Viêm phế quản thể co thắt do ợ nóng ợ chua điều trị mãi không khỏi phải làm sao?

Hỏi

Chào bác sĩ! Cháu 18 tuổi, cháu bị viêm phế quản thể co thắt do ợ nóng ợ chua ,thì cháu không hiểu vì sao lại bị ợ nóng thế ạ, viêm phế quản giờ cháu còn bị thêm cả viêm họng hạt nữa, càng để lâu nó càng nảy sinh ra nhiều bệnh về họng, cháu đã đi viện và uống rất nhiều thuốc uống mật ong, gừng nhưng cháu không khỏi tí nào. Bác sĩ cho cháu hỏi, cháu bị viêm phế quản thể co thắt do ợ nóng ợ chua điều trị mãi không khỏi phải làm sao ạ? Rất mong bác sĩ giải đáp, cảm ơn bác sĩ!

Phùng Trang (2002)

Trả lời

Chào bạn, bác sĩ xin được giải đáp câu hỏi: “Viêm phế quản thể co thắt do ợ nóng ợ chua điều trị mãi không khỏi phải làm sao?” như sau:

Các triệu chứng của viêm phế quản, viêm họng hạt có thể là hậu quả của việc trào ngược dạ dày. Do vậy mà bạn đã đã đi viện và uống rất nhiều thuốc uống mật ong, gừng sẽ không giải quyết được nguyên nhân.

Ợ nóng là cảm giác nóng ở ngực, sau xương ức. Ợ nóng gây đau thường nặng hơn khi nằm xuống hoặc cúi xuống. Ợ nóng phổ biến và không gây ra vấn đề lớn. Hầu hết mọi người có thể tự quản lý những khó chịu của chứng ợ nóng với thay đổi lối sống và thuốc không kê đơn.

Các triệu chứng của chứng ợ nóng bao gồm: Cơn đau rát trong ngực thường xảy ra sau khi ăn và có thể xảy ra vào ban đêm. Đau nặng hơn khi nằm xuống hoặc cúi xuống.

Nguyên nhân: Chứng ợ nóng xảy ra khi acid dạ dày tràn vào thực quản. Thông thường khi nuốt, cơ vòng thực quản dưới - vòng tròn của cơ xung quanh phần dưới cùng của thực quản - thư giãn để cho phép thức ăn và chất lỏng chảy xuống dạ dày. Sau đó, nó đóng lại. Tuy nhiên, nếu các cơ vòng thực quản dưới giãn bất thường hoặc suy yếu, acid dạ dày có thể chảy ngược lại vào trong thực quản, gây ra chứng ợ nóng. Trào ngược acid là tồi tệ hơn khi cúi xuống hoặc nằm xuống.

Yếu tố nguy cơ:

  • Một số thực phẩm và thức uống có thể gây ra chứng ợ nóng ở một số người, bao gồm: Rượu, tiêu đen, sôcôla, cà phê, thực phẩm béo, thực phẩm chiên, sốt cà chua, mù tạt, nước cam, bạc hà cay, nước giải khát, dấm.
  • Người bị stress, trầm cảm, béo phì và đặc biệt là phụ nữ mang thai
  • Người hút thuốc và người gián tiếp hút thuốc
  • Thói quen sinh hoạt không điều độ, ăn đêm hoặc ăn sát giờ đi ngủ.
  • Một số loại thuốc trị bệnh khác gây ra như thuốc hen, thuốc cao huyết áp, thuốc chống trầm cảm, thuốc giảm đau, thuốc an thần...

Điều trị chứng ợ nóng: Ợ nóng thường kéo dài từ vài ngày đến một tuần . Chứng ợ nóng có thể chữa ngay tại nhà bằng các nguyên liệu dễ tìm như uống nước nha đam, trà gừng, ăn sữa chua, ăn táo hoặc chuối, nếu bị đau rát ngực thì nên hít thở sâu để thư giãn cơ thể. Ngoài ra, có thể dùng các loại thuốc khác acid, thuốc giảm sản xuất acid.. để giảm tình trạng ợ nóng. Điều trị chứng trào ngược axit và GERD: Dùng các loại thuốc để trung hòa axit như Tums, Rolaids, Pepto-Bismol và Mylanta; các chất làm giảm sản xuất axit như Pepcid, Zantac, và Tagamet. Thay đổi lối sống như ăn uống hợp lý, tránh các chất kích thích, sinh hoạt điều độ cũng là cách điều trị căn bệnh này.

Các biến chứng: Chứng ợ nóng xảy ra thường xuyên và ảnh hưởng thường ngày được xem là bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD). GERD có thể yêu cầu điều trị thuốc theo toa và đôi khi phẫu thuật hoặc các thủ tục khác. GERD cũng có thể gây biến chứng nghiêm trọng. Chứng ợ nóng là triệu chứng phổ biến nhất của trào ngược axit, vì vậy ta có thể hiểu đơn giản GERD bao hàm cả ợ nóng và trào ngược axit. GERD nếu không được chữa trị kịp thời gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm loét thực quản, thu teo hẹp ống thực quản làm người bệnh khó nuốt thức ăn hơn, viêm phổi hoặc viêm thanh quản hoặc có thể là ung thư.

Do vậy, bạn nên đến khám chuyên khoa Tiêu hóa để được kiểm tra có thể nội soi dạ dày tìm nguyên nhân và tư vấn điều trị.

Bạn có thể đến cơ sở y tế gần nhất hoặc Bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để được các bác sĩ thăm khám và tư vấn kỹ hơn. Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Được giải đáp bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Thị Hường - Bác sĩ đa khoa - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan