Hỏi
Chào bác sĩ,
Vợ em đang mang thai mới 3 tuần mà thường xuyên bị đau bụng dưới dữ dội, chân nhức, đi lại rất khó khăn. Vậy bác sĩ cho em hỏi hay đau bụng dưới kèm nhức chân khi mang thai 3 tuần là bệnh gì? Em cảm ơn bác sĩ.
Nguyen Quoc Viet (1995)
Trả lời
Được giải đáp bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Nhất Nguyên - Khoa Sản Phụ Khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Chào bạn,
Với câu hỏi “Hay đau bụng dưới kèm nhức chân khi mang thai 3 tuần là bệnh gì?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:
Chắc hẳn các bà bầu không khỏi lo lắng khi thấy hiện tượng đau bụng dưới khi mang thai, tuy nhiên có rất nhiều nguyên nhân của tình trạng này. Không phải lúc nào tình trạng trên cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của người phụ nữ. Đau bụng do mang thai: Có thể đến từ những nguyên nhân không đáng lo ngại như táo bón, quá trình làm tổ của thai nhi, giãn dây chằng, đầy bụng, khó tiêu,...Tuy nhiên, đau bụng dữ dội khi mang thai cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề nguy hiểm có thể ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của mẹ và thai nhi như:
- Thai làm tổ trong buồng tử cung: Trong thời gian đầu mang thai, người phụ nữ sẽ có cảm giác đau lâm râm bụng dưới. Nguyên nhân chính là do thai đã bắt đầu vào tử cung và làm tổ trong buồng tử cung. Lúc này, bạn không cần quá lo lắng bởi vì tình trạng này chỉ xuất hiện trong khoảng 2 - 3 ngày rồi dần dần biến mất.
- Thai phụ ăn uống thiếu dinh dưỡng: Trong thời gian mang thai, bà bầu nên chú ý xây dựng một chế độ ăn uống phù hợp. Điều này giúp cho bạn có sức khỏe tốt đồng thời đảm bảo thai nhi hấp thụ được dinh dưỡng và phát triển bình thường. Một số mẹ bầu thường gặp phải tình trạng đau bụng dưới khi mang thai, nguyên nhân chính là do bạn chưa có chế độ ăn uống phù hợp. Kết quả là bạn bị chứng đau bụng dưới, đi kèm theo đó là hiện tượng táo bón. Theo nghiên cứu của các bác sĩ, khi người phụ nữ mang thai, tử cung chịu nhiều áp lực do thai nhi tác động. Điều này vô tình khiến cho bà bầu gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tiêu hóa. Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý tới việc lượng progesterone trong thời thai kỳ tăng cao hơn so với bình thường, chúng gây ra hiện tượng người phụ nữ tiêu hóa kém, hay bị đau bụng dưới.
- Thai phát triển bên ngoài tử cung: Bên cạnh đó, chúng ta không nên chủ quan nếu như thấy hiện tượng đau bụng dưới. Đây có thể là dấu hiệu thông báo người phụ nữ đang mang thai ngoài tử cung Một số nguyên nhân gây thai ngoài tử cung có thể kể đến như viêm nhiễm đường sinh dục, bất thường ở vòi tử cung (chít hợp vòi tử cung,...). Tốt nhất, trước khi mang thai chúng ta nên đi kiểm tra sức khỏe sinh sản để có các biện pháp điều trị phù hợp, tránh tình trạng mang thai ngoài tử cung. Một số triệu chứng chủ yếu khi thai phát triển bên ngoài tử cung có thể kể đến như: Người phụ nữ bị đau bụng dưới khi mang thai, kèm theo đó máu âm đạo.
- Bong nhau thai: Trong một số trường hợp, người phụ nữ gặp phải trường hợp bong nhau thai, cụ thể chúng sẽ bong ra khỏi tử cung khiến bạn cảm thấy rất đau đớn bởi vì tử cung dần trở nên căng cứng. Người phụ nữ không nên chủ quan trước tình huống này, bởi vì thông thường nhau thai chỉ bong sau khi bạn sinh em bé.
Cách giảm đau bụng khi có thai: Đối với người đau bụng do mang thai tháng đầu cần:
- Duy trì chế độ ăn giàu dinh dưỡng, ăn nhiều rau và trái cây để giảm cơn đau.
- Bổ sung khoáng chất đúng liều lượng theo đúng chỉ định của bác sĩ.
- Vận động thường xuyên, có thể tập các bài tập yoga cho bà bầu để làm giảm nhẹ cơn đau.
- Massage nhẹ nhàng, tắm nước nóng và hạn chế mặc quần áo bó sát.
- Uống nhiều nước hơn mỗi ngày, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn và thực phẩm chứa nhiều tinh bột vì chúng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ táo bón, gây đau bụng khó chịu.
- Kê chân bằng một chiếc ghế thấp khi ngồi.
- Không đứng quá lâu, cố gắng ngủ nhiều.
- Ăn chuối hoặc nho khô để bổ sung canxi, kali và nước.
Mang thai 3 tháng đầu là thời điểm nhạy cảm nhất trong suốt thai kỳ nên các cơn đau bụng trong giai đoạn này rất nguy hiểm, thai phụ nên đến viện kiểm tra sớm, tránh gặp phải những biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là những thai phụ có tiền sử sảy thai, sinh non, tiền sản giật. Thời gian đầu, chúng ta không nên nằm một chỗ quá lâu, tốt nhất bạn nên tập luyện một số bài thể dục nhẹ nhàng, thường xuyên vận động để duy trì sức khỏe. Đến giai đoạn cuối chuẩn bị sinh, thai phụ nên dành thời gian để nghỉ ngơi nhiều hơn, đặc biệt tránh vận động mạnh ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và của thai nhi. Thai phụ cũng nên chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để chào đón em bé.
Một số người bị đau bụng dưới khi mang thai là dấu hiệu thông báo tình trạng thai nhi không ổn định, ví dụ như người mẹ mang thai ngoài tử cung hoặc là bị bong nhau thai. Đây là những vấn đề cực kỳ nghiêm trọng và bạn nên đi kiểm tra bác sĩ càng sớm càng tốt.
Như vậy có rất nhiều nguyên nhân khiến người phụ nữ gặp tình trạng đau bụng dưới khi mang thai. Bạn cần xác định rõ lý do gây ra tình trạng trên để có thể đưa ra cách xử lý phù hợp nhất. Nếu bạn thấy có bất cứ dấu hiệu khác thường thì bạn hãy đi gặp bác sĩ để được xử lý kịp thời.
Nếu bạn còn thắc mắc về hay đau bụng dưới kèm nhức chân khi mang thai 3 tuần, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.
Trân trọng!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.