12 nguyên nhân gây chậm kinh thường gặp ở chị em

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BSCKI Lê Thị Phương - Khoa Phụ Sản, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Tình trạng kinh nguyệt “trễ hẹn” tuy là một hiện tượng khá phổ biến nhưng không ít chị em không nắm được nguyên nhân thực sự do đâu để phòng tránh và chữa trị kịp thời. Là chuyên gia sản phụ khoa với hơn 29 năm kinh nghiệm, BS Lê Thị Phương (Bệnh viện Vinmec Hạ Long) sẽ lý giải nguyên nhân gây chậm kinh và cách khắc phục tình trạng này.

1. Hiện tượng chậm kinh nguyệt là gì?

Chậm kinh (hay trễ kinh) là biểu hiện của chu kỳ kinh nguyệt bất thường ở phụ nữ, là hiện tượng khi đến kỳ hành kinh nhưng vẫn chưa xuất hiện kinh nguyệt. Chu kỳ kinh nguyệt bình thường được tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh đến ngày đầu tiên của kỳ kinh tiếp theo, một chu kỳ kinh nguyệt khỏe mạnh có thể dao động từ 21 đến 35 ngày, trung bình chu kỳ kinh nguyệt khoảng 28 - 30 ngày.Thông thường, nếu quá 35 ngày tính từ ngày hành kinh mà vẫn chưa có kinh nguyệt trở lại thì gọi là chậm kinh.

Thật ra, tình trạng chậm kinh nguyệt rất thường gặp đối với đa số chị em phụ nữ, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ nguyên nhân gây ra hiện tượng này là gì.

2. Tìm hiểu 12 nguyên nhân chậm kinh nguyệt

Thực tế, không phải cứ chậm kinh là sẽ có thai. Có thể nói, hiện tượng kinh nguyệt là “tấm gương” phản ánh phần nào tình trạng sức khỏe của người phụ nữ. Điều đó có nghĩa là, những vấn đề về kinh nguyệt (trong đó có hiện tượng chậm kinh) đều có sự liên quan chặt chẽ đến tình trạng sức khỏe hiện tại của cơ quan sinh sản cũng như toàn bộ cơ thể của chị em. Theo các bác sĩ tại Vinmec, chậm kinh thường bắt nguồn từ 12 nguyên nhân sau:

2.1. Dấu hiệu mang thai

Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của hiện tượng chậm kinh là mang thai. Thông thường, trong một vòng kinh nguyệt, lớp niêm mạc bên trong tử cung sẽ dần dần dày lên để chuẩn bị cho trứng thụ tinh vào làm tổ. Theo sinh lý bình thường của phụ nữ, nếu không xảy ra hiện tượng trứng và tinh trùng gặp nhau, quá trình thụ thai không bắt đầu, cơ thể sẽ tự loại bỏ lớp niêm mạc này, gây hiện tượng ra máu (gọi là hành kinh). Lúc này, một chu kỳ kinh nguyệt mới lại bắt đầu. Như vậy, nếu xuất hiện kinh nguyệt tức là người phụ nữ không mang thai.

Dấu hiệu mang thai là nguyên nhân gây chậm kinh phổ biến.

Ngược lại, trường hợp trứng được thụ tinh và làm tổ bên trong tử cung, lúc này lớp niêm mạc không bong ra mà sẽ tiếp tục được nuôi dưỡng để bắt đầu quá trình phát triển của thai nhi. Chính vì vậy, trong suốt quá trình mang thai, người phụ nữ sẽ không xuất hiện kinh nguyệt. Như vậy, hiện tượng chậm kinh rất có thể là dấu hiệu mang thai sớm. Tuy nhiên, để biết chính xác nguyên nhân chậm kinh có phải do mang thai hay không, bạn chỉ cần sử dụng que thử thai là có thể xác định được.

Dấu hiệu mang thai là nguyên nhân gây chậm kinh phổ biến
Dấu hiệu mang thai là nguyên nhân gây chậm kinh phổ biến.

2.2 Cho con bú

Phụ nữ có thể có kinh ít, chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc vô kinh trong suốt thời gian cho con bú, nhất là cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ. Vì thế nhiều chị em nghĩ rằng việc cho con bú là một phương pháp tránh thai.

Mặc dù khi cho con bú mẹ ít có khả năng mang thai hơn, tuy nhiên trong thời gian này vẫn có thể diễn ra sự rụng trứng, nghĩa là vẫn có khả năng thụ thai nếu diễn ra quan hệ tình dục. Nếu không muốn mang thai lặp lại quá sớm, tốt nhất mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn sử dụng phương pháp ngừa thai phù hợp.

2.3. Giảm cân quá mức

Nếu đang trong quá trình giảm cân, bạn có thể bị trễ kinh hoặc thậm chí là mất kinh. Chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) đạt dưới 19 có vẻ rất lý tưởng với đa số chị em, nhưng nếu bạn giảm cân quá đột ngột, cơ thể sẽ rơi vào trạng thái “lỡ nhịp” và tình trạng chậm kinh có thể xảy ra. Bởi vì, trong một chu kỳ kinh nguyệt, cơ thể bạn cần sản xuất đủ lượng estrogen để xây dựng nên lớp niêm mạc tử cung. Việc giảm cân quá mức và giảm bổ sung calo có thể ảnh hưởng đến vùng dưới đồi, cơ quan chịu trách nhiệm điều chỉnh các quá trình khác nhau trong cơ thể bao gồm cả chu kỳ kinh nguyệt. Và vì vậy, cơ thể sẽ không sản xuất đủ estrogen cần thiết cho kỳ kinh nguyệt. Điều này là nguyên nhân gây ra chậm kinh. Trường hợp nặng, những người giảm cân cấp tốc thậm chí sẽ không xuất hiện kinh nguyệt.

Như vậy, bạn cần phải thực hiện chế độ giảm cân một cách an toàn và khoa học. Bạn nên tham khảo ý kiến chuyên môn của bác sĩ, tránh các biện pháp giảm cân cấp tốc hoặc các thực phẩm giảm cân không rõ nguồn gốc.

2.4. Tăng cân đột ngột, thừa cân hoặc béo phì

Ngược lại, tăng cân quá nhanh hoặc béo phì cũng là nguyên nhân chậm kinh ở phụ nữ. Điều này khiến cho cơ thể sản xuất quá nhiều estrogen trong thời gian ngắn, làm cho lớp nội mạc tử cung phát triển quá mức và trở nên không ổn định, có thể làm ngừng kỳ kinh nguyệt hoàn toàn một thời gian dài.Trường hợp này, các chị em sẽ cần giảm đi một vài cân để giúp chu kỳ kinh nguyệt trở lại bình thường.

2.5. Vận động quá sức là nguyên nhân chậm kinh

Một số chị em vì lý do nào đó, cần phải lấy lại vóc dáng một cách nhanh nhất. Thế là các chị đến phòng gym và bắt đầu luyện tập liên tục dẫn đến quá sức. Điều này thật sự không tốt cho cơ thể chút nào và là một trong những nguyên nhân gây trễ kinh. Tập thể dục rõ ràng là rất tốt cho sức khỏe và giúp bạn có được vóc dáng thon gọn cân đối, nhưng không có nghĩa là bạn có thể lạm dụng biện pháp này. Những bệnh nhân bị mất kinh đa phần là những vận động viên chạy marathon, vũ công ba lê, người hay luyện tập thể hình và những vận động viên chuyên nghiệp khác. Tóm lại, nếu bạn đang luyện tập một cách “quá chăm chỉ” và không bổ sung đủ lượng calo cần thiết, cơ thể bạn sẽ không thể sản xuất đủ estrogen để duy trì một chu kỳ kinh nguyệt bình thường

Tập thể dục điều độ giúp ổn định chu kỳ kinh nguyệt. Để khắc phục, bạn cần phải vận động chậm lại một chút, ăn nhiều hơn một chút và tập luyện ít đi một chút. Điều này sẽ giúp cho cơ thể bạn trở lại đúng hướng.

2.6. Căng thẳng, stress

Vùng dưới đồi, liên quan đến quá trình tạo ra estrogen trong kỳ kinh nguyệt, bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các hormone gây ra bởi stress, chẳng hạn như adrenaline và cortisol. Sự mất mát, sự ra đi của một người bạn, một công việc mới, một sự chia tay, hoặc bất kỳ điều gì đó khiến bạn căng thẳng đều là nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt.

Để hạn chế sự căng thẳng, bạn cần phải luyện tập lối sống thanh thản, vui vẻ, tinh thần lạc quan, suy nghĩ tích cực. Chỉ đến khi bộ não của bạn nhận ra rằng sự căng thẳng đã vơi đi và kết thúc, thì các chức năng cơ thể mới dần trở lại bình thường.

2.7. Chậm kinh do tác dụng phụ của thuốc

Nếu bạn được kê toa một loại thuốc mới, hoặc thay đổi liều lượng của các thuốc đang sử dụng, rất có thể đây là lý do khiến kỳ kinh nguyệt của bạn bị ảnh hưởng. Cụ thể, tác dụng phụ của một số thuốc trong các nhóm thuốc sau đây nhiều khả năng sẽ gây chậm kinh: thuốc chống trầm cảm, thuốc nội tiết tố, thuốc chống loạn thần, thuốc tránh thai, corticosteroids và thuốc dùng trong hóa trị.

Bạn hãy trao đổi ngay với bác sĩ điều trị về tình trạng trễ kinh và các loại thuốc đang sử dụng để có thể xác định chính xác nguyên nhân.

Chậm kinh do tác dụng phụ của thuốc
Nhiều loại thuốc có thể có tác dụng phụ gây chậm kinh.

2.8. Sử dụng chất kích thích

Uống quá nhiều rượu có thể ảnh hưởng đến hormone sinh sản, dẫn đến rối loạn kinh nguyệt. Bên cạnh đó, thói quen hút thuốc lá cũng là nguyên nhân chậm kinh ở một vài phụ nữ. Bởi lẽ, chất nicotine và khói thuốc lá có tác động xấu đến các cơ quan vùng chậu, làm giảm phân phối oxy đến khu vực xương chậu và ảnh hưởng đến lớp nội mạc tử cung. Không những thế, hút thuốc lâu ngày còn là nguyên do khiến các ống dẫn trứng gặp vấn đề, làm giảm chất lượng cũng như số lượng trứng và dẫn đến vô sinh.

Sử dụng chất kích thích là nguyên nhân gây trễ kinh. Hãy ngừng ngay việc uống rượu và hút thuốc lá để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Qua đó còn giúp hạn chế tình trạng chậm kinh và các vấn đề liên quan đến sinh sản.

2.9. Mãn kinh sớm cũng là nguyên nhân gây trễ kinh

Giai đoạn tiền mãn kinh của phụ nữ rơi vào khoảng sau 42 tuổi. Đây là lúc cơ thể bắt đầu tạo ra ít estrogen hơn, ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt. Mãn kinh sớm là khi phụ nữ ngừng kinh nguyệt ở độ tuổi trước 40. Một số thủ thuật y học như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị ở vùng bụng hoặc xương chậu có thể khiến bạn nhanh đến giai đoạn mãn kinh hơn.

Quý bạn đọc có thể tham khảo thêm thông tin về chủ đề này tại bài viết Rối loạn Mãn kinh - tiền mãn kinh.

2.10. Các bệnh phụ khoa

Một số bệnh phụ khoa cũng là nguyên do khiến chị em phụ nữ bị chậm kinh, chẳng hạn như u xơ tử cung, viêm lộ tuyến tử cung, suy buồng trứng, viêm buồng trứng,...

Để nhận biết được các bệnh lý nhạy cảm này thì chị em cần để ý quan sát, theo dõi chu kỳ kinh của mình, xem có những biểu hiện bất thường sau đây như: Máu kinh bị vón cục, có mùi khó chịu hay có màu sắc lạ hay không? Đồng thời, bạn nên theo dõi những dấu hiệu liên quan khác, ví dụ như, có bị đau bụng dưới âm ỉ hay không, dịch tiết âm đạo có màu bất thường không, hoặc vùng kín có mùi hôi hay không? Từ đó, hãy thẳng thắn trao đổi với bác sĩ phụ khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.

2.11 Mắc các bệnh mạn tính

Các bệnh mạn tính như đái tháo đường hoặc Celiac cũng có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt. Cụ thể, những thay đổi lượng đường trong máu có thể ảnh hưởng đến nội tiết tố, vì thế việc kiểm soát kém tình trạng đường huyết có thể gây bất thường trong kỳ kinh nguyệt.

Bệnh Celiac gây ra những tổn thương ở ruột non, khiến cơ thể không hấp thụ được các chất dinh dưỡng quan trọng, dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc chậm kinh. Ngoài ra, các bệnh lý mạn tính khác có thể gây rối loạn kinh nguyệt là hội chứng Cushing, hội chứng Asherman, tăng sản thượng thận bẩm sinh...

2.12. Buồng trứng đa nang

Hiện tượng trễ kinh có thể bắt nguồn từ buồng trứng đa nang. Căn bệnh này gây ra bởi sự rối loạn nội tiết tố ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, làm xuất hiện nhiều nang nhỏ trong buồng trứng và ngăn cản sự rụng trứng xảy ra. Hội chứng buồng trứng đa nang ảnh hưởng đến các hormone giải phóng trứng và là tác nhân xấu đối với khả năng sinh sản của người phụ nữ.

Kinh nguyệt không đều bắt nguồn từ bệnh buồng trứng đa nang nếu không được điều trị sớm, bệnh nhân có thể bị mất cân bằng hormone, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm khác, bao gồm: đái tháo đường, bệnh tim mạch và rối loạn sinh sản.

Hiện tượng trễ kinh có thể bắt nguồn từ bệnh buồng trứng đa nang
Hiện tượng trễ kinh có thể bắt nguồn từ bệnh buồng trứng đa nang

2.13. Nguyên nhân chậm kinh do vấn đề về tuyến giáp

Tuyến giáp là bộ phận giúp kiểm soát hormone, điều chỉnh sự trao đổi chất và tương tác với nhiều hệ thống khác trong cơ thể để đảm bảo mọi thứ đều diễn ra một cách cân bằng và đúng theo nhịp. Một vấn đề bất thường tại tuyến giáp như tuyến giáp hoạt động kém (suy giáp, nhược giáp) hoặc tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp) đều có khả năng gây ra những thay đổi trong kỳ kinh nguyệt của bạn.

2.14. Rối loạn nội tiết

Có thể nói rằng, nội tiết cân bằng thì kinh nguyệt đều đặn. Khi có bất thường nào đó xảy ra, khiến cho cả vùng dưới đồi, tuyến yên và buồng trứng hoạt động sai lệch, ệ nội tiết tố sẽ bị mất cân bằng, dẫn đến rối loạn kinh nguyệt.

2.15. Sử dụng biện pháp tránh thai

Khi vừa bắt đầu hoặc ngừng sử dụng một phương pháp tránh thai nội tiết nào đó cũng có thể gây ra những rối loạn kinh nguyệt. Chẳng hạn như thuốc tránh thai chứa hormone Estrogen và Progestin có thể ngăn buồng trứng giải phóng trứng. Ở một số người phải đến 3-6 tháng để chu kỳ kinh nguyệt trở lại bình thường sau khi ngừng uống thuốc tránh thai. Hoặc các phương pháp tránh thai khác như cấy hoặc tiêm cũng có thể gây trễ kinh

Cũng theo bác sĩ Lê Thị Phương, để giữ cho chu kỳ kinh nguyệt ổn định, hạn chế tình trạng trễ kinh và các nguyên nhân làm chậm kinh, chị em phụ nữ cần thay đổi những thói quen không tốt như uống rượu bia, hút thuốc lá, thức khuya, làm việc quá sức. Ngoài ra, chị em cần hạn chế vận động mạnh, tránh căng thẳng, duy trì cân nặng vừa phải, không tăng giảm cân đột ngột. Bên cạnh đó, cố gắng thiết lập chế độ sinh hoạt ăn uống hợp lý, luyện tập điều độ, cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi, đồng thời khám phụ khoa định kỳ để sớm phát hiện các bệnh lý và có hướng điều trị kịp thời.


Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm kinh nguyệt của phụ nữ, tuy nhiên rối loạn kinh nguyệt cũng có thể là biểu hiện của một số bệnh phụ khoa gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Khi có biểu hiện rối loạn kinh nguyệt kéo dài, chị em nên ĐẶT LỊCH KHÁM với bác sĩ phụ khoa để tìm ra nguyên nhân và có hướng điều trị kịp thời. Tại Vinmec, các bác sĩ giàu kinh nghiệm sẵn sàng giúp bạn chẩn đoán, đưa ra những tư vấn cũng như đảm bảo sự riêng tư cho mọi khách hàng. Nếu còn băn khoăn về triệu chứng của mình, hãy cung cấp thông tin để NHẬN TƯ VẤN ngay nhé!


  • Đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm: các bác sĩ tại đây đều là các Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ chuyên khoa I, II, Thạc sĩ được đào tạo bài bản, chuyên sâu tại các trường đại học lớn trong nước và quốc tế.
  • Thăm khám phụ khoa toàn diện: Cung cấp nhiều gói khám phụ khoa đa dạng từ tiền hôn nhân đến sau hôn nhân. Khách hàng sẽ được: Khám chuyên khoa phụ khoa, siêu âm tuyến vú hai bên, siêu âm tử cung, buồng trứng qua đường âm đạo, tổng phân tích nước tiểu bằng máy tự động và thực hiện xét nghiệm vô sinh, giang mai, tầm soát ung thư cổ tử cung giai đoạn tiền ung thư.
  • Hệ thống trang thiết bị hiện đại: Các thiết bị chẩn đoán, điều trị tối tân, hiện đại nhất thế giới, đều được nhập khẩu từ Mỹ, Anh, Đức, Nhật Bản và Singapore, sánh ngang tầm với các bệnh viện lớn trong khu vực.
  • Đảm bảo sự riêng tư cho bệnh nhân: Áp dụng mô hình khám chữa bệnh 1:1 (một bác sĩ - một bệnh nhân), mọi thông tin về bệnh lý được bác sĩ phân tích, đánh giá tỉ mỉ sau khi thăm khám được bảo mật tuyệt đối.

Để đăng ký khám và điều trị với các bác sĩ Khoa Phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ đến bệnh viện để được phục vụ.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.5M

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan