Công dụng thuốc Buprenorphine

Thuốc cai nghiện Buprenorphine nằm trong nhóm thuốc giảm đau gây nghiện, hay còn gọi là thuốc giảm đau nhóm opioid. Thuốc Buprenorphine có nhiều dạng bào chế như miếng dán, viên nén ngậm dưới lưỡi, thuốc tiêm và được dùng để giảm đau do phẫu thuật hoặc đau do bệnh tật.

1. Thuốc Buprenorphine là thuốc gì?

Buprenorphine thuộc nhóm thuốc giảm đau gây nghiện (nhóm opioid). Thành phần của thuốc có tác dụng giảm đau và tác động lên hệ thần kinh trung ương tương tự như Morphin. Tuy nhiên, mức độ lệ thuộc thuốc của Buprenorphine thấp hơn Morphin và khi ngưng dùng thuốc thì các biểu hiện cai thuốc xảy ra chậm, không nặng như Morphin.

Thuốc cai nghiện Buprenorphine được bào chế ở nhiều dạng khác nhau, phù hợp cho mục đích sử dụng trong điều trị, bao gồm:

  • Miếng dán Buprenorphine giải phóng thuốc qua da có hàm lượng từ 35 - 52,5 - 70 microgam/giờ, dùng trong 96 giờ hoặc hàm lượng 5 - 10 - 20 microgam/giờ, dùng trong 7 ngày. Miếng dán Buprenorphine cũng được chỉ định dùng kết hợp các loại thuốc giảm đau gây nghiện khác như Acetaminophen hoặc Ibuprofen trong quá trình điều trị. Tuy nhiên, sự kết hợp này cần có ý kiến từ bác sĩ chuyên khoa.
  • Viên nén Buprenorphine ngậm dưới lưỡi có hàm lượng 200 hoặc 400 microgam.
  • Thuốc Buprenorphine tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp có hàm lượng 300microgram/ml.

Buprenorphine được chỉ định để giảm các cơn đau ở mức độ vừa và nặng sau phẫu thuật hoặc do bệnh ung thư, nhồi máu cơ tim, chấn thương (do bị tai nạn), đau dây thần kinh tam thoa, cơn đau cấp tính và mãn tính do sỏi niệu quản. Buprenorphine cũng được dùng để hỗ trợ cai nghiện ở những người nghiện thuốc phiện hoặc những người bị lệ thuộc và opioid khác.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Buprenorphine

Tùy vào dạng bào chế, cách dùng và liều dùng thuốc Buprenorphine sẽ khác nhau, cụ thể như sau:

  • Buprenorphine tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch: Đối với trẻ trên 13 tuổi và người lớn, liều dùng là từ 0,3 - 0,6mg/lần, mỗi lần tiêm cách nhau 6 - 8 giờ. Giảm nửa liều ở người có nguy cơ bị ức chế hô hấp và cần thận trọng khi tiêm tĩnh mạch. Liều dùng tối đa là 0,6mg chỉ được dùng theo đường tiêm bắp và không có nguy cơ gây ức chế hô hấp. Đối với trẻ nhỏ hơn, tiêm bắp hoặc tiêm chậm tĩnh mạch liều từ 2 - 6 microgam/kg cân nặng, thời gian giữa mỗi lần tiêm cách nhau từ 6 - 8 giờ.
  • Buprenorphine viên nén ngậm dưới lưỡi hoặc tiêm bắp: Chủ yếu dùng ở người sau phẫu thuật với liều tiêm bắp ban đầu là 0,3mg/lần và tiêm nhắc lại một lần sau 30 - 60 phút và cách nhau 4 - 6 giờ. Ngậm dưới lưỡi với liều dùng từ 0,2 - 0,4mg/lần, cách 6 - 8 giờ ngậm lại.
  • Buprenorphine miếng dán: Chủ yếu dùng ở người lớn trên 18 tuổi bị đau mãn tính. Với các miếng dán giải phóng từ 35 - 70 microgam/giờ, liều khởi đầu không được quá 35 microgam/giờ ở những bệnh nhân chưa từng dùng thuốc giảm đau nhóm Opioid trước đó. Ở bệnh nhân đã từng sử dụng opioid, liều đầu tiên nên dựa vào khả năng đáp ứng thuốc trong 24 giờ gần nhất. Sau 96 giờ, nên thay miếng dán Buprenophine khác và tránh dán lại vị trí cũ trong ít nhất 6 ngày.

Quá liều thuốc cai nghiện Buprenorphine có thể gây ức chế hệ thần kinh trung ương với các biểu hiện ở hệ hô hấp, hạ huyết áp, nhịp tim chậm, đồng tử co nhỏ. Lúc này, người bệnh cần được theo dõi tim và hô hấp, hỗ trợ hô hấp và thông đường thở. Trường hợp cần thiết có thể cho người bệnh thở oxy, dùng thuốc tăng huyết áp.

3. Tác dụng phụ của thuốc cai nghiện Buprenorphine

Trong một số trường hợp, Buprenophine cũng có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn, với tần suất xuất hiện cụ thể như sau:

  • Thường gặp: Hạ huyết áp, buồn nôn, khô miệng, táo bón, giảm thông khí. Một số trường hợp ghi nhận tác dụng phụ của Buprenophine có viêm da dị ứng, ngoại ban và nổi mày đay.
  • Ít gặp: Dị ứng, tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim khi đo điện tâm đồ. Nặng hơn có thể gây ức chế hô hấp, khó thở, ngừng thở.
  • Hiếm gặp: Ảo giác, trầm cảm.

Nếu có bất kỳ biểu hiện nào bất thường sau khi dùng thuốc cai nghiện Buprenorphine, người bệnh nên báo ngay hoặc liên hệ sớm với bác sĩ hoặc dược sĩ.

4. Một số lưu ý khi dùng Buprenorphine

  • Tác dụng chính của Buprenorphine là tác động lên não để thay đổi cảm nhận và phản ứng với cơn đau, vì vậy, người bệnh muống sử dụng Buprenorphine cần phải có chỉ định cụ thể từ bác sĩ thì mới được phép dùng.
  • Không dùng thuốc Buprenophine ở người bị quá mẫn với thành phần của thuốc, có tổn thương phổi hoặc mắc các hội chứng suy giảm chức năng hô hấp (COPD, bệnh tâm phế, giảm dự trữ hô hấp, oxy huyết thấp...), đang dùng đồng thời thuốc ức chế hô hấp khác, nhược cơ, mê sảng, người đang điều trị cai nghiện ma túy hoặc phụ thuộc thuốc giảm đau nhóm Opiod.
  • Người đang bị giảm năng tuyến giáp, phù niêm, mắc các bệnh mãn tính về thận, ngộ độc rượu, cuồng sảng rượu, loạn thần do nhiễm độc, phì đại tuyến tiền liệt và hẹp niệu đạo cần thận trọng khi dùng thuốc Buprenophine.
  • Người bị suy giảm hệ thần kinh trung ương, chấn thương sọ não, tổn thương nội sọ hoặc các trường hợp các có khả năng tăng áp suất nội sọ cần đánh giá kỹ lưỡng và thận trọng khi dùng Bupronophine vì thuốc có thể làm tăng áp suất dịch não.
  • Người bị suy gan nặng cần xét nghiệm kiểm tra chức năng gan định kỳ trong thời gian sử dụng Bupronophine.
  • Lưu ý, khi sử dụng miếng dán Buprenophine, mức hấp thu thuốc qua da sẽ tăng lên khi nhiệt độ tăng. Do đó, cần kiểm soát nhiệt độ và không để cho vùng da đang dán thuốc bị tăng nhiệt đột ngột. Với bệnh nhân gặp phải các phản ứng phụ khi dùng miếng dán Buprenophine thì nên được theo dõi trong vòng 30 giờ sau khi gỡ bỏ miếng dán.
  • Khi sử dụng miếng dán Buprenorphine, người bệnh cần lưu ý không được dán lên vết thương bị bỏng, vết cắt, xước, tránh các vùng có da bị tấy rát, đang bị tổn thương. Nên chọn vùng da không có lông và khô ráo khi dán thuốc.
  • Phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con cho bú chỉ được sử dụng thuốc Buprenorphine trong trường hợp thật sự cần thiết. Nếu dùng thuốc trong thời kỳ mang thai, trẻ sinh ra cần được theo dõi hô hấp trong thời gian dài. Nếu dùng thuốc trong thời kỳ cho bú thì phải ngừng việc cho bú.
  • Hạn chế các hoạt động lái xe hoặc vận hành, điều khiển máy móc vì Buprenorphine có thể làm giảm sự tỉnh táo hoặc khả năng phối hợp của cơ thể.
  • Buprenorphine có thể tương tác và làm tăng tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương khi dùng cùng với thuốc gây mê, thuốc chủ vận của thụ thể opiat, thuốc kháng histamin, thuốc an thần, thuốc ngủ hoặc thuốc trấn tĩnh. Vì vậy, cần giảm liều dùng các loại thuốc này khi dùng đồng thời với Buprenorphine. Không được dùng Buprenorphine cùng với thuốc an thần Barbiturat.
  • Thuốc cai nghiện Buprenorphine có thể tương tác với droperidol, fentanyl, naloxon và làm tăng tác dụng giảm đau của Buprenorphine; gây suy hô hấp và trụy tim mạch khi dùng đồng thời với diazepam; gây ức chế hô hấp, lơ mơ, nhịp tim chậm khi dùng lorazepam trước khi phẫu thuật; tăng tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương khi dùng cùng với thuốc ức chế monoamin oxydase (MAO); tăng tác dụng của thuốc tê; tăng nồng độ của Buprenorphine trong huyết tương khi dùng cùng với Ketoconazol, thuốc kháng virus hoặc cảm ứng CYP3A4.
  • Trong quá trình dùng thuốc, người bệnh không được uống rượu vì có thể làm tăng tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương và gây an thần của thuốc.
  • Không ăn bưởi và các sản phẩm có thành phần của bưởi khi dùng thuốc Buprenorphine vì có thể làm tăng nồng độ của thuốc trong huyết thanh.
  • Đối với Buprenorphine dạng viên nén ngậm dưới lưỡi, không được ăn uống cho đến khi thuốc đã tan hoàn toàn.
  • Tốt nhất trong mọi trường hợp, người bệnh nên cho bác sĩ biết về các loại thuốc, sản phẩm thảo dược hay thực phẩm chức năng bổ sung đã và đang sử dụng trước khi dùng thuốc cai nghiện Buprenorphine.

Công dụng của thuốc Buprenorphine là làm giảm các cơn đau có mức độ vừa và nặng do phẫu thuật hoặc đau do bị bệnh ung thư, đau do chấn thương, đau khi bị nhồi máu cơ tim hay đau dây thần kinh tam thoa. Người bệnh hãy tuân thủ theo đúng hướng dẫn về liều lượng và cách sử dụng thuốc từ các chuyên gia y tế để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan