CẤP CỨU BỆNH NHÂN NGỪNG TIM ĐỘT NGỘT

Ngừng tim đột ngột (SCA) là tình trạng quả tim ngừng hoạt động đột ngột do rối loạn nhịp tim. Nạn nhân mất ý thức, ngừng thở và ngưng tuần hoàn. Nếu không điều trị ngay lập tức, ngừng tim có thể dẫn đến tử vong.

Ngừng tim là một thuật ngữ không giống nhồi máu cơ tim. Nhồi máu cơ tim xảy ra khi dòng cấp máu cho một phần của cơ tim bị tắc nghẽn, còn ngừng tim là do hoạt động điện học của tim bị rối loạn. Tuy nhiên, nhồi máu cơ tim cũng có thể gây ra sự thay đổi trong hoạt động điện học của tim và dẫn đến ngừng tim.

Các triệu chứng của ngừng tim xảy ra rất đột ngột và nghiêm trọng, bao gồm:

  • Ngất xỉu
  • Không có mạch
  • Ngừng thở
  • Mất ý thức

Ngừng tim có thể xảy ra đột ngột trên một quả tim hoàn toàn khoẻ mạnh như trong các tai nạn do điện giật, đuối nước, sốc phản vệ, đa chấn thương... Nếu không cấp cứu kịp thời, ngừng tuần hoàn hô hấp sẽ gây ra biến chứng tử vong hoặc để lại những di chứng nặng nề như tổn thương não vĩnh viễn.

Điều trị khẩn cấp cho trường hợp ngừng tuần hoàn bao gồm hồi sức tim phổi (CPR) và sốc điện bằng một thiết bị khử rung ngoài lồng ngực tự động (AED). Có thể cứu sống nạn nhân nếu được chăm sóc y tế nhanh chóng, thích hợp.

Nếu bạn thấy ai đó bất tỉnh và ngưng thở, hãy gọi 115 hoặc các dịch vụ cấp cứu. Sau đó hãy bắt đầu hồi sinh tim phổi với các động tác nhấn ngực và hô hấp nhân tạo. Sử dụng thiết bị AED, nếu có sẵn. Thời gian vàng để hồi sinh tim phổi là trong vòng 4-5 phút sau khi xảy ra ngừng tim. Có thể sử dụng nguyên tắc DRSCAB - là nguyên tắc về thứ tự thực hiện sơ cấp cứu ban đầu đối với nạn nhân, bao gồm:

D - Danger: Phát hiện nguy hiểm của hiện trường đối với người cứu hộ, nạn nhân và người xung quanh

R - Response: Kiểm tra đáp ứng, tri giác của nạn nhân

S - Send: Gọi hỗ trợ. Có thể bật chế độ loa ngoài để trao đổi thông tin và được hướng dẫn liên tục khi đang hỗ trợ nạn nhân.

C – Circulation: đánh giá tuần hoàn dựa vào bắt mạch ngoại vi ở vùng cổ hay vùng bẹn, thực hiện nhấn ngực nếu nạn nhân không bắt được mạch

A - Airway: Đảm bảo thông thoáng đường thở

B - Breathing: Kiểm tra và hỗ trợ hô hấp

Ngừng tim có thể gây tử vong nếu kéo dài hơn 8 phút mà không thực hiện hô hấp nhân tạo. Tổn thương não có thể xảy ra chỉ sau chưa đầy 5 phút. Các số liệu thống kê cho thấy có tới gần 9/10 người sống sót sau khi ngừng tim bị tổn thương não vĩnh viễn do thiếu oxy, và chỉ có khoảng 11% những người bị ngừng tim bên ngoài bệnh viện và nhận được điều trị khẩn cấp, giữ được tính mạng và xuất viện về nhà. Khoảng 26% những người bị ngừng tim trong bệnh viện sống sót và về nhà. [1]

Tại phòng cấp cứu

Khi người bệnh được đưa đến phòng cấp cứu, nhân viên y tế sẽ tiến hành hồi sinh tim phổi nâng cao (ACLS) bằng cách liên tục nhấn ngực, dùng máy khử rung tim nếu có chỉ định, bóp bóng, đặt ống nội khí quản để kiểm soát đường thở, thở máy để hỗ trợ hô hấp. Ngoài ra, bác sĩ sẽ dùng các loại thuốc để kích thích tim đập trở lại và duy trì huyết áp, truyền dịch để đảm bảo thể tích lòng mạch và điều chỉnh các rối loạn toan kiềm, điện giải, các rối loạn nhịp tim trong suốt quá trình cấp cứu.

Ngừng tuần hoàn nếu được cấp cứu kịp thời và hiệu quả, tim bệnh nhân có thể đập trở lại, nhưng sau một cú sốc lớn như vậy, tình trạng bệnh nhân chắc chắn vẫn còn rất nặng, cần được theo dõi và hồi sức tại phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) với các thiết bị máy móc hỗ trợ và các kỹ thuật chuyên sâu như hạ thân nhiệt chỉ huy, lọc máu liên tục, theo dõi huyết động xâm lấn.

Có thể nói rằng, việc nhanh chóng được hồi sinh tim phổi và tiến hành đưa người bị nạn đến bệnh viện càng nhanh càng tốt sau cơn ngừng tim, là một điều tối quan trọng và có tính chất cứu mạng.

Để bảo vệ sức khỏe tim mạch nói chung và phát hiện sớm dấu hiệu của nhồi máu cơ tim và đột quỵ, khách hàng có thể đăng ký Gói Sàng lọc Tim mạch - Khám Tim mạch cơ bản của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec. Gói khám giúp phát hiện sớm nhất các vấn đề tim mạch thông qua các xét nghiệm và các phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại. Gói khám dành cho mọi độ tuổi, giới tính và đặc biệt rất cần thiết cho những người có yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch như tuổi cao, hút thuốc lá, tiểu đường, béo phì, lối sống ít vận động hoặc có người thân trong gia đình cũng mắc bệnh lý tim mạch.

Hướng dẫn cấp cứu ngừng tuần hoàn cơ bản cho người lớn (theo AHA 2015)

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

62 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec