Công dụng thuốc Cetabufen

Thuốc Cetabufen thường được dùng bằng đường uống nhằm điều trị giảm đau và chống viêm đối với các trường hợp bị viêm khớp dạng thấp, cúm, thấp khớp, đau đầu,... Để đảm bảo an toàn và sớm đạt hiệu quả khi dùng thuốc Cetabufen, bệnh nhân cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ về liều lượng, cách dùng, tần suất cũng như thời gian sử dụng thuốc.

1. Thuốc Cetabufen là thuốc gì?

Cetabufen thuộc nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt và kháng viêm, thường được dùng trong các trường hợp bị viêm khớp dạng thấp, đau bụng kinh, đau đầu,... Thuốc Cetabufen được sản xuất bởi Công ty TNHH Dược phẩm OPV – Việt Nam dưới dạng viên nén dài và đóng gói theo quy cách hộp 10 vỉ x 10 viên.

Trong mỗi viên nén Cetabufen có chứa hoạt chất chính là Ibuprofen hàm lượng 200mg. Ngoài ra, nhà sản xuất còn bổ sung thêm các tá dược phụ trợ khác vào trong viên nén nhằm giúp tăng cường công dụng của hoạt chất Ibuprofen trong thuốc.

2. Thuốc Cetabufen có tác dụng gì?

2.1. Công dụng của hoạt chất Ibuprofen

Ibuprofen trong thuốc Cetabufen là một loại thuốc kháng viêm không steroid, thuộc phân nhóm Acid propionic và nằm trong tập hợp dẫn xuất của Acid arylcarboxylic. Khi sử dụng ở liều thấp, hoạt chất Ibuprofen mang lại tác dụng hạ sốt và giảm đau. Nếu sử dụng ở liều trên 1200mg/ ngày, Ibuprofen phát huy khả năng kháng viêm hiệu quả. Tuy nhiên, công dụng hạ sốt của hoạt chất này tương đối kém, do đó nó hiếm khi được dùng làm thuốc hạ sốt đơn thuần.

Theo nghiên cứu cho thấy, chỉ sau khoảng 2 ngày điều trị, công dụng giảm đau và chống viêm của Ibuprofen sẽ biểu hiện tối đa. Cơ chế chống viêm của hoạt chất này dựa trên khả năng ức chế quá trình tổng hợp chất trung gian gây viêm (Prostaglandin) thông qua ngăn chặn enzyme cyclooxygenase(COX). Bên cạnh đó, Ibuprofen còn ngăn cản quá trình biến đổi protein, đối kháng tác dụng của một số chất trung gian hoá học như Serotonin, Bradykinin và Histamin. Ngoài ra, Ibuprofen còn làm bền vững màng lysosom, đồng thời ức chế sự di chuyển của bạch cầu đến các tổ chức bị viêm nhiễm.

Xét về tác dụng giảm đau, Ibuprofen cũng có khả năng giảm đau tương tự như các loại thuốc NSAIDs khác. Mức độ tác động đến cơn đau của Ibuprofen thường ở mức nhẹ - trung bình nhờ vào cơ chế giảm tổng hợp Prostaglandin F2, đồng thời làm giảm tình trạng tích cảm thụ ngọn dây thần kinh cảm giác đối với các chất làm kích hoạt cơn đau như Serotonin, Bradykinin,... Tuy nhiên, khả năng chống kết tập tiểu của của Ibuprofen yếu hơn so với Aspirin.

2.1. Chỉ định – Chống chỉ định sử dụng thuốc Cetabufen

Hiện nay, thuốc Cetabufen thường được bác sĩ kê đơn sử dụng để điều trị cho các tình trạng dưới đây:

  • Hạ sốt và điều trị các triệu chứng của cúm.
  • Điều trị giảm đau cho các cơn đau bụng kinh, đau đầu và đau răng.
  • Điều trị bệnh viêm đa khớp dạng thấp.
  • Điều trị bệnh thấp khớp mãn tính.

Tuy nhiên, cần tránh tự ý dùng thuốc Cetabufen cho các đối tượng sau khi chưa trao đổi cụ thể với bác sĩ:

  • Người bệnh bị mẫn cảm hoặc có tiền sử dị ứng với Ibuprofen hay bất kỳ tá dược nào có trong thuốc.
  • Chống chỉ định thuốc Cetabufen cho người mắc bệnh tá tràng tiến triển hoặc xuất huyết dạ dày.
  • Không dùng Cetabufen cho người có chức năng thận / gan bị suy giảm nghiêm trọng.
  • Chống chỉ định thuốc Cetabufen cho bệnh nhi dưới 12 tuổi.
  • Chống chỉ định dùng thuốc Cetabufen cho phụ nữ mang thai 3 tháng đầu cũng như 3 tháng cuối.
  • Chống chỉ định tương đối thuốc Cetabufen cho bà mẹ nuôi con bú.

3. Cách sử dụng, liều dùng thuốc Cetabufen

Thuốc Cetabufen được bào chế dưới dạng viên nén dùng bằng đường uống. Bệnh nhân nên nuốt nguyên viên thuốc và tránh uống cùng các loại nước khác ngoài nước lọc, chẳng hạn như cà phê, sữa, nước có gas, nước ngọt, bia, rượu,... Những đồ uống này có thể làm giảm công hiệu của thuốc Cetabufen khi sử dụng cùng lúc với nhau.

Tuỳ thuộc vào tình trạng sức khoẻ của người bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định cụ thể về liều lượng:

  • Điều trị giảm đau và hạ sốt: Dùng liều 200 – 400mg, có thể uống liều tối đa lên đến 1200mg / ngày.
  • Điều trị cơn đau bụng kinh: Dùng liều 400mg, uống từ 3 – 4 lần/ ngày.
  • Điều trị cơn đau mức nhẹ - trung bình: Uống liều 400mg, dùng từ 4 – 6 lần/ ngày.
  • Điều trị bệnh thấp khớp: Uống liều ban đầu 2400mg/ ngày, sau đó uống liều duy trì từ 1200 – 1600mg/ ngày.

Trước khi sử dụng thuốc Cetabufen, bệnh nhân cần đọc kỹ tờ đơn hướng dẫn đi kèm sản phẩm hoặc tuân theo hướng dẫn của bác sĩ. Tránh tự ý sử dụng, điều chỉnh liều hoặc thay đổi thời gian điều trị bằng Cetabufen khi chưa tham khảo ý kiến của người phụ trách y khoa.

4. Tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng thuốc Cetabufen

Trong một số trường hợp nhất định, thuốc Cetabufen có thể gây ra một số phản ứng bất lợi cho người bệnh khi sử dụng, bao gồm:

  • Các triệu chứng dạ dày – ruột như đau dạ dày, buồn nôn, ói mửa, xuất huyết tiềm ẩn, ăn không tiêu hoặc rối loạn nhu động ruột.
  • Các phản ứng quá mẫn trên da (hiếm gặp) như ngứa, phát ban, nổi mẩn đỏ, sần da hoặc phù da.
  • Các phản ứng trên hệ hô hấp như lên cơn hen, nhất là ở người bị dị ứng với Aspirin, Ibuprofen hoặc các thuốc kháng viêm không steroid khác.
  • Phản ứng trên hệ thần kinh (hiếm gặp) như chóng mặt hoặc đau đầu.
  • Một số tác dụng phụ trên gan, thận hoặc huyết học như tăng tạm thời Transaminase, suy thận, thiểu niệu, thiếu máu huyết tán hoặc mất bạch cầu hạt.

Các tác dụng phụ do thuốc Cetabufen có thể xuất hiện không giống nhau ở mỗi bệnh nhân. Một số triệu chứng nhẹ sẽ dần biến mất khi người bệnh ngừng điều trị, tuy nhiên một vài trường hợp hiếm gặp liên quan đến thuốc Cetabufen có nguy cơ gây ra các hệ lụy nghiêm trọng khác và cần phải xử trí khẩn cấp. Tốt nhất, khi xảy ra bất kỳ tác dụng phụ ngoại ý nào, bệnh nhân cần báo cho bác sĩ càng sớm càng tốt để sớm có hướng khắc phục.

5. Cần lưu ý điều gì khi sử dụng thuốc Cetabufen?

Trước khi bắt đầu điều trị bằng thuốc Cetabufen, người bệnh cần lưu ý một số điều dưới đây để đảm bảo an toàn:

  • Thận trọng khi dùng Cetabufen cho người có nguy cơ loét đường tiêu hoá, cao huyết áp hoặc người cao tuổi.
  • Thận trọng khi dùng thuốc Cetabufen cho bệnh nhân bị tăng nhãn áp, suy gan hoặc suy thận mức nặng.
  • Việc sử dụng thuốc Cetabufen cho người bị tăng huyết áp hoặc mắc bệnh tim có thể dẫn đến nguy cơ hình thành huyết khối và gây ra các phản ứng bất lợi khác như nhồi máu cơ tim, đau tim hoặc đột quỵ.
  • Thận trọng khi quyết định dùng thuốc Cetabufen cho người bị rối loạn chảy máu, hen phế quản, tiểu đường, suy giảm chức năng gan / thận nghiêm trọng, bệnh tuyến giáp. Glaucom, tiểu đường hoặc Lupus ban đỏ hệ thống.
  • Cẩn trọng khi dùng Cetabufen cho người bị phì đại tuyến tiền liệt hoặc phụ nữ mang thai muộn.
  • Nguy cơ xuất huyết, thủng hoặc loét dạ dày – ruột có thể xảy ra khi dùng Cetabufen cho người bị đau dạ dày hoặc viêm loét dạ dày.
  • Thận trọng khi dùng thuốc Cetabufen cho người có tính chất công việc phải thường xuyên điều khiển phương tiện, xe cộ và máy móc.
  • Kiểm tra kỹ hạn sử dụng và chất lượng của Cetabufen trước khi dùng. Nếu thuốc đã quá hạn hoặc có dấu hiệu nấm mốc, thay đổi hình dạng, màu sắc,... bệnh nhân cần loại bỏ thuốc ngay lập tức theo đúng chỉ dẫn.
  • Trong trường hợp uống quá liều Cetabufen và gặp phải các tác dụng bất lợi, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế ngay để được xử trí. Đối với bệnh nhân trót bỏ lỡ liều thuốc Cetabufen cần uống bù liều sớm nhất có thể, tuy nhiên cần tránh dùng cùng lúc với liều tiếp theo hoặc uống gấp đôi liều.

6. Cetabufen tương tác với các loại thuốc nào?

Dưới đây là một số loại thuốc cần tránh dùng phối hợp với Cetabufen, bao gồm:

  • Các loại thuốc kháng viêm không steroid khác, bao gồm cả các Salicylat liều cao, bởi sự phối hợp này có thể gây tác dụng cộng lực và dẫn đến xuất huyết hoặc loét đường tiêu hoá.
  • Các loại thuốc chống đông đường uống, Ticlopidin và Heparin đường tiêm khi dùng chung với Cetabufen có nguy cơ gây xuất huyết do cơ chế suy yếu niêm mạc dạ dày – tá tràng và ức chế chức năng của tiểu cầu.
  • Thuốc Lithium khi dùng chung với Cetabufen có thể làm tăng nồng độ Lithium trong máu.
  • Thuốc Methotrxat bị tăng độc tính về huyết học khi dùng chung với Cetabufen.
  • Tăng hiệu quả hạ đường huyết của các Sulfamid khi dùng phối hợp với Cetabufen.
  • Thuốc lợi tiểu dùng chung với Cetabufen dễ gây suy thận cấp ở những người bị mất nước do khả năng lọc tiểu cầu bị suy giảm.
  • Thuốc điều trị cao huyết áp có thể bị giảm tác dụng khi dùng chung với Cetabufen.
  • Thuốc Digoxin bị tăng nồng độ trong máu khi phối hợp với Cetabufen.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Cetabufen, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Cetabufen là thuốc kê đơn, người bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà.

27 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan