Công dụng thuốc Benate

Thuốc bôi Benate có thành phần chính là Clobetason butyrat. Thuốc đạt hiệu quả trong việc điều trị chàm và nhiều loại viêm da khác nhau như viêm da tiết bã nhờn, viêm da do ánh sáng, sẩn ngứa nổi cục... Tuy nhiên, người bệnh có thể tăng nguy cơ gặp phải tác dụng phụ nếu sử dụng sai cách. Vậy thuốc Benate có tác dụng gì? Cần lưu ý gì khi sử dụng thuốc? Tham khảo ngay bài viết dưới đây.

1. Thuốc Benate có tác dụng gì?

Với thành phần chính là Clobetasone butyrat giúp thuốc Benate sở hữu đặc tính kháng viêm, chống ngứa và gây co mạch. Nhờ vậy, thuốc bôi ngoài da Benate được ứng dụng hiệu quả trong các trường hợp sau:

  • Chàm dị ứng, viêm da tiếp xúc dị ứng hoặc kích ứng.
  • Viêm da do ánh sáng, viêm tai ngoài.
  • Viêm da tiết bã nhờn, phát ban do tã lót.
  • Sẩn ngứa nổi cục, các phản ứng do côn trùng đốt.
  • Điều trị duy trì xen kẽ với các đợt điều trị có sử dụng các steroid tại chỗ mạnh hơn.

Mặt khác, thuốc không được phép kê đơn trong các trường hợp sau:

  • Trứng cá đỏ, mụn trứng cá, viêm quanh miệng.
  • Bệnh ở da do virus (Herpes, thủy đậu), nhiễm nấm (Candida, nấm tóc) hoặc nhiễm khuẩn (chốc lở).
  • Người bệnh dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc

2. Liều dùng và cách sử dụng thuốc Benate

2.1. Cách dùng

Thuốc bôi Benate được sử dụng để bôi ngoài da, tránh sử dụng thuốc ở các vết thương hở và vùng da nhạy cảm. Trước và sau khi bôi thuốc, bạn không được băng kín vết thương. Luôn vệ sinh tay sạch sẽ trước khi bôi thuốc để tránh nhiễm trùng vết thương

2.2. Liều dùng

Thuốc bôi ngoài da Benate có liều dùng thông thường: 1 hoặc 2 lần/ngày cho đến khi có cải thiện. Khi tình trạng da đã đỡ hơn, người bệnh có thể giảm số lần bôi xuống hoặc chuyển sang thuốc khác có hiệu lực yếu hơn.

Đối với người già và người lớn tuổi khuyến cáo không sử dụng thuốc liên tục dài hơn 4 tuần. Sau thời gian này, tình trạng bệnh vẫn không được cải thiện, người bệnh cần thông báo với bác sĩ để được thay đổi liều dùng hoặc thay đổi thuốc.

Đối với trẻ em và trẻ sơ sinh, cần giảm số lần bôi thuốc Benate nhưng vẫn có hiệu quả trong thời gian ngắn nhất có thể. Trong vòng 7 ngày dùng thuốc nếu không được cải thiện hoặc nặng hơn thì cần báo với bác sĩ để xem xét lại cách điều trị.

Lưu ý: Liều dùng trên chỉ mang tính chất tham khảo. Liều dùng cụ thể tùy thuộc vào thể trạng và mức độ diễn tiến của bệnh. Để có liều dùng phù hợp, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế.

Trường hợp quá liều mạn tính hầu như không được ghi nhận. Tuy nhiên nếu bạn sử dụng quá liều thường xuyên sẽ có dấu hiệu cường vỏ thượng thận. Khi đó, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc ngay lập tức.

Nếu quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.

3. Tác dụng phụ thuốc Benate

Giống như nhiều loại thuốc khác, thuốc Benate có thể gây ra một số tác dụng phụ cho người bệnh. Cụ thể:

Một số tác dụng phụ thường gặp nhất như: bỏng rát, cảm giác đau nhói như côn trùng đốt.

Tác dụng phụ ít hơn như ngứa, teo da, nứt da, ban đỏ, viêm nang lông, tê ngón tay và giãn mao mạch....

Trên đây không phải là tất cả các tác dụng phụ của thuốc bôi Benate. Do đó trong quá trình sử dụng thuốc, nếu gặp phải dấu hiệu nào bất thường nghi ngờ do dùng thuốc. Bạn cần thông báo với bác sĩ để được xử trí kịp thời.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc bôi Benate

Để sử dụng thuốc an toàn, người bệnh cần “nằm lòng” một số lưu ý sau:

  • Phụ nữ mang thai chỉ sử dụng thuốc bôi Benate thật sự khi cần thiết, không lạm dụng thuốc trong thời gian dài.
  • Chị em đang cho con bú có thể sử dụng Benate nhưng cần tuân thủ các chỉ định của bác sĩ. Hạn chế bôi thuốc ở vùng ngực để tránh khả năng trẻ có thể nuốt phải.
  • Thuốc bôi ngoài da Benate có thể được sử dụng cho người thường xuyên vận hành máy móc và lái xe.
  • Đối với trẻ sơ sinh và trẻ em < 12 tuổi: Tránh điều trị liên tục kéo dài với corticosteroid do nguy cơ ức chế thượng thận, kể cả khi không băng kín. Ở trẻ sơ sinh, tã lót như băng kín và làm tăng hấp thu, do đó cẩn thận khi sử dụng.
  • Không nên bôi trên mặt trong thời gian dài. Nếu phải bôi vào mí mắt cần phải sử dụng thận trọng để đảm bảo thuốc không vào mắt, vì có thể gây glaucoma.
  • Khi các tổn thương viêm bị nhiễm trùng, phải điều trị bằng kháng sinh thích hợp. Khi có dấu hiệu nhiễm trùng lan rộng, cần phải ngừng dùng corticosteroid tại chỗ và sử dụng kháng sinh theo đường toàn thân.

Trước khi kê đơn thuốc, bác sĩ luôn cân nhắc lợi ích và hiệu quả mà thuốc thuốc bôi Benate đem lại nhiều hơn nguy cơ mắc tác dụng phụ. Tuy nhiên, một số trường hợp khi dùng Benate vẫn có thể xảy ra tác dụng không mong muốn. Do đó, người bệnh cần tuân thủ các chỉ định về cách dùng và liều lượng từ bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

58.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan