Công dụng thuốc Amferion

Kẽm là một yếu tố vi lượng rất quan trọng trong cơ thể, thường thì kẽm được cung cấp thông qua chế độ ăn uống đảm bảo dinh dưỡng. Nhưng một số trường hợp tăng nhu cầu hay chế độ ăn kiêng khem dễ thiếu kẽm. Thuốc Amferion là loại thuốc được chỉ định bổ sung kẽm cho người có nguy cơ thiếu kẽm.

1. Thuốc Amferion là thuốc gì?

Amferion là một thuốc nằm trong nhóm thuốc bổ sung khoáng chất và vitamin cần thiết cho cơ thể. Thành phần chính của thuốc Amferion chứa kẽm sulphate hàm lượng 2mg/5ml siro.

Kẽm là một trong những nguyên tố vi lượng thiết yếu không thể thiếu trong cơ thể. Một số vai trò của kẽm đối với cơ thể:

  • Kẽm là thành phần cơ bản của hơn 300 enzym cần thiết cho các phản ứng chuyển hóa các chất trong cơ thể.
  • Kẽm tham gia vào sự tổng hợp và phân giải các acid amin, protein, glucid và cả acid nucleic.
  • Tham gia vào hệ thống miễn dịch giúp tăng đề kháng, tăng phòng chống các bệnh nhiễm trùng đặc biệt nhiễm trùng tiêu hoá và hô hấp.
  • Ở trẻ nhỏ, kẽm giúp đảm bảo cho quá trình phát triển của trẻ, làm tăng khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng, giúp trẻ ăn ngon, ngủ ngon hơn.
  • Ở phụ nữ đang mang thai hay đang cho con bú, việc bổ sung kẽm là việc thiết yếu để đảm bảo cho sức khỏe của mẹ và cả sự phát triển của thai nhi.

Những trường hợp dễ bị thiếu kẽm:

  • Phụ nữ có thai và đang cho con bú.
  • Trẻ lớn đang bú mẹ, đặc biệt giai đoạn từ 7 tháng tuổi trở lên.
  • Người nghiện rượu.
  • Bệnh nhân bị rối loạn tiêu hoá, hay bị tiêu chảy.

Kẽm thường được chỉ định dùng trong điều trị các trường hợp:

  • Hỗ trợ điều trị bệnh nhân bị tiêu chảy cấp, mạn tính.
  • Hỗ trợ và điều trị dự phòng thiếu kẽm ở cả người lớn, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai và đang cho con bú.
  • Bổ sung ở những trường hợp trẻ biếng ăn, hấp thu kém, hay bị ốm vặt.

2. Thuốc Amferion có tác dụng gì?

Thuốc Amferion được chỉ định dùng trong các trường hợp:

  • Hỗ trợ điều trị còi xương, suy dinh dưỡng hay những trẻ bị chậm tăng trưởng.
  • Bổ sung khoáng chất ở phụ nữ có thai và đang trong thời kỳ cho con bú đặc biệt ở những người bị nôn, buồn nôn nhiều trong thai kỳ.
  • Người đang trong chế độ ăn kiêng, bị thiếu cân bằng các chất trong cơ thể hoặc nuôi ăn lâu dài qua đường tĩnh mạch.
  • Người bị tiêu chảy cấp, mãn tính hoặc mắc một số vấn đề về tiêu hóa như ăn uống kém, chán ăn, chậm tiêu.
  • Bệnh nhân bị các bệnh về mắt như khô mắt, quáng gà, loét giác mạc.
  • Ngoài ra, thiếu kẽm nặng có triệu chứng lâm sàng đặc trưng bởi các tổn thương da niêm mạc như viêm da đầu chi, loạn dưỡng móng, viêm quanh các lỗ tự nhiên, dễ bị viêm ruột, tiêu chảy, các tổn thương trên da bị lâu lành. Bổ sung kẽm ở những bệnh nhân này là điều rất cần thiết.

Chống chỉ định dùng thuốc với:

  • Bệnh nhân có tiền sử dị ứng hay mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Người có tiền căn bị bệnh sỏi thận.
  • Bệnh nhân suy gan, suy thận hoặc bị bệnh về tuyến thượng thận ở mức độ nghiêm trọng.

3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Amferion

Amferion được sản xuất ở dạng siro uống, đóng hộp, mỗi hộp 1 lọ dung tích 60ml hoặc 100ml. Thuốc được dùng theo đường uống, không sử dụng siro bôi ngoài da hoặc đem pha tiêm truyền.

Liều dùng thuốc:

  • Đối với người lớn và trẻ nặng trên 30kg: dùng 20ml/lần, ngày uống 1 đến 3 lần.
  • Đối với trẻ nặng từ 10 đến 20kg: cho uống 10ml/lần, ngày 1 đến 3 lần.
  • Trẻ nặng dưới 10kg uống 5ml/lần, ngày 2 lần hoặc uống theo chỉ định của bác sĩ.

4. Tác dụng phụ và những lưu ý khi dùng thuốc Amferion

Một số tác dụng không mong muốn có thể xảy ra khi dùng thuốc:

  • Rối loạn tiêu hóa là một trong những triệu chứng thường gặp trên bệnh nhân dùng kẽm, biểu hiện đau bụng, nôn, buồn nôn, khó tiêu, tiêu chảy, dễ bị kích thích dạ dày, nặng thì bị viêm dạ dày.
  • Việc uống thuốc lúc đói sẽ giúp thuốc tăng khả năng hấp thu nhưng đổi lại làm tăng nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ khi uống. Có thể uống trong bữa ăn để giảm tình trạng khó chịu này.

5. Những lưu ý khi dùng thuốc Amferion

Để hạn chế các tác dụng phụ khi dùng thuốc cần lưu ý những điều sau:

  • Dùng thuốc theo đúng hướng dẫn chỉ định của bác sĩ, không tự ý thay đổi tăng giảm liều lượng khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa hay những người có chuyên môn về y dược.
  • Uống kẽm nên uống vào thời điểm 1 giờ trước ăn hoặc sau ăn 2 giờ để thuốc được hấp thu tốt nhất. Trường hợp bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa khi dùng kẽm thì nên uống thuốc trong bữa ăn.
  • Sự hấp thu kẽm trong cơ thể sẽ bị giảm khi dùng chung với các thuốc hay sản phẩm có chứa sắt, photpho hay kháng sinh Tetracyclin, Penicilamin... do đó cần dùng thời gian cách xa nhau với những nhóm thuốc này.
  • Không dùng chung kẽm với đồng vì sẽ gây giảm hấp thu đồng.
  • Uống kẽm cách canxi 2 - 3 giờ để không làm ảnh hưởng đến sự hấp thu sắt.
  • Không cho bệnh nhân dùng kẽm nếu đang trong tình trạng bị nôn ói cấp tính hoặc viêm loét dạ dày tiến triển.
  • Hiện nay vẫn chưa có báo cáo cụ thể về nguy cơ ảnh hưởng của thuốc trên phụ nữ có thai và người đang trong thời kỳ cho con bú. Tuy nhiên vẫn không nên tự ý dùng thuốc, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
  • Thuốc Amferion không gây ảnh hưởng đến tình trạng lái xe và những người đang vận hành máy móc nên hoàn toàn có thể dùng thuốc trên những đối tượng này.
  • Việc bổ sung kẽm nồng độ cao trong thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng ngộ độc kẽm, đồng thời làm giảm sự hấp thu đồng trong cơ thể dẫn đến thiếu máu do thiếu hồng cầu, giảm bạch cầu trung tính. Đối với ngộ độc kẽm có thể xử trí bằng uống sữa hoặc than hoạt tính, cacbonat kiềm, nặng cần chỉ định rửa dạ dày hoặc kích thích nôn.
  • Nếu bị quên liều, uống ngay khi nhớ ra. Trường hợp sát liều tiếp theo thì bỏ qua liều cũ, không uống liều sau gấp đôi để bù lại liều đã bị quên. Lưu ý về thời gian sử dụng các thuốc khác.
  • Bảo quản thuốc theo đúng quy định hướng dẫn của nhà sản xuất. Để thuốc xa tầm với của trẻ.

Hy vọng, với những thông tin trên về thuốc bổ sung kẽm Amferion bạn đã biết được công dụng của thuốc, cách dùng và điều cần lưu ý khi dùng. Tuân thủ dùng theo hướng dẫn và tránh lạm dụng dẫn tới nguy cơ thừa, ngộ độc kẽm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

73 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan