Dấu hiệu bong điểm bám dây chằng chéo trước

Bong điểm bám dây chằng chéo trước là tổn thương hay gặp trong chấn thương khớp gối do tai nạn giao thông, chấn thương thể thao, tai nạn lao động... Khi khớp gối bị tác động bởi một lực quá mạnh khiến các dây chằng căng đột ngột, dẫn đến bong điểm bám dây chằng bên trong hoặc dây chằng chéo trước. Vậy bong nơi bám dây chằng chéo trước gối là gì?

1. Phân loại bong dây chằng chéo trước gối

Bong điểm bám dây chằng chéo trước khớp gối là tình trạng dây chằng chéo trước di chuyển ra khỏi diện bám ở đầu xương chày. Diện bám của dây chằng cấu tạo từ 2 phần mảnh sụn và xương dưới sụn. Do đó, bản chất chất của bong dây chằng chéo trước gối là một gãy xương kín hay gãy xương trong khớp.

Bong nơi bám dây chằng chéo trước gối được phân độ như sau:

  • Độ 1: Bong điểm bám dây chằng chéo trước không gây di lệch;
  • Độ 2: Bong dây chằng chéo trước gối kèm theo di lệch ít, vẫn còn gắn kết ở phía bờ sau;
  • Độ 3: Bong điểm bám dây chằng chéo trước di lệch hoàn toàn. Trong đó phần thành độ 3a (di lệch hoàn toàn) và 3b (di lệch hoàn toàn kèm di lệch xoay);
  • Độ 4: Mức độ nặng nhất khi điểm bám dây chằng chéo trước gãy nát, vừa di lệch hoàn toàn và vừa xoay trục.

Việc phân độ bong nơi bám dây chằng chéo trước gối sẽ giúp xác định biện pháp điều trị phù hợp. Các mức độ 1 và 2 có thể điều trị bảo tồn, từ mức độ 3 trở lên người bệnh cần được chỉ định điều trị phẫu thuật để khôi phục điểm bám về đúng vị trí giải phẫu ban đầu.

Đau nhức chân khi vận động sau bong điểm bám dây chằng phải làm sao?
Việc phân độ bong nơi bám dây chằng chéo trước gối sẽ giúp xác định biện pháp điều trị phù hợp

2. Dấu hiệu bong điểm bám dây chằng chéo trước

Các dấu hiệu của bong điểm bám dây chằng chéo trước thường khởi phát sau một chấn thương liên quan đến khớp gối. Giai đoạn đầu sau chấn thương, người bệnh chỉ có những triệu chứng đơn thuần như sưng phù, đau và hạn chế vận động gối.

Khi tình trạng sưng đau gối giảm dần, người bệnh sẽ xuất hiện các dấu hiệu đặc hiệu hơn của bong dây chằng chéo trước gối như cảm giác lỏng gối, bước đi không vững hay tập tễnh, cảm giác khó khăn khi chạy, xuống dốc hoặc xuống cầu thang. Một số trường hợp người bệnh hạn chế tầm vận động gối, không thực hiện động tác duỗi gối hoàn toàn...

Nghiệm pháp ngăn kéo trước có thể dương tính nhưng đa số không rõ như trường hợp đứt dây chằng chéo trước hoàn toàn.

Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh trong chẩn đoán bong điểm bám dây chằng chéo trước khớp gối bao gồm:

  • Chụp X quang thường quy tư thế thẳng và nghiêng: Hình ảnh trên phim X quang có thể phát hiện vị trí bong dây chằng chéo trước gối. Trong đó để xác định mức độ nghiêm trọng bác sĩ quan sát hình ảnh phim chụp X quang tư thế nghiêng. Tuy nhiên, một vấn đề cần lưu ý là diện bám của dây chằng chéo trước trên phim X quang luôn luôn nhỏ hơn diện bám thực vì phần sụn không nhìn thấy được trên phim X quang;
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): Hình ảnh trên phim CT giúp xác định mức độ nặng nhẹ của bong nơi bám dây chằng chéo trước gối;
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Phương pháp này có thể xác định các tổn thương khớp gối kèm theo như rách sụn chêm, bong sụn khớp, bong điểm bám dây chằng bên trong hay chéo sau...

3. Điều trị bong điểm bám dây chằng chéo trước

Bên cạnh mức độ bong dây chằng chéo trước gối, việc lựa chọn phác đồ điều trị tổn thương này còn tùy thuộc vào tình trạng mô mềm chèn vào giữa diện bám và các tổn thương khác của khớp gối kèm theo. Các biện pháp điều trị cần phải đạt được các mục đích sau

  • Đưa diện bám dây chằng chéo trước về đúng vị trí giải phẫu;
  • Đảm bảo chắc chắn không có mô mềm chèn vào giữa diện bám vì chúng sẽ cản trở khả năng liền xương;
  • Cố định đủ chắc vị trí bám dây chằng chéo trước, đảm bảo đủ cho khả năng vận động của bệnh nhân;
  • Không để lại di chứng cản trở duỗi gối hoàn toàn do chạm vào diện bám.

Lựa chọn phác đồ điều trị cụ thể như sau:

  • Độ 1: Người bệnh có thể điều trị bảo tồn bằng cách nẹp bột ống đùi cẳng chân, tư thế gối duỗi trong thời gian 4-6 tuần;
  • Độ 2: Bệnh nhân có thể điều trị bảo tồn tương tự bong dây chằng chéo trước gối độ 1 (phương pháp tương tự) hoặc phẫu thuật nội soi để khâu lại chỗ bám di lệch;
  • Độ 3, 4: Bệnh nhân không thể điều trị bảo tồn mà phải phẫu thuật để khâu lại vị trí bám của dây chằng chéo trước.

Hiện nay, phẫu thuật bong điểm bám dây chằng chéo trước có nhiều phương pháp khác nhau:

Phương pháp phẫu thuật truyền thống: Biện pháp này thường được chỉ định nhiều thời gian trước đây. Bệnh nhân phải mổ hở khớp gối, sau đó bắt vít hoặc găm kim cố định diện bám dây chằng.

Tuy nhiên phương pháp mổ hở có nhiều nhược điểm như tổn thương bao khớp và các thành phần quanh khớp, khả năng cao nhiễm trùng hậu phẫu, người bệnh thường đau nhiều và quá trình hồi phục sau mổ diễn ra chậm.

Bên cạnh đó, trường hợp bong nơi bám dây chằng chéo trước gối quá nặng (độ 4), diện bám gãy thành nhiều mảnh nhỏ nên không thể bắt vít, găm kim hoặc nguy cơ cao xảy ra tình trạng trôi kim vào khớp khi người bệnh vận động trở lại sau điều trị;

Phẫu thuật nội soi khớp gối khâu lại diện bám bằng chỉ thép hoặc chỉ không tan. Nội soi là phương pháp hiện đại, có ưu điểm là ít xâm lấn, chỉ cần rạch da khoảng 0.5cm để đưa dụng cụ vào, do đó hạn chế tối đa tổn thương phần mềm và nguy cơ nhiễm trùng sau mổ, đồng thời khả năng phục hồi cũng nhanh.

Nội soi có thể được chỉ định cả cho trường hợp diện bám dây chằng gãy phức tạp. Đồng thời, trong quá trình nội soi khâu diện bám, bác sĩ phẫu thuật có thể xử lý những tổn thương kèm theo như rách sụn chêm, bong điểm bám dây chằng bên trong hay dây chằng chéo, tổn thương sụn khớp... Thời gian thực hiện của mỗi lần nội soi điều trị bong dây chằng chéo trước gối chỉ khoảng 60 phút.

bong điểm bám dây chằng chéo trước
Phẫu thuật bong điểm bám dây chằng chéo trước

4. Một số lưu ý sau điều trị bong điểm bám dây chằng chéo trước

Sau khi điều trị bong điểm bám dây chằng chéo trước, bệnh nhân sẽ gặp phải một số dấu hiệu như:

Một số bệnh nhân than phiền vẫn còn cảm giác đau nhức sau 1 tháng phẫu thuật bong điểm bám dây chằng chéo trước, tuy nhiên hiện tượng này là hoàn toàn bình thường. Bong nơi bám dây chằng chéo trước gối bản chất vẫn là một loại gãy xương, do lực kéo căng quá mức khiến diện mảnh dây chằng bong ra khỏi thân xương nên 1 tháng đau nhức chính là giai đoạn xương đang lành lại chưa hoàn toàn.

Cứng khớp gối: Đây là dấu hiệu một số người bệnh có thể gặp. Nguyên nhân của tình trạng là do bác sĩ yêu cầu người bệnh bất động chân bệnh bằng cách mang nẹp cố định một thời gian. Sau thời gian bất động chi, các khối máu tụ (nơi diện bám bong ra gây chảy máu và đông lại) tạo thành các sợi dây dính trong bao khớp, kèm các phản ứng viêm sau tổn thương sẽ khiến gối co rút lại và gây cứng khớp sau mổ;

Teo cơ vùng đùi: Sau phẫu thuật người bệnh cần bất động chân một thời gian nên các cơ vùng đùi dĩ nhiên hoạt động ít và sẽ bị teo đi. Điều này dẫn đến sức mạnh các cơ này suy giảm, chân bệnh sẽ yếu hơn chân lành, một số trường hợp người bệnh còn chỉ có thể nâng chân khỏi mặt giường khoảng 9-11cm.

Về chương trình tập luyện phục hồi sau điều trị bong dây chằng chéo trước gối: Tùy thuộc vào các yếu tố như chất lượng phẫu thuật, cơ địa và khả năng chịu đựng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ hướng dẫn các bài tập khác nhau. Tuy nhiên mục đích chung vẫn là giúp người bệnh phục hồi chức năng vận động chân tổn thương trong thời gian sớm nhất cùng chất lượng tốt nhất. Quá trình phục hồi có thể cá thể hóa nhưng đa phần các bài tập đều có các nguyên tắc chung như:

  • Tập gồng cơ tại chỗ để phục hồi sức cơ, hạn chế tối đa tình trạng teo cơ và hỗ trợ thực hiện các động tác phục hồi chức năng dễ dàng hơn;
  • Bong điểm bám dây chằng chéo trước yêu cầu các bài tập phục hồi biên độ khớp phải hợp lý về mặt thời gian, vừa không quá muộn (gây cứng gối không hồi phục) vừa không quá sớm (tăng nguy cơ bong điểm bám tái phát);

Để đảm bảo khả năng phục hồi sau mổ tốt nhất, người bệnh nên đến các bệnh viện, cơ sở y tế có các trang thiết bị hiện đại, đội ngũ kỹ thuật viên chuyên nghiệp để được hướng dẫn, đảm bảo khả năng phục hồi chức năng vận động tốt nhất.

Một số thời điểm trong quá trình phục hồi chức năng người bệnh cần lưu ý:

  • Sau phẫu thuật, người bệnh bất động bằng nẹp bột trong 3 tuần đầu, lúc này cần tập gồng cơ tại chỗ và sử dụng 2 nạng hỗ trợ di chuyển, cố gắng hạn chế lực nhiều lên chân tổn thương;
  • Sau 3 tuần, người bệnh tháo bột và chuyển sang các bài tập chủ động khớp gối để sớm phục hồi biên độ vận động khớp, tăng sức mạnh cho cơ đùi;
  • Sau thời gian mổ 3 tháng, người bệnh hoàn toàn có thể chạy trên mặt phẳng hoặc lên xuống cầu thang;
  • Sau phẫu thuật nội soi khớp gối khâu lại diện bám 6 tháng có thể chơi thể thao trở lại.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

15.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan