Cách chăm sóc sau mổ bắt vít cột sống

Người bệnh sẽ trở nên rất yếu và không thể thực hiện được các hoạt động sinh hoạt bình thường sau khi thực hiện mổ bắt vít cột sống. Chính vì vậy họ sẽ cần đến người thân, bác sĩ chăm sóc phục hồi. Vậy cách chăm sóc sau mổ bắt vít cột sống như nào là tốt nhất cho người bệnh?

1. Tìm hiểu chung về mổ bắt vít cột sống

Mổ bắt vít cột sống là thủ thuật mà bác sĩ phẫu thuật sẽ thực hiện một vết mổ nhỏ và đưa các dụng cụ chuyên khoa tới phần cột sống bị tổn thương để thực hiện các thao tác loại bỏ, thay thế những mô đã bị hư tổn.

Chỉ định cho những trường hợp sau: Người bị chấn thương cột sống, trượt đốt sống, mất vững cột sống, hẹp ống sống

Ngay sau khi kết thúc phẫu thuật khoảng 2 đến 4 ngày, người bệnh có thể được về nhà. Tuy nhiên, lúc này chưa thể đi lại luôn mà sẽ vẫn phải tiếp tục nghỉ dưỡng để cơ thể thúc đẩy quá trình hồi phục của vết mổ

Thông thường, người bệnh sẽ mất khoảng từ 4 đến 6 tuần để có thể trở lại thực hiện những công việc nhẹ và mất tới 3 tháng hoặc lâu hơn để có thể thực hiện những công việc lao động nặng. Thời gian phục hồi của người bệnh còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như: loại phẫu thuật đã thực hiện, thể trạng sức khỏe và đặc biệt là cách chăm sóc sau khi phẫu thuật.

2. Cách chăm sóc sau mổ bắt vít cột sống

2.1 Chăm sóc tại bệnh viện

Xử lý tác dụng phụ của thuốc gây mê: gây mê là một thủ thuật được tiến hành trước khi bắt đầu phẫu thuật. Vì vậy, sau khi cuộc phẫu thuật kết thúc, người bệnh sẽ gặp phải một số tác dụng phụ của thuốc như: mạch nhanh, đau đầu, rét run... Với những trường hợp này, người bệnh cần được theo dõi cẩn thận và thực hiện các phương pháp giảm đau theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu cần thiết, có thể sẽ được cân nhắc sử dụng Corticoid.

Làm giảm đau sau khi phẫu thuật: sau 24 - 48h thức dậy sau khi phẫu thuật, người bệnh sẽ bắt đầu cảm nhận được các cảm giác đau nhức, khó chịu tại vị trí mổ. Trong khoảng thời gian này, người bệnh sẽ được chỉ định sử dụng các loại thuốc giảm đau, kháng viêm. Đồng thời, người thân, bạn bè cần động viên, chia sẻ với người bệnh nhiều hơn để giúp họ phân tán sự tập trung vào cơn đau ở vết mổ, giúp thúc đẩy quá trình phục hồi trở nên nhanh hơn.

Xử lý hiện tượng chướng bụng sau khi phẫu thuật: một số trường hợp người bệnh sẽ có triệu chứng bụng chướng căng, gây ra cảm giác tức thở và khó chịu. Với trường hợp này, người bệnh có thể chườm nóng, xoa nhẹ lên bụng hình vòng tròn theo chiều kim đồng đồ, hạn chế ăn uống cho đến khi có thể trung tiện được. Nếu quá khó chịu, người bệnh có thể được chỉ định dùng thuốc kích thích nhu động ruột, đặt sonde hậu môn và sonde dạ dày.

Chăm sóc vết mổ:

  • Người bệnh cần được nằm trên đệm có độ cứng vừa phải, gối kê thấp, hạn chế vận động trong vòng 24 giờ để vết mổ có thể ổn định hơn.
  • Vết mổ cần được thay bằng 2 ngày/lần và được thực hiện bởi nhân viên y tế. Nếu vết mổ tiến triển tốt, không có những triệu chứng bất thường thì có thể tiến hành cắt chỉ sau 7-10 ngày.
  • Cần phải theo dõi và kiểm tra thường xuyên vết mổ, nếu thấy có những tình trạng bất thường như tụ máu vết mổ, thấm dịch của vết mổ, tấy đỏ, ... thì cần phải thông báo ngay cho bác sĩ để sớm được khắc phục.

Chế độ ăn uống sau khi mổ: với những trường hợp khác nhau thì bác sĩ sẽ quyết định thời gian nuôi dưỡng đường tĩnh mạch cho người bệnh. Thông thường, khi đã trung tiện được thì sẽ có thể uống nước hoặc ăn nhẹ như cháo, súp, sữa. Sau đó, chế độ ăn của người bệnh cần đầy đủ dinh dưỡng, không được ăn kiêng, bổ sung nhiều đạm, rau và chuối chín, khoai lang luộc và uống đủ 1,5-2 lít nước/ngày.

Vận động trong những ngày đầu sau khi mổ: người bệnh phải tuân thủ một số hạn chế hoạt động cơ bản như sau:

  • Không uốn cong lưng: người bệnh có thể gập người ở đầu gối và hông, tuy nhiên tuyệt đối không được làm cong lưng
  • Không nâng: không nên nâng bất cứ vật gì nặng trên 3kg
  • Không xoắn: tránh thực hiện những hoạt động liên quan đến việc vặn cột sống ở trong giai đoạn này

2.2 Chăm sóc tại nhà

Sau khi thực hiện ca mổ, người bệnh vẫn còn yếu và cần phải được chăm sóc đặc biệt để có thể phục hồi nhanh chóng, hạn chế xuất hiện những di chứng để lại sau. Tuy nhiên, người chăm sóc cần phải có được sự hiểu biết nhất định khi chăm sóc người bệnh và cần ghi nhớ một số lưu ý sau:

Đeo nẹp cột sống thắt lưng:

  • Giúp cho người bệnh cảm thấy tự tin hơn khi thực hiện động tác đứng dậy hoặc đi lại và giúp người bệnh ý thức hơn trong việc gìn giữ, tránh thực hiện các động tác quá mức. Đồng thời, việc đeo nẹp cột sống thắt lưng còn như một cách thông báo cho mọi người xung quanh biết rằng bản thân đang có vấn đề về cột sống nên sẽ hạn chế được các động tác va chạm nguy hiểm.
  • Tuy nhiên, việc đeo nẹp sẽ do bác sĩ chỉ định và thường duy trì trong khoảng 3 tháng sau khi mổ. Bên cạnh đó, người chăm sóc cần nhắc nhở người bệnh không nên quá lạm dụng đeo nẹp, vì có thể sẽ làm ảnh hưởng đến các khối cơ cạnh cột sống, khiến cho cột sống có cảm giác yếu hơn sau khi tháo nẹp.

Sử dụng thuốc: Sau khi đã xuất viện trở về nhà, người bệnh cũng sẽ vẫn phải tiếp tục sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ đã kê, gồm các loại như: kháng viêm, giảm đau, thuốc phục hồi xương khớp, thuốc bôi... . Người chăm sóc cần phải theo dõi cẩn thận và nhắc nhở người bệnh uống thuốc đúng giờ và đi tái khám đúng thời gian.

Dinh dưỡng cho người bệnh: người chăm sóc cần đưa ra một thực đơn ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, ưu tiên sử dụng các loại thực phẩm có chứa nhiều vitamin D, canxi, tăng cường ăn rau xanh, các loại trái cây... tốt cho quá trình phục hồi của xương khớp. Cần hạn chế sử dụng các loại đồ ăn nhanh, đồ ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, các loại chất kích thích như rượu, bia, ...

Vận động sinh hoạt: sau khi phẫu thuật người bệnh thường sẽ có tâm lý e ngại vận động. Vì vậy, người chăm sóc cần phải động viên, khích lệ họ chịu khó đi lại nhẹ nhàng, tránh nằm im bất động một chỗ trong khoảng thời gian dài. Tuyệt đối không được cho người bệnh nằm ngủ trên võng, sofa hoặc những nơi không có điểm tựa nhất định, người bệnh chỉ nên nằm ở giường có đệm phù hợp. Khi tắm rửa, người bệnh sẽ không cần phải băng vết mổ nếu không thấy có chất dịch chảy ra, nên tắm rửa bằng vòi hoa sen để hạn chế ngâm vết mổ trong nước quá lâu. Sau khi tắm xong, người chăm sóc giúp người bệnh thấm khô vết mổ và bôi thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ trước đó.

Sau khoảng 6 tháng thực hiện ca mổ, người bệnh có thể chơi được một số bộ môn thể thao nhẹ nhàng như: đạp xe, đi bộ, bơi lội, thực hiện các bài tập giúp phục hồi cột sống, ...

Hy vọng với những thông tin chia sẻ trên sẽ giúp cho người đọc có thêm được các kiến thức trong việc chăm sóc sau mổ bắt vít cột sống ở những người bị thoái hóa cột sống lưng. Động viên, khích lệ tinh thần, uống thuốc, kiêng khem và vận động đúng cách sẽ giúp cho vết mổ mau lành và sức khỏe của người bệnh sẽ nhanh chóng được phục hồi, trở về trạng thái khỏe mạnh bình thường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan