Công dụng thuốc Fluozac

Thuốc Fluozac được dùng theo đơn của bác sĩ, nhằm điều trị cho các chứng bệnh như trầm cảm, hoảng sợ và chứng ăn vô độ,... Bệnh nhân cần sử dụng thuốc Fluozac theo đúng chỉ định của bác sĩ, tránh tự ý điều chỉnh liều hoặc dùng quá thời gian trị liệu để ngăn ngừa nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ.

1. Fluozac là thuốc gì?

Fluozac thuộc nhóm thuốc hướng thần, được dùng để điều trị bệnh trầm cảm và một số rối loạn ám ảnh khác. Hiện nay, thuốc Fluozac được sản xuất bởi Công ty cổ phần Dược phẩm Hà Tây – Việt Nam dưới dạng viên nang, hộp gồm 2 vỉ x 10 viên.

Thành phần dược chất chính trong thuốc Fluozac là Fluoxetine hydrochloride hàm lượng 20mg. Ngoài ra, trong mỗi viên nang Fluozac còn chứa các tá dược phụ trợ khác như bột Talc, Lactose, Magnesi stearat và tinh bột sắn.

Để dùng thuốc Fluozac an toàn và sớm đạt hiệu quả điều trị, bệnh nhân cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Không những vậy, người bệnh cũng nên tuân thủ chặt chẽ mọi chỉ dẫn của bác sĩ, tránh tự ý dùng thuốc khi chưa được chấp thuận.

2. Thuốc Fluozac tác dụng là gì?

2.1 Công dụng của hoạt chất Fluoxetine

Để biết rõ được thuốc Fluozac có tác dụng gì, người bệnh cần tìm hiểu cụ thể vai trò của hoạt chất Fluoxetine trong thuốc. Fluoxetine được biết đến là thuốc chống trầm cảm 2 vòng, có khả năng ức chế tái thu nhập Serotonin ở hệ thần kinh trung ương. Nhìn chung, hoạt chất Fluoxetine được hấp thu nhanh chóng tại đường tiêu hoá sau khi uống. Độ sinh khả dụng của thuốc ước tính khoảng 95%.

Fluoxetine có tính liên kết cao với Protein huyết tương, đạt gần 95%. Thể tích phân bố khoảng 35 lít / kg. Gan là nơi chuyển hoá chính của Fluoxetine thành các chất không hoạt tính. Trên 90% Fluoxetine được bài tiết qua đường nước tiểu ở dạng chất chuyển hoá không có tác dụng.

2.2 Chỉ định và chống chỉ định sử dụng thuốc Fluozac

Thuốc Fluozac được dùng theo đơn của bác sĩ nhằm điều trị cho các chứng bệnh sau:

  • Điều trị hiệu quả bệnh trầm cảm.
  • Điều trị hội chứng hoảng sợ.
  • Điều trị tình trạng rối loạn xung lực cưỡng bức ám ảnh.
  • Điều trị chứng ăn vô độ.

Tuy vậy, cần tránh tự ý dùng thuốc Fluozac cho các đối tượng bệnh nhân dưới đây khi chưa có chỉ định của bác sĩ:

  • Người bệnh có tiền sử dị ứng hoặc quá mẫn với hoạt chất Fluoxetine hay bất kỳ thành phần tá dược nào có trong thuốc.
  • Chống chỉ định Fluozac cho bệnh nhân bị suy thận nặng (có độ thanh thải creatinin dưới 10ml / phút).
  • Không dùng thuốc Fluozac cho người đang sử dụng các loại thuốc ức chế MAO. Nếu phải dùng cả 2 loại thuốc này, bệnh nhân cần sử dụng cách nhau tối thiểu 5 tuần.
  • Chống chỉ định Fluozac cho người có tiền sử bị động kinh.
  • Chống chỉ định tương đối thuốc Fluozac cho bệnh nhân đang có thai hoặc bà mẹ nuôi con bú.

3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Fluozac

Do bào chế dưới dạng viên nang nên thuốc Fluozac sẽ được dùng bằng đường uống với liều lượng cụ thể như sau:

  • Điều trị bệnh trầm cảm: Uống liều khởi đầu 20mg/ ngày/ lần vào buổi sáng. Một số bệnh nhân có thể dùng liều thuốc thấp hơn, cụ thể là 20mg cách 2 – 3 ngày/ lần. Liều dùng thuốc Fluozac duy trì sẽ được xác định dựa trên đáp ứng lâm sàng của người bệnh.
  • Điều trị hội chứng hoảng sợ: Uống liều khởi đầu 10mg/ lần/ ngày vào buổi sáng. Sau khoảng 1 tuần có thể tăng lên 20mg/ lần/ ngày. Nếu không có dấu hiệu cải thiện bệnh sau một vài tuần điều trị, bác sĩ có thể cân nhắc cho người bệnh tăng liều lên 60mg/ ngày.
  • Điều trị chứng ăn vô độ: Uống liều 60mg/ lần/ ngày vào buổi sáng hoặc chia thành nhiều lần trong 1 ngày.
  • Điều trị hội chứng xung lực cưỡng bức ám ảnh: Uống liều khởi đầu 20mg/ ngày. Để nhận được đáp ứng điều trị đầy đủ, bệnh nhân có thể phải mất tới vài tuần dùng thuốc. Nếu dùng liều Fluozac trên 20mg, bệnh nhân nên chia thành 2 lần, uống vào buổi sáng và buổi chiều. Một số trường hợp nhất định có thể cần dùng liều 80mg/ ngày. Nhìn chung, đa phần bệnh nhân sẽ phải mất từ 4 – 6 tuần mới đạt được hiệu quả điều trị.
  • Liều cho người bị suy gan và cao tuổi: Cần giảm liều và giảm tốc độ tăng liều cho bệnh nhân. Đối với người cao tuổi nên bắt đầu uống liều 10mg/ ngày và không được dùng vượt quá 60mg/ ngày.

Trong suốt quá trình điều trị bằng Fluozac, bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ những chỉ định của bác sĩ về liều lượng cũng như thời gian sử dụng thuốc. Tránh tự ý áp dụng hoặc điều chỉnh liều khi chưa tham khảo ý kiến của thầy thuốc.

4. Thuốc Fluozac gây ra các tác dụng phụ gì cho người dùng?

Khi điều trị bằng thuốc Fluozac, bệnh nhân có thể vô tình gặp phải một số tác dụng phụ ngoại ý dưới đây:

  • Tác dụng phụ thường gặp: Chóng mặt, mệt mỏi, đổ mồ hôi, tiêu chảy, buồn nôn, chán ăn, liệt dương, giảm tình dục, không có khả năng xuất tinh, ngứa, phát ban da, mất ngủ, run, bồn chồn hoặc lo sợ.
  • Tác dụng phụ ít gặp: Nôn, nhức đầu, khô miệng, rối loạn tiêu hoá, nổi mày đay, bí tiểu tiện, co thắt phế quản phản ứng tương tự hen.
  • Tác dụng phụ hiếm gặp: Bệnh huyết thanh, mạch nhanh, loạn nhịp tim, viêm mạch, rối loạn vận động, phản ứng ngoại tháp, dị cảm, hội chứng Serotonin, hội chứng Parkinson, động kinh, tăng/ giảm năng tuyến giáp, chứng vú to ở nam giới, tăng Prolactin huyết, chứng tiết nhiều sữa, vàng da ứ mật, viêm gan, chứng mụn mủ, dát sần da, Lupus ban đỏ, phát ban da, phù thanh quản, xơ hoá phổi hoặc giảm natri huyết.

Nếu xuất hiện bất kỳ tác dụng phụ nào được đề cập ở trên, bệnh nhân cần nhanh chóng báo cho bác sĩ biết để sớm có biện pháp xử lý. Một số phản ứng liên quan đến thuốc Fluozac có thể tự biến mất sau khi người bệnh ngưng điều trị, tuy nhiên cũng có triệu chứng tiến triển nghiêm trọng hơn nếu phát hiện và xử trí chậm trễ.

5. Cần thận trọng điều gì khi sử dụng thuốc Fluozac?

Trước và trong suốt thời gian điều trị bằng Fluozac, bệnh nhân cần lưu ý một số điều sau để dùng thuốc đạt hiệu quả tối ưu:

  • Tuyệt đối không sử dụng Fluozac cùng lúc với các chất ức chế MAO. Tốt nhất, bệnh nhân chỉ nên bắt đầu sử dụng các thuốc ức chế MAO khi hoạt chất Fluoxetine đã được thải trừ hoàn toàn (tối thiểu là 5 tuần). Nên giảm liều thuốc cho người bị suy giảm chức năng gan hoặc mắc bệnh về gan.
  • Thận trọng khi sử dụng Fluozac cho trẻ em hoặc thanh thiếu niên dưới 18 tuổi bởi thuốc có nguy cơ hình thành nên hành vi tự tử ở trẻ.
  • Fluozac có thể gây nhức đầu hoặc chóng mặt, do đó bệnh nhân cần tránh đứng dậy đột ngột khi vừa ngồi hoặc ở tử thế nằm.
  • Bệnh nhân đái tháo đường cần thận trọng khi dùng Fluozac bởi thuốc có thể làm hạ đường huyết.
  • Người có tiền sử động kinh cần cẩn trọng khi điều trị bằng Fluozac do Fluoxetin có nguy cơ hạ thấp ngưỡng gây ra cơn động kinh.
  • Một số loại thuốc ức chế chọn lọc tái hấp thu Serotonin và Serotonin noradrenalin, trong đó bao gồm cả Fluoxetin có khả năng làm tăng nguy cơ chảy máu (chẳng hạn chảy máu đường tiêu hoá). Do đó cần thận trọng khi dùng đồng thời Fluoxetin với các thuốc chống đông máu hoặc thuốc có ảnh hưởng đến chức năng tiểu cầu (như Aspirin/ NSAID).
  • Nguy cơ hạ natri máu nghiêm trọng đã được cảnh báo khi dùng thuốc Fluozac. Tình trạng này phần lớn xảy ra ở những người bệnh cao tuổi, đang bị suy kiệt thể tích máu hoặc sử dụng thuốc lợi tiểu. Khi bệnh nhân ngừng dùng thuốc, tình trạng hạ natri máu mới được hồi phục dần.
  • Không tự ý dùng thuốc Fluozac cho thai phụ hoặc người mẹ đang nuôi con bú khi chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ.
  • Thuốc Fluozac có thể gây ra các tác dụng phụ buồn ngủ, giảm khả năng phán đoán, vận động, suy nghĩ hoặc suy xét. Do đó, bệnh nhân cần thận trọng khi dùng thuốc Fluozac lúc lái xe hay điều khiển máy móc.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Fluozac, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Fluozac là thuốc kê đơn, người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua và điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan