Công dụng thuốc Clinisol

Clinisol có thành phần chính là nhiều loại acid amin thiết yếu và không thiết yếu, được chỉ định để bù đắp lượng nitơ mất mát hoặc điều trị cân bằng nitơ âm tính. Cùng tìm hiểu hiểu thuốc Clinisol công dụng gì qua bài viết dưới đây.

1. Công dụng của Clinisol

Clinisol là dung dịch dinh dưỡng dùng đường tĩnh mạch, giúp cung cấp nhiều loại acid amin - là nguồn nguyên liệu để tổng hợp protein khi được sử dụng với các nguồn calo, chất điện giải, vitamin và khoáng chất. Clinisol được chỉ định như một chất hỗ trợ trong việc bù đắp lượng nitơ mất mát hoặc trong điều trị cân bằng nitơ âm tính ở những bệnh nhân không thể sử dụng acid amin qua đường tiêu hóa, khả năng hấp thụ protein qua đường tiêu hóa bị suy giảm hoặc nhu cầu trao đổi chất đối với protein tăng lên đáng kể, như khi bị bỏng diện rộng.

Chống chỉ định sử dụng Clinisol trong các trường hợp sau:

  • Quá mẫn với một hoặc nhiều axit amin trong công thức thuốc.
  • Bệnh gan nặng hoặc hôn mê gan.
  • Bệnh nhân vô niệu.
  • Rối loạn chuyển hóa liên quan đến việc sử dụng nitơ bị suy giảm.

2. Liều lượng của thuốc Clinisol

  • Liều lượng phải đảm bảo đạt được cân bằng nitơ. Liều trong ngày đầu tiên phải bằng khoảng một nửa liều tối ưu dự kiến ​​và nên tăng dần để giảm thiểu tác dụng phụ; khi ngưng truyền cũng nên được thực hiện từ từ để tránh hạ đường huyết.
  • Nên cân nhắc sử dụng đồng thời nhũ tương chất béo khi cần nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch kéo dài (hơn 5 ngày) để ngăn ngừa tình trạng thiếu axit béo thiết yếu.
  • Sử dụng cho trẻ em: Lượng dùng được định lượng trên cơ sở gam axit amin/ kg trọng lượng cơ thể/ ngày. Thông thường 2 - 3g acid amin/ kg trọng lượng cơ thể đối với trẻ sơ sinh nói chung là đủ để đáp ứng nhu cầu protein và thúc đẩy cân bằng nitơ.
  • Người lớn dùng đường truyền tĩnh mạch trung ương: Ở những bệnh nhân trưởng thành, liều lượng tối thiểu là 0.1 gam nitơ cộng với 4.4 gam dextrose/ nhũ tương chất béo cho mỗi kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày là cần thiết để ổn định cân nặng và đạt được cân bằng nitơ. Đối với những bệnh nhân chấn thương hoặc nhiễm trùng huyết và những người bị mất nitơ bất thường, liều lượng cần thiết có thể cao tới 0.3 đến 0.4 gam nitơ (13 đến 17mL dung dịch Clinisol 15%) cho mỗi kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày. Đánh giá định kỳ cân bằng nitơ của từng bệnh nhân là chỉ số tốt nhất để biết liều lượng thích hợp. Khuyến cáo sử dụng bơm truyền để duy trì tốc độ truyền ổn định trong quá trình truyền tĩnh mạch trung tâm.
  • Người lớn dùng đường truyền tĩnh mạch ngoại vi: Pha loãng 250mL Clinisol sẽ làm giảm độ thẩm thấu đến mức phù hợp để dùng bằng đường tĩnh mạch ngoại vi. Nếu được truyền đồng thời, nhũ tương chất béo cũng sẽ góp phần pha loãng Clinisol.
  • Lưu ý các sản phẩm dùng đường tiêm phải được kiểm tra bằng mắt thường để phát hiện các chất dạng hạt bất thường và sự đổi màu trước khi sử dụng.

3. Tác dụng phụ của Clinisol là gì?

  • Các phản ứng tại chỗ bao gồm cảm giác nóng, ban đỏ, viêm tĩnh mạch và huyết khối tại vị trí tiêm truyền đã xảy ra khi truyền axit amin vào tĩnh mạch ngoại vi. Trong những trường hợp như vậy, vị trí tiêm truyền phải được thay đổi ngay lập tức sang một tĩnh mạch khác. Đỏ bừng toàn thân, sốt và buồn nôn cũng đã được báo cáo khi truyền các dung dịch axit amin vào tĩnh mạch ngoại vi.
  • Các biến chứng sau đây đã được báo cáo khi nuôi dưỡng tĩnh mạch: Nhiễm toan và kiềm chuyển hóa, giảm phosphat huyết, hạ calci huyết, loãng xương, đường niệu, tăng đường huyết, trạng thái mất nước, hạ đường huyết hồi phục, lợi tiểu thẩm thấu, tăng men gan, mất cân bằng điện giải, tăng natri máu, hôn mê và tử vong.
  • Nhiễm trùng huyết đã được báo cáo sau khi điều trị bằng đường tĩnh mạch, đặc biệt khi sử dụng ống thông tĩnh mạch trung tâm trong thời gian dài. Các biến chứng xảy ra khi đặt catheter tĩnh mạch trung tâm là tràn khí màng phổi, tràn dịch màng phổi, đặt ống thông sai vị trí, hình thành lỗ rò động mạch, viêm tĩnh mạch, huyết khối.

4. Những lưu ý khi sử dụng Clinisol là gì?

  • Dung dịch này cần phải pha trước khi dùng, không dùng để tiêm truyền trực tiếp.
  • Sử dụng các dung dịch axit amin quá liều lượng hoặc cho bệnh nhân suy gan có thể dẫn đến mất cân bằng axit amin trong huyết tương, tăng đường huyết, tăng ure huyết và hôn mê. Những bệnh nhân này nên dùng liều axit amin phù hợp, tùy thuộc vào tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân. Nếu các triệu chứng của tăng đường huyết xuất hiện, nên ngừng sử dụng axit amin và đánh giá lại tình trạng lâm sàng của bệnh nhân.
  • Sản phẩm này chứa nhôm và có thể gây độc hại. Nhôm có thể đạt đến mức độc hại khi dùng đường tiêm kéo dài nếu chức năng thận bị suy giảm. Trẻ sinh non có nguy cơ đặc biệt cao vì thận chưa phát triển đầy đủ. Nghiên cứu chỉ ra rằng những bệnh nhân bị suy giảm chức năng thận, bao gồm cả trẻ sinh non, những người dùng lượng nhôm qua đường tiêm ở mức cao hơn 4 đến 5μg/ kg/ ngày sẽ tích tụ nhôm và ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương hoặc gây nhiễm độc xương.
  • Trong quá trình nuôi dưỡng đường tĩnh mạch bằng dung dịch dextrose và axit amin đậm đặc, hội chứng thiếu axit béo thiết yếu có thể phát triển nhưng có thể không rõ ràng về mặt lâm sàng. Tình trạng này chỉ có thể được thực hiện bằng cách xét nghiệm lipid huyết tương. Hội chứng này có thể được ngăn ngừa hoặc điều chỉnh bằng cách điều trị thích hợp với nhũ tương chất béo tiêm tĩnh mạch.
  • Để hỗ trợ dinh dưỡng đầy đủ, phác đồ nuôi dưỡng tĩnh mạch phải bao gồm nhiều vitamin và nguyên tố vi lượng.
  • Khi bắt đầu và chấm dứt truyền dung dịch nuôi dưỡng tĩnh mạch, phải tiến hành từ từ để cho phép có thể điều chỉnh việc giải phóng insulin nội sinh.
  • Dinh dưỡng tĩnh mạch qua tĩnh mạch ngoại vi hoặc tĩnh mạch trung tâm là một kỹ thuật đặc biệt đòi hỏi phải được thực hiện bởi những người được đào tạo. Các biến chứng xảy ra khi đặt ống thông tĩnh mạch trung tâm bao gồm nhiễm trùng huyết và kích ứng tĩnh mạch do tính ưu trương của dung dịch được truyền. Nguy cơ nhiễm trùng huyết tăng lên khi sử dụng ống thông tĩnh mạch trung tâm trong thời gian dài. Điều cần thiết là phải tuân theo một phác đồ được chuẩn bị cẩn thận và dựa trên các tiêu chuẩn y tế hiện hành.
  • Thai kỳ: Các nghiên cứu về sự sinh sản trên động vật đã không được thực hiện. Người ta cũng không biết liệu Clinisol có thể gây hại cho thai nhi hay không. Do vậy, chỉ dùng Clinisol cho phụ nữ có thai khi thật sự cần thiết.
  • Phụ nữ cho con bú: Cần thận trọng khi dùng Clinisol cho phụ nữ đang cho con bú.
  • Sử dụng cho trẻ em: Tính an toàn và hiệu quả của Clinisol ở bệnh nhi chưa được xác định bằng các nghiên cứu đầy đủ.

Bài viết đã cung cấp các thông tin tổng quan về Clinisol. Nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc cần thêm thông tin về Clinisol, bệnh nhân nên liên hệ bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

59 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan