Tác giả: Nguyễn Đình Long1, Trần Bá Bách1, Đoàn Trung Hiệp2, Nguyễn Mạnh Hà2*, Nguyễn Văn Hân3, Nguyễn Trung Hiếu3.
Đơn vị: Khoa xạ trị – Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City.
Email: v.longnd1@vinmec.com; Địa chỉ: 458 Minh Khai, Hai bà trưng, Hà Nội
Tel: 024.3974.3556 (nhánh 1162); Mobile: 0908836588.
1 Kĩ sư xạ trị; 2Bác sĩ xạ trị, Trưởng khoa xạ trị-Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City; 2*Bác sĩ xạ trị; 3Kỹ thuật viên xạ trị
TÓM TẮT
Mục tiêu: So sánh các thông số liều lượng của các kế hoạch 3D-CRT, IMRT, VMAT trong xạ trị có kiểm soát nhịp thở cho ung thư vú trái.
Đối tượng và phương pháp: Hai mươi bệnh nhân đã phẫu thuật ung thư vú bên trái, có chỉ định xạ trị với kiểm soát nhịp thở tại khoa xạ trị Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City từ tháng 1/2018 đến tháng 3/2020. Mỗi bệnh nhân được lập lại các kế hoạch xạ trị với các kỹ thuật 3DCRT, IMRT và VMAT trên hệ thống lập kế hoạch Eclipse version 13.0 của hãng Varian (Mỹ). Thể tích điều trị PTV được chỉ định liều xạ trị 50Gy/25 phân liều và được normalization ở cùng một mức để việc đánh giá được chính xác. So sánh 3 kế hoạch của các bệnh nhân để đánh giá các chỉ số: V95, CI, HI, liều tới các cơ quan nguy cấp, số MU, thời gian điều trị.
Kết quả: Thể tích V95% của PTV trong kế hoạch VMAT (99.8±0.2%) và IMRT (99.7±0.1%) tốt hơn so với 3DCRT (99.1±0.5%, p<0.01). VMAT có chỉ số CI (0.998±0.01), HI (0.094±0.02) tốt hơn so với 3DCRT (CI=0.991±0.01; HI=0.116±0.02), và IMRT (CI=0.997±0.01; HI=0.110±0.02) (p<0.01). Liều trung bình (Dmean) tới phổi hai bên và phổi trái trong VMAT là thấp nhất (p<0.05). Khi so sánh với IMRT và VMAT: 3DCRT có liều V5Gy, V10Gy tới phổi hai bên và phổi trái thấp hơn, nhưng lại cao hơn ở V20Gy, V30Gy, V40Gy (p<0.05). Tương tự liều trung bình tới tim và vú phải của 3DCRT nhỏ hơn, nhưng ở các mức liều cao V20Gy, V30Gy, V40Gy lại cao hơn khi so sánh với IMRT và VMAT (p<0.01). Liều tới động mạch vành của VMAT (18.5±2.6Gy) nhỏ hơn khi so sánh với 3DCRT (46.5±2.5Gy) và IMRT (23±2.4Gy, p<0.01). Trong khi liều tới Tủy sống và chỏm xương cánh tay không khác nhau nhiều ở 3 kế hoạch (p>0.05). Số MU trung bình của kế hoạch IMRT là lớn nhất (2115±239 MU) so với của 3DCRT (550±45MU) và VMAT (565±71 MU). Thời gian điều trị của 3DCRT (3.3±0.2 phút) và VMAT (3.4±0.1 phút) là ít hơn so với IMRT (6.1±0.5phút) (p<0.01).
Kết luận: Các kế hoạch VMAT có chỉ số phù hợp, chỉ số đồng nhất, phân bố liều tới thể tích điều trị và giảm liều cao ở các cơ quan lành tốt hơn so với các kế hoạch 3D-CRT và IMRT. Các kế hoạch VMAT và 3D-CRT có thời gian điều trị và số MUs ít hơn so với kế hoạch IMRT.