Công dụng thuốc Alermed-Nic

Alermed Nic là thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị các triệu chứng cảm cúm nguyên nhân do dị ứng thời tiết, viêm kết mạc dị ứng. Các bạn hãy cùng tham khảo một số thông tin về liều dùng, một số lưu ý khi dùng thuốc trong bài viết dưới đây.

1. Alermed Nic là thuốc gì?

Alermed Nic là thuốc có chứa thành phần chính là Paracetamol 500mg, Loratadin 5mg và Phenylephrin hydroclorid 5mg. Trong đó:

  • Paracetamol vốn là hoạt chất chuyển hóa có đặc tính của phenacetin, có tác dụng giảm đau, hạ sốt. Hoạt chất này được sử dụng để điều trị các triệu chứng như đau đầu, đau cơ, đau khớp, đau lưng, đau răng, cảm lạnh và sốt.
  • Loratadin là thành phần thuộc nhóm kháng histamin, xuất hiện trong các loại thuốc dị ứng thời tiết. Hoạt chất này có khả năng khắc phục, cải thiện những triệu chứng như ngứa, chảy nước mũi, chảy nước mắt, và hắt hơi,... Bên cạnh đó, loratadin còn được sử dụng trong điều trị ngứa do phát ban.
  • Với Phenylephrine hydrochloride, đây là một thuốc cường giao cảm, có tác dụng trực tiếp lên các thụ thể a1-adrenergic để làm co mạch máu và làm tăng huyết áp. Phenylephrine được sử dụng trong việc kiểm soát chứng nghẹt mũi, viêm xoang, và các vấn đề xuất hiện do cảm lạnh, cúm, dị ứng hoặc các bệnh hô hấp khác.

Với sự kết hợp của ba thành phần trên, Alermed Nic có tác dụng giảm các triệu chứng cảm cúm hiệu quả.

Ngoài ra, thuốc chống chỉ định với những trường hợp như:

  • Mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc hoặc mắc suy gan nặng.
  • Bệnh nhân có vấn đề liên quan thiếu hụt men gan glucose-6-phosphat dehydrogenase.
  • Người mắc bệnh tim mạch nặng, nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành, cao huyết áp, xơ cứng động mạch, cường giáp nặng, glocom góc đóng.
  • Trẻ em dưới 12 tuổi tuyệt đối không dùng Alermed Nic.

2. Liều dùng và cách dùng

Alermed Nic được sử dụng cho người lớn và trẻ trên 12 tuổi mỗi lần uống 1 viên, mỗi ngày uống 2-3 lần. Thuốc được dùng qua đường uống, nên sử dụng nước lọc khi uống.

3. Tác dụng phụ

Alermed Nic có nguy cơ gây ra một số tác dụng phụ như:

  • Chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, tim đập nhanh.
  • Ảnh hưởng đến chức năng gan, kinh nguyệt không đều.
  • Có nguy cơ bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu và giảm toàn thể huyết cầu.
  • Mẩn ngứa hoặc phát ban.

4. Tương tác thuốc

  • Alermed Nic có thể tương tác với một số loại thuốc, đồ uống gây ảnh hưởng xấu đối với sức khỏe như:
  • Dùng thuốc với rượu, bia, chất kích thích sẽ tăng nguy cơ gây độc cho gan.
  • Dùng chung với thuốc chống co giật (gồm phenytoin, barbiturat, carbamazepin) gây cảm ứng enzym ở microsom của tế bào gan, tăng nguy cơ độc tính với gan.
  • Dùng thuốc ở bệnh nhân đã dùng thuốc ức chế MAO trước đó sẽ tác dụng kích thích tim và tăng huyết áp mạnh.
  • Sử dụng chung với Cimetidin, ketoconazol và erythromycin có thể gia tăng nồng độ của loratadin trong huyết tương.

5. Thận trọng khi sử dụng thuốc Alermed Nic

  • Cần thận trọng khi sử dụng Alermed Nic cho những trường hợp sau:
  • Bệnh nhân có nguy cơ hoặc đang bị suy giảm hô hấp, người mắc suy gan.
  • Thuốc gia tăng nguy cơ sâu răng ở bệnh nhân cao tuổi khi dùng thuốc. Do đó, người bệnh cần phải đánh răng cẩn thận, sạch sẽ sau khi uống thuốc.
  • Thận trọng khi sử dụng Alermed Nic ở những bệnh nhân có tiền sử thiếu máu.
  • Không dùng Alermed Nic chung với các thuốc khác có chứa paracetamol, phenylephrin hoặc loratadin.
  • Chỉ dùng thuốc Alermed Nic cho phụ nữ mang thai khi thật cần thiết.
  • Do loratadin có khả năng bài tiết vào sữa mẹ nên bạn cần cân nhắc hoặc ngưng cho con bú khi đang dùng thuốc.

Trên đây là một số thông tin giúp các bạn tìm hiểu về công dụng thuốc Alermed Nic cũng như hướng dẫn sử dụng hiệu quả. Bạn nên chú ý sử dụng thuốc đúng liều lượng, tuân thủ thời gian dùng thuốc để đạt hiệu quả trị bệnh cao nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

165 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan