Chấn thương vai khi chơi cầu lông

Vai là bộ phận rất quan trọng trong cơ thể khi tham gia vào bất cứ bộ môn thể thao nào, đặc biệt là những môn dùng vợt như cầu lông. Do đó, việc chấn thương vai khi chơi cầu lông thường không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, việc có kiến thức để xử trí các chấn thương vai đúng cách khi chơi cầu lông là cần thiết để vận động viên có thể hạn chế các chấn thương nặng, gây ảnh hưởng lâu dài đến khả năng vận động.

1. Nguyên nhân gây chấn thương vai khi chơi cầu lông

Trong tất cả các khớp trên cơ thể thì vai có phạm vi chuyển động lớn nhất, do được cấu trúc để có độ linh hoạt tuyệt đối. Tuy nhiên điều này cũng có nghĩa là khớp vai có nguy cơ mất ổn định khá cao. Đây chính là nguyên nhân làm tăng khả năng chấn thương khớp vai, thoái khoá khớp khiến các mô bị phá vỡ và không còn hoạt động tốt gây ra những tổn thương trong quá trình tập luyện và thi đấu bộ môn như cầu lông.

Một số nguyên nhân gây ra đau khớp vai khi chơi cầu lông gồm có:

  • Do cường độ tập luyện: Nếu phải vận động liên tục với cường độ cao, các cơ chóp xoay, gân, ổ khớp phải vận động mạnh trong thời gian dài không ngừng nghỉ sẽ dẫn đến chấn thương. Nguyên nhân này thường gặp ở các vận động viên chuyên nghiệp có tần suất luyện tập và thi đấu cao.
  • Thực hiện sai kỹ thuật: Các lỗi như đưa hai tay lên xuống thường xuyên vô thức, xoay và đánh trở cánh tay liên tục, dồn lực vào chân có thể dẫn tới các chấn thương tay và vai. Các cơn đau có thể là cấp tính hoặc lâu dài hình thành thói quen không đúng tư thế, làm tăng nguy cơ gặp phải đau khớp vai trong tương lai. Nguyên nhân này thường gặp ở những người mới chơi cầu lông hoặc tự tập không đúng phương pháp.
  • Do té ngã, va đập: Chấn thương vai cũng có thể đến từ việc té ngã khi chạy, va chạm với đồng đội dẫn tới các tác động vật lý mạnh lên vùng vai. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến dẫn tới đau vai khi chơi cầu lông.
  • Do bệnh lý: Vận động viên khi mắc các bệnh về cơ, xương khớp như viêm quanh khớp vai, thoái hoá khớp hoặc chấn thương cũ thì việc chơi lại cầu lông có thể làm nặng thêm tình trạng này.

2. Các chấn thương vai thường gặp khi chơi cầu lông

Một số chấn thương vai thường gặp khi chơi cầu lông cần phải lưu ý gồm:

  • Giãn, rách dây chằng bao khớp: vận động quá mạnh khi chơi cầu lông có thể khiến dây chằng và bao khớp vai bị tổn thương, rách và khớp lỏng lẻo dẫn tới các cơn đau dữ dội;
  • Viêm, rách gân cơ xoay: Có thể gây ra chứng đau vai cấp và mãn tính làm hạn chế sự vận động của vai. Nếu để lâu thậm chí còn gây mất chức năng vận động của vùng vai và cánh tay;
  • Chấn thương cơ chóp xoay: Chức năng chính của cơ chóp xoay là kết nối các xương trong khớp vai lại với nhau, tạo điều kiện cho khớp vai được hoạt động dễ dàng. Vì vậy, nếu cơ chóp xoay bị tổn thương sẽ khó lòng mà di chuyển tay hoặc nhấc tay lên xuống được;
  • Rách gân: Là một trong những chấn thương vai phổ biến khi chơi cầu lông, thường xảy ra ở vận động viên chuyên nghiệp hoặc người đã có tuổi do lão hoá.

3. Xử trí chấn thương vai khi chơi cầu lông như thế nào?

Để xử trí các chấn thương vai khi chơi cầu lông, vận động viên cần chú ý một số phương pháp sau:

  • Chườm nóng và chườm lạnh: Là phương pháp khá hiệu quả để thư giãn cơ, giảm đau và chống sưng viêm;
  • Nghỉ ngơi và giảm cường độ tập luyện: Có một tỷ lệ lớn các chấn thương vai khi chơi cầu lông là luyện tập quá sức. Do đó việc dành thời gian nghỉ ngơi để cân bằng cơ thể là vô cùng cần thiết để tránh chấn thương;
  • Sử dụng thuốc giảm đau theo đơn của bác sĩ: Tuyệt đối không nên lạm dụng hay tự ý sử dụng thuốc mà không có lời khuyên của chuyên gia;
  • Thực hiện các bài tập dành cho người bị đau vai: Các bài tập nhẹ nhàng nhưng hiệu quả có thể giúp thư giãn cơ bắp, vận động nhẹ vùng khớp vai để hạn chế cứng khớp;
  • Phẫu thuật: Các trường hợp nặng bệnh nhân có thể cần được chỉ định phẫu thuật, đặc biệt là các trường hợp đứt, rách cơ hay tổn thương nặng.

4. Phòng ngừa chấn thương vai khi chơi cầu lông như thế nào?

Để phòng tránh đau khớp vai khi chơi cầu lông, vận động viên có thể áp dụng các biện pháp sau:

  • Khởi động kỹ trước khi chơi cầu lông dù cho là tập luyện hay thi đấu;
  • Tránh tập luyện sai kỹ thuật, tốt nhất là có người theo dõi và chỉnh sửa động tác đối với người mới tham gia;
  • Không thực hiện các động tác quá sức, liên tục, thường xuyên khiến khớp vai chịu áp lực và gặp chấn thương;
  • Khi có nguy cơ đau, ngừng tập và thả lỏng khớp vai, nên nghỉ ngơi, thư giãn và không làm việc nặng;
  • Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ giảm lực trên vai;
  • Xây dựng chế độ tập luyện và nghỉ ngơi hợp lý;
  • Bổ sung dinh dưỡng phù hợp để tăng cường thể trạng.

Tóm lại, có nhiều nguyên nhân gây ra chấn thương vai khi chơi cầu lông. Do đó, việc xử trí và phòng ngừa chấn thương khớp vai khi chơi thể thao nói chung là rất quan trọng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan