Mang thai 30 tuần bị rau bám thấp kèm đau bụng dưới có sao không?

Hỏi

Chào bác sĩ,

Em mang thai 30 tuần bị rau bám thấp. Rau bám mặt sau cách cổ tử cung 15mm. Trước đó lúc 27 tuần, em siêu âm rau bám cách cổ tử cung 16mm. Em không bị ra máu nhưng hay đau bụng vùng dưới. Vậy bác sĩ cho em hỏi mang thai 30 tuần bị rau bám thấp kèm đau bụng dưới có sao không? Em cảm ơn.

Khách hàng ẩn danh

Trả lời

Được giải đáp bởi Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Yến - Khoa sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Mang thai 30 tuần bị rau bám thấp kèm đau bụng dưới có sao không?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Nhau bám thấp là hiện tượng bất thường về vị trí bám của nhau thai. Tùy thuộc vào vị trí bám của bánh nhau mà có thể gây ra nhiều nguy hiểm đối với sản phụ và thai nhi. Nhau bám thấp là vị trí bánh nhau không bám ở đáy tử cung, mà một phần bánh nhau bám ở đoạn dưới của tử cung- nơi gần cổ tử cung. Nhau bám thấp có thể hết bám thấp khi tuổi thai lớn dần lên và tử cung phát triển về phía đáy, kéo theo bánh nhau lên cao. Vị trí bánh nhau bám có thể được cải thiện tốt hơn khi tuổi thai càng lớn và tử cung phát triển lớn lên kéo theo vị trí nhau về phía đáy tử cung.

Đặc điểm của rau tiền đạo: đột ngột sản phụ bị ra huyết không rõ nguyên nhân, không kèm theo đau bụng, máu ra đỏ tươi sau khi ra ngoài đông lại thành cục. Lượng máu ra thường ít trong những lần đầu, sau đó tình trạng ra huyết âm đạo có thể lặp lại nhiều lần và lần sau thường ra máu nhiều hơn lần trước. Trong trường hợp thai phụ đi lại nhiều, làm việc nặng, giao hợp... thì dễ bị ra máu hơn.

Nhau tiền đạo có thể dẫn đến nhiều nguy cơ cho mẹ và thai:

  • Nguy cơ cho mẹ: do tình trạng chảy máu lặp đi lặp lại trong suốt quá trình mang thai nên sản phụ thường bị thiếu máu, dễ bị sinh non, khi sinh có nguy cơ băng huyết rất cao dẫn đến sốc mất máu, đờ tử cung băng huyết thậm chí có trường hợp phải cắt bỏ tử cung để cầm máu...
  • Nguy cơ cho thai nhi: suy dinh dưỡng, thiếu máu bào thai, thai suy, đẻ non gây phổi kém phát triển dẫn đến dễ bị bệnh lý về phổi, ngôi thai bất thường do bị chặn bởi bánh nhau...

Với các dấu hiệu như của bạn mô tả thì bạn đang gặp tình trạng rau bám thấp. Mặc dù chưa ra máu nhưng nguy cơ ra máu trong 3 tháng cuối là rất cao. Nếu có dấu hiệu ra máu đỏ tươi lẫn máu cục, đau bụng... thì bạn cần phải đến cơ sở y tế ngay lập tức.

Nếu bạn còn thắc mắc về mang thai 30 tuần bị rau bám thấp, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

603 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan