp với Metformin và 1 PPARY (Thiazolidinediones) khi việc phối hợp 2 thuốc kể trên, ăn kiêng và tập thể dục không kiểm soát được đường huyết phù hợp;
  • Phối hợp với insulin.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Getsitalip tablets 100mg:

  • Người bệnh có tiền sử mẫn cảm với Sitagliptin hoặc thành phần khác của thuốc;
  • Bệnh nhân tiểu đường tuýp 1;
  • Người bệnh đang điều trị tiểu đường nhiễm toan ceton;
  • Trẻ em dưới 18 tuổi.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Getsitalip

Thuốc Getsitalip được sử dụng bằng đường uống. Uống thuốc Getsitalip bất kỳ lúc nào, cùng hoặc không cùng thức ăn đều được.

Liều dùng:

  • Liều thông thường: 100mg mỗi ngày dạng đơn trị liệu hoặc phối hợp với Metformin, 1 sulfonylurea, insulin (có/không dùng Metformin), 1 thuốc đồng vận PPARY, metformin cùng với 1 sulfonylurea, hoặc metformin cùng thuốc đồng vận PPARY. Khi kết hợp Getsitalip với sulfonylurea hoặc với insulin, có thể xem xét sử dụng sulfonylurea hoặc insulin với liều thấp hơn nhằm làm giảm nguy cơ hạ đường huyết;
  • Bệnh nhân suy thận:
    • Suy thận nhẹ (độ thanh thải creatinin 50ml/phút): Không cần điều chỉnh liều dùng thuốc;
    • Suy thận trung bình (độ thanh thải creatinin 30 - 50ml/phút): Dùng liều 50mg/lần/ngày;
    • Suy thận nặng (độ thanh thải creatinin dưới 30ml/phút) hoặc bệnh thận giai đoạn cuối cần thẩm tách máu hoặc thẩm tách phúc mạc: Dùng liều 25mg/lần/ngày. Có thể uống thuốc Getsitalip trong thời gian không thẩm tách máu.
  • Người già: Không cần điều chỉnh liều dùng thuốc.

Khi sử dụng thuốc Getsitalip quá liều, người bệnh có thể sử dụng các phương pháp điều trị hỗ trợ thông thường gồm: Thải trừ các chất không được hấp thu qua đường tiêu hóa, theo dõi lâm sàng (gồm điện tâm đồ) và điều trị hỗ trợ tùy theo tình trạng lâm sàng của người bệnh. Sitagliptin có thể được loại trừ bằng thẩm tách ở mức độ vừa phải. Nếu phù hợp trên lâm sàng, nên xem xét thẩm tách máu.

Nếu quên 1 liều thuốc Getsitalip, người bệnh nên dùng càng sớm càng tốt. Nếu gần với liều tiếp theo, bệnh nhân nên bỏ qua liều đã quên, dùng thuốc liều kế tiếp đúng như kế hoạch.

3. Tác dụng phụ của thuốc Getsitalip

Khi sử dụng thuốc Getsitalip, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Đơn trị liệu: Đau đầu, viêm mũi họng, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên;
  • Sitagliptin phối hợp với Metformin HCl: Buồn nôn, buồn ngủ, đau bụng trên, tiêu chảy, hạ đường huyết;
  • Sitagliptin với Pioglitazone: Hạ đường huyết, phù ngoại biên, đầy hơi;
  • Sitagliptin với sulfonylurea, Metformin HCl: Hạ đường huyết, táo bón;
  • Sitagliptin với Rosiglitazone và Metformin HCl: Hạ đường huyết, tiêu chảy, nôn mửa, nhức đầu, phù ngoại biên;
  • Sitagliptin với insulin: Gây cảm, đau đầu, hạ đường huyết, khô miệng, táo bón, tắc nghẽn trực tràng, bí tiểu, phân đóng khối.

Người bệnh nên thông báo cho bác sĩ về các tác dụng phụ gặp phải khi sử dụng thuốc Getsitalip để có biện pháp can thiệp xử trí thích hợp.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Getsitalip

Trước và trong khi sử dụng thuốc Getsitalip, người bệnh cần lưu ý:

  • Sau khi khởi đầu dùng thuốc Sitagliptin, người bệnh nên được theo dõi cẩn thận các triệu chứng của bệnh viêm tuyến tụy. Nếu nghi ngờ mắc viêm tuyến tụy, người bệnh nên ngưng dùng thuốc và có phương pháp điều trị thích hợp;
  • Tỷ lệ hạ đường huyết gia tăng ở người phối hợp dùng thuốc Sitagliptin với sulfonylurea hoặc với insulin (là các thuốc có thể gây hạ đường huyết). Do vậy, có thể cần giảm liều sulfonylurea hoặc insulin để làm giảm nguy cơ hạ đường huyết;
  • Cần thận trọng khi sử dụng thuốc Getsitalip khi lái xe, vận hành máy móc vì đã có trường hợp bị hoa mắt, buồn ngủ. Đặc biệt, khi phối hợp thuốc này với thuốc nhóm sulfonylurea hoặc insulin cũng có thể gây hạ đường huyết, nguy hiểm cho người lái xe, điều khiển máy móc;
  • Sự an toàn của thuốc Getsitalip ở phụ nữ có thai chưa được nghiên cứu nên tốt nhất không sử dụng thuốc cho bà mẹ đang mang thai;
  • Chưa biết Sitagliptin có đi vào sữa mẹ hay không nên tốt nhất không dùng thuốc này ở bà mẹ cho con bú.

5. Tương tác thuốc Getsitalip

Sitagliptin có ảnh hưởng rất nhỏ tới nồng độ digoxin trong huyết tương nên không có khuyến cáo điều chỉnh liều. Tuy nhiên, người bệnh có nguy cơ ngộ độc insulin nên được theo dõi sức khỏe khi dùng đồng thời Sitagliptin và digoxin.

Để đảm bảo an toàn, người bệnh nên thông báo cho bác sĩ về các loại thuốc mình đang dùng, tiền sử bệnh để được cân nhắc về một số tương tác có thể xảy ra. Đồng thời, bệnh nhân cần tuân thủ đúng hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ khi dùng thuốc Getsitalip.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

209 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan