Công dụng thuốc Atifolin 100 inj

Thuốc Atifolin 100 được sản xuất và đăng ký bởi Công ty Cổ phần Dược phẩm An Thiên, thuộc nhóm thuốc cấp cứu và giải độc. Cùng tìm hiểu thêm thông tin về công dụng của thuốc Atifolin 100 qua bài viết dưới đây.

1. Thuốc Atifolin 100 là thuốc gì?

Thuốc Atifolin 100 là thuốc gì? Thuốc Atifolin 100 có thành phần chính chứa hoạt chất Acid folinic (dưới dạng Calci folinate) với hàm lượng 100 mg/ 10 ml. Thuốc được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm, trình bày dạng hộp 5 lọ, 3 lọ hoặc 1 lọ, 1 lọ có dung tích 10 ml.

2. Chỉ định của thuốc Atifolin 100

Thuốc Atifolin 100 được chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Dùng trong dự phòng và điều trị các độc tính có liên quan đến chất đối kháng acid folic
  • Dùng phối hợp liều cao Methotrexat trong hóa trị giúp trung hòa tác dụng độc.
  • Điều trị thiếu máu nguyên hồng cầu thể khổng lồ do thiếu acid folic.
  • Điều trị trong ung thư trực tràng muộn phối hợp với 5 - Fluorouracil.

3. Cách dùng và liều dùng thuốc Atifolin 100

3.1. Cách dùng thuốc Atifolin 100

Thuốc Atifolin được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm, cần tiêm riêng rẽ 5 – Fluorouracil với calcium folinate tránh kết tủa. Đối với liều lớn hơn 10 mg/ m2: cần pha thuốc với nước pha tiêm vô khuẩn và sử dụng ngay sau khi pha.

3.2. Liều dùng thuốc Atifolin 100

Trong dự phòng và điều trị độc tính có liên quan chất đối kháng acid folic:

  • Tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch, liều lượng sử dụng một lượng tương đương với lượng chất đối kháng đã dùng, càng sớm càng tốt ngay sau khi được phát hiện quá liều.
  • Khi dùng liều trung bình thuốc Methotrexat: tiêm bắp 6 đến 12 mg, cách nhau mỗi 6 giờ, sử dụng ngày 4 lần.

Khi dùng phối hợp với liều cao Methotrexat trong hóa trị:

  • Tiêm Atifolin với liều 10 mg/m2 diện tích da sau khi bắt đầu dùng Methotrexat được 6 đến 24 giờ, tiếp theo uống với liều 10 mg/m2 diện tích da, cách mỗi 6 giờ, cho đến khi đo được nồng độ trong huyết thanh của Methotrexat giảm dưới 10-8. Nếu sau 24 giờ dùng Methotrexat, chỉ số creatinine trong huyết thanh tăng lên hơn 50% nồng độ creatinine trước khi dùng Methotrexat hoặc đo được nồng độ của Methotrexat lớn hơn 5.10-6 M: Cần tiến hành tăng liều Atifolin ngay lập tức với lượng 100 mg/ m2, sử dụng mỗi 3 giờ, cho đến khi nồng độ Methotrexat dưới 10-8 M. Nếu có xảy ra ngộ độc trên đường tiêu hóa có nôn hoặc buồn nôn thì nên dùng đường tiêm.

Trong điều trị thiếu máu nguyên hồng cầu thể khổng lồ:

  • Nguyên nhân do thiếu acid folic: tiêm bắp ngày 1 mg, thời gian sử dụng tùy thuộc vào đáp ứng của máu với thuốc.
  • Nguyên nhân do thiếu Dihydrofolat reductase bẩm sinh: tiêm bắp ngày 3 – 6 mg.

Trong sử dụng phối hợp với 5-fluorouracil điều trị ung thư trực tràng muộn:

  • Phác đồ 1: Tiêm tĩnh mạch chậm trên 3 phút với liều 200 mg/ m2 Atifolin, sau đó tiêm tĩnh mạch 425 mg/m2 5 – fluorouracil mỗi ngày.
  • Phác đồ 2: tiêm tĩnh mạch chậm mỗi 20 mg/ m2 Atifolin, sau đó tiêm tĩnh mạch 425 mg/ m2 5-fluorouracil mỗi ngày.
  • Điều trị kéo dài trong 5 ngày, dùng liều nhắc lại sau khoảng 4 tuần, thêm 2 đợt. Khi độc tính đợt điều trị trước đã giảm đi, có thể nhắc lại phác đồ với khoảng cách 4 đến 5 tuần.

4. Tác dụng không mong muốn của thuốc Atifolin 100

Trong quá trình điều trị bằng Atifolin, người bệnh có thể gặp phải các tác dụng không mong muốn sau:

  • Có thể làm tăng độc tính của hoạt chất 5-fluorouracil như viêm họng thực quản, viêm miệng, chán ăn, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, viêm da, rụng tóc, giảm bạch cầu.
  • Hiếm gặp các phản ứng dị ứng. Khi sử dụng liều cao có thể gặp các tác dụng phụ: trầm cảm, khó ngủ, kích động.
  • Cần cân nhắc sử dụng thuốc lá, rượu bia hoặc các loại đồ uống lên men, có cồn trong quá trình sử dụng Atifolin, vì các tác nhân này có thể làm thay đổi hoạt tính của các chất có trong thuốc.

5. Tương tác thuốc Atifolin 100

Các tương tác thuốc có thể xảy ra khi dùng chung Atifolin với các loại thuốc sau:

  • Thuốc Atifolin làm tăng độc tính của 5-fluorouracil.
  • Khi sử dụng liều cao Atifolin, có thể làm mất tác dụng chống động kinh của các thuốc phenytoin, phenobarbital, primidon và ở bệnh nhi nhạy cảm có thể tăng số lần co giật.
  • Liều cao Atifolin còn có thể làm giảm tác dụng của Methotrexat tiêm vào ống tủy sống.

6. Lưu ý khi sử dụng thuốc Atifolin 100

6.1. Chống chỉ định của Atifolin 100

Không chỉ định sử dụng thuốc Atifolin 100 trên các đối tượng sau:

  • Người bệnh có tiền sử mẫn cảm với Acid folinic hoặc bất cứ thành phần tá dược nào có trong Atifolin.
  • Người bệnh thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ khác do thiếu vitamin B12 và thiếu máu ác tính.
  • Không dùng cho phụ nữ đang mang thai và đang nuôi con bằng sữa mẹ.

6.2. Thận trọng khi sử dụng thuốc Atifolin 100

  • Thận trọng sử dụng Atifolin trên bệnh nhân thiếu máu chưa được chẩn đoán.
  • Ở người bị nhiễm độc mức vừa và nặng về huyết học hoặc tiêu hóa cần giảm liều 5-fluorouracil khi điều trị phối hợp với Atifolin. Ngừng sử dụng liệu pháp này khi: Bạch cầu 4000/ mm3 và tiểu cầu 130000/ mm3, có chứng cứ rõ ràng về việc khối u phát triển.
  • Thận trọng khi dùng trên người bệnh suy nhược, người cao tuổi.

7. Bảo quản thuốc Atifolin 100

Bảo quản thuốc Atifolin 100 cần tuân thủ theo nguyên tắc bảo quản các loại thuốc dạng dung dịch tiêm khác, trước khi sử dụng phải xem xét cảm quan và hạn sử dụng của thuốc, nếu thuốc không đảm bảo không tiếp tục sử dụng lọ thuốc đó nữa.

Thuốc Atifolin 100 có thành phần chính chứa hoạt chất Acid folinic. Thuốc được chỉ định sử dụng trong nhiều bệnh lý dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế thực hiện tiêm truyền.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

239 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan