Khối u ung thư vú gây cảm giác như thế nào?

Ung thư vú là căn bệnh gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe. Nhận biết sớm các dấu hiệu ung thư vú là điều quan trọng nhất để đảm bảo hiệu quả điều trị bệnh. Vậy khối u ung thư vú gây cảm giác như thế nào?

1. Tầm quan trọng của việc tự kiểm tra khối u ung thư vú

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS) lưu ý rằng việc tự kiểm tra không có lợi ích rõ ràng đối với những phụ nữ thường xuyên chụp quang tuyến vú sàng lọc. Tuy nhiên, một số phụ nữ và đàn ông có thể phát hiện ra ung thư vú và được chẩn đoán mắc bệnh do một số khối u được phát hiện trong quá trình tự khám vú kiểm tra.

Với phụ nữ, điều quan trọng là bạn cần phải hiểu rõ về hình dáng bộ ngực của mình và kiểm tra vú thường xuyên. Điều này giúp bạn phát hiện được bất kỳ thay đổi hoặc dấu hiệu bất thường nào. Tất cả các khối u ở vú đều cần được chăm sóc y tế. Các khối u, vết sưng bất thường trong mô vú cần được bác sĩ kiểm tra. Phần lớn các khối u ở vú đều không phải là ung thư.

2. Khối u ung thư vú có cảm giác thế nào?

Không phải mọi khối u ung thư vú đều cho cảm giác giống nhau. Bác sĩ sẽ kiểm tra bất kỳ khối u nào xem nó có tương đồng với những triệu chứng phổ biến nhất được liệt kê dưới đây.

Thông thường, một khối u ung thư vú sẽ có các biểu hiện sau:

  • Là 1 khối cứng;
  • Không gây đau;
  • Có cạnh không đều;
  • Không di chuyển;
  • Xuất hiện ở phần trên bên ngoài vú;
  • Phát triển theo thời gian.

Không phải tất cả các khối u ung thư vú đều có những biểu hiện trên. 1 khối u ung thư có tất cả những đặc điểm này không phải là điển hình. Nó có thể có cảm giác tròn, mềm, có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trong vú. Trong một số trường hợp thì khối u thậm chí có thể gây đau.

Một số phụ nữ có mô vú dày đặc và xơ. Nếu ở trong trường hợp này thì việc cảm nhận khối u hay những thay đổi ở ngực có thể sẽ khó khăn hơn. Đồng thời, ngực dày nặng cũng khiến việc phát hiện ung thư vú trên phim chụp quang tuyến vú càng trở nên khó khăn hơn. Dù mô cứng hơn nhưng bạn vẫn có thể xác định được những khi bắt đầu có sự thay đổi ở vú.

3. Triệu chứng khác có thể có của bệnh ung thư vú

Ngoài khối u, người mắc ung thư vú còn có thể gặp một hoặc nhiều triệu chứng phổ biến sau:

  • Sưng một phần hoặc toàn bộ vú;
  • Tiết dịch núm vú (không phải là sữa mẹ nếu bạn đang cho con bú);
  • Kích ứng da;
  • Đỏ da vùng vú hoặc núm vú;
  • Da trên vú hoặc núm vú dày lên;
  • Núm vú tụt vào trong;
  • Sưng ở cánh tay hoặc dưới nách;
  • Sưng quanh xương quai xanh.

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào trong số này, bạn nên khám bác sĩ ngay (kể cả khi không có khối u ung thư vú). Trong nhiều trường hợp, những triệu chứng trên không phải là do ung thư gây ra. Tuy nhiên, bạn và bác sĩ có thể cần thực hiện một số xét nghiệm để tìm hiểu nguyên nhân gây ra những triệu chứng này.

4. Khi nào người bệnh nên đi khám bác sĩ?

Ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ. Tuy nhiên, hầu hết các khối u ở vú không phải là ung thư. Người bệnh nên đi khám bác sĩ nếu nhìn thấy hoặc cảm thấy có bất kỳ điều gì mới xuất hiện hoặc thay đổi bất thường ở vú trong quá trình tự kiểm tra.

Cho dù bạn có tự kiểm tra vú hay không thì bạn cũng nên trao đổi với bác sĩ về độ tuổi thích hợp để bắt đầu chụp quang tuyến vú nhằm tầm soát ung thư vú. Đồng thời, bạn nên tuân thủ các hướng dẫn sàng lọc ung thư vú để sớm phát hiện bệnh. Bệnh ung thư vú phát hiện càng sớm thì càng được điều trị sớm và cho tiên lượng tốt hơn.

Khi đến gặp bác sĩ, bạn hãy trao đổi với bác sĩ về vị trí mới của khối u mà bạn đã xác định, cá triệu chứng mà bạn cảm thấy. Bác sĩ có thể sẽ tiến hành một số biện pháp kiểm tra toàn bộ vú và các điểm lân cận (như cổ, xương đòn và vùng nách). Sau khi kiểm tra lâm sàng, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện các xét nghiệm bổ sung như chụp quang tuyến vú, siêu âm hoặc sinh thiết.

Bác sĩ cũng có thể đề nghị người bệnh nên theo dõi trong một khoảng thời gian. Trong lúc này, bác sĩ sẽ theo dõi xem khối u có bất kỳ thay đổi hoặc sự phát triển nào không. Nếu có, bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm để loại trừ ung thư. Người bệnh cần trao đổi trung thực với bác sĩ về vấn đề sức khỏe của mình. Nếu tiền sử cá nhân hoặc gia đình khiến bạn có nguy cơ cao mắc ung thư vú thì bạn có thể tiến hành các xét nghiệm chẩn đoán thích hợp để biết chắc khối u ở vú mình có phải là ung thư hay không.

5. Các yếu tố nguy cơ ung thư vú

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú. Một số yếu tố không thể thay đổi, trong khi những yếu tố khác có thể được kiểm soát nếu bạn thay đổi lối sống.

Những yếu tố nguy cơ gây ung thư vú gồm:

  • Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ cao xuất hiện khối u ung thư vú hơn nam giới;
  • Tuổi tác: Ung thư vú xâm lấn phổ biến hơn ở những phụ nữ trên 55 tuổi;
  • Tiền sử gia đình: Nếu người thân của bạn như mẹ, chị em gái hay con gái bạn bị ung thư vú thì nguy cơ mắc bệnh của bạn sẽ tăng gấp đôi;
  • Di truyền: Một tỷ lệ nhỏ bệnh ung thư vú có thể gây ra bởi các gene di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác;
  • Chủng tộc: Phụ nữ gốc Tây Ban Nha/Latinh và châu Á ít có nguy cơ mắc ung thư vú hơn so với phụ nữ da trắng và phụ nữ Mỹ gốc Phi;
  • Cân nặng: Thừa cân, béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú;
  • Tình trạng vú lành tính: Một số tình trạng vú lành tính có thể ảnh hưởng tới nguy cơ phát triển ung thư vú về sau;
  • Sử dụng nội tiết tố: Nếu bạn đã hoặc đang sử dụng liệu pháp thay thế hormone thì nguy cơ mắc ung thư vú của bạn có thể cao hơn;
  • Tiền sử kinh nguyệt: Có kinh sớm (trước 12 tuổi) có thể làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư vú;
  • Mãn kinh muộn: Mãn kinh muộn (sau 55 tuổi) có thể khiến bạn tiếp xúc với nhiều hormone hơn, làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú;
  • Mô vú dày đặc: Nhiều nghiên cứu cho thấy những phụ nữ có mô vú dày đặc có tỷ lệ cao bị ung thư vú hơn. Đồng thời, tình trạng này cũng khiến việc phát hiện, chẩn đoán sớm ung thư vú trở nên khó khăn hơn;
  • Lối sống ít vận động: Những phụ nữ không tập thể dục thường xuyên có tỷ lệ cao bị ung thư vú hơn nhóm người chăm chỉ vận động;
  • Sử dụng thuốc lá: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú, đặc biệt là ở những phụ nữ trẻ chưa đến thời kỳ mãn kinh;
  • Uống rượu: Nghiên cứu cho thấy uống một ít rượu có thể không sao nhưng uống nhiều rượu sẽ làm gia tăng nguy cơ ung thư vú.

6. Vài nét về bệnh ung thư vú ở nam giới

Hầu hết các trường hợp được chẩn đoán ung thư vú là ở phụ nữ. Tuy nhiên, đàn ông có mô vú nên cũng có thể phát triển ung thư vú. Dù vậy, tỷ lệ mắc ung thư vú ở nam giới chỉ là dưới 1%.

Triệu chứng ung thư vú ở nam giới cũng giống với triệu chứng ở phụ nữ. Đó là:

  • Xuất hiện 1 cục u ở 1 bên vú;
  • Núm vú tụt vào trong;
  • Đau núm vú;
  • Chảy dịch từ núm vú;
  • Đỏ, đóng vảy, vùng lõm trên da vú;
  • Đỏ, lở loét trên núm vú hoặc quanh núm vú;
  • Sưng hạch bạch huyết ở nách.

Cũng giống như phụ nữ, bệnh ung thư vú ở nam giới có thể lây lan, di căn tới các bộ phận khác trên cơ thể. Việc chẩn đoán ung thư ở giai đoạn đầu là rất quan trọng. Bằng cách này, bệnh nhân có thể nhanh chóng được điều trị bệnh.

Mặc dù ung thư vú hiếm gặp ở nam giới nhưng có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Người bệnh cần chú ý tới những nguy cơ này để làm giảm khả năng mắc bệnh tới mức thấp nhất.

7. Cách thực hiện tự kiểm tra khối u ung thư vú

Các kỹ thuật sàng lọc giúp người bệnh và bác sĩ xác định được những vấn đề bất thường ở vú. Chụp quang tuyến vú là 1 lựa chọn sàng lọc phổ biến. Ngoài ra, bạn có thể tự khám vú kiểm tra. Việc tự kiểm tra chính là một phần quan trọng trong việc phát hiện sớm ung thư vú. Bạn sẽ làm quen với hình dạng, kết cấu và kích thước của bộ ngực, phát hiện những vấn đề tiềm ẩn.

Cách tự kiểm tra vú như sau:

  • Chọn ngày: Nội tiết tố có thể ảnh hưởng tới cảm giác của bộ ngực. Do đó, bạn nên đợi vài ngày sau khi chu kỳ kinh nguyệt kết thúc thì mới tự kiểm tra vú. Nếu không có kinh nguyệt, bạn hãy chọn 1 ngày trên lịch mà bạn dễ nhớ (như ngày mùng 1 hoặc ngày 15 hằng tháng) và lên lịch tự kiểm tra;
  • Quan sát bên ngoài: Bạn hãy cởi áo và áo ngực, đứng trước gương, quan sát xem toàn bộ bầu ngực của mình trong như thế nào. Hãy kiểm tra để xem xét những thay đổi về hình dạng, kích thước, màu sắc và tính đối xứng của 2 bên vú. Bạn hãy nâng cả 2 cánh tay lên và lặp lại việc kiểm tra vú trực quan. Nên lưu ý tới những thay đổi về hình dạng và kích thước của bầu ngực khi bạn duỗi cánh tay ra;
  • Kiểm tra từng bên vú: Khi đã hoàn thành bài kiểm tra trực quan, bạn hãy nằm xuống giường hoặc ghế sofa, sử dụng phần đệm mềm của ngón tay để cảm nhận khối u, u nang hay các bất thường khác ở vú. Thao tác chuẩn là bắt đầu từ núm vú, lần tay dần ra bên ngoài, đến xương ức và nách theo hình xoắn ốc. Sau đó, lặp lại ở phía bên kia;
  • Bóp núm vú: Bạn hãy bóp nhẹ từng núm vú xem có tiết dịch hay không;
  • Kiểm tra lại khi tắm: Nước ấm và xà phòng có thể giúp việc tự kiểm tra vú dễ dàng hơn. Bạn hãy lướt các ngón tay trên ngực của mình, bắt đầu từ núm vú, lần tay ra ngoài theo hình xoắn ốc. Lặp lại tương tự với vú bên kia;
  • Ghi lại từng lần kiểm tra: Những thay đổi tinh tế trên vú có thể khó phát hiện nhưng việc ghi lại thành nhật ký có thể giúp bạn thấy được những diễn biến của bệnh tình. Bạn hãy ghi lại bất kỳ dấu hiệu bất thường nào ở vú và kiểm tra lại sau vài tuần. Nếu bạn phát hiện bất kỳ khối u nào ở vú thì nên đi khám bác sĩ ngay.

8. Những nguyên nhân khác có thể gây khối u vú

Ung thư vú không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra những khối u bất thường ở vùng ngực. Những nguyên nhân khác có thể là:

  • Sưng hạch bạch huyết;
  • U nang;
  • Nhiễm vi khuẩn, virus;
  • Phản ứng da khi cạo hoặc tẩy lông;
  • Phản ứng dị ứng;
  • Phát triển u xơ tuyến vú;
  • Tăng trưởng mô mỡ;
  • Ung thư hạch;
  • Bệnh bạch cầu;
  • Bệnh lupus;
  • Sưng hoặc tắc tuyến vú.

Một khối u ở nách hoặc vú có thể không phải là ung thư vú. Tuy nhiên, bạn vẫn nên trao đổi với bác sĩ về bất kỳ dấu hiệu bất thường nào ở những vùng da trên. Bác sĩ có thể hướng dẫn người bệnh đi khám sức khỏe, loại trừ nguyên nhân gây ra những khối u bất thường.

Tự khám vú là việc làm cần thiết nếu bạn muốn phát hiện sớm khối u ung thư vú. Nếu phát hiện có khối u vùng ngực hay có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, bạn nên nhờ tới sự tư vấn của bác sĩ. Bác sĩ có thể đề nghị người bệnh áp dụng các kỹ thuật kiểm tra xem khối u này có phải là ung thư hay không. Nếu bạn lo lắng về những triệu chứng mới xuất hiện, bạn hãy đề nghị bác sĩ nên thực hiện các xét nghiệm bổ sung để chẩn đoán xác định khối u.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

130 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan