Chọn thuốc trị viêm xoang cho phụ nữ cho con bú

Phụ nữ cho con bú bị viêm xoang vẫn có thể dùng thuốc để kiểm soát các triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên, cần chọn đúng loại thuốc trị viêm xoang cho phụ nữ cho con bú để không gây ảnh hưởng tới sức khỏe của bé.

1. Sơ lược về bệnh viêm xoang ở phụ nữ cho con bú

Viêm mũi xoang là căn bệnh phổ biến ở Việt Nam, có xu hướng ngày càng gia tăng. Theo thống kê, có tới 70% phụ nữ mang thai bị ngạt, tắc mũi và tình trạng này có thể dẫn tới viêm xoang nếu không được điều trị thích hợp. Bệnh viêm xoang có thể tồn tại khi đang mang thai hoặc sau khi sinh.

Viêm xoang là hiện tượng bít tắc các lỗ thông từ xoang ra mũi, gây ứ trệ dịch trong xoang, làm vi khuẩn phát triển và gây viêm. Tình trạng bít tắc các lỗ thông của xoang có thể do nhiều nguyên nhân nhưng phổ biến nhất là do viêm nhiễm từ mũi.

Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú thường ngại dùng thuốc nói chung, các loại thuốc trị viêm xoang nói riêng. Vì thế, họ cố chịu đựng triệu chứng khó chịu của bệnh cho tới khi không thể. Đặc biệt là khi bệnh lý xoang đã nặng, gây biến chứng viêm thanh quản, viêm phế quản,...

Vậy bà mẹ đang cho con bú bị viêm xoang phải làm sao? Theo các bác sĩ, trong thời gian cho con bú, chị em vẫn có thể dùng thuốc điều trị viêm xoang. Mục đích của việc điều trị là trả lại sự thông thoáng cho hệ thống đường thông của mũi xoang.

2. Các thuốc trị viêm xoang cho phụ nữ cho con bú

Các thuốc chữa viêm mũi xoang có thể can thiệp để giải phóng tình trạng tắc nghẽn của lỗ thông mũi xoang. Các loại thuốc này cần được sử dụng phối hợp dưới sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ tai - mũi - họng. Tùy theo giai đoạn bệnh của viêm mũi xoang, loại viêm mũi xoang (viêm mũi xoang dị ứng, viêm mũi xoang mủ, viêm xoang do nấm,...) mà bác sĩ sẽ đưa ra quyết định sử dụng thuốc phù hợp nhất cho bệnh nhân.

2.1 Thuốc trị viêm mũi xoang toàn thân cho phụ nữ cho con bú

Phụ nữ đang nuôi con bú có thể sử dụng các loại thuốc trị viêm xoang toàn thân sau:

  • Kháng sinh đường uống hoặc tiêm: Bà mẹ đang cho con bú nên dùng thuốc nhóm beta - lactam;
  • Thuốc chống viêm, giảm phù nề nhằm giải phóng lỗ thông mũi xoang. Các loại thuốc thường được sử dụng là kháng viêm nhóm steroid và không steroid như medrol, medexa, prednisolone, celestene,... Tuy nhiên, nhóm thuốc này có nhiều tác dụng phụ như gây loét hoặc thủng dạ dày, tăng huyết áp, loãng xương, rối loạn mỡ máu, suy tuyến thượng thận, tăng đường huyết,... Chính vì vậy, cần dùng các thuốc này trong thời gian ngắn (dưới 1 tuần ở giai đoạn cấp) và theo chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, bệnh nhân có thể sử dụng nhóm thuốc chống viêm, chống phù nề như alphachymotrypsine choay đường uống hoặc ngậm;
  • Thuốc giảm đau: Paracetamol;
  • Thuốc long đờm: Acetylcystein, ambroxol, carbocisteine;
  • Thuốc chống dị ứng: Telfast, claritin,...

2.2 Thuốc trị viêm xoang cho phụ nữ cho con bú dùng tại chỗ

Đây là phương pháp điều trị hữu hiệu nhất với tình trạng viêm mũi xoang ở phụ nữ đang nuôi con bú. Các loại thuốc xịt mũi trị viêm xoang nào tốt cho bà mẹ đang cho con bú? Nhóm thuốc nhỏ mũi cần phối hợp giữa kháng sinh với một số thành phần chống viêm, giảm sung huyết, giảm phù nề thì mới có hiệu quả. Cụ thể:

  • Kháng sinh nhóm moxifloxacine hydrochloride, tobramycin

Loại thuốc này hay được sử dụng hơn cả để bào chế làm thành phần của thuốc nhỏ mũi. Theo nghiên cứu, khả năng thuốc thẩm thấu qua máu thấp, chỉ dưới 2%. Đồng thời, nhóm thuốc này không bị hấp thu qua đường tiêu hóa nên rất an toàn khi sử dụng. tuy nhiên, khi sử dụng thuốc kháng sinh nhỏ mũi kéo dài thì có thể tạo ra những chủng vi khuẩn kháng thuốc, bao gồm cả nấm. Nếu xảy ra bội nhiễm thì nên ngưng dùng thuốc, chuyển sang 1 phương pháp điều trị thích hợp khác.

  • Thuốc co mạch - chống ngạt mũi

Nhóm thuốc này cũng được sử dụng rộng rãi. Nó có tác dụng thu nhỏ tổ chức cương ở cuốn mũi dưới và chống sung huyết niêm mạc. Thuốc có tác dụng nhanh chỉ trong vài phút, duy trì nhiều giờ sau đó. Thuốc có thể gây ra những phản ứng dị ứng tại chỗ như: Cảm giác ngứa mũi, sưng mũi, đỏ cánh mũi hoặc đau nhức dọc theo sống mũi,... nhưng chỉ gặp ở dưới 3% bệnh nhân sử dụng.

Một số người bệnh gặp phản ứng không dung nạp thuốc. Ở niêm mạc hốc mũi có dấu hiệu như bị kim châm, hiếm gặp phản ứng toàn thân như phù da hoặc niêm mạc vùng mặt. Trong trường hợp đó, nên ngưng dùng thuốc và trao đổi với bác sĩ điều trị.

Nên dùng thuốc trong vòng 7 - 10 ngày. Không nên điều trị kéo dài nếu chưa được bác sĩ cho phép và theo dõi sức khỏe.

  • Thuốc chống viêm có corticoid như polydexa, collydexa,... dạng xịt

Các thuốc corticoid tại chỗ tuy chỉ có 2% hấp thu vào máu nhưng nếu không được điều trị đúng cách vẫn có thể gây một số biến chứng như: Ức chế vỏ thượng thận tiết hormone, khiến tuyến vỏ thượng thận bị teo. Ngoài ra, thuốc cũng có thể gây hội chứng biến dưỡng - hậu quả từ việc tăng giữ nước và muối trong cơ thể, gây béo giả, ứ đọng mỡ ở một số bộ phận như mặt, gây tăng đường huyết - nguy cơ của tiểu đường,... Ngoài ra, thuốc có thể gây tăng huyết áp, giảm kali máu, rối loạn cân bằng muối - nước gây nhiều bất lợi đối với người bệnh tim mạch, glaucoma,...

Bên cạnh đó, thuốc corticoid cũng có thể làm rối loạn quá trình tái tạo xương, biến dưỡng cơ, gây loãng xương và teo cơ. Thuốc cũng làm giảm sức đề kháng chung của cơ thể, dễ gây nhiễm trùng hoặc nhiễm nấm, đặc biệt là ở mũi xoang. Một số trường hợp xuất hiện chảy máu mũi hoặc rối loạn kinh nguyệt. Đồng thời, các thuốc này có thể bài tiết vào sữa mẹ nên cần thận trọng khi chỉ định ở phụ nữ đang nuôi con bú.

3. Biện pháp phòng bệnh viêm xoang cho phụ nữ cho con bú

Viêm mũi xoang là căn bệnh có thể phòng ngừa được nếu bạn có một chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh. Những người có cơ địa dị ứng nên tự tìm hiểu xem mình bị dị ứng với loại thức ăn nào để phòng tránh. Ví dụ, nếu ăn tôm cua mà bạn bị ngứa mũi, hắt hơi nhiều,... thì nên dừng loại thức ăn đó. đồng thời, bạn nên đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, đặc biệt là tới những nơi có nhiều bụi bẩn, phấn hoa,...

Nếu xuất hiện tình trạng ngạt mũi, bạn nên nhanh chóng đi khám và dùng thuốc ngay theo chỉ định của bác sĩ, tránh tình trạng để lỗ thông mũi xoang bị tắc. Điều trị sớm sẽ tránh được những tiến triển nặng hoặc biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm xoang.

Có nhiều loại thuốc trị viêm xoang cho phụ nữ cho con bú. Căn cứ vào tình trạng bệnh và sức khỏe của từng người, bác sĩ sẽ có chỉ định dùng thuốc phù hợp. Khi sử dụng thuốc, người bệnh cần tuân thủ đúng theo lời khuyên của bác sĩ về liều dùng, cách dùng và thời gian dùng thuốc.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan