Công dụng thuốc Furosol

Furosol thuộc nhóm thuốc lợi tiểu. Thuốc được chỉ định trong các trường hợp điều trị tình trạng tích tụ quá mức lượng chất lỏng do các tình trạng bệnh lý gây nên. Tuân thủ chỉ định, liều dùng thuốc Furosol sẽ giúp người bệnh nâng cao hiệu quả điều trị và tránh được những tác dụng phụ không mong muốn.

1. Furosol là thuốc gì?

Furosol chứa thành phần chính Furosemid hàm lượng 20mg và các tá dược khác vừa đủ do nhà sản xuất cung cấp. Thuốc được bào chế ở dạng dung dịch tiêm, cách thức đóng gói dạng hộp có 10 ống, mỗi ống 2ml.

Tác dụng lợi tiểu của hoạt chất Furosemid theo cơ chế dưới đây:

  • Phong tỏa cơ chế đồng vận chuyển ở nhánh lên của quai henle, tăng thải trừ Na+, Cl-, K+ kéo theo nước nên lợi niệu.
  • Tăng lưu lượng máu qua thận, tăng độ lọc ở cầu thận, giãn mạch thận, phân phối lại máu có lợi cho các vùng sâu ở vỏ thận, kháng ADH tại ống lượn xa.
  • Giúp làm giãn các tĩnh mạch, hạn chế tình trạng ứ máu ở tuần hoàn phổi, giảm áp lực tác động lên thất trái.
  • Tăng đào thải các ion Ca, Mg. Tác dụng này ngược lại với tác dụng của thuốc lợi tiểu Thiazid.

2. Furosol có công dụng gì?

Thuốc Furosol có chỉ định dùng trong trường hợp sau:

  • Hỗ trợ điều trị phù do nguyên nhân bệnh lý từ tim, gan, thận hoặc do các cơ quan khác trong cơ thể như phù phổi, phù não, nhiễm độc thai.
  • Hỗ trợ trong điều trị bệnh lý tăng huyết áp ở mức độ nhẹ hoặc trung bình.
  • Ở liều cao, có tác dụng trong điều trị suy thận cấp hay mãn và thiểu niệu, ngộ độc Barbiturat.
  • Người bệnh bị tăng Calci huyết.

Ngoài ra, thuốc Furosol chống chỉ định trong các trường hợp:

  • Người bệnh dị ứng với hoạt chất Furosemid, các dẫn chất Sulfonamid (như Sulfamid chữa đái tháo đường) hoặc các thành phần tá dược khác có trong thuốc.
  • Người bệnh có tình trạng bệnh lý gây giảm chất điện giải, trạng thái tiền hôn mê do xơ gan, hôn mê gan, suy thận do ngộ độc các chất độc cho gan và thận.
  • Người bệnh đang trong tình trạng vô niệu.

3. Liều lượng và cách dùng thuốc Furosol

3.1. Cách dùng thuốc Furosol

Thuốc Furosol được bào chế ở dạng dung dịch tiêm, nên thuốc được dùng bằng tiêm tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch.

3.2. Liều dùng thuốc Furosol

Người lớn:

  • Dùng với liều 1 - 2 ống (tương đương 20 - 40mg)/ngày, tiêm bắp hay tiêm tĩnh mạch chậm. Tùy tình trạng đáp ứng của người bệnh, bác sĩ có thể cho chỉ định lặp lại liều dùng trên sau mỗi 2 giờ.

Người bệnh suy thận:

  • Dùng với liều khởi đầu là 240mg (12 ống), pha loãng trong 250ml nước muối sinh lý hay dung dịch Ringer truyền tĩnh mạch trong thời gian 1 giờ với tốc độ truyền là 80 giọt/phút. Trong trường hợp người bệnh không có dấu hiệu đáp ứng thì sau 1 giờ có thể truyền tiếp 500mg. Sau đó 1 giờ, nếu tình trạng của người bệnh không có chuyển biến, thì có thể tiếp tục truyền với liều 1000mg trong 4 giờ. Liều dùng tối đa là 1000mg, không nên dùng quá liều tối đa đã khuyến cáo mặc dù không có dấu hiệu cải thiện trên lâm sàng. Thay vào đó, người bệnh phải được tiến hành lọc thận nhân tạo. Có thể cho người bệnh dùng lặp lại mỗi 24 giờ với liều đáp ứng điều trị hoặc chuyển sang dùng thuốc bằng đường uống.

Trẻ em:

  • Dùng với liều 0,5 - 1mg/kg thể trọng mỗi ngày.

Lưu ý: Liều dùng trên chỉ là tài liệu tham khảo cho bác sĩ điều trị, tùy vào tình trạng bệnh cũng như cơ địa đáp ứng của người bệnh để điều chỉnh liều phù hợp, nhằm tăng hiệu quả điều trị cũng như đảm bảo an toàn cho người bệnh khi dùng thuốc. Vì vậy, người bệnh nên tuân thủ dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.

4. Tác dụng phụ của Furosol

Bác sĩ luôn xem xét giữa lợi ích mà Furosol đem lại cho bệnh nhân và nguy cơ có thể xảy ra các tác dụng phụ để chỉ định dùng thuốc thích hợp. Tuy nhiên, do mỗi cơ địa đáp ứng điều trị với thuốc của người bệnh là khác nhau, nên có thể gây ra những tác dụng phụ và mức độ khác nhau. Một số tác dụng phụ đã được báo cáo trên các đối tượng dùng thuốc Furosol như sau:

Thường gặp:

  • Giảm thể tích máu trong trường hợp dùng liệu pháp điều trị liều cao.
  • Hạ huyết áp tư thế đứng.
  • Giảm kali huyết, giảm Natri huyết, giảm Magie huyết, giảm Calci huyết, nhiễm kiềm do giảm Clo huyết.

Ít gặp:

  • Rối loạn tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, chướng bụng, chán ăn, tiêu chảy.
  • Làm tăng nồng độ acid uric máu và bệnh gout.

Hiếm gặp:

  • Làm ức chế phát triển tủy xương, giảm bạch cầu hạt, giảm tiểu cầu, mất bạch cầu hạt, thiếu máu.
  • Nổi ban toàn thân, mày đay, ban xuất huyết, viêm da tróc vảy, phản ứng mẫn cảm với ánh sáng.
  • Viêm mạch, viêm thận kẽ, sốt.
  • Tăng glucose huyết, glucose niệu.
  • Viêm tụy cấp, vàng da do ứ mật.
  • Ù tai, giảm thính lực, điếc. Điếc có thể không hồi phục, đặc biệt ở những bệnh nhân có dùng một số thuốc khác cũng có tác dụng gây độc tính với tai.

Lưu ý: Ngoài những tác dụng phụ kể trên, thuốc Furosol có thể gây ra cho người bệnh những tác dụng không mong muốn khác chưa được ghi nhận. Trong quá trình dùng thuốc, người bệnh phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào nghi ngờ có liên quan đến thuốc này thì hãy thông báo ngay cho bác sĩ điều trị.

5. Tương tác thuốc Furosol

Một số thuốc xảy ra tương tác với Furosol khi dùng kết hợp như sau:

  • Thuốc Vicamin (thuốc có tác dụng giãn mạch ngoại vi và tăng tuần hoàn máu lên não) khi kết hợp với thuốc Furosol có thể gây ra tình trạng xoắn đỉnh.
  • Các kháng sinh thuộc nhóm Cephalosporin.
  • Các kháng sinh thuộc nhóm Aminosid do có thể tăng độc tính của thuốc trên thận và thính giác.
  • Các thuốc kháng viêm không chứa Steroid, thuốc Corticoid hoặc các dẫn xuất khác của Silicat dùng điều trị ở liều cao.
  • Thuốc Phenytoin, thuốc Lithium.
  • Các thuốc lợi tiểu và tăng kali huyết.
  • Thuốc ức chế men chuyển và các thuốc điều trị rối loạn tâm thần.
  • Thuốc chống đông máu.
  • Các thuốc điều trị bệnh đái tháo đường.
  • Các thuốc Glycosid tim làm tăng độc tính của thuốc tiêm.

Ngoài ra, có những tương tác thuốc có thể xảy ra khi dùng phối hợp giữa Furosol với các thuốc khác hoặc các thực phẩm khác. Liệt kê các thuốc đang sử dụng cho bác sĩ biết để có hướng chẩn đoán phù hợp.

6. Các lưu ý khi dùng thuốc Furosol

Nhằm hạn chế các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra cho người bệnh khi dùng thuốc, cần lưu ý một số điểm như sau:

  • Người bệnh cần được kiểm soát ion đồ đều đặn.
  • Thận trọng khi dùng thuốc cho bệnh nhân đang có tình trạng bệnh lý phì đại tuyến tiền liệt và tiểu khó.
  • Các đối tượng người bệnh như người già, bệnh nhân tiểu đường, rối loạn chuyển hóa acid uric, xơ gan cần được theo dõi chặt chẽ trong suốt thời gian dùng thuốc.
  • Không nên dùng cho người cho phụ nữ mang thai và cho con bú: Không dùng thuốc Furosol cho đối tượng này khi chưa có đầy đủ các bằng chứng không gây hại. Cần cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra cho thai nhi và trẻ bú mẹ khi dùng thuốc Furosol.
  • Người bệnh không nên ngưng dùng thuốc mặc dù đã có các dấu hiệu cải thiện của tình trạng bệnh.
  • Thuốc đã quá hạn dùng theo khuyến cáo của nhà sản xuất trên bao bì thì người bệnh không nên dùng thuốc đó, nguy cơ gây ra các tác dụng không mong muốn khá cao khi các thành phần của thuốc đã bị biến chất.

7. Làm gì khi quên liều, quá liều thuốc Furosol?

  • Nếu lỡ quên một liều dùng thuốc Furosol, hãy dùng càng sớm càng tốt. Người bệnh cũng có thể dùng thuốc trễ hơn 1 - 2 giờ so với thời gian được bác sĩ kê đơn. Trong trường hợp phát hiện việc quên liều thì có thể bỏ qua liều thuốc đó nếu đã gần với thời điểm dùng thuốc tiếp theo, không nên dùng gấp đôi liều để bù lại liều đã quên.
  • Trường hợp người bệnh dùng thuốc quá liều và xuất hiện các dấu hiệu nhiễm độc Furosemid như mất nước, giảm thể tích máu, mất cân bằng điện giải, hạ kali máu, nhiễm kiềm, giảm Clo, chóng mặt, tim đập nhanh và hạ huyết áp. Khi phát hiện quá liều nên thông báo ngay cho bác sĩ điều trị, ngưng dùng thuốc ngay sau đó, đưa người bệnh đến ngay bệnh viện để tiến hành điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ ngay. Bù dịch để bù lại lượng nước và điện giải đã mất. Kiểm tra thường xuyên điện giải trong huyết thanh, mức Carbon Dioxid và huyết áp. Phải đảm bảo dẫn lưu đầy đủ ở bệnh nhân bị tắc đường ra của nước tiểu từ trong bàng quang (như phì đại tuyến tiền liệt).

Hy vọng những thông tin của bài viết trên đây đã giúp người bệnh trang bị những kiến thức cần thiết về thuốc Furosol để tăng hiệu quả điều trị cũng như đảm bảo an toàn khi dùng thuốc. Lưu ý, Furosol là thuốc kê đơn của bác sĩ, người bệnh không nên tự ý dùng thuốc khi chưa thăm khám và chẩn đoán từ bác sĩ điều trị.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan